Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cơ chế phòng ngừa “ma men” lao ra đường

Chu Đức-Hải Bằng - 12/06/2022 | 17:46 (GTM + 7)

Sự kiện một viên chức sau khi uống rượu bia lái xe gây tai nạn khiến 3 người tử vong gần đây đã gây nên một cơn địa chấn thông tin. Nhưng có vẻ giống như nhiều sự vụ trước đó, những lời chỉ trích, những hình phạt qua đi, nguyên nhân gốc rễ vấn đề vẫn còn đó.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Bài liên quan

Không cần phân tích sâu cũng có thể dễ dàng nhận thấy: Các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan rượu bia gia tăng trong thời gian gần đây tỉ lệ thuận với sự nhộn nhịp của các quán nhậu.

Sau thời gian dài bị hạn chế hoạt động vì dịch bệnh, các hàng quán dịch vụ ăn uống đang chứng kiến lượng khách tăng vọt. Nhiều người đã khôi phục thói quen giao tiếp bên ly rượu, ly bia.

Khảo sát thực tế của phóng viên VOV Giao thông trên địa bàn các tuyến phố nổi tiếng về ẩm thực tại quận Hoàn Kiếm, quận Cầu Giấy cho thấy, khu vực vỉa hè, lòng đường mặt tiền và xung quanh khu vực hàng quán đều lấp kín xe máy, ô tô vào giờ cao điểm. Đa số thực khách đều tự điều khiển phương tiện đến, và dĩ nhiên khi ra về lấy xe, họ không gặp rào cản nào dù mặt đỏ gay.

Tại một tổ công tác của Đội CSGT số 6, Công an TP.Hà Nội ở nút giao Xuân Thủy – Cầu Giấy, khá nhiều lái xe vi phạm nồng độ cồn, bị dừng xe kiểm tra xử lý nhưng bất hợp tác. Có người gọi điện thoại nhờ cứu viện, thậm chí có người bỏ xe lại rồi rời đi. Lý do thì muôn hình vạn trạng:

“Biết lái xe sau khi uống rượu bia là gây nguy hiểm cho xã hội nhưng mình cảm thấy uống chén rượu xong về nhà ngủ cũng cảm thấy chẳng có vấn đề gì”.

“Mình có uống 1 chút thôi, mình định để xe ở công ty nhưng phải mang xe về để đón trẻ con. Mình vẫn giữ được tỉnh táo nên vẫn có thể đi về được. Từ giờ sẽ không dám như thế nữa, nếu sau này đi, mình sẽ để xe lại hoặc nhờ bạn chở về”

“Nếu tôi mà biết thế này thì tôi cũng khuyên bạn bè là không nên rượu bia khi tham gia giao thông vì mức xử phạt quá cao”.

“Mình uống rượu bia rồi mà còn tham gia giao thông thì chắc chắn lần sau bia rượu xong sẽ không dám tham gia giao thông nữa”.

Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người ở Bắc Giang tử vong đêm 2/6.

Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người ở Bắc Giang tử vong đêm 2/6.

Đại úy Triệu Quang Tú, cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết, hiện đơn vị đang thực hiện chuyên đề tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ma túy, nồng độ cồn của Công an TP và Cục CSGT.

Quan điểm của đơn vị là xử lý nghiêm, đặc biệt các trường hợp cậy quan hệ, gọi điện gây áp lực cho cán bộ.

“Với mức xử lý răn đe rất nặng, tước bằng 2 năm, nhiều người tham gia giao thông vẫn chủ quan, vẫn uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Chính vì thế, chúng tôi đã xử lý nghiêm, không để gây nguy hiểm cho xã hội. Khuyến cáo người dân khi đã xử dụng rượu bia thì hãy đi xe taxi hoặc những phương tiện có người khác chở về nhà để an toàn”, Đại úy Triệu Quang Tú nói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện một số nhà hàng đã có chính sách giảm giá, hỗ trợ khách gọi taxi về nhà sau khi uống rượu bia. Anh Hải Đăng, quản lý một cửa hàng ở quận Ba Đình chia sẻ, việc tư vấn, khuyến khích ngay tại quầy với khách về việc không di chuyển bằng xe cá nhân đến quán cũng góp phần đẩy lùi nguy cơ mất an toàn cho khách và những người tham gia giao thông.

“Khi khách đi taxi về chúng tôi sẽ bố trí nơi đỗ xe cho khách gửi qua đêm, có những mã giảm giá của xe công nghệ cho khách, ghi lại số xe để kiểm tra hành trình và đảm bảo đồ cá nhân nếu khách hàng có để quên trên xe. Như vậy khách hàng sẽ an toàn hơn sau khi nhậu về nhà”, anh Đăng cho biết.

Bày tỏ quan điểm với VOV Giao thông, TS. Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “Việc khuyên răn của bạn bè uống cùng hoặc những người cảm thấy có trách nhiệm, nghĩ rằng việc lái xe sau khi uống rượu bia không an toàn để nhắc nhở người uống.

Nhưng việc này cũng khó, ở chỗ người uống thì họ ít khi nghe lời người khác. Họ cho rằng vẫn tỉnh táo và vẫn lái được. Lời khuyên thì chẳng có tác dụng đâu, có người nghe, có người chẳng nghe”

Thực tế, việc tiếp cận và tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam là khá dễ dàng. Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng đã quy định, cứ lái xe có nồng độ cồn trong người là bị xử phạt, không còn mức cao hay thấp mới bị xem là vi phạm nữa. Các Nghị định xử phạt hành chính cũng nâng mức phạt lên rất nặng.

Dù vậy, có vẻ như việc có quá nhiều yếu tố con người trong các khâu xử lý đã dẫn đến những kẽ hở để người lái xe chủ quan nghĩ rằng, họ được phép đứng ngoài vòng pháp luật.

Theo TS. Khương Kim Tạo, bên cạnh xử lý thật công tâm, thượng tôn pháp luật, không cả nể, bỏ qua các đối tượng có quan hệ, quyền lực, chúng ta cần các công cụ ngăn chặn hành vi vi phạm từ trước khi nó xảy ra.

“Công tác phòng ngừa có tính chất chủ động thì các nước đều đi theo hướng lắp các trang bị trên ô tô, để ô tô có cảnh báo còi, chuông báo hiệu người lái xe uống rượu bia. Thậm chí người ta lắp thiết bị khống chế không cho động cơ xe hoạt động khi người lái xe uống rượu bia, thì đấy mới là phòng ngừa chủ động tốt”, TS. Khương Kim Tạo cho biết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thiếu vắng hàng rào kỹ thuật

Một số ý kiến cho rằng, dù mức xử phạt hành chính đã tăng lên rất cao, nhưng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu chế tài để tăng tính răn đe với những người lái xe sau khi uống rượu bia. Cụ thể là hình sự hóa hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn VOV Giao thông, xử phạt nặng đến mấy cũng đều là nhẹ so với mạng người. Việc đưa ra các chế tài răn đe là cần thiết, nhưng xử lý khi sự việc đã xảy ra rồi vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề.

Vấn nạn “ma men sau tay lái” cần cơ chế phòng ngừa trước khi tai nạn xảy ra, với mục tiêu không phải là thống kê xử phạt, mà là kéo giảm tai nạn và số người thương vong.

Vào năm 2020, các nhà làm luật đã có một bước tiến lớn là quy định cứ lái xe sau khi uống rượu bia, dù chỉ một giọt, đều sẽ bị xử phạt. Điều khoản này đã đặt một ranh giới rõ ràng: Uống nhiều hay uống ít thì đều có tác hại tới sức khỏe, sự tập trung, tỉnh táo khi điều khiển phương tiện giao thông.

Nhận thức của người dân đã và đang có những chuyển biến tích cực, nhưng không phải là tất cả. Vấn còn một bộ phận bất chấp các quy định pháp luật, quy tắc an toàn giao thông. Nhờ có chút địa vị xã hội, cậy quen biết, họ tự cho mình đứng ngoài các chuẩn mực xã hội.

Và chừng nào việc xử phạt vẫn còn sự can thiệp của con người, chừng đó vẫn còn những cuộc điện thoại xin bỏ qua lỗi vi phạm, vẫn còn tư tưởng chủ quan, sai chưa chắc đã bị phạt.

Giải pháp tận gốc đương nhiên là ý thức của mỗi cá nhân. Nhưng chỉ dựa vào điều đó thì chưa thể hình thành được ngay, và ý thức cá nhân thì cũng không bền vững, có lúc cũng bị chất kích thích làm yếu lòng, thay đổi. Giải pháp tuyên truyền chúng ta đã và đang làm tốt, khi kêu gọi vai trò của cả người vợ, người bạn nhậu, thủ trưởng cơ quan, quản lý và nhân viên quán nhậu về việc nhắc nhở, khuyến cáo với người uống.

Một điểm yếu tại Việt Nam hiện nay chưa được chú trọng, đó là khả năng tiếp cận rượu bia. Các hoạt động quảng cáo, điểm mua bán có mặt ở khắp mọi nơi, hàng quán mọc lên như nấm xung quanh khu dân cư tạo điều kiện tiêu thụ dễ dàng cho người dân, kể cả người chưa đủ tuổi.

Các công cụ kỹ thuật sử dụng công nghệ, máy móc để hạn chế sự can thiệp, chỉnh sửa từ con người cũng đang thiếu vắng. Các hàng quán kinh doanh dịch vụ rượu bia là điểm khởi đầu của rất nhiều “chiếc bom nổ chậm” trên đường là các ma men.

Tuy nhiên, không thể dựa vào các chốt kiểm soát vốn lực lượng mỏng và hạn chế về thời gian.

Camera giám sát, căn cứ để xử phạt nguội là vấn đề được tính đến để tạo một cuộc cách mạng về xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đã đến lúc cần đặt lên bàn cân lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp rượu bia, doanh thu hàng quán dịch vụ mang lại với lợi ích sức khỏe của người dân.

Những trang thiết bị với trí thông minh nhân tạo cần được triển khai để phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn người có hơi thở dính nồng độ cồn lên xe, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Các chiến dịch truyền thông đẩy lùi vấn nạn TNGT liên quan rượu bia thường nhấn mạnh về ý thức người lái. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào các hàng rào kỹ thuật hiện nay, chúng đã đủ mạnh, đủ hiệu quả để ngăn chặn hành vi vi phạm từ trong trứng nước? 

Ý kiến của bạn
TP.HCM: Cháy nhà 3 tầng, 1 người chết

TP.HCM: Cháy nhà 3 tầng, 1 người chết

Căn nhà 3 tầng ở quận Tân Phú bất ngờ bốc cháy khiến một người chết, 2 người bị thương. Các nạn nhân đều trẻ tuổi.

Người chồng mù nuôi vợ thiểu năng, con rối loạn thần kinh nhận cặp bò hỗ trợ từ thính giả VOV Giao thông

Người chồng mù nuôi vợ thiểu năng, con rối loạn thần kinh nhận cặp bò hỗ trợ từ thính giả VOV Giao thông

Thông qua chương trình Kết nối yêu thương, Kênh VOV Giao thông đã huy động được số tiền từ các nhà hảo tâm để mua tặng một “cặp bò” cho gia đình thính giả Trần Văn Quý đang gặp khó khăn tại Yên Bái.

Cán bộ vi phạm giao thông phải xử lý nghiêm: Cách nào thực hiện?

Cán bộ vi phạm giao thông phải xử lý nghiêm: Cách nào thực hiện?

Đối với người vi phạm là cán bộ đảng viên, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới nhấn mạnh: “Mọi cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải bị xử lý nghiêm của Đảng, của từng ngành, của cơ quan đơn vị”.

TP.HCM: Khánh thành trung tâm phẫu thuật nhi và trung tâm sơ sinh

TP.HCM: Khánh thành trung tâm phẫu thuật nhi và trung tâm sơ sinh

Ngày 27/5, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khánh thành thêm Trung tâm phẫu thuật nhi và Trung tâm sơ sinh. Hiện viện có 3 khối nhà hiện đại với 1.500 giường bệnh thay thế cho cảnh chật hẹp xuống cấp.

Nhức nhối nạn trộm cắp vật tư, thiết bị công trình giao thông

Nhức nhối nạn trộm cắp vật tư, thiết bị công trình giao thông

Thời gian qua, nhiều công trình giao thông ở TP.HCM liên tục bị trộm cắp, phá hoại thiết bị, vật tư. Mới đây nhất là tình trạng mất cắp tại dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và hàng trăm tấm đan đậy rãnh thoát nước dọc xa lộ Hà Nội bị đập phá.

Đừng vô tình tạo thêm áp lực cho con trẻ

Đừng vô tình tạo thêm áp lực cho con trẻ

Sau mùa thi là “mùa khoe điểm, giấy khen”. Việc phụ huynh khoe điểm số, giấy khen của con lên mạng xã hội năm nào cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bởi có việc đăng ảnh, thông tin của con lên mạng xã hội tưởng vô hại nhưng vô tình tiềm ẩn nhiều hệ lụy không tốt.

Tự ý 'rào đường, bịt lối' khiến người dân Định Công đi lại khó khăn

Tự ý "rào đường, bịt lối" khiến người dân Định Công đi lại khó khăn

Thời gian gần đây, cuộc sống của người dân ở P. Định Công (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) bị đảo lộn khi xuất hiện một hàng rào tường bê tông dài 2-3km, cản trở việc đi lại của người dân nơi đây.

// //