Bé 3 tháng tuổi nhiễm nCoV được điều trị thế nào?

Ca này lây từ bà ngoại sang cháu, người bà lại lây từ con gái từ Vũ Hán trở về. Đây là ca lan sang F3, cháu bé mới 3 tháng tuổi.

Việc phân tuyến điều trị đều được thực hiện “4 tại chỗ” cắt đường lây, không để lây truyền dịch bệnh tiếp

Trưa 11/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có những thông tin cập nhật về kết quả điều trị nCoV tại Việt Nam hiện nay, cũng như mô hình phân tuyến cách ly, điều trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của ngành với Vĩnh Phúc, địa phương được coi là “tâm dịch” của Việt Nam.

PV: Thưa Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, ông cho biết cập nhật tính đến nay về kết quả điều trị nCoV tại Việt Nam?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Chúng ta hiện nay đã có ca bệnh nCoV thứ 15, xuất phát từ huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, một điểm dịch. Ca này lây từ bà ngoại sang cháu, người bà lại lây từ con gái từ Vũ Hán trở về. Đây là ca lan sang F3, cháu bé mới 3 tháng tuổi. Bệnh có ở mọi lứa tuổi: cao tuổi nhiều bệnh nền, thanh niên nam nữ và cả nhi khoa. 

Một thông tin mới nhất rất đáng mừng, ông bố người Trung Quốc điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy có xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân đã khỏe, tự sinh hoạt, không phải trợ thở, các chỉ số bình thường, sẽ được tiễn ra viện sớm. Chúng ta cũng biết, 3 bệnh nhân ở BV Nhiệt đới Trung ương cũng đã được tổ chức ra viện.

Như vậy, hiện nay, trong 15 người bệnh, đã điều trị khỏi 2 bệnh nhân ở BV Chợ Rẫy, 1 bệnh nhân ở Khánh Hòa, 1 bệnh nhân nữ ở Thanh Hóa, 3 bệnh nhân ở Hà Nội, các vùng ền có bệnh nhân thì đều có người được chữa khỏi.

PV: Cục trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về tình trạng và hướng điều trị cho bệnh nhi 3 tháng tuổi vừa phát hiện ở Bình Xuyên?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hiện nay, cháu chưa có biểu hiện lâm sàng ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ cử chuyên gia xuống hỗ trợ về chuyên môn, trong đó có bệnh viện Nhi Trung ương đầu ngành về vấn đề này, sẵn sàng tiếp nhận cháu về điều trị nếu có biểu hiện lâm sàng thay đổi nặng lên với bệnh nhi.

PV: Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đang là điểm dịch nCoV tại Việt Nam, khi đoàn công nhân trở về từ Vũ Hán đã lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Bộ Y tế có hỗ trợ như thế nào với địa phương?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Phó Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập một tổ thường trực giúp cho Vĩnh Phúc, trong đó có các bác sĩ y tế dự phòng, môi trường, khám bệnh, chữa bệnh, đội cơ động phản ứng nhanh tới đây sẽ lên làm việc ở Vĩnh Phúc, chi viện tất cả những gì Vĩnh Phúc cần.

PV: Việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện Việt Nam ra sao để khống chế tốt dịch nCoV, thưa Cục trưởng?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Chúng ta cần thực hiện “4 tại chỗ” cắt đường lây, không để lây truyền dịch bệnh tiếp. Tuyến Trung ương sẽ giúp các bệnh cảnh nặng và các khu vực. Tuyến tỉnh cần sẵn sàng đáp ứng. Tuyến huyện thì tới đây chúng ta sẽ công bố có năng lực chữa khỏi bệnh. Sau đấy, khỏi rồi, đưa về cộng đồng, tuyến xã có trách nhiệm theo dõi cùng các cơ quan chính quyền để động viên, chăm sóc những người bệnh này.

PV: Cảm ơn Cục trưởng đã chia sẻ.