Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Không để chống chỗ này, ngập chỗ kia

Minh Thùy - Trọng Điển - 25/05/2022 | 5:45 (GTM + 7)

Để giải quyết tình trạng ngập nước, nhiều năm nay, TP.HCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Đến nay một số dự án đã phần nào phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nơi này mừng thoát ngập thì vẫn còn nhiều nơi khác, người dân tiếp tục bì bõm trong biển nước, vì nằm chờ các công trình, giải pháp từ nhà nước.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trong tháng 4, tháng 5 này, những cơn mưa lớn lại xuất hiện, nhiều địa bàn tại TP.HCM lại ngập nặng như đường Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Bùi Quang Là (quận Gò Vấp); vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), đường Trần Xuân Soạn (quận 7).

Đặc biệt là các đường trên địa bàn TP.Thủ Đức, nhiều năm nay cứ mưa là ngập, như đường Lương Định Của, Lã Xuân Oai, Tô Ngọc Vân, Quốc lộ 13, các tuyến xung quanh chợ Thủ Đức. Có nơi nước ngập cao gần nửa bánh xe, nước chảy mạnh, khiến nhiều phương tiện bị chết máy, giao thông lộn xộn, ùn ứ.

Người dân sinh sống tại khu vực này thì rất khó khăn: "Nước mà lên như vậy mình đi đón con đi học rất là khó, xe tắt máy dẫn bộ khó khăn lắm".

"Nước tràn vô nhà ngập, rất mệt mỏi, phải tạt, lau chùi, không làm được gì hết".

"Mưa lớn là ngập, năm nào cũng vậy, chịu thôi không chạy đâu khỏi".

"Ngập buôn bán đâu được. Nước ngập vầy người ta đâu ghé mua đồ gì được, nhất là tắt máy xe là không có chạy được".

Cơn mưa nặng hạt kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ vào ngày 13/5 đã khiến nhiều tuyến đường ở TP.Thủ Đức và nhiều nơi tại TP.HCM ngập nặng.

Cơn mưa nặng hạt kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ vào ngày 13/5 đã khiến nhiều tuyến đường ở TP.Thủ Đức và nhiều nơi tại TP.HCM ngập nặng.

Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư TP.HCM, nguyên nhân ngập nặng tại nhiều tuyến đường vừa qua, nhất là trên địa bàn TP.Thủ Đức, do các khu vực này trũng thấp. Hệ thống cống thoát nước lại nhỏ, vì được xây dựng từ rất lâu trước đây. Cho nên lượng nước không thể thoát kịp khi mưa lớn. Cộng thêm ý thức của một số người dân thải rác trực tiếp xuống cống thoát nước, kênh rạch, dẫn đến việc nước không thoát, gây ngập.

"Về quy hoạch, không chỉ riêng Thủ Đức mà tất cả địa bàn TP.HCM , có vùng cao-vùng thấp. Cho nên nước tích tụ tại các vùng thấp đó. Bây giờ trong khu đô thị mình có các khu vực tồn tại lịch sử, cống có nhưng không đủ tích diện để thoát nước trong thời điểm mưa.

Rồi khu vực tự phát không có cống. Rồi các dự án mới mình làm đều có hệ thống cống thoát nước, nhưng mà nhiều khi người dân không đầy đủ lắm, người ta bỏ rác bừa bãi nghẹt cống, nghẹt kênh. Chính đó là cái ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước", Kiến trúc sư Khương Văn Mười cho biết.

Để chống ngập, theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, trước mắt, chúng ta có thể chặn nước sông dâng lên bằng cách bao đê, nâng nền, san lấp.

Nhưng để  điều tiết thoát nước mưa thì phải thường xuyên nạo vét hệ thống cống rãnh; đồng thời tăng cường công trình mềm như công viên, thảm xanh để hấp thu lưu trữ nước tự nhiên.

Tại đường Tô Ngọc Vân đoạn qua phường Linh Đông (quận Thủ Đức), nước từ con kênh lớn chảy ra đường gây ngập lút bánh xe.

Tại đường Tô Ngọc Vân đoạn qua phường Linh Đông (quận Thủ Đức), nước từ con kênh lớn chảy ra đường gây ngập lút bánh xe.

Bên cạnh những mặt hạn chế của đô thị có lịch sử tồn tại, PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM  cho rằng, việc xây dựng đô thị chưa đồng bộ với cơ sở hạ tầng cũng là một nguyên nhân.

Trong khi đó, nhiều công trình chống ngập lại thi công ì ạch. Chưa kể, hiện tốc độ biến đổi khi hậu quá nhanh. Với lượng mưa ngày một tăng kéo dài, cộng thêm thủy triều dâng, sụp lún, đến thời điểm nào đó, hạ tầng cống sẽ quá tải và gây ngập.

"Nguyên nhân là công trình đầu tư của mình chưa tới nơi tới chốn. Đầu tư vá nhíu, chưa đủ và chưa đồng bộ. Có nhiều nơi ngập là có cống rồi nhưng là do biến đổi khí hậu, đất lún nữa nên dẫn đến cống bị quá tải. Tóm lại, các giải pháp kỹ thuật thì có và cũng đang làm những mà chưa tới nơi tới chốn thì việc ngập là chuyện tất nhiên rồi", PGS-TS Hồ Long Phi cho biết.

Nói về một trong các công trình chậm tiến độ hiện nay, dự án nâng cấp đường Lương Định Của, đoạn từ đường Trần Não đến đường Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức) đã thi công 7 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết: hiện TP đang tập trung, tích cực vận động người dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, để sớm hoàn thành dự án nâng cấp đường Lương Định Của: "Đường Lương Định Của ngập bao nhiêu năm nay mà cũng có dự án rồi mà cũng chưa xong. Năm nay, chúng tôi quyết tâm phải có cái chuyển động, tìm mọi cách để làm cho bằng được. Ít nhất cái nào mà kết thúc được trong năm thì phải kết thúc liền vì tiền chúng ta có rồi, chúng ta chỉ cố gắng làm cho xong thôi. Đây là một nhiệm vụ quan trọng".

Ngoài ra, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, dự án chống ngập ngăn triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), đã triển khai đạt 90% khối lượng công trình. Dự án tuy tiến độ bị trì trệ so với kế hoạch nhưng nếu được hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ góp phần ngăn triều chống ngập cho vùng trũng thấp mà vẫn giữ nguyên cao độ khu vực các kênh thoát nước.

Hiện, TP cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với các bộ, ngành, trung ương, ngân hàng Nhà nước để hoàn thành thủ tục, hỗ trợ TP sớm hoàn thành dự án.

Chống ngập úng là vấn đề cấp thiết được đặt ra tại các đô thị. Ảnh: Báo Tin tức

Chống ngập úng là vấn đề cấp thiết được đặt ra tại các đô thị. Ảnh: Báo Tin tức

Trong nhiều năm qua, không chỉ riêng TP.HCM, chống ngập úng là vấn đề cấp thiết được đặt ra tại các đô thị. Tuy nhiên, không ít dự án chống ngập vẫn đang trong tình trạng “nằm chờ”, trì trệ; khiến người dân lo lắng mỗi khi vào thời điểm mùa mưa, triều cường xuất hiện.

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bình luận: “Không để chống chỗ này, ngập chỗ kia”

Nhiều ngày qua, không chỉ ở TP.HCM, Hà Nội mà ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước như Cần Thơ, Bạc Liêu, Bắc Ninh chỉ mới vài cơn mưa đầu mùa, phố đã biến thành sông. Ô tô, xe máy ngập nửa thân; người dân bì bõm lội nước về nhà trong các cơn mưa tầm tã. Nhà ven phố, ven đường nhiều nơi ngập lênh láng, đồ đạc trôi bồng bềnh.

Ở nhiều tuyến đường của TP.HCM, nước mênh mông, có nơi chảy xiết, khiến nhiều người đi đường ngã nhào. Đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra, khiến nhiều người bức xúc và thấy ám ảnh mỗi khi mưa tới.

Với TP.HCM, địa hình tự nhiên nơi thấp, nơi cao. Theo quy luật, nước chảy chỗ trũng;  phát triển đô thị hay làm nhà phải tính toán đến yếu tố này để mỗi khi mưa xuống nước có chỗ thoát.

Nhưng cũng như các đô thị lớn khác trong cả nước, nhiều năm qua,  ở nhiều quận, huyện của thành phố phát triển quá nóng; nhà cửa, cao ốc, văn phòng mọc lên như nấm.

Trong khi hạ tầng cống thoát nước không được đủ rộng, đủ lớn để tiêu thoát nước. Kênh, rạch, ao hồ, mương máng tự nhiên tồn tại cả trăm năm bị san lấp, xâm hại lấn chiếm để xây dựng.

Mặt bằng đất đai bị phủ kín bởi bê tông, cốt thép; mỗi khi mưa xuống nước không có chỗ thẩm thấu nên tràn ra mặt đường,cuộn cả vào nhà dân.

Đó là chưa kể, ý thức của nhiều người rất kém; rác rến không bỏ vào thùng mà tấn cả xuống ống cống, khiến toàn bộ hệ thống ống thoát nước bị tắc nghẽn. Mỗi khi vào mùa mưa, công nhân vệ sinh lại phải dầm mình, moi từng chút rác bốc mùi để khơi thông.

Rõ ràng đã đến lúc, TP.HCM, thành phố Thủ Đức hay Hà Nội và các đô thị khác trong cả nước phải sớm đồng bộ hệ thống tiêu thoát nước ở từng khu phố, tuyến đường.

Không thể cứ cho phát triển đô thị tràn lan mà không tính đến yếu tố này. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước triều dâng; độ lún sụt của đô thị mỗi năm xuất hiện càng rõ rệt.

Với các khu đô thị hiện hữu có thể do yếu tố lịch sử để lại phải được kiểm tra và cho khắc phục các lỗi của hệ thống thoát nước. Các đô thị mới trước khi xây dựng cần có đánh giác tác động của yếu tố triều lên và mưa xuống; không bảo đảm thì dứt khoát không cho triển khai.

Khi xây dựng cũng phải có kiểm tra, giám sát đề thực hiện đúng yêu cầu về không gian thoát nước.

Ở những khu dân cư tự phát, ổn định, cần phổ biến, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ kênh, rạch, mương máng. Xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm.

Vấn đề chống ngập, tiêu thoát nước đòi hỏi các dự án căn cơ, lâu dài; tránh tình trạng đối phó, ngắn hạn; chống nơi này lại gây ngập lụt ở nơi kia. Đặc biệt là phải tôn trọng tự nhiên khi phát triển. Không tự ý lấp kênh, lấn rạch để làm đô thị.

Nếu vì lý do bắt buộc phải san lấp, cần đào trả kênh, rạch mới để nước có chỗ tiêu thoát. Hệ thống cống rãnh cũng phải được đấu nối liên thông; cơi nới, nạo vét thường xuyên để không bị tắc ngẽn mỗi khi mưa xuống. Các công trình ngăn triều giá trị hàng ngàn tỷ đồng phải được vận hành hiệu quả, tránh lãng phí.

Rõ ràng trong bối cảnh đối mặt với mưa bão, thiên tai rình rập; sự biến đổi của khí hậu; đòi hỏi mỗi người, mỗi nhà cần có hành động để thích ứng. Giữ gìn từng con đường, tuyến phố; không xả rác bừa bãi; khơi thông cống rãnh; bảo bệ hành lang sông rạch; trồng thêm cây xanh chính là trách nhiệm của mỗi người.

Hành động nhỏ này không chỉ bảo vệ cho mình, người thân mà còn cả người xung quanh bớt khốn đốn mỗi khi có mưa lớn.

Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Liên kết du lịch và văn hóa, làm sao để hiệu quả?

Liên kết du lịch và văn hóa, làm sao để hiệu quả?

Điều quan trọng là các địa phương cần tính toán việc giữ chân khách để không chỉ đến một lần mà phải quay lại nhiều lần nữa. Chính vì vậy việc liên kết các địa phương, các sản phẩm du lịch, với văn hóa bản địa được xem là vấn đề sống còn đối với du lịch vùng.

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.

// //