Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Thụ động giáo dục trẻ em: Gia đình có đang phó thác cho nhà trường?

Phóng viên - 13/02/2020 | 10:19 (GTM + 7)

Mặc dù đến tuần thứ hai nghỉ học, các trường đã giao bài tập ở nhà cho học sinh, tuy nhiên sự lúng túng của phụ huynh cho thấy một thực tế, nhiều gia đình đang khá thụ động trong việc giáo dục trẻ, thậm chí phó thác cho nhà trường. Vấn đề này được nhìn nh

Hiện nay, nhiều gia đình đang khá thụ động trong việc giáo dục trẻ, thậm chí phó thác cho nhà trường
Hiện nay, nhiều gia đình đang khá thụ động trong việc giáo dục trẻ, thậm chí phó thác cho nhà trường

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chị Nguyễn Thu Hà ở quận Hà Đông, Hà Nội có 3 con đang trong độ tuổi đi học. Mặc dù chị Hà có thời gian ở nhà để trông con nhưng chị đang phải đau đầu chuyện dạy con học bài. Trong bối cảnh các con đang phải nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19, chị đã cố gắng liên hệ với nhà trường và tìm hiểu chương trình học của con nhưng vẫn không khỏi lúng túng:

"Mình có phải là giáo viên ở trên trường đâu, nên những quyển nâng cao, lộ trình trên internet mình phải down về để làm thêm bài tập cho các con. Dĩ nhiên là khó khăn nhiều vì trông một lúc mấy đứa con, vừa dạy con học vừa trông con bé".

Trong khi đó, chị Lê Thị Hồng Hạnh ở quân Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, những ngày qua, hai vợ chồng chị phải "căng mình" thu xếp giữa công việc và chăm sóc, dạy dỗ con. Dù rất quan tâm tới việc kèm con học tại nhà, nhưng không ít lần chị Hạnh vẫn không đủ kiên nhẫn, lớn tiếng mắng con vì dạy mãi mà không hiểu, mà thời gian thì eo hẹp:

"Buổi tối thì lúc nào mình cũng phải kèm là con đã học bài chưa, con còn bài gì nữa không nhưng cháu ngồi làm mà cứ vò đầu bứt tai, có hôm rất muộn đến 12h mới xong. Thế nên tôi rất lo rằng việc mình kèm sát sao đến mấy nhưng cháu không tự giác thì vẫn không mang lại hiệu quả".

Thực tế, học sinh tiểu học, nhất là trẻ lớp 1, lớp 2 chưa có ý thức tự học nên học tập cùng con với nhiều bậc phụ huynh là công việc gian nan. Một số phụ huynh không có phương pháp truyền đạt; khi giảng bài, con chưa hiểu thì nhiều người hay nóng giận, quát mắng, thậm chí dùng cả roi vọt, hình phạt nên trẻ càng sợ và không tiếp thu nổi bài.

Nhiều lần như vậy dẫn đến tâm lý sợ học ở trẻ... Ở lứa tuổi lớn hơn, nhiều cha mẹ khi đi làm không yên tâm cho con sử dụng thiết bị điện tử để tự học trên các ứng dụng online nên hiệu quả việc tự học không cao. 

Từ quan sát của mình, chị Nguyễn Thu Hiền, một giáo viên THCS trên địa bàn Cầu Giấy Hà Nội cho biết, từ trước tới nay, nhiều gia đình bận rộn với việc làm kinh tế nên thường phó thác chuyện dạy con học cho nhà trường, cho các trung tâm hoặc gia sư, nên khi các con nghỉ học dài ngày như hiện nay thì sự lúng túng trong việc dạy con học càng lộ rõ:

"Nhiều phụ huynh nghĩ rằng trách nhiệm dạy con học là thuộc về nhà trường và trong bối cảnh như hiện nay, nhà trường phải có trách nhiệm kiểm soát việc học tập nên nhiều phụ huynh vẫn lơ là, chưa quan tâm đúng mức trong việc phối hợp với nhà trường để con em mình có thể tự học".

Cô giáo Nguyễn Thu Hiền khẳng định, việc phụ huynh kèm cặp con em tại nhà là rất cần thiết và cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phối hợp cùng với nhà trường đưa đến hiệu quả giáo dục cho con em mình. 

Để việc dạy con học tại nhà có hiệu quả, phụ huynh cần chuẩn bị kiến thức cùng con, dành thời gian nhất định trong ngày để trao đổi, liên lạc với giáo viên, tìm hiểu phương pháp trong việc dạy và học, sắp xếp, bố trí thời gian dạy con hợp lý và không nên gây áp lực cho con. Từ đó tạo cho con tâm lý thoải mái, không sợ hãi và hứng thú khi ngồi vào bàn học tại nhà. 

Đặc biệt, hiện nay, nhiều học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đã biết cách tự học bằng cách tìm hiểu kiến thức từ Internet nên quan trọng nhất vẫn là sự theo sát của phụ huynh để nhắc nhở con em học tập cho tốt. 

Chị Vũ Thị Thu Hằng, một chuyên gia giáo dục cũng tư vấn các bậc phụ huynh, muốn con em học bài hiệu quả, phụ huynh nên cùng con lên thời gian biểu hợp lí, giờ học giờ chơi rõ ràng. Cùng với đó, cha mẹ dạy con tự học trong khả năng của mình, có thể nhờ người thân giúp đỡ con hoặc biết cách hướng dẫn con tự học. theo chị Hằng, đây là một quá trình dài lâu và cần sự đồng hành của phụ huynh cùng nhà trường để các con có kết quả học tập tốt nhất:

"Quá trình học tập của con là quá trình trọn đời, đây là cơ hội để phụ huynh có nhiều thời gian hơn đồng hành cùng con và nhà trường. Cái khoảng trống trong kỳ nghỉ này có thể trở thành cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh, phụ huynh sau 2 tuần này vẫn cần cố gắng để duy trì hiệu quả việc đồng hành cùng con".

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, thời gian học sinh nghỉ vì dịch sẽ sớm kết thúc, học sinh sẽ lại đến trường sau khi dịch bệnh được khống chế, nhưng những phương pháp, tình cảm mà cha mẹ dành cho các con trong quá trình dạy con học tập nếu được duy trì thường xuyên sẽ cho những kết quả lâu dài.  

Liệu có phải gia đình chỉ dạy trẻ cách làm người, còn phần kiến thức là do thầy cô đảm nhận?
Liệu có phải gia đình chỉ dạy trẻ cách làm người, còn phần kiến thức là do thầy cô đảm nhận?

Sự bối rối của nhiều phụ huynh trong quãng thời gian con nghỉ học vì dịch bệnh, đã phần nào cho thấy, nhiều gia đình đang gần như “đứng ngoài” sự học của con. Và dưới góc nhìn của vov giao thông, khi mải mốt đi tìm trường tốt, thầy giỏi cho con, thì nhiều bố mẹ đang quên mất rằng, với con, họ mới chính là người thầy quan trọng nhất.

Người thầy quan trọng nhất

Học để làm gì? Cho đến khi đi làm, hẳn không ít người vẫn chưa tự trả lời được câu hỏi đó. Là bởi, nếu không phải là công việc chuyên ngành, thì những khái niệm tích phân và đạo hàm, định lý, định luật và tiên đề, những phản ứng, xúc tác, dung môi… cùng rất nhiều phần kiến thức đã học thời phổ thông, chẳng bao giờ “sờ” tới.

Nhưng, có thể họ sẽ tìm được câu trả lời, khi những đứa trẻ đặt câu hỏi “vì sao?”.

Hai tuần nghỉ học, việc bố trí người trông con không phải là thử thách gì ghê gớm với những ông bố bà mẹ vốn rất tháo vát đảm đang, dù có hơi cập rập mấy ngày đầu. 

Vấn đề mà phụ huynh lo nhất là con họ gần như không học hành gì trong thời gian nghỉ. Cho đến khi thầy cô, nhà trường tới tấp giao bài thì các bố các mẹ mới thở phào. Trong khi đó, những gia đình có con học mầm non thì chỉ biết thở vắn than dài khi con suốt ngày chúi mũi vào điện thoại, máy tính bảng.

Điều đó cho thấy, rời nhà trường, rời sự hướng dẫn của thầy cô, nhiều gia đình đang gần như đứng ngoài sự học của con cái. Sự sát sao lâu nay dừng lại ở việc, mỗi ngày bố mẹ nhắc con học bài, kiểm tra xem đã làm đủ số bài tập được giao hay chưa, nếu có khả năng hơn một chút thì xem kết quả.

Song, vai trò giáo dục của gia đình liệu có dừng lại ở đó? Liệu có phải gia đình chỉ dạy trẻ cách làm người, còn phần kiến thức là do thầy cô đảm nhận? Và bố mẹ liệu có phải chỉ nên dừng lại ở vai trò “giám thị” trong việc học của con?

Thời của internet, nhiều phụ huynh lập tức tra google mỗi khi con đặt câu hỏi tại sao. Và họ không còn hữu dụng khi bọn trẻ tự làm được việc này

Cũng với sự nở rộ của các dịch vụ giáo dục và đào tạo, nhiều bố mẹ đôn đáo tìm chỗ học cho con, từ việc chọn chỗ học chính, đến lựa chỗ học thêm, và đủ chương trình kỹ năng các loại. 

Họ dạt dào kỳ vọng rằng con sẽ được học không thiếu một thứ gì, khi được bố mẹ “đầu tư”. Kết quả là, gia đình trong mắt nhiều đứa trẻ, chỉ còn quan trọng với chức năng kinh tế, khi phần lớn thời gian trong ngày chúng bận rộn với những mối quan hệ ngoài kia.

Đã qua rồi cái thời “truyền thụ” tri thức. Trong triết lý giáo dục hiện đại, người học là trung tâm, và những hạt nhân xung quanh chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khơi gợi. Nếu không có một niềm hứng thú say mê làm động lực cho học tập, nếu không có một phương pháp tự học làm chìa khóa, thì mọi đứa trẻ chỉ là những cái “bị” để người lớn “nhồi” kiến thức vào đầu. Phần tri thức có khả năng ứng dụng, sẽ chỉ một bộ phận rất ít ỏi được “xếp” ở bên trên.

Và điều đó cũng một phần lý giải vì sao, gần hai tuần nghỉ học cộng với hai tuần nghỉ tết trước đó, mà khi được hỏi đã muốn đến trường hay chưa, nhiều đứa trẻ vẫn lắc đầu. Nếu không có gì thay đổi, rồi đến một lúc nào đó, chúng sẽ lặp lại câu hỏi “học để làm gì?”, y như chúng ta hôm nay.

Việc khơi gợi hứng thú và niềm say mê khám phá cái mới, tìm tòi tri thức, hay xây dựng một phương pháp tự học phù hợp với mỗi cá nhân, đương nhiên là khó hơn rất nhiều so với “nhồi” kiến thức. Và chỉ có những ai hiểu đứa trẻ nhất, lắng nghe và chia sẻ với chúng nhiều nhất, mới có thể làm tốt việc này. Đó chẳng phải sứ mệnh của người làm mẹ, làm cha? 

Vẫn biết rằng, gia đình nào cũng vậy, luôn có sự mâu thuẫn giữa mong muốn khả năng. Những mong muốn đồng hành cùng con đôi khi bị gác lại bởi áp lực công việc, bởi điều kiện mưu sinh, và cả những tham vọng, đam mê cá nhân của chính người làm cha mẹ. Song, ngay cả khi xác định ưu tiên số một là “đầu tư” cho con cái, thì cách thức đầu tư của nhiều phụ huynh vẫn khác rất xa với mong muốn của con trẻ.

Và những “nhà đầu tư” hào phóng ấy gửi gắm con cho các thầy khắp nơi, mà quên mất rằng, mình mới là người thầy đầu tiên của con, người thầy suốt đời và người thầy quan trọng nhất.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoác áo mới lung linh ánh sáng, kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật giống như một đường "hầm thủy cung".

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Đây là sản phẩm được ra đời từ quá trình hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới và sẽ là trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 thứ 19 trên toàn thế giới

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Đến thời điểm này các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các phương án, kế hoạch để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

21 nghìn chiếc xe đạp thồ, hơn 3 vạn lượt dân công hỏa tuyến- trong số 26 vạn dân công cả nước, đã cùng với phương tiện vận tải cơ giới, vượt núi cao, vực sâu, đưa 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Thông tin Hà Nội sẽ thay buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Liệu Hà Nội có nên “khai tử” buýt nhanh BRT ở thời điểm hiện tại? Ai chịu trách nhiệm khi xóa bỏ dự án nghìn tỷ này? Lựa chọn lần này của Thành phố là đường sắt đô thị sẽ đi về đâu?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Gần đây VOV Giao thông liên tiếp nhận được phản ánh của người dân Hà Nội về việc họ sẵn sàng di dời khỏi các chung cư cũ để cải tạo, xây mới, tuy nhiên điều khiến họ lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống.

// //