Bài tập gì lắm thế?

Một phụ huynh có con học tiểu học, than phiền: không biết cho con làm bài tập lúc nào mới đủ thời gian? Học chính khóa hay học thêm đều có bài tập về nhà, dưới dạng sách thực hành, vở bài tập, phiếu ôn luyện, chưa kể bài tập trên mạng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Cuối tuần, nhẽ ra được vui chơi thư giãn, thì nhiều cháu “bò” ra làm bài tập về nhà, vì các lớp đều có xu hướng giao nhiều bài hơn vào ngày nghỉ, hoặc các dịp sát kỳ thi, thầy cô sợ các con mải chơi, quên kiến thức.

Thương con, và chính mình cũng áp lực trước một loạt “gạch đầu dòng” mà thầy cô giáo căn dặn, nhưng nhiều bố mẹ cũng bối rối, chẳng biết làm sao. Trong khi lũ trẻ cứ chạy cật lực theo vòng tròn đã được lập trình sẵn.

Các bố mẹ ạ, vẫn biết áp lực là một phần không thể thiếu để buộc chúng ta phải cố gắng vượt lên chính mình, và con trẻ cũng nên làm quen dần với điều đó, theo một cách tích cực. Nhưng nếu sức ép đó không đến từ nhận thức tự giác hay động lực tự thân, thì rất dễ phản tác dụng.

Không phải đứa trẻ nào cũng đủ mạnh dạn để nói ra những vấn đề mà chúng gặp phải. Bố mẹ là người hiểu con mình hơn ai hết. Hãy mạnh dạn trao đổi với thầy cô giáo về mức độ đáp ứng của con đối với bài tập được giao, về quan điểm và mức độ ưu tiên của gia đình trong nuôi dạy con, để tránh những áp lực không đáng có.

Rèn luyện thường xuyên bằng cách làm bài tập củng cố là rất cần thiết. Nhưng nên để trẻ làm bài tập về nhà theo khả năng của mình, trên cơ sở ưu tiên cho sự phát triển đồng đều đức-trí-thể-mỹ, chứ không chỉ có tri thức. Trẻ cần được người lớn hướng dẫn, đồng hành, nhưng cũng rất cần được trao quyền chủ động trong việc lựa chọn những thứ liên quan đến mình.

Làm cho trẻ cảm thấy chúng thực sự được tôn trọng, đó cũng là cách tốt nhất để dạy một đứa trẻ biết tôn trọng mọi người và mọi thứ xung quanh./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: