Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Làm gì để người Việt tin dùng hàng Việt?

Phóng viên - 29/05/2019 | 15:58 (GTM + 7)

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã bước sang tuổi thứ 10 với nhiều thách thức cũng như kỳ vọng đến từ nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nên chăng cần một diện mạo mới, tích cực và chủ động hơn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Sau 10 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì có thể xem đây là một trong những phong trào nhận được sự quan tâm mạnh mẽ nhất của cả hệ thống chính trị và hàng chục triệu người tiêu dùng Việt.

Cuộc vận động đã tạo ra những kết quả tích cực như thế nào đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước? Đâu là những bất cập còn tồn tại cũng như các giải pháp khắc phục là gì? Và cần làm gì để người Việt thực sự tin dùng hàng Việt? 

Người dân ngày càng tin dùng hàng Việt Nam. Ảnh: Thái Sơn

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với mục địch vận động mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Có thể khẳng định rằng, sau 10 năm triển khai cuộc vận động thì hàng hóa Việt Nam đã dần chiếm lĩnh được thị trường và chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Không chỉ vậy còn là đòn bẩy hiệu quả giúp không ít doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

"Khi tôi đi mua các sản phẩm hàng hóa dặc biệt là hàng tiêu dùng, thực phẩm thì tôi luôn ưu tiên các sản phẩm Việt Nam. Thứ nhất là hàng Việt Nam phong phú về chủng loại, thứ hai là giá tương đối mềm và phù hợp với túi tiền người tiêu dùng trong nước. Về chất lượng thì không thua các sản phẩm nước ngoài".

"Hàng Việt Nam mình dùng rất yên tâm, không phải sợ gì cả, giá cả cũng mua sắm được chứ không cao, người Việt dùng hàng Việt cho đảm bảo hơn".

"Sau khi có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì từ nhà sản xuất đến các nhà tiêu thụ sản phẩm như chúng tôi thì đã có sự gắn kết với nhau hơn. Nhà sản xuất yên tâm hơn khi có nhà phân phối bán ra sản phẩm của họ và người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn khi đến các siêu thị, đại lý".

"Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách như hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, lãi suất vay vốn ngắn hạn, chi phí phát triển thương hiệu, các hoạt động xúc tiến thương mại".

Là một trong những doanh nghiệp tham gia cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đầu tiên và liên tục trong 10 năm qua, Tổng công ty May 10 đã tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ bán hàng, để có được một chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 khẳng định:

"Có lẽ đây là một trong những cuộc vận động mà mức độ lan tỏa được sâu rộng và nhiều ý nghĩa nhất. Thứ hai cũng thức tỉnh được ý thức của người tiêu dùng trong nước, hạn chế được tâm lý sính ngoại. Thứ ba là doanh nghiệp chúng tôi cũng ý thức được người Việt Nam dù yêu nước đến mấy thì cũng chỉ sử dụng sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra nếu sản phẩm đó đảm bảo chất lượng. Chúng tôi luôn ý thức được sản phẩm mình làm ra phải đảm bảo chất lượng, hợp thị hiếu và giá cả phải chăng, dịch vụ trước trong và sau bán hàng tốt thì người tiêu dùng mới hưởng ứng".

Theo thống kê từ Bộ Công Thương thì tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cả chợ truyền thống đều tăng cao trong nhiều năm trở lại đây, duy trì từ mức 60% trở lên.

Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt, đồng thời, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. Mặc dù vậy, cuộc vận động đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi cần có sự thay đổi để phù hợp với điều kiện mới.

Ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc siêu thị Tứ Sơn nói:

"Nếu các nhà bán lẻ hiểu thấu người tiêu dùng vừa sâu vừa rộng, một cách thấu đáo và thực tế cũng như kết hợp xu hướng phát triển chung của xã hội từng vùng thì tôi tin rằng họ sẽ chiến thắng. Người Việt Nam vẫn ưu tiên mua sắm hàng Việt vì vậy nếu các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững thì hãy có sự chỉnh chu, hòa nhập vào xu hướng chung".

Rõ ràng sự thay đổi là cần thiết để cuộc vận động có thể đi vào thực chất và nhận được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía người tiêu dùng Việt. Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý cũng như có những giải pháp kịp thời để tham mưu với Chính Phủ để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xúc tiến thương mại cũng như nâng cao sức mạnh thương hiệu Việt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm:

"Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, sức ép và sức cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ ngày càng quyết liệt hơn, để triển khai hiệu quả cuộc vận động trong giai đoạn mới, Bộ công thương sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ đề án tái cơ cấu ngành công thương, Bộ Công thương sẽ trình chính phủ phát triển thị trường trong nước, trong đó tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước, lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành quy chuẩn, hàng hóa theo cam kết quốc tế".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định rằng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đây không đơn thuần là một cuộc vận động, một phong trào mà đó còn là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự tham gia tích cực và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:

"Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính Trị là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa thương hiệu Việt trong thời gian vừa qua. Để tiếp tục nuôi dưỡng phong trào thì trách nhiệm của các doanh nghiệp là phải tiếp tục sản xuất ra nhiều hơn nữa. Hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, giá thành hạ, dịch vụ hậu mãi chu đáo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu".

Làm sao để người Việt tin dùng hàng Việt?

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã bước qua cột mốc 10 năm với nhiều hiệu ứng tích cực trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa Việt. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng cuộc vận động đã đang và sẽ còn đứng trước những thách thức không nhỏ về chính sách, môi trường kinh doanh, tư duy doanh nghiệp, cách thức tiếp cận thị trường…tất cả hướng đến mục tiêu “Làm sao để người Việt tin dùng hàng Việt?”. 

Các tập thể và cá nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương vì đã có đóng góp tích cực trong 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cần khẳng định rằng sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó đáng kể nhất là làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng trong nước và tư duy của các nhà sản suất nội địa.

Từ cuộc vận động này, đã có rất nhiều thương hiệu Việt cất cánh và nhận được sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng trong nước như Biti’s, Việt Tiến, trứng gà Ba Huân, sơ mi May 10, Vinamilk, nho Ninh Thuận, nước mắm Phú Quốc…Hàng Việt đang chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống hàng chục ngàn siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi và hàng trăm trung tâm thương mại trên cả nước.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều rào cản khiến cho hàng Việt chưa thực sự đến tay người tiêu dùng Việt. Đó là việc nước ta tham gia các hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hướng đến một nền kinh tế mở sẽ là thử thách không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh khốc liệt với những ông lớn quốc tế.

Ngoài ra là những bất cập trong chính sách điều hành, quản lý thị trường còn lỏng lẻo, tình trạng hàng giả hàng nhái tràn lan, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào số lượng mà thiếu quan tâm đến chất lượng sản phẩm…

Vì vậy, để Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thực sự có chiều sâu và đi vào thực chất trong thời gian tới thì Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng tốt hơn, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông dân cư.

Mặt khác, Bộ Công thương cũng cần chủ động tham mưu với Chính Phủ để tháo gỡ bất cập, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hàng hóa sản xuất trong nước.

Đối với các doanh nghiệp cần chuyển dần các hoạt động đi vào chiều sâu, không dừng lại ở phong trào, bề nổi mà phải có các giải pháp bền vững, lâu dài. Để cạnh tranh, doanh nghiệp phải nhanh chóng cắt giảm các khoản chi phí bất hợp lý, giảm giá thành để hạ giá bán hàng hóa sản xuất trong nước bằng hoặc thấp hơn hàng nhập khẩu nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, không thể bỏ qua việc cải thiện mẫu mã bao bì, nhạy bén nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để đưa ra sản phẩm đáp ứng về chất lượng, thuyết phục khách hàng bằng chính ưu thế sản phẩm cũng như dịch vụ trước trong và sau khi bán hàng của mình. Đồng thời cần có tư duy kinh doanh chiến lược thay cho tư duy kinh doanh “chộp giật”, nhỏ lẻ. Nên đặt sự tin tưởng của khách hàng làm nền tảng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh chạy theo lợi nhuận trước mắt.

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã bước sang tuổi thứ 10 với nhiều thách thức cũng như kỳ vọng đến từ nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nên chăng cần một diện mạo mới, tích cực và chủ động hơn. Đã đến lúc hàng Việt không chỉ dừng ở mức “được ưu tiên” chọn lựa, mà cần đặt mục tiêu “phải chinh phục” được người tiêu dùng Việt. Chỉ có vậy mới có thể nâng tầm chất lượng hàng hóa Việt cũng như tạo ra vị thế mới cho chuỗi sản xuất phân phối hàng việt với nhiều giá trị gia tăng.

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

// //