Ai chậm thì chậm, mình phải nhanh

Vẫn biết rằng, có những lúc muốn đi đúng luật ở chốn thị thành cũng rất khó và ai cũng sẽ có những lúc vội nên phải chọn cách đi cho lẹ, cho nhanh. Tuy nhiên, “dục tốc” thì thường “bất đạt” nếu chúng ta bỏ qua các quy định, quy tắc trong tham gia giao thô

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Bạn tôi năm nay đã ngoại tứ tuần và có mười mấy năm kinh nghiệm lái xe. Thế nhưng, mỗi khi ngồi chung xe mà cậu ấy cầm lái là tôi tim tôi muốn bắn ra ngoài.

Đã không ít lần, dù tín hiệu đèn xanh chỉ còn 1-2 giây, phía trước là đủ loại phương tiện đan xen vào nhau, nhưng cậu ấy vẫn nhấn ga để vượt.

Có đận, cả “rừng người, rừng xe” đều bị chôn chân bởi một sự cố va chạm giao thông, nhưng như một phản xạ vô điều kiện, cậu ta ra sức chèn ép, “khóa đuôi”, “cắt mặt”… các phương tiện khác, ễn sao… mình phải nhanh hơn người khác.

Cũng bởi thói quen này mà tam phen, tứ đận cậu ta phải “vác” xe vào gara, hoặc bồi thường thiệt hại cho những các phương tiện khác mà cậu ta đâm, va phải.

Những tưởng sau mỗi lần tiền mất tật mang, cậu ấy sẽ rút ra được nhiều bài học xương máu cho bản thân. Nhưng “sợi dây kinh nghiệm” càng rút lại càng dài ra, bởi thói quen khó bỏ trong con người cậu đã trở thành tật xấu.

Một ngày đẹp trời, cậu ta lướt mạng, đọc báo thấy thông tin có 16 nghìn tài xế bị phạt “nguội” trong một năm qua. Như có linh cảm không lành, cậu ta lọ mọ vào “tra cứu xe vi phạm” trên hệ thống của Cảnh sát giao thông thì tá hỏa phát hiện chiếc xe ô tô mà cậu điều khiển đã 9 lần vi phạm trong vòng một tuần, với cùng một lỗi. 

Hơn 40 triệu đồng tiền phạt và bị tước giấy phép lái xe 3 tháng là hình phạt đủ sức răn đe và “giã” thẳng vào “nồi cơm kinh tế” của gia đình cậu. Một cái kết không thể “đắng” hơn cho những lần “ai chậm thì chậm, còn mình phải nhanh!”.

Các bạn thân mến. Câu chuyện người viết vừa kể chỉ là một thí dụ điển hình trong số hàng ngàn trường hợp bị lực lượng chức năng xử phạt “nguội”, mà nguyên nhân của nó xuất phát từ tư duy và thói quen phổ biến rất nhiều người – đó là “ai chậm thì chậm, còn mình phải nhanh”.

Vẫn biết rằng, có những lúc muốn đi đúng luật ở chốn thị thành cũng rất khó và ai cũng sẽ có những lúc vội nên phải chọn cách đi cho lẹ, cho nhanh. Tuy nhiên, “giục tốc” thì thường “bất đạt” nếu chúng ta bỏ qua các quy định, quy tắc trong tham gia giao thông. 

Vậy nên, nếu còn tâm lý và thói quen “ai chậm thì chậm, còn mình phải nhanh” thì cần phải loại bỏ ngay đi, bạn nhé!

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: