Báo động tai nạn điện mùa mưa bão

Mùa mưa bão mỗi năm trên địa bàn cả nước luôn ghi nhận các vụ tai nạn và sự cố điện nghiêm trọng. Minh chứng là liên tiếp các vụ tai nạn điện thương tâm xảy ra trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hướng dẫn người dân nuôi tôm tại Cà Mau sử dụng điện an toàn, phòng tránh tai nạn. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo thống kê, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu sử dụng điện cho việc nuôi tôm, phục vụ các vườn trồng thanh long, hay sinh hoạt thường nhật của người dân… tăng nhanh qua các năm.

Tuy nhiên, con số này cũng tỉ lệ thuận với số vụ tai nạn điện thương tâm. Cứ vào mùa mưa bão, bà con lại mang nỗi ám ảnh về những cái chết “bất thình lình” vì điện:

“Cái này là sử dụng dây điện không chất lượng, vỏ của dây điện nó bị bong ra mà nhìn mắt thường không biết khi chạm vào thì  gây cái chết thương tâm.”

“Kéo điện vượt sông nguy hiểm, có bữa gác đại lên nhánh xoài, mưa bão nó rớt xuống.”

“Năm rồi gãy một cây, mới gãy một cây... mà còn dấu hiệu 2 - 3 cây trụ điện muốn gãy nữa. Nguy hiểm lắm!”

Trước sự bất an của người dân, ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện, nhưng vẫn có hàng trăm ca tử vong vì tai nạn điện xảy ra mỗi năm.

Theo Tổng công ty Điện lực ền Nam (EVNSPC), năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, tại 21 tỉnh thành ền Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau) đã xảy ra 53 vụ tai nạn điện, làm chết 14 người và bị thương 54 người.

Riêng tại Cà Mau, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 14 vụ, khiến 14 người tử vong và bị thương 1 người; so với cùng kỳ năm 2019 tăng 2 vụ, tăng 3 người chết. Đáng nói, trong 14 vụ tai nạn điện thì có đến 10 vụ do bất cẩn trong sinh hoạt.

Ông Thiều Văn Minh - Phó Giám đốc Công ty điện lực Cà Mau nhận định: “Người dân hiểu biết có giới hạn nhưng rất chủ quan không tham vấn cán bộ kỹ thuật để nó an toàn nên xảy ra tai nạn thương tâm.”

Trước thực trạng trên, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo “nóng” yêu cầu ngành hữu quan nghiêm túc rút kinh nghiệm và kiên quyết không để tái diễn. Được biết, các địa phương khác tại ĐBSCL cũng đẩy mạnh nhiều giải pháp để phòng tránh tai nạn điện.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Giám đốc Công ty Điện lực TP Cần Thơ thông tin, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có các đội xung kích ứng trực, liên kết để hỗ trợ lẫn nhau: “Khi giông lốc xảy ra, đội xung kích địa phương sẵn sàng xử lý, Công ty sẽ có đội xung kích hỗ trợ nữa. Chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực ền Nam thì có Ban phòng chống bão lụt khu vực An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, …khi có sự cố lớn xảy ra có thể hỗ trợ lẫn nhau.”

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường nơi cô gái bị điện giật tối 18/8. Ảnh: Vnexpress

Không chỉ ở nông thôn, cư dân thành thị cũng lắm bất an và lo sợ trước những sự cố điện. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 18/8 vừa qua trên đường Tô Vĩnh Diện, phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An, Bình Dương.

Theo đó, hai cô gái cùng bé trai hai tuổi chở nhau bằng xe máy qua tuyến đường trên đang ngập hơn nửa mét nước trong mưa lớn thì ngã xuống sát trụ điện, la hét kêu cứu. Hậu quả cô gái 19 tuổi đã tử vong, hai người còn lại bị thương. Nguyên nhân ban đầu xác định do bị điện giật.

Vụ tai nạn đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác tác quản lý hạ tầng kỹ thuật về điện. Bởi chỉ một cơn mưa lớn vài tiếng đồng hồ, nhiều tuyến đường đã “hóa sông” tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tâm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại TP HCM, công tác khắc phục các điểm ngập nước trên địa bàn cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP HCM nhấn mạnh: “Chúng tôi xin khẳng định đã giảm ngập đến nay 126 tuyến, còn 22 tuyến có hiện tượng ngập. Trong thời điểm mưa, thời gian ngập trong vòng 15-20 phút đã giải quyết được vấn đề ngập này”.

Rõ ràng, cùng với việc tìm lời giải cho bài toán chống ngập, khắc phục tình trạng triều cường “nhấn chìm” nhiều tuyến đường, thì vào mùa mưa bão, TP HCM nói riêng và cả nước nói chung cần đẩy mạnh kiểm tra toàn bộ lưới điện; xử lý ngay những vị trí, các điểm không đạt tiêu chuẩn quy định an toàn.

Có như vậy, mới đảm bảo an toàn cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong tất cả các tình huống.

Ngoài ra, hơn lúc nào hết mỗi người phải nâng cao ý thức, chủ động ngăn ngừa tai nạn và sự cố điện nghiêm trọng, bảo vệ bản thân và gia đình.

---

Mời các bạn nghe lại nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 26/8 tại đây: