Kĩ sư người Việt tự tin làm chủ công nghệ cầu dây văng
Phóng viên - 04/02/2021 | 6:14 (GTM + 7)
Từ một nước có công nghệ cầu đường lạc hậu, kĩ sư Việt Nam đã có thể tiếp nhận và làm chủ những công nghệ xây dựng cầu tiên tiến, hiện đại nhất thế giới, đặc biệt là cầu dây văng. Yếu tố nào tạo nên sự đột phá, giúp chúng ta làm chủ công nghệ, thay thế ch
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Những ngày này trên công trường Dự án cầu Mỹ Thuận 2, đội ngũ cán bộ kĩ sư về khoan cầu đang hối hả thi công khoan cọc thử nghiệm kết cấu phần móng - hạng mục khó nhất của cầu dây văng.
"Trước khi tham gia cầu Mỹ Thuận 2 tôi đã có kinh nghiệm thi công trực tiếp ở cầu Cao Lãnh, cầu Bình Khánh liên danh với Shimizu nhà thầu lớn của Nhật trong vòng 5 năm. Bằng kinh nghiệm của mình quyết tâm sao cho dự án càng khó mình càng phải cố gắng hoàn thành".
"Là người trực tiếp thi công ở cầu Mỹ Thuận 2 tôi rất tự hào và cố gắng áp dụng tất cả những kinh nghiệm đã học hỏi ở những công trình trước. Những khó khăn mình cùng anh em tìm hiểu và giải quyết triệt để".
Còn với kĩ sư Lê Minh Trà (kĩ sư thường trú tư vấn giám sát dự án Cầu Mỹ Thuận 2 - Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT) gần 20 năm trong nghề anh đã từng tham gia thiết kế cầu Rạch Miễu, cầu Nhật Tân và thực hiện tư vấn giám sát cầu Cao Lãnh. Anh Trà chia sẻ:
Để đảm nhận được những công việc phức tạp này đòi hỏi người kĩ sư phải thực sự cần mẫn, yêu nghề và sáng tạo.
Ngoài những kiến thức được học trong trường, các kĩ sư phải lăn lộn thực tế, đặc biệt là các công trình lớn có nhà thầu nước ngoài tham gia để học hỏi kinh nghiệm; đồng thời học tập thông qua các chương trình chuyển giao công nghệ.
"Để thiết kế được cầu Rạch Miễu tại thời điểm năm 2004, trước đó TEDI đã triển khai việc khảo sát thiết kế một số cầu dây văng khác nhưng có kết cấu nhịp nhỏ hơn để rèn luyện và thực hành.
Còn đối với cầu Mỹ Thuận 2 hiện tại các kĩ sư đã có thể tự tin làm chủ được các công nghệ liên quan đến khảo sát thiết kế của kết cấu cầu dây văng".
Cũng với hơn 20 năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia thi công, điều hành các dự án cầu dây văng nhịp lớn ở nhiều vùng miền trên cả nước, kĩ sư Nguyễn Tiến Tường (Trưởng điều hành gói thầu 03A dự án Cầu Mỹ Thuận 2 – Công ty CP đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C) cho biết, việc thi công cầu dây văng hết sức phức tạp, do địa chất ở mỗi vùng miền, mỗi vị trí đều khác nhau.
Bởi vậy, các công trình cầu ít có sự lặp lại toàn bộ công nghệ, mà chỉ có thể áp dụng khoảng 40%, còn lại phải dựa vào sự sáng tạo và kinh nghiệm của nhà thầu, chủ đầu tư để điều chỉnh cho phù hợp.
"Phần khó nhất chúng tôi đang triển khai đó là thi công móng cọc cho 2 trụ tháp nằm ở giữa sông. Mặc dù công nghệ này đã được thực hiện thành công ở cầu Vàm Cống, nhưng tới dự án cầu này vì điều kiện địa chất có sự thay đổi, xảy ra sạt thành vách hố khoan của tầng đất sét.
Vượt qua những khó khăn này, nhà thầu quyết tâm tìm tòi các phương án để đưa ra giải pháp tối ưu nhất và chắc chắn sẽ thực hiện thành công".
Theo ông Nguyễn Chung Khánh, GĐ Ban quản lý dự án 7, sau cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận 2 là cầu dây văng thứ 2 do Ban làm chủ đầu tư và được thực hiện bởi đội ngũ kĩ sư VN, từ thiết kế, thi công, giám sát và quản lý. Hiện trên công trường quy tụ toàn bộ đội ngũ kỹ sư khoan cầu giỏi nhất VN thi công thử nghiệm kết cấu móng cọc.
Dự kiến sau khi thử nghiệm thành công sẽ hoàn thiện công nghệ và thi công khoan đại trà. Tuy nhiên, so với cầu Rạch Miễu cầu này phức tạp hơn rất nhiều, bởi với đường kính cọc khoan nhồi 2,5m và độ sâu 114m trước đây đều phải thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện.
"Ngày xưa làm cầu Rạch Miễu khẩu độ chỉ có 270m, 2 làn xe, cái này 6 làn xe và khổ thông thuyền 350m, đấy là thách thức và có nhiều yếu tố khó khăn. Trước tiên là việc khoan sâu hàng trăm mét dưới lòng sông chúng ta có khoan địa chất nhưng khi thi công nó lại khác.
Để chọn kinh phí rẻ, ta chọn khúc sông ngắn nhất mà ngắn nhất thì sẽ sâu nhất, nước sẽ siết nhất và tạo thành điều kiện thi công phức tạp. Nhưng tôi tin rằng với lực lượng nội tại của những kĩ sư công nhân VN những khó khăn này rồi sẽ vượt qua, dự án này sẽ thành công, khẳng định sự lớn mạnh của đội ngũ kĩ sư và công nhân cầu VN".
Còn theo ông Đinh Mạnh Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cầu Mỹ Thuận 2 sử dụng kết cấu móng cọc khoan nhồi đường kính 2,5m.
Kết cấu nhịp dây văng sử dụng công nghệ đúc hẫng cân bằng - Công nghệ này từng được được trao tặng giải thưởng cấp Nhà nước về khoa học và công nghệ tại cầu Hàm Luông.
Ông Đức khẳng định Bộ GTVT đã đặt trọn niềm tin vào đội ngũ kĩ sư VN ở công trình này.
"Trước đây công trình cầu đúc hẫng cân bằng đều do nước ngoài thực hiện, đến nay nhà thầu VN đã thực hiện thành công rất nhiều công trình cầu đúc hẫng cân bằng. Đối với cầu dây văng các kĩ sư và nhà thầu VN có có kinh nghiệm thi công những công trình như:Rạch Miễu, Bạch Đằng nhịp 300m và Mỹ Thuận 2 là 350m.. Bộ GTVT tin tưởng rằng các kĩ sư VN có thể thực hiện thành công công trình này".
Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT Chu Ngọc Sủng chia sẻ, chủ trương xây dựng cầu dây văng được Bộ GTVT quan tâm từ những năm cuối thập niên 90.
Thời điểm đó, Bộ đã cho phép đội ngũ kĩ sư thiết kế thi công cầu Đakrông - cầu dây văng nhịp nhỏ để tập luyện. Cùng thời điểm đó cầu Mỹ Thuận 1 do Úc tài trợ cũng được triển khai, với sự tham gia của kĩ sư người Việt.
Đây là những tiền đề tạo ra cơ hội cho các kĩ sư VN học tập và thực hành công nghệ cầu dây văng.
"Cầu dây văng Rạch Miễu hoàn toàn do người VN tham gia thiết kế, thi công và người thợ VN đã trưởng thành lên một bước. Sau đó đến những công trình cầu khác như cầu Bạch Đằng, do đội ngũ kĩ sư công nhân VN làm những khâu chủ chốt. Tôi nghĩ đó là một quá trình thực hành nghiên cứu lâu dài đội ngũ kỹ sư công nhân VN đã chủ động xây dựng cầu dây văng hiện nay".
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Chính phủ, những năm qua Bộ GTVT đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông.
Nhờ đó nhiều công trình giao thông lớn được đầu tư, đặc biệt nhiều cây cầu dây văng khẩu độ lớn được thực hiện bởi chính đôi bàn tay, khối óc của người Việt.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành cầu đường cũng như có chính sách đãi ngộ phù hợp để giữ chân thợ giỏi.
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội, những năm qua Bộ GTVT đã ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông ở cả 3 miền đất nước, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế đất nước.
Trong đó, nhiều tuyến giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư nâng cấp; cùng với đó nhiều tuyến cao tốc mới cũng được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, đặc biệt tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đang Bộ GTVT quyết liệt triển khai.
Cùng với đó là hệ hàng loạt cây cầu được xây dựng giúp kết nối những tuyến đường bộ vượt sông. Nhiều cầu dây văng nhịp lớn do các kĩ sư VN thực hiện giúp cho hoạt động vận tải đường sông, đường biển và tàu lớn hoạt động thuận lợi.
Theo các chuyên gia, việc kỹ sư người Việt làm chủ các công nghệ hiện đại trong xây dựng cầu đường giúp chúng ta ngày càng chủ động trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm thời gian và chi phí, giảm phụ thuộc vào nước ngoài và thuận lợi hơn trong quá trình duy tu bảo dưỡng công trình sau này.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi mà tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh, như đại dịch Covid-19 lần này, càng cho thấy việc làm chủ công nghệ có vai trò ý nghĩa đặc biệt quan trọng như thế nào.
Đơn cử như việc sửa chữa cầu Thăng Long hồi giữa năm 2020 sẽ không thể về đích đúng hẹn nếu như kỹ sư Việt Nam chưa kịp làm chủ công nghệ bê tông siêu tính năng và hàn đinh neo.
Trong khi đó tại các dự án do nhà thầu nước ngoài tham gia như dự án metro có nguy cơ trễ tiến độ do phải đợi chuyên gia nước ngoài nên thi công khá cầm chừng.
Mặc dù kĩ sư VN hiện đã từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, thay thế chuyên gia nước ngoài. Thế nhưng, có một thực tế là số lượng sinh viên theo học ngành cầu đường ngày càng giảm, với chất lượng đầu vào thấp.
Trong khi đó nước ta đang trong quá trình phát triển, đòi hỏi việc phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, nên việc đầu tư cho nhân lực trong lĩnh vực này là vô cùng cấp thiết.
Vì lẽ đó, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực ngành cầu đường cũng như có chính sách đãi ngộ phù hợp để động viên những người thợ giỏi.
Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới “xuất khẩu” nhân lực cầu đường chất lượng cao ra nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Hầm chui dưới cầu vượt Trạm 2 (TP. Thủ Đức, TP.HCM), thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, là tuyến đường huyết mạch nối liền TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với bản sắc được tạo dựng hơn 4000 năm lịch sử, di sản văn hóa được xem là tài sản vô giá và là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, hội nhập toàn cầu.
Những ngày qua dư luận bày tỏ sự quan tâm sau khi Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan đề xuất cần có nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được Quốc hội xem xét và sửa đổi.
Là một tuyến đường nội đô, vậy nhưng ngõ 75 phố Trần Thái Tông, nối phố Trần Thái Tông với phố Trương Công Giai (thuộc quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) lại xuất hiện chằng chịt “ổ voi”, “ổ gà” gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Mỗi khi việc hạn chế xe cá nhân vào nội đô được đưa ra, ý kiến phản đối đầu tiên được nhắc đến là việc đi lại của người dân thế nào, khả năng đáp ứng của vận tải hành khách công cộng đến đâu.
Ngõ Tạm Thương, ngày trước còn gắn với câu vè: Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương. Ý rằng, con gái ở đây ghê gớm, gắn với chuyện quản lý, cân đo thóc ở kho Trạm Thương. Nhưng có lẽ không hẳn thế. Giống như những người sống lâu năm ở phố cổ Hà Nội, người Tạm Thương cũng hiền hòa, giản dị, sống dễ chịu…
Bộ Y tế vừa có đề xuất mới liên quan Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Cụ thể, sẽ áp thuế theo phương pháp hỗn hợp với thuốc lá, gồm mức thuế suất 75% và mức thuế tuyệt đối theo lộ trình 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tiến tới 15.000 đồng/bao vào năm 2030.