98% cha mẹ không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô

Sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô có thể giúp giảm từ 25-90% thương tích hoặc tử vong nếu không may xảy ra va chạm giao thông. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là theo một nghiên cứu tại Việt Nam, chỉ có chưa đầy 2% phụ huynh sử dụng thiết bị này cho trẻ em.

Điều này, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho trẻ em và có thể làm gia tăng gánh nặng y tế, kinh tế cho đất nước.

Ảnh nh hoạ

Chị Quỳnh Anh, ở Bắc Giang chia sẻ, bố mẹ chị đã mua qua mạng một chiếc ghế trên ô tô cho trẻ em với giá vài trăm nghìn đồng. Chiếc ghế trông không được chắc chắn cho lắm. 

Tuy nhiên, vào mỗi dịp cả gia đình đi chơi xa, con trai chị Quỳnh Anh thường được ông bà bế trong lòng: "Có những lần mình lấy xe bà ngoại, bà không mang ghế, mình đều cài dây an toàn cho con, bây giờ con hơn 1 tuổi, con hoàn toàn có thể ngồi ghế bên cạnh mẹ. Mình cũng không khuyến khích ngồi ở ghế phụ và cài dây an toàn vì nhận thức của con hiện tại chưa đủ để giữ an toàn cho con ngồi yên một mình 1 ghế. Trường hợp bất đắc dĩ mình phải cho con ngồi 1 mình ở ghế phụ thay vì vừa lái, vừa bế vừa lái xe thì không được phép".

Tình trạng các phụ huynh không sử dụng ghế dành riêng cho trẻ em hay các thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô xảy ra khá phổ biến. Không ít trường hợp, trẻ em đứng, ngồi tự do trong xe mà không có bất kỳ một thiết bị nào để đảm bảo an toàn, nhiều trường hợp, bố/ mẹ còn cho con nhỏ ngồi cùng ghế lái.

Trong khi đó, chỉ cần gõ từ “ ghế trẻ em” trên shopee, có hàng trăm mẫu mã ghế trẻ em trên ô tô hiện ra với mức giá từ 89 nghìn đồng đến 3 triệu đồng với đủ màu sắc, kích cỡ khác nhau, nhưng người mua không thể kiểm chứng chất lượng.

Theo một nghiên cứu năm 2020-2021 của trường Đại học Y tế Công cộng, qua quan sát 15 nghìn phương tiện ô tô ở nhiều địa điểm khác nhau, chỉ có 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em, trong đó, Hà Nội là 2,6%, tỷ lệ này 1,1% ở Tp.HCM và 0% tại Đà Nẵng.

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng

Phân tích về trường hợp cho trẻ ngồi ở vị trí không an toàn trên xe ô tô, PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng nhấn mạnh: "Trong Luật cũng đã quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi ghế đằng trước, nhưng ở Việt Nam trẻ ngồi đằng trước rất nhiều chiếm tới 19-20% đặt ra vấn đề đứa trẻ có thể mất an toàn. Nếu xe nào có túi khí, khi va chạm bị bung ra, lực đẩy của túi khí vào ghế ngồi hàng đầu rất lớn, thậm chí có nhiều người lớn bị ngất"

Thiết bị an toàn trên xe ô tô bao gồm ghế dành cho trẻ em theo đúng lứa tuổi, cân nặng, đệm nâng, dây đai an toàn.  Ông Cường cho rằng, sở dĩ tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em hiện nay đang ở mức thấp là do Việt Nam chưa có những quy định bắt buộc và nhiều bậc phụ huynh chưa ý thức đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Một số mẫu ghế trên ô tô cho trẻ em

Tỷ lệ sở hữu xe con tại Hà nội giai đoạn 2014-2018 vào khoảng 113,7%. Trong bối cảnh, số lượng sở hữu xe ô tô tại Việt Nam ngày càng nhiều và sự gia tăng nhanh chóng số lượng đường cao tốc, đường quốc lộ, thì nguy cơ xảy ra va chạm giao thông ngày càng cao.

Phát biểu tại Hội thảo mới đây, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết: "Tính đến ngày 14/9/2024, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em là 1.957 vụ, làm chết 783 người và làm bị thương 2.018 em, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 176 vụ và làm 70 người chết, tăng 231 người bị thương. Tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và tai nạn thương tích diễn biến phức tạp thiệt hại liên quan đến sức khỏe, tính mạng của các em để lại hậu quả khôn lường".

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an

Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông và hạn chế những tai nạn đáng tiếc, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định, từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp với trẻ.

Theo bà Hoàng Na Hương, Phó Chủ tịch Quỹ Thương vong châu Á, quy định này rất quan trọng vì sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi ô tô: "Một số nghiên cứu chúng tôi có sử dụng về dây an toàn và thiết bị an toàn, dây an toàn trên ô tô có thể giảm 70% chấn thương nghiêm trọng và 40% khả năng tử vong cho người ngồi trên xe ô tô nhưng ở Việt Nam chưa thực hiện nghiên cứu sâu về nội dung này. Tôi hy vọng trước ngày quy định sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô có hiệu lực chúng ta có những hoạt động và song hành có những nghiên cứu riêng cho Việt Nam để những thông tin tuyên truyền thuyết phục hơn, sẽ phù hợp hơn đối với môi trường giao thông và thói quen của người dân"