Bệnh dại trên vật nuôi gia tăng, TP.HCM tăng cường kiểm soát

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, hiện có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại hơn 105.000 hộ. Trong đó ở 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) có hơn 63.000 con, chiếm khoảng 35% tổng đàn.

Trong tổng đàn chó tại TP.HCM, có hơn 29.000 con chó lai, hơn 26.000 chó ngoại và hơn 121.000 chó ta, chiếm gần 67% tổng đàn. Như vậy nếu các ngành chức năng cũng như chủ nuôi quản lý không tốt sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là trước tình trạng hiện nay số bệnh dại trên động vật nuôi đang có chiều hướng gia tăng. 

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM.

 

TP.HCM tăng cường biện pháp kiểm soát chó mèo để phòng chống bệnh dại. Ảnh: HTV

PV: Trước tình trạng bệnh dại trên động vật nuôi đang có chiều hướng gia tăng ở một số tỉnh thành, trong đó có TP.HCM, để quản lý vật nuôi, ngành Thú y TP.HCM sẽ triển khai những giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới, đặc biệt là những biện pháp chế tài?  

Ông Nguyễn Hữu Thiết: Chi Cục Thú y đã triển khai đồng bộ một số giải pháp. Thứ nhất, trong công tác tuyên truyền, chi cục đã phối hợp với UBND các quận huyện, Thành phố Thủ Đức và các đoàn thể, hội nông dân tổ chức lớp tập huấn cho người dân về công tác phòng chống bệnh dại thông qua nhiều hình thức như phát tờ rơi in bằng tiếng Việt và tiếng Hoa, phát loa trên Đài tiếng nói nhân dân Thành phố cũng như phát loa trên các tuyến quận huyện. Đồng thời, cũng đưa vào tuyên truyền trong học đường đối với các trường học để lan tỏa ý thức tiêm phòng đối với giới trẻ.

Đặc biệt trọng tâm của một số nội dung tuyên truyền là phải nhấn mạnh về công tác nuôi chó, mèo, như việc khai báo với chính quyền địa phương, khi vận chuyển chúng ra khỏi tỉnh thì phải đăng ký kiểm dịch để các tỉnh kết hợp với nhau để quản lý được số lượng tổng đàn cũng như quản lý tình hình dịch.

Thứ hai, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về việc nuôi chó phải thực hiện trong khuôn viên gia đình, đảm bảo nơi nhốt và điều kiện vệ sinh thú y, bảo đảm vệ sinh môi trường. Khi dẫn dắt ra nơi công cộng, phải sử dụng dây xích, rọ mỏm và có người chăn dắt để đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Khi nuôi chó, mèo, phải có ý thức tiêm phòng dại hàng năm để đảm bảo ễn dịch phòng chống bệnh dại.

PV: Ông có những lời khuyên hay khuyến cáo nào cho người dân khi nuôi thú cưng như chó, mèo làm sao để phát hiện kịp thời nếu thú nuôi có vấn đề bất thường?

Ông Nguyễn Hữu Thiết: Khi có dấu hiệu bất thường trong quá trình nuôi thú như vật nuôi sợ ánh sáng, trốn tránh, hoặc có những động thái vội vã, hoặc nuốt khó... thì chúng ta phải báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Thú y gần nhất để có biện pháp xử lý và can thiệp kịp thời.  

PV: Công tác triển khai tiêm phòng cho thú nuôi trên địa bàn Thành phố được triển khai như thế nào, thưa ông?

ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM

Ông Nguyễn Hữu Thiết: Hiện nay, Chi cục Thú y hàng năm có tổ chức phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện tổ chức tiêm phòng cho gia súc trong những đợt cao điểm như mùa nắng nóng từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, hoặc tiêm phòng bổ sung suốt năm. Kết quả hàng năm, tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 90% đối với số tổng đàn của chó nuôi cũng như trên 90% các hộ nuôi.

Ngoài ra, quản lý chặt chẽ các hệ thống phòng khám thú y tư nhân để quản lý số liệu của những chó đã tiêm phòng tại những phòng khám đó.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đánh giá tỷ lệ tiêm phòng. Sau những đợt tiêm phòng, Chi cục đã tổ chức lấy mẫu để kiểm tra kháng thể và đánh giá xem liệu những con thú đó có đạt được mức độ bảo hộ dịch bệnh hay không. Đối với các nhóm tiêm phòng tại thực địa cũng như các phòng khám thú y.

PV: Trước tình trạng bệnh dại đang tăng trên thú nuôi đe dọa đến sức khỏe của con người, vậy ngành Thú y Thành phố đã phối hợp với các đơn vị kiểm soát ra sao?

Ông Nguyễn Hữu Thiết: Để đảm bảo cho công tác quản lý, chi cục Thú y cũng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của thành phố thông tin qua lại với nhau về tình hình người bị chó cắn, để chúng tôi có thể rà soát lại những khu vực mà người bị chó cắn để phối hợp tiêm phòng chặt chẽ trong khu vực đó. Cùng với đó, thông tin những trường hợp mà chó bị chết do bệnh dại qua Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật HCDC để phối hợp xử lý dịch bệnh.

Một giải pháp nữa là chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường, xã tập huấn hình thành những tổ bắt chó thả rông trên phường, xã theo Quyết định số 07/2016. Bước đầu hiện nay đã hình thành được 59 tổ bắt chó thả rông trên 13 quận, huyện, từ đó góp phần giảm tỷ lệ chó thả rông ra ngoài đường ngày càng ít

PV: Vâng, xin cảm ơn ông