Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dò... view đáy biển

Hải Hà - 10/02/2024 | 3:52 (GTM + 7)

Chắc hẳn, các bạn sẽ trầm trồ trước những bức ảnh về những đàn cá, những rạn san hô hay những sinh vật biển nằm sâu dưới đáy đại dương. Nhưng đã bao giờ các bạn có khi nào tự hỏi, làm thế nào có thể chụp và ghi hình ở dưới nước? Và điều đó có an toàn đến tính mạng người chụp?

Chắc hẳn, các bạn sẽ trầm trồ trước những bức ảnh về những đàn cá, những rạn san hô hay những sinh vật biển nằm sâu dưới đáy đại dương. Nhưng đã bao giờ các bạn có khi nào tự hỏi, làm thế nào có thể chụp và ghi hình ở dưới nước? Và điều đó có an toàn đến tính mạng người chụp?

Vào ngày đầu năm mới, phóng viên VOV Giao thông sẽ giúp các bạn có được câu trả lời qua cuộc trò chuyện với Nguyễn Ngọc Thiện- nhiếp ảnh gia dưới nước may mắn nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước về chụp ảnh đại dương.

Nguyen-Ngoc-Thien

Nguyễn Ngọc Thiện là một chàng trai có niềm đam mê với nhiếp ảnh và đại dương.  Anh đã mạnh dạn lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, chụp và quay lại vẻ đẹp của thế giới đại dương của nhiều vùng biển trên thế giới.

Anh Thiện là nhiếp ảnh gia dưới nước duy nhất của Việt Nam nhận được Giải thưởng Nhiếp ảnh đại dương quốc tế năm 2023, Giải thưởng Sony World Photography Award 2023 hạng mục quốc gia Việt Nam, Giải thưởng nhiếp ảnh gia Heritage- Hành trình di sản 2023…

Cơ duyên nào đã khiến Anh lựa chọn và gắn bó với thú vui lặn biển và chụp ảnh đại dương?

Trong những năm đầu tham gia cộng đồng nhiếp ảnh của National Geographic, mình may mắn được chiêm ngưỡng và học hỏi rất nhiều từ các nhiếp ảnh gia tài năng trên khắp thế giới, trong đó có bác Paul Nicklen - một nhà bảo tồn đại dương, nhiếp ảnh gia wildlife nổi tiếng của National Geographic, đồng thời là nhà đồng sáng lập tổ chức bảo tồn SeaLegacy và tạp chí Oceanographic.

Mình cũng là một fan hâm mộ của nhà tự nhiên học Sir David Attenborough - linh hồn của chương trình phim tài liệu nổi tiếng về thế giới đại dương và sinh vật biển - "The Blue Planet".

Nhờ những bức ảnh và đam mê của bác Paul Nicklen và Sir David Attenborough, mình nung nấu mong muốn ghi lại những vẻ đẹp đa dạng của thế giới trong lòng đại dương, tìm kiếm một hướng đi mới mẻ cho bản thân và hy vọng có thể mang đến một luồng gió mới cho cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam với thể loại nhiếp ảnh có độ khó này.

Điều khiến Anh vui với việc lặn và chụp ảnh dưới biển?

Đầu tiên là mình có niềm đam mê về biển, đại dương và những sinh vật biển bên trong đại dương. Thứ hai là mình có đam mê với nhiếp ảnh.

Hai thứ đó kết hợp lại, thôi thúc mình có những chuyến đi, thực hiện những hành trình khám phá, những vùng biển mới có những sinh vật biển mà mình mong muốn được tiếp xúc, được ghi hình.

Mình coi nhiếp ảnh và lặn biển như là điềm đam mê để giải tỏa stress và cân bằng với cuộc sống hiện tại.

Nguyễn Ngọc Thiện trong một chuyến đi lặn biển tại Đông Phi

Nguyễn Ngọc Thiện trong một chuyến đi lặn biển tại Đông Phi

qoute

Chụp được bức ảnh đẹp trên cạn đã khó, để chụp được những bức ảnh ghi lại được hình ảnh đời sống tự nhiên của sinh vật biển chắc chắn khó hơn rất nhiều. Vậy, nhiếp ảnh gia chụp ảnh dưới nước cần phải có những yếu tố, kỹ năng gì?

Có thể nói, chụp ảnh dưới nước là thể loại chụp ảnh nâng cao với cấp độ khó hơn và độ rủi ro nguy hiểm cũng cao hơn rất nhiều so với chụp ảnh trên cạn.

Chụp ảnh dưới nước đòi hỏi phải đầu tư nhiều chi phí hơn cho thiết bị chuyên dụng để ghi hình trong môi trường dưới nước: thiết bị lặn, thiết bị chuyên dụng ghi hình dưới nước, thiết bị chiếu sáng chuyên dụng dưới nước… và hầu hết đều phải đặt hàng từ nước ngoài.

Đầu tư thì nhiều nhưng rủi ro hư hỏng thiết bị lại rất cao, chỉ cần rò rỉ nước biển vào thì có thể hư hỏng toàn bộ thiết bị và tư liệu bên trong.

Chụp ảnh dưới nước có độ rủi ro nguy hiểm (đến an toàn tính mạng) cao hơn rất nhiều so với chụp ảnh trên cạn, chỉ cần bất cứ rủi ro nhỏ trong quá trình chụp ảnh dưới nước cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Chụp ảnh dưới nước yêu cầu bạn phải có nền tảng tốt về nhiếp ảnh cơ và bắt buộc người chụp phải có kỹ năng lặn biển tốt để tự đảm bảo an toàn cho chính mình trước khi nghĩ đến việc chụp một thứ gì đó dưới biển. Mình không thể chụp được cái gì đó đẹp, hoàn hảo khi mà kĩ năng lặn chưa tốt.

Mỗi vùng biển có những đặc điểm khác nhau, trước mỗi chuyến đi lặn và chụp ảnh đại dương, anh thường phải chuẩn bị những gì và mất bao lâu?

Trước mỗi buổi tác nghiệp lặn biển, mình thường tìm hiểu kỹ về địa điểm lặn (thời tiết, nhiệt độ, dòng chảy, cảnh quan và hệ sinh thái dưới nước, đặc điểm sinh học và tập tính của sinh vật biển muốn chụp), lên một số ý tưởng và khung hình muốn chụp, trao đổi, phổ biến thông tin về điểm lặn, lưu ý các rủi ro có thể gặp phải và thống nhất lịch trình lặn với các thành viên trong nhóm.

Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm chuẩn bị và kiểm tra thật kỹ các trang thiết bị lặn (như fins lặn, mắt kính lặn, ống thở, bộ đồ lặn wetsuit, thiết bị BCD và bình khí nếu lặn scuba) và các thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác chụp ảnh, quay phim, chiếu sáng dưới nước. Và việc cuối cùng là lên tàu ra khơi.

Lặn biển đã khó, nhưng vừa lặn vừa mang các thiết bị ghi hình nặng, bình chứa oxi. Những rủi ro nào liên quan đến an toàn tính mạng, thiết bị có thể xảy ra khi chụp ảnh dưới nước?

Dĩ nhiên là việc ghi hình dưới nước rất khó khăn, vì lúc nào bạn cũng phải mang theo các thiết bị ghi hình nặng hơn 10kg để di chuyển liên tục trong môi trường biển, sẽ tiêu thụ lượng oxi và năng lượng nhiều hơn các thợ lặn bình thường, do đó cũng có nhiều rủi ro hơn.

Đó là chưa kể, môi trường nước không thuận lợi cho sự hô hấp của con người, chỉ cần một rủi ro nhỏ trong tích tắc cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Sau 5 năm theo đuổi lĩnh vực chụp ảnh dưới nước, chuyến đi nào để lại trong Anh nhiều ấn tượng nhất?

Chuyến đi tới vùng biển Đông Phi trong năm 2023 vừa qua, may mắn được chứng kiến và ghi hình cảnh tượng đàn cá nhà táng đang chìm vào giấc ngủ sâu giữa lòng đại dương theo phương thẳng đứng, tựa như những cột trụ khổng lồ cứ lơ lửng trôi giữa vùng không gian không trọng lực bao la bên dưới mặt nước, đã để lại cho mình một ấn tượng cực kỳ sâu sắc, một cảnh tượng choáng ngợp và siêu thực.

Cảnh tượng cá voi ngủ đứng có thể xem là một trong những kỳ quan của thế giới tự nhiên, cảnh tượng này vẫn được xem là hiếm gặp cho tới ngày nay vì hầu như rất khó để xác định vị trí khi cá voi đang ngủ giữa lòng đại dương bao la, ngay cả thiết bị dò sóng âm bình thường cũng rất khó phát hiện vì chúng hầu như hoàn toàn bất động bên dưới mặt nước và hầu như ko phát ra âm thanh khi đang ngủ sâu.

Vậy mà đến ngày thứ 7 của cuộc hành trình, ko ngờ mình lại đủ may mắn để được chứng kiến tận mắt cảnh tượng ngoạn mục này, đồng thời còn là một phần của bức ảnh để đời trong bucket list để có thể kể cho mọi người ở nhà sau này.

 

Thiện đã may mắn ghi lại hình ảnh đàn cá nhà táng chìm trong giấc ngủ sâu theo phương thẳng đứng

Thiện đã may mắn ghi lại hình ảnh đàn cá nhà táng chìm trong giấc ngủ sâu theo phương thẳng đứng

Nhắc đến cá mập, cá voi khổng lồ, nhiều người đã rất sợ, khi chụp những sinh vật này, anh có bao giờ lo lắng có thể bị tấn công ?

Thật sự tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ như vậy, đó là phản ứng rất tự nhiên của con người khi ở trong một môi trường lạ, tiếp xúc với những điều mà mình chưa hiểu rõ và không chắc chắn. Điều này là rất bình thường. Vì vậy, cách để triệt tiêu nỗi sợ hãi vô hình đó là ta phải tìm hiểu kỹ về những sinh vật khổng lồ này, từ đặc điểm sinh học đến hành vi của chúng trong môi trường tự nhiên như thế nào.

Khi đến các vùng biển mới sẽ cần sự hỗ trợ của các thợ lặn bản địa, họ là người nắm rõ vùng biển ở đây, cũng như thường xuyên tìm hiểu và tương tác với các loài cá voi trong vùng biển này, nên họ sẽ giúp đỡ mình rất nhiều trong công tác tìm kiếm các đàn cá voi giữa đại dương bao la, cũng như đưa ra những chỉ dẫn về cách tiếp cận cá voi sao cho an toàn và hiệu quả nhất.

Khi đã hiểu nhiều về chúng, ta sẽ hiểu được chúng hoàn toàn thân thiện với con người. Và như vậy ta sẽ cảm thấy an tâm và nỗi sợ ban đầu sẽ dần bị thay thế bởi niềm háo hức, sự tò mò muốn chứng kiến tân mắt những sinh vật khổng lồ này trong lòng đại dương.

Bức ảnh được chụp tại vùng biển North Ari Atoll, Maldives

Bức ảnh được chụp tại vùng biển North Ari Atoll, Maldives

Chụp ảnh dưới nước tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như vậy, có khi nào Anh có suy nghĩ bỏ cuộc?

Mình xem lặn biển và nhiếp ảnh dưới nước đơn thuần như một niềm đam mê bên ngoài công việc, giúp giải tỏa stress và cân bằng với công việc hàng ngày. Mình đến với bộ môn này cũng rất nhẹ nhàng và không đặt nặng điều gì.

Những khó khăn chủ yếu chỉ trong giai đoạn đầu khi phải tự tìm hiểu và tìm kiếm tài liệu về bộ môn nhiếp ảnh dưới nước này, hoàn toàn phải tự tìm tòi tài liệu bằng tiếng Anh từ các trang mạng và các forum của nước ngoài, rồi tự tìm tòi mày mò đặt mua thiết bị từ nước ngoài về để thử nghiệm.

Hay như những lần đầu học lặn biển, cũng cảm thấy sợ hãi và gặp nhiều sự cố tưởng như ko vượt qua được. Tuy nhiên mình vẫn cố gắng kiên trì với niềm đam mê mới này, và cuối cùng cũng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ngọc Thiện trong một dịp khám phá tại quần đảo Malta

Ngọc Thiện trong một dịp khám phá tại quần đảo Malta

Từ thực tế đi khảo sát thực địa ở các vùng biển, anh thấy có sự khác biệt như thế nào về sự đa dạng sinh học, cũng như cách quản lý, bảo tồn sinh vật biển ở Việt Nam và thế giới?

Việt Nam có lợi thế 3.260 km đường bờ biển trải dài từ Bắc tới Nam với nhiều đảo, quần đảo, bãi biển đẹp và cảnh quan thiên nhiên đa dạng nên hoạt động du lịch biển Việt Nam phát triển rất mạnh.

Tuy nhiên ý thức bảo tồn hệ sinh thái biển, đặc biệt là dưới mặt biển vẫn còn nhiều bất cập so với một số quốc gia trên thế giới. Nhiều vùng biển nước ta vẫn duy trì nhiều hình thức đánh bắt thủy hải sản tận diệt, đánh bắt bằng lưới giã cào, bằng thuốc nổ, bằng xyanua…; hoạt động đánh bắt diễn ra liên tục không có quãng nghỉ để đại dương và các loài sinh vật có thời gian phục hồi; các đàn cá lớn hay các loài sinh vật biển quý hiếm đều bị đánh bắt tận diệt để đưa lên quán ăn, nhà hàng (như cá đuối, cá mập, cá nhám…)

Ngoài một số vùng biển trù phú có hoạt động bảo tồn rùa biển tốt như Côn Đảo, rất khó để tìm thấy điểm lặn nào khác có các đàn cá lớn hay các loài sinh vật biển lớn như cá đuối, cá mập, cá heo, cá voi… để có thể tạo hình ảnh, tạo điểm nhấn để triển khai du lịch sinh thái biển bền vững, từ đó thu hút du khách trong nước và quốc tế đam mê trải nghiệm và lặn biển.

Được biết Anh đã có cơ hội trải nghiệm lặn để ngắm rùa biển ở Malaysia. Anh thấy, cách bảo tồn rùa biển ở 2 quốc gia có gì khác nhau?

Vùng biển Perhentian là nơi mình tác nghiệp và chụp được bức ảnh “Giấc mơ rùa biển” may mắn đoạt giải trong cuộc thi nhiếp ảnh thế giới Sony World Photography 2023. Vùng biển xung quanh đảo Perhentian được bảo tồn rất tốt bởi lệnh cấm đánh bắt của chính quyền địa phương và ý thức bảo tồn hệ sinh thái biển để phát triển du lịch bền vững của người dân nơi đây, nhờ vậy hệ sinh thái biển ở đây rất phong phú và đa dạng.

(Perhentian là nhà của nhiều loài rùa biển và loài cá mập vây đen sống quanh rạn san hô, do đó trở thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động lặn biển bình khí và lặn tự do với ống thở.)

Khác với rùa biển Côn Đảo khá nhút nhát, rùa biển ở Perhentian lại rất dạn người, nên các du khách lặn biển có thể dễ dàng tiếp cận và quan sát các cá thể rùa biển trong môi trường tự nhiên của chúng.

Ảnh trái: 'Turtle Dream' (Giấc mơ rùa biển) bức ảnh đạt giải hạng mục National Award Winner Giải Sony World Photography Awards. Ảnh giữa: Rùa biển kết đôi ở Côn Đảo, Việt Nam. Ảnh phải: Một chú rùa ở Sipadan

Ảnh trái: "Turtle Dream" (Giấc mơ rùa biển) bức ảnh đạt giải hạng mục National Award Winner Giải Sony World Photography Awards. Ảnh giữa: Rùa biển kết đôi ở Côn Đảo, Việt Nam. Ảnh phải: Một chú rùa ở Sipadan

Qua những bức ảnh về sinh vật biển ở Việt Nam và thế giới, anh mong muốn truyền tải thông điệp gì đến người dân? Đến các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước?

Những đối tượng chủ đạo trong các bức ảnh của mình ở thể loại này thường là thiên nhiên hoang dã (wildlife) và yếu tố con người hài hòa trong đại cảnh đại dương bao la.

Đối với mình, việc truyền tải thông điệp về lối sống bền vững với tự nhiên, với đại dương thông qua nhiếp ảnh là rất ý nghĩa và cần thiết, tôi mong muốn điều này có thể giúp thu hút nhiều hơn sự chú ý của mọi người, những người có cùng chung niềm yêu thích với biển và đại dương.

Đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống cân bằng với thiên nhiên trong mối quan hệ cộng sinh mà không gây hại cho hệ sinh thái của trái đất, nhất là hệ sinh thái biển.

Kế hoạch của Anh trong năm tới và trong dài hạn?

Hành trình trong năm 2024 của mình sẽ là chuyến thám hiểm đến nơi được coi là "Nơi tận cùng của thế giới" - châu Nam Cực.

Nam Cực - Chính cái tên của nó đã gợi lên hình ảnh về một vùng đất băng giá khắc nghiệt ở nơi tận cùng thế giới, một vùng đất xa xôi và hoang sơ đến mức nó vẫn là một trong những biên giới vĩ đại cuối cùng để con người khám phá và phiêu lưu.

Một thế giới khắc nghiệt với vẻ đẹp kỳ vĩ ngoạn mục của các núi băng trôi, biển, tuyết và đá, cùng hệ sinh thái thiên nhiên hoang dã vô cùng độc đáo và phong phú vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn và hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Một hành trình mà đối với nhiều người đam mê du lịch và khám phá, có thể được xem là "a trip of lifetime", một hành trình nằm trong "bucket list" mà mình đã ấp ủ lên kế hoạch thực hiện từ rất lâu.

Nguyễn Ngọc Thiện tại Tierra Del Fuego National Park- trong chuyến hành trình khám phá châu Nam Cực đầu năm 2024

Nguyễn Ngọc Thiện tại Tierra Del Fuego National Park- trong chuyến hành trình khám phá châu Nam Cực đầu năm 2024

Với những bạn trẻ mong muốn được tiếp nối con đường chụp ảnh dưới nước, anh có điều gì nhắn nhủ ngoài sự đam mê, lòng dũng cảm?

Thế hệ của các bạn trẻ ngày nay đã có được những nền tảng tốt hơn nhiều so với các thế hệ đi trước, từ nền tảng kinh tế và công nghệ phát triển hơn, cho đến việc tiếp cận nguồn tri thức vô hạn từ internet, cũng như các cơ hội phát triển niềm đam mê và kết nối xã hội, kết nối cộng đồng rộng khắp trên các nền tảng mạng xã hội.

Và đặc biệt là xã hội ngày nay đã rộng mở hơn, tích cực hơn và ngày càng văn minh hơn, quan tâm nhiều hơn đến hệ sinh thái biển, bảo tồn biển… cũng như xu hướng sống hài hòa cân bằng với thế giới tự nhiên. Cho nên, các bạn trẻ cứ mạnh dạn theo đuổi ước mơ và nuôi dưỡng niềm đam mê. "Nơi nào chưa có đường, ta cứ  kiên trì đi mãi rồi sẽ thành đường thôi".

Vâng. Xin cảm ơn anh.

Nguyễn Ngọc Thiện khám phá Vịnh Forrtuna, Nam đảo Georgia cùng hàng chục ngàn cá thể chim cánh cụt đầu năm 2024

Nguyễn Ngọc Thiện khám phá Vịnh Forrtuna, Nam đảo Georgia cùng hàng chục ngàn cá thể chim cánh cụt đầu năm 2024

Nội dung: Hải Hà

Thiết kế: Quang Huy

Ảnh: Thiện Nguyễn

Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Kênh rạch trơ đáy, ruộng vườn xơ xác, lượng nước dự trữ cho việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đang cạn dần… Đó là tình cảnh chung của nhiều bà con đang chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Sau gần 2 tháng triển khai, việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số vị trí ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội  triển khai áp dụng thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đây là ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh có tên gọi “Thẻ vé Giao thông Hà Nội”.

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Bước vào những ngày nắng nóng, người dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long liên tục “kêu cứu” vì trình trạng khói, bụi từ nhà máy xay xát lúa gạo trong khu vực trực tiếp thải ra môi trường.

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Hiện nay, Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn, đặt nhiều cánh rừng vào tình trạng cảnh báo cháy cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Thống kê chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Đây là mối lo ngại rất lớn cho môi trường. Vì vậy, việc tái chế các linh kiện điện tử đã qua sử dụng là một việc làm rất ý nghĩa, góp phần hạn chế rác thải điện tử xả ra môi trường.

Đảo Ngọc 'thay áo mới'

Đảo Ngọc "thay áo mới"

Nếu các bạn đã quen thuộc với con phố Ngũ Xã khi tới đây thưởng thức món ngon Hà Nội, thì nay sẽ không khỏi ngạc nhiên với một Ngũ Xã vào buổi tối lên đèn. Các tuyến phố trên Đảo Ngọc đã đổi thay kể từ khi khu vực được xây dựng thành không gian văn hóa, ẩm thực mới.