Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Kiên quyết, mạnh tay với nạn ăn xin

Phóng viên - 21/01/2022 | 7:05 (GTM + 7)

Bị chăn dắt hay lười lao động? Dù được nhà nước giúp đỡ nhưng một thời gian các đối tượng lại hành nghề cũ “ăn xin”. Đã đến lúc cần quyết tâm của cả chính quyền và cộng đồng trong việc dẹp nạn ăn xin đường phố.

Sau thời gian tạm lắng vì dịch Covid-19, nạn ăn xin lại tái diễn, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Nhất là thời điểm cận tết, vấn nạn này càng nhức nhối hơn với nhiều biến tướng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Một người ăn xin trên đường Lê Đại Hành, quận 11, TP HCM. Ảnh:
Một người ăn xin trên đường Lê Đại Hành, quận 11, TP HCM. Ảnh: Người lao động

Những năm qua, dù các địa phương đã có nhiều giải pháp nhưng nạn ăn xin vẫn có “đất diễn” tại nhiều ngã tư, tuyến đường, trục quốc lộ để “hành nghề”, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Tại TPHCM, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ tháng 8 đến tháng 10/2021, Trung tâm bảo trợ xã hội đã tiếp nhận hơn 1.200 người ăn xin, cơ nhỡ, người vô gia cư trên đại bàn. Thế nhưng, từ sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, người ăn xin lại xuất hiện trở lại.

Từ sáng sớm 5 giờ đến hơn 12 giờ khuya, bất kể nắng mưa, hai đứa trẻ nhếch nhác tầm 4, 5 tuổi ngồi bệch trên vỉa hè ở ngã tư Võ Thị Sáu – Pasteur (quận 3) để xin tiền. Chừng vài lượt đèn đỏ lại có người ghé cho tiền từ vài ngàn đến vài chục. Cách đó mấy mét có người phụ nữ khoảng 30 tuổi cũng ăn mặc rách rưới, trùm khăn che kín mặc ngồi bán vé số để canh chừng. Cứ đến giờ trưa hoặc tối khuya, người phụ nữ này lại đến chăm sóc, cho ăn, lấy tiền xin được từ 2 đứa trẻ.

Một nhóm trẻ khác tại ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) cứ chiều tối là tràn xuống đường, len vào dòng xe, chèo kéo xin tiền người đi đường mỗi khi dừng đèn đỏ, thậm chí có cả người nước ngoài treo bảng cần giúp đỡ.

Còn một kiểu bán vé số khác lạ tại ngã tư Trần Quang Khải – Đinh Tiên Hoàng (quận 1), người đàn ông cầm trên tay vài tờ vé số, với dòng chữ “khiếm thị cần giúp đỡ” nhưng đến giờ nghỉ lại có người phụ nữ chạy xe máy đến đón về. Hay một người khuyết tật, ngồi bên đường trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10) mở loa rao bán vé số bằng chất giọng ngọng nghịu, khó nghe.

Có thể dễ dàng bắt gặp, địa bàn hoạt động của các nhóm “cái bang” này hoạt động từ sáng đến tận 24 giờ khuya, rải khắp các quận, huyện trong thành phố như chợ Tân Định (quận 1), ngã tư Trường Chinh – Tây Thạnh (q.Tân Phú), đường 3/2 (quận 10), quốc lộ 1 (quận Bình Tân), Xa Lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức)… gây bức xúc cho người đi đường.

"Tôi thấy liên tục luôn, một đứa lớn, bồng một đứa nhỏ, có đứa nhỏ nhỏ đi riêng nữa. Khi đèn đỏ là chúng bắt đầu nhảy ra, tới đèn xanh thì chạy trở vô".

"Thấy lắm lúc ban đêm mấy đứa mặc đồ tối lù lù làm giật mình, chới với. Lúc đó không may xảy ra va chạm thì biết tính sao".

Người ăn xin xuất hiện ở nhiều nơi trên đường phố. Ảnh:
Người ăn xin xuất hiện ở nhiều nơi trên đường phố. Ảnh: SGGP

Với muôn kiểu cảnh diễn, những đứa trẻ ăn lang thang xin chạy xuống dòng xe cộ hay ngủ li bì ẵm trên tay, người nước ngoài, người già, người khuyết tật, khiếm thị, cần tiền chữa bệnh hiểm nghèo, cần tiền về quê hay ngụy trang ngồi xe lăn bán vé số, bánh kẹo, tăm bông… Đủ mọi lý do, mọi hoàn cảnh, càng thương tâm, càng thiếu may mắn đều được dựng nên để tận dụng lòng thương, lòng trắc ẩn của người đi đường hòng kiếm tiền bất chính.

"Mình thấy mấy đứa trẻ, người già ăn xin ở các ngã tư đường thì thấy thương lắm, cũng thỉnh thoảng ghé cho này cho kia".

"Đi thì thấy khúc khu công nghiệp Vĩnh lộc, nó ngồi tùm lum. Nói chung ít cho tiền lắm, cho bánh trái hoặc cho nước thôi".

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, việc "chăn dắt" trẻ em ăn xin trên đường phố, dù là người ngoài hay là cha mẹ ruột cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

“Hiện nay, hành vi sử dụng trẻ em xin ăn trên đường phố, cho dù là đầu nậu, đường dây tổ chức hoặc là gia đình họ hàng, thậm chí là cha mẹ các em thì đây chính là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì luật trẻ em đã quy định, hành vi bóc lột trẻ em, bắt trẻ xin ăn là hành vi bị nghiêm cấm”.

Đồng tình quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, nạn ăn xin không chỉ xảy ra tại TPHCM và các địa phương trong nước mà ngay cả các nước phát triển. Nhưng nếu không kiến quyết xử lý thì vấn nạn sẽ tiếp tục tồn tại và ngày càng trầm trọng, đặc biệt là thành phố lớn và đông dân như TPHCM. Trong đó, các hành vi tổ chức, chăn dắt, trục lợi người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật cần bị xử lý nghiêm theo quy định.

“Chúng ta không nên làm theo chiến dịch. Việc thu gom quản lý người ăn xin cần được thực hiện thường xuyên tại các địa điểm công cộng, nhất là những nơi có khả năng tập trung người ăn xin. Cần phải nhanh chóng xử lý nghiêm những kẻ bảo kê, chăn dắt người ăn xin theo quy định của pháp luật.

Tôi nghĩ trước hết là trách nhiệm của địa phương cần phải tạo việc làm, đặc biệt là thanh niên, nếu không khiến cho người ta ỉ lại, chây lười lao động. Trách nhiệm của người dân chúng ta là không vì lòng hảo tâm mà cho những người ăn xin. Thứ ba những quy định pháp luật của chúng ta cần có những sửa đổi, với mức phạt hiện nay tôi cho rằng là quá nhẹ”.

Theo Sở Lao động – Thương hinh và Xã Hội TPHCM, trước vấn đề này, Sở có gửi văn bản nhắc nhở các quận, huyện, TP. Thủ Đức tổ chức thu gom người ăn xin, lang thang, nhất là mỗi dịp lễ, tết; Yêu cầu chủ tịch UBND các xã phường, thị trấn, quận, huyện, TP. Thủ Đức chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng trên.

Ngoài ra, Sở cũng đã ký quy chế phối hợp Công an thành phố để xử lý các trường hợp chăn dắt ăn xin, đồng thời đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc hoặc phối hợp xác minh, lập hồ sơ đưa các đối tượng nước ngoài về nước.

Việc "chăn dắt" trẻ em ăn xin trên đường phố, dù là người ngoài hay là cha mẹ ruột cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Bị chăn dắt hay lười lao động? Dù được nhà nước giúp đỡ nhưng một thời gian các đối tượng lại hành nghề cũ “ăn xin”. Đã đến lúc cần quyết tâm của cả chính quyền và cộng đồng trong việc dẹp nạn ăn xin đường phố.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận:“Kiên quyết, mạnh tay với nạn ăn xin”.

Nạn chăn dắt ăn xin thật sự là một vấn đề nhức nhối của xã hội và cộng đồng, không chỉ tác động xấu đến những chuẩn mực đạo đức mà còn làm xấu đi hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại. Nhất là các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM có kinh tế phát triển, nhiều người nhập cư nên số lượng người ăn xin có xu hướng đổ về đây nhiều hơn. Hàng năm, thành phố đã triển khai nhiều chính sách, huy động nhiều nguồn quỹ nhằm hỗ trợ, giải quyết tình trạng này nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Sau đợt dịch covid-19 vừa qua thì việc lợi dụng người yếu thế, người khó khăn trong xã hội để tổ chức ăn xin lại tái diễn tràn lan. Dù lực lượng chức năng địa phương đã nhiều lần ra quân nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, vì các đối tượng chăn dắt ngày càng tinh vi như giả dạng bán vé số, bán tăm bông, giả bệnh tật, giả nạn nhân bị cướp giật để xin tiền người qua đường.

Thậm chí, có một phương thức làm ăn chuyên nghiệp như “nhà thầu” ở các thành phố lớn về những làng quê nghèo, tuyển dụng những đứa trẻ để làm nghề ăn xin. Chưa kể, lòng trắc ẩn của người dân vẫn còn cho tiền bạc người ăn xin, người lang thang, vô gia cư. Một nguyên nhân khác do họ lười lao động, lợi dụng lòng nhân ái của người khác để hưởng lợi bất chính.

Tuy việc giải quyết nạn ăn xin không phải một sớm một chiều nhưng cũng không thể để nạn ăn xin như “bắt cóc bỏ dĩa” hoặc chỉ giải quyết theo phong trào.

Do đó, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban nhân dân, công an cơ sở cấp phường, xã, thị trấn, trật tự đô thị trong việc rà soát, nắm địa bàn, thu gom giúp đỡ kịp thời các đối tượng khó khăn, vô gia cư, người yếu thế đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc.

Đặc biệt là ngành Lao động – Thương bình và xã hội phối hợp Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện quyết liệt các chỉ thị, chính sách, tiếp nhận và tạo công ăn việc làm, chế độ an sinh phù hợp đối với người già neo đơn, người bệnh tật, người lang thang, để họ yên tâm sinh sống mà không bị lợi dụng, lôi kéo trở lại công việc ăn xin. Đặc biệt, ngành công an phải theo dõi, bắt xử lý hình sự mạnh tay với các đối tượng lạm dụng, chăn dắt người ăn xin để răn đe, không nên đơn thuần chỉ dừng lại xử phạt hành chính, do mức phạt còn quá nhẹ so với số tiền trục lợi có được.

Đối với tổ chức, cộng đồng, việc san sẻ vật chất, tiền bạc cho người khó khăn, cơ nhỡ cũng phải đúng chỗ như đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm điều dưỡng, hội chữ thập đỏ. Đồng thời, mạnh dạn tố giác đến công an, chính quyền địa phương nếu nghi ngờ, phát hiện nhóm hành vi chăn dắt ăn xin hoặc thông báo qua các đường dây nóng bảo trợ xã hội, cục bảo vệ trẻ em đầu số 111; để có biện pháp giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhóm người yếu thế.

Xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh, không thể để tiếp diễn tình trạng người ăn xin lang thang khắp nơi. Cũng không thể chấp nhận hành vi kiếm tiền bất hợp pháp từ người yếu thế hay những kẻ chiêu trò lừa dối, giả tàn tật, lợi dụng lòng tốt để ngửa tay xin tiền mà không lao động chân chính.

Giải pháp căn cơ chính là sự chung sức của toàn xã hội, không chỉ phụ thuộc vào một cấp, một ngành hay một địa phương nào./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //