Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Ý thức người điều khiển phương tiện từ hẻm ra đường chính

Phóng viên - 17/05/2017 | 11:33 (GTM + 7)

VOVGT – Có rất nhiều trường hợp người dân chạy xe từ trong hẻm, bất ngờ lao thẳng ra đường chính mà không cẩn thận quan sát…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ảnh minh họa

Đặc thù cấu trúc đô thị ở các thành phố lớn của nước ta có khá nhiều ngõ hẻm. Người dân sử dụng phương tiện di chuyển từ nhà mình trong hẻm ngõ đi ra đường lớn là điều hết sức bình thường và diễn ra mỗi giờ, mỗi ngày. Tuy nhiên điều đáng nói là, có rất nhiều trường hợp người dân chạy xe từ trong hẻm, bất ngờ lao thẳng ra đường chính, không cẩn thận quan sát, dễ gây va chạm giao thông với các phương tiện khác.

Một số người dân chia sẻ: “Phương tiện từ đường nhánh ra đường chính thì buộc phải ưu tiên cho xe ở đường chính. Nhưng nhiều người cứ lao thẳng ra, không nhìn trước nhìn sau, xi nhan hay bóp còi gì. Theo tôi ý thức giao thông của người Việt vẫn còn hơi kém…”. Một người khác cho ý kiến: “Người đi xe máy chạy trong hẻm ra thì cần quan sát cẩn thận. chứ nếu chạy nhanh quá mà gặp xe tải lớn thì phanh cũng không kịp…”.

Nghe các ý kiến tại đây:

Đang lái xe ở tốc độ bình thường, bỗng từ trong hẻm "vụt" ra một chiếc xe máy. Nếu bạn không nhanh tay xử trí tình huống, có thể tai nạn sẽ xảy ra. Đây là một tình huống không hiếm gặp khi chúng ta chạy trong thành phố lớn hoặc phía ngoài quốc lộ. Nguyên nhân là do ý thức từ những người chạy từ trong ngõ, hẻm, thích là quẹo hoặc bất ngờ lao ra mà không dừng chờ quan sát, bật tín hiệu….Thực tế cho thấy, tình trạng người điều khiển phương tiện từ đường phụ, đường hẻm ra đường chính một cách “vô tư” đã và đang diễn ra rất phổ biến. Nhất là trên tuyến Quốc lộ 1A, các đường liên huyện, liên xã, ấp và các đường nhỏ giao nhau tại các điểm chợ. Khi có sự cố va quẹt giữa người điều khiển xe, người đi bộ hoặc chẳng may liên đới đến các phương tiện có tải trọng lớn hơn như ôtô, xe tải… thì hậu quả thương tâm xảy ra là điều không tránh khỏi.

Điển hình như vụ tai nạn vào năm 2013 trên đường Nguyễn Oanh đoạn giao với đường Nguyễn Văn Dung (quận Gò Vấp-TPHCM). Ông Bùi Văn Thạch (khoảng 50 tuổi) hành nghề lái xê ôm, điều khiển xe máy lưu thông trên đường Nguyễn Oanh hướng từ quận 12 đi Gò Vấp, chở theo khách là một thanh niên. Khi đến địa điểm trên thì bất ngờ một chiếc xích lô từ trong con hẻm nhỏ lao ra. Ông Thạch lách tay lái sang trái, thắng gấp. Không may, từ phía sau, một chiếc xe ben lưu thông cùng chiều, trờ tới, tông mạnh vào xe máy khiến hành khách ngồi phía sau xe máy bị văng xuống đường, bất tỉnh. Ông Thạch và xe máy bị cuốn vào gầm và bị xe ben kéo lê đi gần 7m. Ông Thạch bị bánh sau xe cán qua chết tại chỗ. Ông Thạch có vợ bán bánh mì tại khu vực Bến xe Ngã Tư Ga, có 3 con còn rất nhỏ. Tai nạn thương tâm và đau đớn thế này để lại không ít di chứng hậu quả làm cuộc sống của người thân nạn nhân lao đao, khốn đốn, mà đôi khi không phải bắt nguồn từ lỗi của chính nạn nhân.

Một vụ khác vào đầu tháng 6/2015, chị Lê Thị Lan (44 tuổi, ngụ quận 2, TP HCM) chở con gái 9 tuổi từ hẻm băng ra đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (quận 2). Cùng lúc, xe container đổ dốc từ đường cao tốc đang rẽ phải qua đường Mai Chí Thọ, đã tông và cuốn xe máy của chị Lan vào gầm. Người mẹ bị bánh xe cán qua người, tử vong tại chỗ.

Cách đây 3 ngày, người dân cũng chứng kiến vụ tai nạn nghiêm trọng bởi lỗi bất ngờ chạy từ trong hẻm ra tại phường Tam Hiệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Một nam thanh niên khoảng 20-25 tuổi chạy xe từ con hẻm nhỏ ra đường. Khi vừa ra đến đường lớn thì nam thanh niên tông thẳng vào một người phụ nữ đang điều khiển xe tay ga. Sau cú va chạm mạnh, cả 2 ngã ra đường và bất tỉnh, xe bị hư hỏng nặng.

Ảnh minh họa

Những vụ tai nạn nghiêm trọng thế này đều ở lỗi chạy ẩu từ hẻm ra, không quan sát gây va chạm, khiến không ít người băn khoăn và đặt câu hỏi, vì sao các tai nạn liên tiếp xảy ra ở cùng một lỗi nhưng người dân vẫn không ý thức được mức độ nguy hiểm của nó?

Lý giải ở góc độ tâm lý học, Thạc sĩ Nguyễn Văn Tường – chuyên gia Tâm lý Giáo dục Trường Đại Học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết: “Mình nghĩ một phần thiết kế là do quy hoạch đường nhiều ngõ hẻm nhưng chưa trang bị đầy đủ, ví dụ như gương phản chiếu. Nhiều khi ngõ lại gấp nữa, cứ đâm thẳng ra đường, không có gờ giảm tốc. Tức là, một phần do bề mặt thiết kế đường. Còn phía cá nhân người tham gia giao thông thì mình nghĩ, bản thân họ đã có ý thức rồi nhưng do thói quen, họ nghĩ rằng từ trước đến nay, mọi người cũng đi như vậy, mình cũng đi như vậy, bản thân họ chưa trực tiếp thấy những vụ tai nạn từ trong ngõ ra nên chưa có bài học kinh nghiệm. Có thể do vội cũng góp phần làm họ chủ quan khi từ trong ngõ ra, chưa ý thức được việc đó”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tường nói:

Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: “Tại nơi giao nhau giữa đường không ưu tiên và người ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc giữa đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới”. Nếu vi phạm, xe ô tô sẽ bị phạt từ 300 ngàn đến 400 ngàn đồng, còn với xe máy chạy từ trong hẻm ra không quan sát, nhường đường, sẽ bị phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng.

Khi được hỏi về việc làm sao để tránh giảm tình trạng tai nạn giao thông vì lỗi này, cử nhân Luật Trần Hữu Nam chia sẻ quan điểm: “Theo tôi nghĩ, trước tiên là cần tăng cường chế tài đối với hành vi này thì mới bảo đảm tính răn đe của pháp luật. Thứ hai là tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến đường để bảo đảm và phát hiện ngăn chặn những người thiếu ý thức, gây nguy hiểm cho giao thông. Cuối cùng là tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chạy từ đường hẻm, đường nhánh ra đường chính, ý thức đc là hành vi của mình không những gây nguy hiểm cho người khác mà còn nguy hiểm cho bản thân để từ đó điều chỉnh hành vi sao cho đảm bảo an toàn”.

Cử nhân Luật Trần Hữu Nam chia sẻ:

Tình hình tai nạn giao thông ngày càng phức tạp đang trở thành mối quan tâm của các ngành chức năng và toàn xã hội, một bộ phận người tham gia giao thông kém dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngay cả trong đường hẻm. Để khắc phục tình trạng này, hơn ai hết, mỗi người tham gia giao thông hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, nâng cao ý thức và tăng cường học hỏi để tham gia giao thông đúng pháp luật, có văn hóa.

Một số người vì thiếu ý thức chấp hành pháp luật, chủ quan, không biết tự bảo vệ an toàn cho chính mình, muốn “đi nhanh- về nhanh” nên đã vi phạm lỗi không quan sát, không nhường đường, không ra tín hiệu khi chạy từ trong hẻm, ngõ, đường nhánh ra đường lớn, đường ưu tiên. Nguyên nhân chính là họ chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm mỗi khi di chuyển từ nhà trong hẻm ra đường chính. Hành vi được lặp lại nhiều lần dần trở thành thói quen khó bỏ và mất khả năng tự vệ với những nguy cơ trước mắt. Điều này thật sự rất nguy hiểm, bởi Sài Gòn có hàng triệu con hẻm, ngõ ngách giao với đường lớn, quốc lộ, mật độ dân số sinh sống trong hẻm ngõ chiếm khoảng 85% đô thị. Nếu người dân không ý thức được vấn đề chạy từ nhà ra đường lớn thì tần suất tai nạn giao thông, va chạm sẽ xảy ra càng cao.

Bên cạnh đó, nhiều người vi phạm vì thực tế, họ chưa phân biệt được đâu là đường chính, đường ưu tiên, đâu là đường nhánh, đường không ưu tiên nên không áp dụng hoặc áp dụng chưa đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn và quy tắc nhường đường khi đến nơi giao nhau. Điều đó nói lên rằng vấn đề dân trí thấp, không hiểu rõ luật cũng là một nguyên nhân góp phần tạo hành vi và nhận thức sai khi tham gia giao thông. Hậu quả để lại chính là những tai nạn thương tâm chết người bởi va chạm tình huống bất ngờ này thường ở vận tốc cao và mạnh. Gia đình cũng vì thế mà liên lụy, con có thể mồ côi, cha mẹ đầu bạc khóc tiễn kẻ đầu xanh, tai họa khôn lường.

Vì vậy, các báo đài, phương tiện truyền thông, tổ dân phố… cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, dân trí của người dân là rất quan trọng để tất cả mỗi người đều ý thức được mức độ nguy hiểm của tình huống, cẩn thận hơn trong hành vi tham gia giao thông là cách tránh giảm tai nạn hữu hiệu nhất. Lực lượng chức năng địa phương cũng cần tăng cường tuần tra, xử phạt, chế tài răn đe những người vi phạm để làm gương, sẽ tạo điểm nhấn trong việc tuyên truyền nhận thức, nâng cao ý thức hơn.

Bản thân mỗi người điều khiển phương tiện khi đi từ đường nhánh, đường hẻm, trong nhà ra đường chính, cần chú ý quan sát hai phía, giảm tốc độ, bấm còi (nếu cần thiết) và phải nhường đường nếu có phương tiện khác đang lưu thông trên đường chính. Thực hiện những thao tác trên, người điều khiển phương tiện sẽ bảo đảm an toàn cho mình và cho những người khác tham gia giao thông. Đừng vì chủ quan hay vội vàng, thiếu quan sát mà vi phạm pháp luật an toàn giao thông, để khi tai nạn giao thông xảy ra thì bản thân, gia đình và xã hội phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Những người đang lưu thông trên đường chính cũng nên lưu ý quan sát và giảm tốc khi qua các ngõ hẻm, đường nhánh để phòng trừ nguy cơ tai nạn. Cuộc sống của bất kỳ ai cũng có thể bị đảo lộn nếu xảy ra va chạm mà chính mình là người trong cuộc. Tính mạng là trên hết, biết tôn trọng sự an toàn của bản thân khi tham gia giao thông không chỉ góp phần hạn chế tai nạn giao thông, mà qua đó còn góp phần cùng ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện tốt việc làm dừng, làm giảm tai nạn giao thông đang trong tình trạng báo động như hiện nay.

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

// //