Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xe ôm tranh giành khách: Cần có quy định chi tiết và sự giám sát của cơ quan chức năng

Phóng viên - 14/08/2017 | 6:52 (GTM + 7)

VOVGT – Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ ẩu đả bắt nguồn từ việc tranh giành khách giữa các tài xế xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội hôm 1/7 vụ xô xát giữa xe ôm truyền thống và xe ôm grab

Liên tục các vụ ẩu đả bắt nguồn từ việc tranh giành khách giữa các tài xế xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ; giữa các xe khách với nhau đã liên tục được ghi nhận trong thời gian qua. Đây được đánh giá là tình trạng phổ biến và là bài toán khó giải quyết dứt điểm đối với cơ quan quản lý.

Theo thông tin của công an phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, khu vực bến xe Mỹ Đình vừa xảy ra một vụ xô xát giữa tài xế xe ôm và tài xế grabbike vào ngày 27/7 mới đây. Theo những hình ảnh được ghi lại, hai tài xế này đã liên tục đấm đá nhau, bất chấp sự can thiệp của người dân và những chủ quán nước gần đó. Những người chứng kiến cho biết, nguyên nhân dẫn đến xích mích là do tranh giành khách.

Tương tự, ngày 1/7, trên mạng xã hội cũng lan truyền một clip ghi lại hình ảnh lái xe ôm mặc áo vàng cầm gậy truy đuổi lái xe Grab. Nơi xảy ra vụ việc được xác định là khu vực đối diện Royall City, trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, HN. Mâu thuẫn cũng được xác định là do người đàn ông mặc áo vàng cho rằng nam thanh niên lái xe Grab tranh khách nên đã cầm gậy đuổi đánh.

Trước đó, vào cuối tháng 6 vừa qua, tình trạng xô xát ẩu đả gây mất trật tự xã hội cũng xảy ra giữa các lái phụ xe của hai xe khách trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Theo đó chiều ngày 24/6, do có mâu thuẫn trong việc bắt khách, hai xe Ford Transit tuyến Móng Cái – Hà Nội bất ngờ dừng đột ngột trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Hạ Long). Sau đó, các phụ xe, lái xe trên hai phương tiện đã sử dụng gạch, đá, cây, gậy để lao vào hỗn chiến, khiến tuyến đường Nguyễn Văn Cừ bị ùn tắc kéo dài.

Trên đây chỉ một số vụ việc nổi cộm mới xảy ra, liên quan đến việc tranh giành khách trong hoạt động vận tải. Đáng buồn, đây không phải là hiện tượng cá biệt, mà được đánh giá là phổ biến và là bài toán khó tháo gỡ cho các cơ quan chức năng.

Anh Tô Văn Hào, một tài xế Grabbike tại Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên chương trình Văn hóa giao thông về thực tế những mâu thuẫn, nguy cơ diễn ra trong công việc của mình.

PV: Xin chào anh Tô Văn Hào, anh có cảm nhận như thế nào khi nghe thông tin về việc ẩu đả giữa tài xế xe ôm và tài xế grabbike xảy ra ở bến xe Mỹ Đình mới đây? Anh có bao giờ gặp phải tình huống tương tự hay không?

Anh Tô Văn Hào: Nghề xe ôm grab này vất vả nhưng không cạnh tranh với ai cả. Khách người ta đặt chuyến là đặt qua ứng dụng, qua điện thoại di động chứ không phải là đi tranh giành khách với xe ôm truyền thống. Tuy nhiên nhiều khi xe ôm truyền thống có thái độ ghét bỏ, tẩy chay grab. Tôi từng gặp trường hợp tôi đi đón khách ở phố Trần Cung thì đã bị xe ôm truyền thống đuổi, dọa đánh. Đuổi thì tôi chạy để không bị đánh, nhưng như thế ảnh hưởng rất nhiều đến an ninh.

PV: Trước những nguy cơ như vậy, anh mong muốn nhận được sự hỗ trợ tháo gỡ như thế nào để giảm thiểu rủi ro cho mình trong quá trình làm việc?

Anh Tô Văn Hào: Trong trường hợp như thế nếu hành khách đặt xe mà mình không thể vào khu vực đó đón được thì khách nên đi quá ra ngoài một chút để cho dễ đón hơn, đi xa khỏi khu vực có xe ôm truyền thống rồi hẵng đặt grab, không nên đứng ở gần chỗ tập trung nhiều xe ôm truyền thống rồi đặt grab vì rất nguy hiểm cho tài xế và cũng nguy hiểm cho cả hành khách nữa.

Xin cảm ơn những ý kiến của anh với chương trình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Như vậy, theo các tài xế, nguy cơ xô xát, ẩu đả do mâu thuẫn trong việc đón bắt khách là luôn luôn thường trực đối với mọi cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động vận tải. Không chỉ nguy hiểm với người làm dịch vụ, bản thân những hành khách cũng dễ dàng trở thành nạn nhân chịu hậu quả tai bay vạ gió.

Đánh giá về vấn đề này, chị Nguyễn Ngọc Nga, một người dân ở Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Tôi cảm thấy như thế cũng tương đối là bất an cho người sử dụng. Việc này là sự cạnh tranh thế nhưng khách hàng sẽ lựa chọn dịch vụ mà người ta cảm thấy an toàn, phù hợp. Việc cạnh tranh như thế càng làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như cái nhìn của khách hàng với các phương tiện truyền thống”.

Chị Nguyễn Ngọc Nga nói:

Tương tự, rất nhiều hành khách cũng bày tỏ lo ngại đối với hoạt động cạnh tranh gay gắt trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Một số ý kiến cho biết: “Ở bến xe thì họ tranh giành khách, có thể xô xát với nhau. Mình lạ mình cũng sợ. Nếu mình đi thì cũng phải hạn chế trước, nhiều khi phải gọi điện trước”. Một người khác chia sẻ: “Khách đi đường thì nói chung tình trạng lái xe cứ tranh giành thì rất hoảng sợ, không biết đi xe nào, đi như thế nào. Họ đánh nhau gây nguy hiểm thì mình rất sợ”.

Nghe các ý kiến tại đây:

Một va chạm khác giữa giữa xe ôm" truyền thống và "xe ôm" grab

Có thể nói, cạnh tranh là quá trình tất yếu trong mọi hoạt động kinh tế. Vấn đề là làm sao để việc cạnh tranh được diễn ra lành mạnh và chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng, cũng như sự răn đe của các chế tài pháp luật.

Do đó, các ý kiến đồng thuận cho rằng, sự tham gia tích cực hơn của các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm của hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô là hết sức quan trọng, để hạn chế các tiêu cực nảy sinh như các trường hợp nêu trên.

Bà Nguyễn Thị Loan, một người dân ở Thái Bình, hiện đang làm việc tại Hà Nội bày tỏ mong muốn: “Nhiều xe khách ở các tỉnh lẻ vẫn còn tình trạng tranh giành khách, gây ra va chạm ở nơi đón khách. Người dân mong muốn có các biện pháp cải thiện như thế nào để các phương tiện đi lại không xảy ra tình trạng đánh nhau trên dọc đường, đề nghị có biện pháp giải quyết”.

Bà Nguyễn Thị Loan nói:

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Bích Điểm, chuyên gia giáo dục cộng đồng cho rằng, vấn đề đánh mất thị phần của dịch vụ xe ôm truyền thống cũng bắt nguồn từ một số hạn chế trong thái độ và chất lượng dịch vụ. Do đó, trong xã hội hiện đại, khi yêu cầu của hành khách ngày càng nâng lên, thì đã đến lúc, những người tham gia vào các nghề nghiệp mang tính dịch vụ như lái xe cũng cần có sự thay đổi của chính mình.

TS Nguyễn Thị Bích Điểm lưu ý thêm: “Muốn cải thiện thì phải có liên kết với nhau như thế nào để phục vụ cho nhanh, đáp ứng được thời gian. Thứ hai là giá cả phải phải chăng, cạnh tranh được và đặc biệt phải giữ chữ tín. Phục vụ theo cách là khi khách muốn đến điểm này thì họ phải tìm cách nào đó để đưa khách đến cho nhanh, chứ không phải cứ lòng vòng thì đó cũng là điều làm ảnh hưởng chất lượng dịch vụ”.

TS Nguyễn Thị Bích Điểm nói:

Ngoài ra, chị Nguyễn Ngọc Nga ở Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội cũng đề xuất, đã đến lúc, cơ quan chức năng phải ban hành quy định cụ thể, để đưa hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe máy đi vào quy củ và trật tự hơn trong thời gian tới: “Các cơ quan ban ngành chức năng phải có quy định, quy chuẩn để cho kể cả các phương tiện giao thông truyền thống, ví dụ xe ôm truyền thống, cũng phải đáp ứng được tiêu chuẩn, tức là cạnh tranh lành mạnh, đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu. Có như vậy, tình trạng này mới có thể chấm dứt”.

Chị Nguyễn Ngọc Nga nói:

Có thể thấy, các hành khách sử dụng dịch vụ đều bày tỏ mong muốn chất lượng dịch vụ vận tải, đặc biệt là thái độ, đạo đức người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe sẽ ngày càng được cải thiện theo hướng văn minh hơn.

Do đó, để chung tay xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, đã đến lúc, các ngành chức năng phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy định và kiểm tra chặt chẽ đầu vào đối với học viên theo học lái xe.

Về phía các doanh nghiệp vận tải, các đơn vị cũng cần thường xuyên tuyên truyền, bổ túc tay lái cho đội ngũ lái xe, đồng thời thực hiện đổi mới cung cách phục vụ, nhằm nâng cao văn hóa, ứng xử, giao tiếp của lực lượng nhân viên với hành khách và người tham gia giao thông.

Ngoài ra, để giải quyết dứt điểm các sai phạm, cơ quan quản lý cần nghiên cứu tăng nặng chế tài, đồng thời thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, nhằm chấn chỉnh sai phạm, tiến tới quản lý hoạt động vận tải ngày càng có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Nhận diện bức tranh kinh tế những tháng đầu năm

Nhận diện bức tranh kinh tế những tháng đầu năm

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, bất ổn với nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, quý 1-2024, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,66%, cao nhất các quý 1 kể từ năm 2020. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế không tránh khỏi những gam màu xám.

// //