Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Đừng để áp lực điểm số làm cả cha mẹ và con đều stress

Thái Sơn - 18/04/2022 | 11:37 (GTM + 7)

Hy vọng con mình thi đỗ điểm cao, vào được trường điểm, trường chọn, thời điểm này, không ít bậc cha mẹ đang bước vào cuộc đua nước rút, ra sức đầu tư cho con, vô hình trung tạo ra áp lực cho chính bản thân mình và cả trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Ảnh minh họa: Shutterstock

Mỗi tối, cứ nghe giọng chị chị Thu Trang, quận Cầu Giấy (Hà Nội) quát tháo và tiếng thút thít của cô con gái 9 tuổi là hàng xóm xung quanh đều biết đó là giờ chị dạy con học bài.

Chị Trang than thở, mỗi lần kèm con học là lại cảm thấy căng thẳng, stress. Lý do vì bé hay mất tập trung, học trước quên sau, chưa kể chốc chốc lại kiếm cớ đòi mẹ cho nghỉ: “Có lần ngồi giảng khản cổ cả mấy tiếng đồng hồ mà chỉ làm được đúng một bài toán. Lúc hỏi hiểu chưa thì bảo hiểu rồi, nhưng giao bài tương tự thì lại làm sai, không biết làm. Biết nóng giận là không nên nhưng nhiều lúc mình không thể kiềm chế được”.

Bố mặt đỏ gay, con hai hàng nước mắt cũng là tình cảnh của gia đình anh Minh, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Kết quả học online của con sa sút khiến anh cảm thấy lo lắng. Trước kia, cậu con trai đang học 5 lớp luôn nằm trong top 3 bạn giỏi nhất lớp, nhưng đợt thi giữa kỳ vừa qua điểm số chỉ ở mức trung bình.

Để giúp con nhanh chóng bắt nhịp học trực tiếp, thời gian này, anh Minh quyết định dành 2 tiếng mỗi ngày cùng con ôn luyện Toán, Tiếng Việt. Tuy nhiên, cậu con thường tỏ ra uể oải và không hề hứng thú.

“Lo lắm, năm nay thi chuyển cấp mà học thế này thì khó. Cứ động đến sách vở là kêu mệt. Bài vở thì nhiều mà tâm trí lúc nào cũng như ở trên mây”

Bố mẹ stress nặng, thậm chí lục đục vì kèm con học ở nhà là thực tế tại nhiều gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi hướng dẫn trẻ học, người lớn thường đứng từ góc nhìn của người đã biết mọi thứ, lấy góc nhìn của mình làm chuẩn, nên khi giảng giải nhiều lần mà trẻ không hiểu là dễ nổi cáu, lớn tiếng quát mắng. Chính điều này khiến trẻ càng thêm căng thẳng, lo sợ và không thể tiếp thu.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Chuyên gia giáo dục kỹ năng số chia sẻ: “Những giờ học thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên môn sẽ dễ gây căng thẳng, áp lực cho cả cha mẹ và con cái, đôi khi còn làm rạn nứt mối quan hệ trong gia đình. Tôi nghĩ rằng cha mẹ nên xác định rõ mình đóng vai trò gì đối với con trong việc học tập. Đấy thực ra nên là vai trò đồng hành cùng con, tức là hỗ trợ con về xây dựng nề nếp học tập, tính tực giác học tập và tìm hiểu để con có thể làm chủ kiến thức của mình”.

Trước mỗi mùa thi, khối lượng bài tập ôn luyện của học sinh các cấp đều gia tăng - Ảnh minh họa

Trước mỗi mùa thi, khối lượng bài tập ôn luyện của học sinh các cấp đều gia tăng - Ảnh minh họa

Theo cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), trong mùa dịch, học sinh bị gò bó ở nhà học online một thời gian dài, giảm tương tác với mọi người xung quanh, thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng đảo lộn.

Để giảm áp lực cho học sinh, nhà trường đã giảm yêu cầu trong những bài kiểm tra, đánh giá, nhưng kết quả học tập của các em không còn tốt như thời điểm chưa có dịch và được học trực tiếp.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh muốn con nhanh chóng trở lại guồng học tập do cao điểm mùa thi chuyển cấp và kết thúc năm học đã cận kề. Cô Thu Anh dẫn chứng một trường hợp cụ thể về học sinh khi được bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị tâm lý, nhưng phụ huynh lại cho rằng con đang ‘giả vờ’ vì chỉ học mới kêu mệt.

“Khi tôi làm việc với một phụ huynh học sinh ở trường tôi, con của anh chị ấy bị trầm cảm, phải nhập viện bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ đề nghị phải tạm nghỉ 10 ngày để điều trị thì bố cháu nói rằng, nó giả vờ đấy, nó vẫn ăn 2-3 bát cơm mỗi bữa bình thường, vẫn xem ti vi cả ngày, mà cứ đến lúc học là nó mệt”.

Hiện đang bước vào cao điểm mùa thi, không ít học sinh, nhất là những em ở năm cuối cấp đang tất bật chạy đua với chương trình, ôn luyện để mong vào được trường mình muốn hoặc gia đình kỳ vọng. Chính vì vậy, việc đối diện kết quả điểm số, thành tích cũng gây áp lực không hề nhỏ.

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Nếu không được thấu hiểu, các em dễ dẫn đến tâm lý chán nản, bi quan thậm chí xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực.

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: “Trẻ đã chịu rất nhiều tổn thương trong giai đoạn của đại dịch COVID. Khi trở lại trường đối diện với áp lực của các kỳ thi, áp lực kỳ vọng của người lớn tạo ra thì càng gây nên tổn thương cho các em. Vì tổn thương về mặt tinh thần nên chúng ta không dễ nhìn ra được. Xã hội thời gian qua nổi lên một số vụ việc các bạn học sinh tự vẫn để lấy đó làm lời khuyến cáo cho các bậc cha mẹ. Chúng ta cần hiểu rằng, động cơ đằng sau rất nhiều những ý tưởng tự sát hay hành vi tự gây hại cho bản thân là để làm sao lãng khỏi những cảm xúc tiêu cực, tức giận và trầm uất mà các em không có cách nào để chia sẻ với bố mẹ, không có cách nào xả ra được”.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, vấn đề giáo dục trong gia đình cần được đề cao, cần xây dựng chương trình tập huấn về kỹ năng làm cha mẹ, cách nuôi dạy con trong từng cấp học để có thể đồng hành và nắm bắt được dấu hiệu tâm thần của trẻ: “Cần phải đưa chương trình giáo dục về sức khỏe tâm thần vào trong trường học, không chỉ cho học sinh để các em tự biết cân bằng, mà trước hết giáo dục cho chính giáo viên và phụ huynh để tự nhận diện được các dấu hiệu đó ở con cái, thậm chí là tự nhận diện, tự học để cân bằng chính sức khỏe tâm thần của mình trước, sau đó mới có cách ứng xử tốt đối với con”.

Chia sẻ quan điểm trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam nhìn nhận, hiện nay chúng ta chưa chú ý tới giáo dục gia đình, trong khi ngành giáo dục vẫn đặt nặng vấn đề thi cử, điểm số: “Giáo dục của chúng ta bây giờ vẫn chạy theo điểm số, chạy theo thi cử, chạy theo bằng cấp, chứ không phải giáo dục để phát triển con người. Chúng ta đang tập trung vào trường chuyên lớp chọn, suy cho cùng vẫn là tập trung về kiến thức chứ không phải phát triển con người”.

Bên cạnh tác động tiêu cực, hy vọng rằng sau đại dịch, ngành giáo dục sẽ có cơ hội làm mới mình, giảm áp lực cho hàng triệu học sinh và cả các bậc cha mẹ trước mỗi mùa thi - Ảnh minh họa

Bên cạnh tác động tiêu cực, hy vọng rằng sau đại dịch, ngành giáo dục sẽ có cơ hội làm mới mình, giảm áp lực cho hàng triệu học sinh và cả các bậc cha mẹ trước mỗi mùa thi - Ảnh minh họa

Có thể nói, sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều học sinh bị xáo trộn tâm lý, rối loạn cảm xúc, hành vi. Trong khi đó, áp lực từ điểm số, thành tích cũng là nguyên nhân chính gây tình trạng ‘stress học đường’, trầm cảm cho học sinh hiện nay.

Thời điểm này, thay vì tạo những căng thẳng không đáng có, cha mẹ cần có giải pháp để giúp con đối diện và vượt qua áp lực. Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: “Đừng để áp lực điểm số làm cả cha mẹ và con đều stress”.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là tới kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên 10, thời gian này, chị gái tôi tạm gác công việc, đôn đáo tìm thuê gia sư, với hy vọng củng cố cho con những phần kiến thức chưa vững.

Sức học của con chỉ ở mức trung bình nên chị tôi không giấu nổi lo lắng, trong khi những ngày vùi đầu vào bài vở ở cả lớp học chính lẫn các lớp học thêm khiến cậu con trai sọp đi trông thấy.

Thực tế, ‘Con lo một, bố mẹ lo mười’ là câu chuyện vẫn thấy trước mỗi mùa thi. Những năm trở lại đây, dù đã có chủ trương giảm bớt áp lực thi cử nhưng nhiều phụ huynh vẫn quá đặt nặng vấn đề điểm số, xếp hạng mà thúc ép con cái, vô hình trung tạo thành áp lực đè nặng lên chính mình và cả trẻ nhỏ.

Trong khi đó, mỗi học sinh có thế mạnh khác nhau, có em học toán không giỏi nhưng lại có năng khiếu viết văn, hay giỏi những môn học xã hội. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ lại chỉ nhìn qua điểm số ‘giỏi đều các môn’ để đánh giá thành tích mà không chịu chấp nhận năng lực và sự cố gắng của con.

Trước mỗi mùa thi, khối lượng bài tập ôn luyện của học sinh các cấp đều gia tăng, nhưng đa phần vẫn thiên về lý thuyết trên sách vở. Việc xếp hạng đánh giá năng lực học sinh trong nhà trường vẫn căn cứ qua các bài thi kiểm tra kiến thức mà chưa chú trọng đến các lớp phát triển kỹ năng sống hay trải nghiệm thực tế.

Thực chất, điểm số không phải yếu tố duy nhất quyết định và chứng minh về khả năng của mỗi người, trong một số trường hợp chỉ mang tính hỗ trợ tương đối. Việc quá coi trọng điểm số đôi lúc không mang lại kết quả tốt mà còn gây nên một áp lực vô hình đối với học sinh.

Chính vì vậy, cha mẹ không nên đặt nặng vấn đề điểm số, thành tích hay trách móc mỗi khi con bị điểm kém mà cần khuyến khích con tham gia các hoạt động trải nghiệm cộng đồng và dành cho con những giây phút nghỉ ngơi thư giãn phù hợp.

Hơn 2 năm qua, tác động của COVID-19 làm cả thế giới thay đổi, buộc chúng ta phải thích nghi với tình hình mới. Bên cạnh tác động tiêu cực, hy vọng rằng sau đại dịch, ngành giáo dục sẽ có cơ hội làm mới mình, giảm áp lực cho hàng triệu học sinh và cả các bậc cha mẹ trước mỗi mùa thi. 

Ý kiến của bạn
Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Những năm gần đây, lòng sông Hồng bị xói mòn. Việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng đang tác động rất lớn đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi.

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền Hỏa Thần là di tích đầu tiên tại Việt Nam thờ Thần Lửa. Cho đến ngày nay, nơi đây vẫn là địa điểm tâm linh đặc biệt thờ Thần Hỏa của người Hà Nội, cũng như du khách thập phương.

Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Là tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM), nhưng Võ Văn Ngân cũng được biết đến là “điểm nóng” ngập nước. Sau 3 năm thi công, dự án nâng cấp hệ thống thoát nước chống ngập ở đoạn đường dài 2,5km với tổng số vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành.

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Ở Sài Gòn – TP.HCM, hơn 4 thập kỷ qua, có một người phụ nữ đã tiếp thêm sức sống, gìn giữ “những chất âm ngày cũ” giữa Sài Gòn sôi động, hào hoa; bằng nghề mua bán và sửa chữa máy cassette.

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Dù Bộ GTVT đã ban hành nhiều quy định đối với xe hoán cải, song với sự ra đời ngày càng nhiều xe nhà ở di động ngày càng đặt ra yêu cầu đối với cơ quan chức năng để quản lý riêng loại hình phương tiện này.

Bất an vì tỉnh lộ 927C xuống cấp

Bất an vì tỉnh lộ 927C xuống cấp

Ổ gà, ổ voi, bụi mịt mù khi có xe tải lưu thông qua, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện, … là những gì đang diễn ra tại một số đoạn thuộc tuyến tỉnh lộ 927C nối giữa thành phố Ngã Bảy với huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

// //