Asanzo họp báo công bố kết luận thanh tra, tuyến bố hoạt động trở lại

Sáng nay (17/9), Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo đã tổ chức họp báo công bố kết luận tranh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, đồng thời tuyên bố mở cửa nhà máy trở lại hoạt động bình thường.

Buổi họp báo được Asanzo tổ chức vào 10h sáng 17/9

Theo Luật sư Trần Đức Hoàng, đại diện pháp lý của Asanzo thì các cáo buộc nhằm vào Asanzo hiện nay có 3 nội dung chính: Asanzo giả xuất xứ hàng hóa, sai phạm về xuất nhập khẩu và lừa dối người tiêu dùng.

Do đó, trong buổi họp báo sáng 17/9, Asanzo đã công bố:

Thứ nhất, Asanzo không giả xuất xứ hàng hóa: Tổng cục quản lý thị trường và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản kết quả kiểm tra, xác nh đối với Asanzo. Theo đó, Tổng cục quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa. 

Tổ công tác của VCCI cũng có kết luận “các sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, Asanzo không sai phạm về xuất nhập khẩu: Cục kiểm tra, được cử bởi Tổng cục Hải quan sau thông quan đã có kết luận chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan của Asanzo. Theo đó, ngày 5/9, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn cho Asanzo, nêu rõ “Cục kiểm tra sau thông qua (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kiểm tra sau thông quan tại trú ở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15/8/2019 gửi công ty”.

Như vậy, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm vể xuất nhập khẩu.

Ông Phạm Văn Tam, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo phát biểu tại buôi họp báo

Thứ ba, Asanzo khẳng định không lừa dối người tiêu dùng: Theo Asanzo, về cáo buộc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” là lừa dối người tiêu dùng, công ty đã xin phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM sử dụng slogan này và được đồng ý.

Trên thực tế, Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy – công ty con tại Hong Kong của tập đoàn Sharp (Nhật Bản). Ngày 12/9, Sharp Roxy đã có văn bản tuyên bố công ty đã và đang hợp tác với Asanzo.

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo cho biết, tính từ ngày 21-6 cho tới nay, công ty đã chịu thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng do tạm đóng cửa nhà máy, trì hoãn các hoạt động mua bán trong nước: “Trong 89 ngày, con số thiệt hại rơi vào khoảng hơn 1000 tỷ, chưa kể con số mà chúng tôi phải xây dựng lại niềm tin, xây dựng lại đối tác. 20 năm tôi xây dựng thương hiệu, nhưng gần như trong 89 ngày, chúng tôi bị đưa về vạch xuất phát, về con số không”.

Bên cạnh việc công bố kết luận thanh tra, ông Tam cũng thông báo về việc sẽ đưa các nhà máy sản xuất của Asanzo trở lại hoạt động bình thường.

Liên quan tới thông cáo 14 công ty mua bán hàng hóa với Asanzo đã bỏ trốn từ cục Hải quan, Luật sư Trần Đức Hoàng khẳng định Asanzo không có mối quan hệ sở hữu với các công ty này, ngoài các giao dịch mua bán. Ông Phạm Văn Tam cũng thừa nhận có sơ suất trong khâu quản lý đầu vào trong 5 năm phát triển. Ông Tam khẳng định Asanzo sẽ quản lý đầu vào thật chặt trong thời gian tới.

Buổi họp báo của Asanzo diễn ra trong 1 tiếng đồng hồ và không có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước.