Cách nào giải bài toán thiếu hụt nhân lực ngành vận tải biển?
Phóng viên - 18/11/2021 | 6:17 (GTM + 7)
Dù nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho ngành hàng hải không ngừng gia tăng, song lượng người theo học giảm trong hơn một thập kỉ qua và chỉ bắt đầu nhỉnh tăng trở lại trong 2 năm gần đây. Các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu hụt thuyền viên trầm
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
'Đi tàu biển bây giờ không mặn mà như ngày xưa nữa, trên bờ giờ lương không được cao nhưng gần vợ gần con, còn trên biển thì bây giờ lương lậu không như ngày xưa, lương thấp. Anh em nào đã theo ngành rồi thì cố mà theo thôi chứ bây giờ mới ít người theo'.
'Trên biển có những mối nguy hiểm đặc thù, sóng gió giông bão thường xảy đến bất ngờ, rồi thì bệnh tật tai nạn xảy ra trên biển và vấn đề chính vẫn là xa nhà, ảnh hưởng đến tâm lý'.
'Lực lượng thuyền viên rất thiệt thòi, công việc đi lênh đênh xa xôi khó khăn lắm, một số đã bỏ nghề nên thuyền viên bây giờ đang rất thiếu'.
Đó là tâm tư của một số thuyền viên đã và đang làm việc trong ngành vận tải biển, điều đó hé mở phần nào lý do vì sao nhân lực ngành này lại thiếu hụt trên toàn cầu.
Là người từng có hơn 10 năm đi tàu viễn dương, nay chuyển sang làm công tác quản lý đội ngũ thuyền viên xuất khẩu, ông Mai Giang Nam, Công ty quản lý tàu TMM thấu hiểu nỗi vất vả, thiệt hòi của thuyền viên, thủy thủ.
Ở ngước ngoài, thuyền viên bao giờ họ cũng coi như là key workers, tức là một người lao động cực lỳ quan trọng, lúc nào cũng được ưu tiên mọi thứ. Nhưng ở VN vẫn chưa được ưu tiên, hầu như các chế độ anh em thuyền viên lúc nào cũng phải đứng sau rất nhiều đội ngũ khác, nhiều khi anh em thuyền viên rất chạnh lòng và muốn nhà nước có chính sách tốt hơn, ưu đãi tốt hơn cho thuyền viên thì họ sẽ gắn bó.
Vấn đề thiếu nhân lực đang khiến nhiều DN vận tải biển đau đầu. Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng ban Vận tải, Tổng Công ty Hàng hải VN, vận tải biển hiện không còn là ngành có mức lương cao khác biệt so với các lĩnh vực khác như cách đây 20-30 năm, vì thế số lượng thuyền viên nghỉ việc và chuyển công việc khác rất nhiều. Để giữ chân và thu hút hàng nghìn lao động, đơn vị đã phải xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực thuyền viên”. Với những thuyền viên làm việc lâu năm trên biển sẽ được tạo điều kiện làm công tác quản lý, đào tạo trên bờ.
Các DN vận tải biển của Tổng công ty hàng hải đã rất chủ động trong công tác phối hợp với các trường ngành nghề về hàng hải để tuyển dụng thuyền viên ngay từ khi ra trường.
Và các công ty vận tải biển lớn của TCTy đã tổ chức những chương trình đào tạo miễn phí và nâng cao năng lực cho thuyền viên cả về tiếng Anh lẫn ngành nghề và nếu có được cam kết của người lao động khi học xong sẽ phục vụ lâu dài chúng tôi sẽ có những chính sách hỗ trợ về học phí cho học viên từ khi đang học.
Còn theo ông Hoàng Văn Dương, GĐ Công ty CP Hàng hải Liên Minh, để phát triển nguồn nhân lực ngành hàng hải, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích như miễn giảm học phí, đồng thời tự thân các DN cũng cần phải chủ động đào tạo lại đội ngũ này để đảm bảo chất lượng.
Bản thân Công ty CP Hàng hải Liên Minh cũng chỉ tuyển bổ sung được vài chục lao động mỗi năm, chứ không phát triển mạnh được vì thiếu nguồn.
'Công ty đào tạo để nâng cao ngoại ngữ và ý thức cho người lao động, kết hợp với tổ chức JSU – tổ chức phi chính phủ của Liên đoàn lao động Nhật Bản đang tài trợ đào tạo lớp tiếng Anh cho thuyền viên mới tra trường 6 tháng ăn ở tập trung, cái đấy rất hiệu quả.
Sau đó điều động nhóm đó xuống tàu thực tập khoảng 6 tháng, sau đó mới lên được chức danh, từng bước một như thế. Nếu người ta gắn bó với con tàu, hoàn thành nhiệm vụ thì mình mới giữ được uy tín với chủ tàu.
Có những tàu 7-8 chục triệu đô, người ta giao cho toàn bộ 21 thuyền viên VN của công ty điều hành tàu đó, phải tin tưởng lắm người Nhật họ mới giao như thế'.
TS. Lưu Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải I chia sẻ, hai năm trở lại đây bằng nhiều giải pháp việc tuyển sinh của trường đã được cải thiện, riêng năm 2021 trường đã tuyển sinh được khoảnh 2.500 sinh viên ở tất cả các hệ từ đào tạo ngắn hạn đến cao đẳng. Trong đó, riêng Trung tâm Phát triển nguồn lực hàng hải và xuất khẩu lao động mỗi năm đào tạo và tái đào tạo được khoảng 1.000 thuyền viên.
'Nhà trường đã phối hợp với các địa phương khu vực miền trung – khu vực thu hút lượng người đi biển rất lớn để tuyên truyền, vận động và cam kết đầu ra, các cháu học xong nhà trường sẽ lo công việc.
Ví dụ ở thời điểm hiện tại mức lương tối thiểu đối với hệ ngắn hạn nhất khoảng 15 triệu đồng/tháng, đối với các cháu học bậc cao hơn như trung cấp, cao đẳng thì lương khoảng 28-30 triệu đồng/tháng. Nhà trường cũng phối kết hợp với các công ty vận tải biển tuyển sinh và cấp học bổng cho các cháu'.
PGS. TS Nguyễn Minh Đức, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải VN khẳng định, những năm gần đây nhà trường đã có nhiều thay đổi trong công tác tuyển sinh, đào tạo nên số lượng sinh viên đầu vào hàng năm đều tăng. Trong đó, năm 2021 ngành điều khiển tàu biển và ngành khai thác máy tàu biển đã tuyển sinh được gần 350 sinh viên, với điểm tuyển sinh tăng từ 2-4 điểm so với năm 2020. Điều này cho thấy sức hút và cơ hội việc làm của ngành vận tải biển đang có những tín hiệu tốt.
'Về phía nhà trường, ngoài việc liên tục cập nhật đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của DN, của người học chúng tôi có nhiều phương thức khác như kết nối với các DN tạo cơ hội thực tập, thực hành cho các em sinh viên; nhà trường cũng được tiếp nhận 1 tàu huấn luyện hiện đại của Hàn Quốc.
Với con tàu huấn luyện đấy chúng tôi đã áp dụng chương trình học tập và thực tập trên tàu trong khoảng thời gian 6 tháng cho toàn bộ sinh viên các ngành khối đi biển. Với những nỗ lực đấy chúng tôi tin rằng chất lượng nhân lực ngành hàng hải và sức hấp dẫn của ngành hàng hải sẽ tăng lên'.
Hiện nay Trường Đại học Hàng hải VN đã được tiếp nhận 2 tàu do Hàn Quốc và Nhật Bản tặng, nhằm phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo. Đây được coi là giảng đường nổi để sinh viên thực hành, nâng cao kĩ năng và trình độ tay nghề. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tính đến phương án mở rộng quy mô đào tạo, kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận hình thức đào tạo mới, đó là “đào tạo sĩ quan hàng hải không cấp bằng”.
Theo đó, sinh viên sẽ được học tập trung trong 2 năm rưỡi và được cấp chứng chỉ đủ điều kiện làm việc trên các tàu biển với chức danh sĩ quan vận hành.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, việc phát triển nguồn nhân lực cần đặc biệt chú trọng. Trong đó muốn phát triển đội tàu biển mạnh cần phải có đội ngũ thuyền viên hùng hậu.
Dưới góc nhìn của VOVGT, trước nguy cơ “khan hiếm” nhân lực vận tải biển, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích sinh viên theo học ngành nghề đặc thù này.
Theo các chuyên gia, để phát triển nguồn nhân lực ngành vận tải biển cần phải có cơ chế đủ mạnh, từ trung ương đến địa phương, như miễn học phí và thậm chí là miễn đi nghĩa vụ quân sự nếu làm việc trên tàu biển (theo kinh nghiệm của Hàn Quốc).
Đồng thời, các DN cũng cần tăng tính chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, cung cấp thông tin về nhu cầu của từng vị trí công việc để các trường chủ động tuyển sinh và giới thiệu sinh viên đến với doanh nghiệp.
Cách làm này đang phát huy hiệu quả, tuy nhiên do số lượng sinh viên theo học các ngành này hiện không nhiều nên việc tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn là khó khả thi. Trong khi vận tải biển trong tương lai vẫn sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu thuyền viên đã bộc lộ rõ khi dịch Covid 19 bùng phát gần 2 năm qua.
Để chủ động nguồn nhân lực, hiện một số DN đã phải chủ động tuyển dụng lao động trẻ, sau đó đưa đi đào tạo ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc ồ ạt đào tạo cấp chứng chỉ ngắn hạn nhằm bù đắp lượng nhân lực thiếu hụt cho đội tàu, nhưng lại thiếu kiểm soát chương trình đào tạo đang là một mối nguy lớn về chất lượng nhân sự và hiểm họa khôn lường nếu tai nạn, sự cố xảy ra. Vì thế cần phải chấn chỉnh, kiểm soát chặt chương trình đào tạo, tránh đào tạo ngắn hạn một cách vô tội vạ, tiềm ẩn những nguy cơ gây hậu quả khó lường.
Một vấn đề nữa là các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành hàng hải cũng cần tập trung hơn nữa cho công tác đào tạo về ngành nghề đi biển và xây dựng thế mạnh trong đào tạo lĩnh vực này, tránh đi lệch hướng vào những lĩnh vực khác. Liên quan đến việc nâng hạng sĩ quan, Cục Hàng hải VN cần kiểm tra, đánh giá công khai minh bạch, đảm bảo đủ tiêu chuẩn mới cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên (STCW) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
Cùng với việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn thì việc tạo các cơ chế để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài là rất cần thiết. Vì hiện tại xu hướng “nhảy” việc ở nhóm ngành này rất cao, khiến các DN luôn đối mặt với tình trạng mất ổn định về nguồn nhân lực, dẫn đến bị động trong các kế hoạch vận hành.
Từ 01/10, Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Vậy, người dân sẽ được hưởng lợi gì từ việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử trong giao thông đường bộ?
Là một đất nước có bờ biển dài, chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, và là điểm đến thường xuyên của những cơn bão, thì việc cảnh báo sớm đến người dân những tín hiệu mất an toàn là điều vô cùng cần thiết ở Việt Nam.
Dọc theo Kênh Tẻ (đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP. HCM) trải dài chừng 500m từ chợ Tân Thuận, là hàng chục chiếc ghe, thuyền neo đậu bên sông. Trong số các mảnh đời ven dòng Kênh Tẻ, không ít người đã gắn bó với chiếc ghe hết cả nửa đời người.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, lực mua mạnh mẽ đã quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch hôm qua (1/10). Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm năng lượng ghi nhận mức tăng đáng kể, dẫn dắt xu hướng chung của thị trường.
Một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn khi trời tối chính là ánh sáng. Đặc biệt, nguồn ánh sáng nơi phố thị còn trở nên hấp dẫn hơn nhiều khi được phản chiếu và hội tụ trên mặt hồ lung linh.
TP.HCM và các tỉnh phía Nam có mạng lưới sông, kênh rạch dày đặc. Do vậy, hạ tầng giao thông, đặc biệt là những cây cầu kết nối với các địa phương rất quan trọng trong việc lưu thông, giao thương hàng hóa, giúp phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân thoát cảnh qua sông phải lụy đò.