Bảo tàng Quốc gia bị biến thành... nhà hàng

VOVGT - Vừa qua có phản ánh tình trạng một phần Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một số bảo tàng khác bị biến thành nhà hàng, nơi tổ chức tiệc cưới.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Từ nhiều năm quá, không chỉ các doanh nghiệp cho thuê đất sai quy định, mà theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiều bộ ngành được cấp đất cũng cho thuê, liên doanh trái quy định. Cụ thể, theo một báo cáo của Bộ Tài Chính vào cuối năm 2015 về việc sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước ở 30/47 bộ ngành, tổ chức và 10/17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở TP.HCM, các cơ quan trên đang nắm tới 1.542 cơ sở nhà đất riêng ở TP.HCM, thuộc diện đã được phê duyệt phải sắp xếp lại.

Trong số cơ sở, nhà đất trên, chỉ thu hồi được 67 trường hợp, chuyển mục đích sử dụng 50 trường hợp và chuyển giao ngành nhà đất TP.HCM quản lý 214 trường hợp. Trong đó, nhiều bộ ngành vẫn cho thuê, liên doanh liên kết đất, nhà cửa... thuộc sở hữu nhà nước không đúng quy định sau khi cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt xong phương án sắp xếp lại.

Hai bên cổng vào Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được 2 quán phở và cà phê thuê lại để kinh doanh. Ảnh: Như Ý.

Mới đây nhất, theo phản ánh của báo chí, đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (tại 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, vì không gian văn hoá đặc trưng của bảo tàng đã bị chiếm dụng thành quán nhậu, trung tâm tổ chức tiệc cưới. Và trong một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL đã lên tiếng về tình trạng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho thuê làm nhà hàng, tiệc cưới. Ông Nguyễn Thái Bình khẳng định, quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL là phải kiên quyết sắp xếp lại dịch vụ tại đây theo hướng thực sự phù hợp với không gian văn hoá của bảo tàng.

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tình trạng này không chỉ xuất hiện ở bảo tàng mà còn diễn ra tại nhiều địa điểm văn hóa khác. Trách nhiệm ở đây trước hết thuộc về cơ quan quản lý văn hóa, kế đến là trách nhiệm của những người đứng đầu tổ chức, đơn vị có bảo tàng.

Để chấn chỉnh tình trạng này, cơ quan quản lý văn hóa cần vào cuộc chấn chỉnh, thậm chí phải kiểm tra xem nguồn thu ấy có nộp vào ngân sách nhà nước hay bỏ vào túi một số cá nhân? Những trường hợp sử dụng sai mục đích phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước và cụ thể là phải chịu trách nhiệm thế nào? Ngoài ra, cần đầu tư nhiều hơn cho việc trưng bày hiện vật, phát huy các giá trị của các hiện vật đó thay vì đi đầu tư để cho thuê kinh doanh dịch vụ sai mục đích.

Cùng bình luận với VOV Giao thông Quốc gia về vấn đề này, Nhà báo Huy Thọ - Phó tổng TKTS báo Tuổi Trẻ TPHCM cho rằng, không chỉ ở các bảo tàng, mà trong nhiều năm qua, tại một số cơ quan, bộ ngành tại TPHCM có xảy ra tình trạng sử dụng đất công sai quy định, để cho thuê mặt bằng, kho bãi, đó là một sự thất thoát tài sản của Nhà nước. Và để giải quyết vấn đề này, việc quản lý Nhà nước cần phải chặt chẽ, cụ thể hơn.

 

Để chấn chỉnh tình trạng này, vào cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Theo đó, bên cạnh tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên, đầu tư xây dựng cơ bản, còn tập trung nhiều lĩnh vực khác… như đất đai, trụ sở, nhà công vụ giao cho các đơn vị phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm. Để nâng cao hiệu suất sử dụng nhà công vụ, bản dự thảo chương trình này đề nghị thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng; Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, kiên quyết thu hồi nhà đất sử dụng cho thuê, mượn, liên kết… không đúng quy định.