Vì sao đường sắt đô thị “rủ nhau” xin lùi tiến độ?
Phạm Trung Tuyến - Quách Đồng - 31/05/2022 | 5:45 (GTM + 7)
Không chỉ dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội phải lùi tiến độ đến năm 2029, trước đó, nhiều dự án trọng điểm khác như Đường sắt Cát Linh-Hà Đông cũng chậm tiến độ, đội vốn lớn. Những lý do nào khiến các dự án chậm tiến độ? Đơn vị xây dựng dự án có lường trước được những khó khăn gây chậm tiến độ?
Khi quyết định đầu tư có đánh giá mức độ khả thi hay không, hay biết không khả thi vẫn phê duyệt, hay do năng lực điều hành?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, dự án sẽ phải lùi thời gian vận hành toàn tuyến vào năm 2029, tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng thêm 4.905 tỷ đồng (202,81 triệu Euro).
Đây không phải lần đầu tiên dự án phải lùi tiến độ, đội thêm vốn, bởi trước đó, từ khi được khởi công vào 2010, tổng mức đầu tư dự án đã được điều chỉnh tăng 393 triệu Euro (khoảng 10.000 tỷ đồng), từ 783 triệu Euro lên 1.176 triệu Euro.
Tương tự, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng vốn đầu tư ban đầu 8.769 tỉ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Tuy vậy, phải sau 13 năm, dự án mới chính thức được đưa vào vận hành với 12 lần lỡ hẹn, đội vốn thêm 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD).
Tại TP. HCM, đoạn Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt năm 2007 với tổng vốn 17.387 tỷ đồng, kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2018, nhưng thông tin mới đây, dự án sẽ phải đến năm 2024 mới có thể vận hành, khai thác và số vốn được điều chỉnh tăng lên 43.757 tỷ đồng.
Trong số các nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, các chuyên gia phân tích, có những nguyên nhân chủ quan do thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, dẫn tới phải điều chỉnh; các gói thầu được ký theo hợp đồng quốc tế, có nhiều điểm khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp tới việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí, dẫn đến tranh chấp với các nhà thầu quốc tế…
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, trước hết cần xử lý trách nhiệm của đơn vị tư vấn.
Theo ông Đông, kinh nghiệm quốc tế với dự án vay vốn thương mai, giao đoạn tiền khả thi sai số cộng trừ 10%, sau đó báo cáo khả thi, bao gồm cả thiết kế chi tiết, sai số dự án, tổng mức đầu tư chỉ được phép chênh lệch 5%, quá tổng mức đầu tư này, đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, các dự án ODA, đơn vị tư vấn trong nước thường làm thuê cho đơn vị tư vấn nước ngoài theo kiểu “bảo gì làm nấy”.
"Tất cả những thứ gọi là khó, lường trước thì đều nằm trong cái khảo sát, bao gồm khảo sát địa chất, đánh giá ảnh hưởng tác động môi trường và xã hội, tức là bao nhiêu gia đình bị, bao nhiêu người phải giải tỏa… là phải nằm trong đấy. Tất cả cái đấy là lỗi phải xuất phát từ gốc gác là từ đơn vị tư vấn. Nhưng không phải là do năng lực tư vấn, mà là do cơ chế quản lý vốn ODA nó dẫn đến hệ lụy như thế", ông Đặng Huy Đông nói.
Ngoài trách nhiệm của đơn vị tư vấn, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng UBATGTQG cho rằng còn là trách nhiệm của Ban quản lý dự án- cơ quan quản lý chuyên ngành. Dù tư vấn thiết kế trong nước hay nước ngoài, nhưng sau đó là cơ quan Trung ương và địa phương phê duyệt và thực hiện: "Tư vấn cũng có một phần trách nhiệm, nhưng thực chất chỉ là người chủ đầu tư thuê, Ban Quản lý dự án thuê. Khi thuê, anh phải xem xét hồ sơ, đánh giá năng lực tư vấn.
Tất cả những cái đó trách nhiệm của Ban Quản lý là rất lớn. Ông là chủ đầu tư, ông cầm tiền, ông quyết định, trước khi ký với tư vấn, ông có xem năng lực tư vấn không. Đều là trách nhiệm của ông quản lý hết".
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, những dự án đường sắt đô thị trên cả nước đều chậm tiến độ và đội vốn, lặp đi lặp lại, nhưng không ai chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý là điều rất khó hiểu: "Chậm tiến độ, đội vốn thì người nào tính ra vốn, người làm làm tăng, đội vốn, người nào làm chậm tiến độ thì phải có người chịu trách nhiệm chứ.
Những hợp đồng như vậy mà không làm theo tiến độ của hợp đồng, tăng lên 200-300%, vậy thì bên Pháp - đơn vị ký hợp đồng cũng phải chịu trách nhiệm chứ.
Tóm lại, từ đơn vị vạch ra dự án, đơn vị phê duyệt và đơn vị quản lý dự án đều phải chịu trách nhiệm".
Ở góc độ khác, PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Trường Đại học GTVT) cho rằng, việc phải theo các điều kiện của các nhà cung cấp vốn vay, nhưng thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các hạng mục kỹ thuật cũng để lại nhiều lo ngại. Bởi khi các dự án đưa vào khai thác, mỗi dự án có công nghệ khác nhau, tiêu chuẩn khác nhau, việc thiếu một tiêu chuẩn tạo ra sự khập khiễng khi vận hành.
"Nó phụ thuộc nguồn vốn vay, điều kiện vay, khi phụ thuộc như thế thì người ta lập một dự án thì người ta phải lập toàn bộ theo kiểu của người ta chứ không theo một dự án khác chưa xây dựng được. Ông A không thể theo ông B vì ông B đã làm đâu. Cho nên không chung được cái gì cả".
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cơ chế đối với vốn vay ODA đang làm khó các quốc gia thụ hưởng, bởi cơ chế chỉ định thầu, nước thụ hưởng không được tự chủ trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu cũng như không có chế tài xử phạt tổng thầu khi không thực hiện đúng cam kết:
"Chúng ta cứ lặp đi lặp lại bài này mà nói không xuể được, đấy là cái bệnh nghiện ODA và trên thế giới người ta gọi đấy là sát thủ kinh tế và người ta chứng minh rất nhiều rồi. Chừng nào còn ODA thì không bao giờ thoát khỏi, đừng tìm giải pháp chữa".
Các dự án đường sắt đô thị đua nhau chậm tiến độ, đội vốn diễn ra nhiều năm, nhiều lần đến mức không còn ai ngạc nhiên hay bất bình thường. Đây là điều không thể chấp nhận.
Đã đến lúc cần có cơ chế giám sát, xử lý trách nhiệm của các bên liên quan, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm, ngay cả với đơn vị cấp vốn, thậm chí từ chối nếu phải vay với những điều kiện không phù hợp.
Hãy cùng đến với góc nhìn VOV Giao thông qua bài bình luận với nhan đề: Trách nhiệm - Ai là ai?
Các dự án đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng liên tục lùi tiến độ, tăng vốn đến mức không ai còn ngạc nhiên, không ai còn cảm thấy bất bình thường, là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm. Thậm chí, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng dễ dàng được liệt kê.
Ví dụ, với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT liệt kê được 12 nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân rất cụ thể là do thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài dẫn tới phải điều chỉnh. Tuy nhiên, ai là người phải chịu trách nhiệm về việc thiết kế phải điều chỉnh trong suốt quá trình đằng đẵng hàng chục năm? Tất nhiên, không ai cả.
Để một dự án đầu tư công được phê duyệt thì bao gồm một quá trình thẩm định được quy định rất chặt chẽ. Từ luận cứ khoa học về tác động kinh tế, xã hội và môi trường, tính cấp thiết của dự án, đến nguồn vốn đầu tư, năng lực nhà thầu… nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án.
Theo quy định tại Điều 71 Luật xây dựng năm 2014 quy định về trách nhiệm của tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng thì cơ quan, tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư về ý kiến, kết quả thẩm định dự án của mình.
Nhưng khi các nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ cả chục năm, đội vốn hàng chục lần, gây thiệt hại cho nhà nước không chỉ về tiền bạc, mà còn ảnh hưởng tới hàng loạt cơ hội phát triển của đất nước, chúng ta chưa thấy bất cứ tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vai trò thẩm định của mình.
Dự án chậm tiến độ, đội vốn, vậy ai là người tính ra cái tiến độ ấy, tính ra tổng mức đầu tư ấy mà không tính được các nguyên nhân dẫn đến chậm chễ, rồi tăng vốn? Ai là người thẩm định mà bỏ qua?
Nhìn lại các dự án đầu tư hạ tầng đội vốn, chậm tiến độ trong suốt thời gian qua, chúng ta thấy tất cả đều giống như nạn nhân, tất cả đều vô can, không có bất cứ ai phải chịu trách nhiệm.
Nó khiến cho người dân có cảm giác là chúng ta cứ quyết định đầu tư, làm được đến đâu thì làm, bao giờ xong thì xong, hết bao nhiêu tiền cũng được.
Đơn vị tư vấn cứ tư vấn, nếu sai thì thôi.
Đơn vị thẩm định cứ thẩm định, không đúng thì thôi.
Đơn vị thi công cứ thi công, nếu hết tiền thì thôi.
Chủ đầu tư cứ đầu tư, hết tiền thì thôi.
Tất nhiên, người dân cứ chờ, chờ chán thì thôi.
Một dự án đầu tư công bằng tiền thuế của người dân, hay bằng tiền đi vay, tức là tạm ứng tiền thuế của thế hệ sau, đã đến lúc cần có những con người cụ thể phải chịu trách nhiệm trước người dân.
Ai tư vấn, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như nào khi đó là nguyên nhân tăng vốn, chậm tiến độ?
Ai chọn nhà thầu, người đó phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật nếu nhà thầu không đủ năng lực?
Ai thẩm định, người đó phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật nếu như kết quả thẩm định thiếu chính xác, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân?
Đã đến lúc người dân có quyền được biết ai là ai, và ai là người phải chịu trách nhiệm cho niềm tin bị đổ vỡ của mình.
Ẩu đả gây thương tích, hành hung người khác sau va chạm giao thông thậm chí tấn công cả những người can ngăn, vì sao vẫn xảy ra? Thực trạng đáng báo động, gây tâm lý bất an, tổn hại đến sức khỏe, thậm chí cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông làm cách nào để chấm dứt?
Hiện Nghị định 168 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã chính thức có hiệu lực từ 01/1/2025, tăng mạnh mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm. Tuy nhiên, có những trường hợp gặp khó khăn về tài chính trong việc nộp phạt.
Những năm qua, nút thắt “cổ chai” cầu Long Thành, Trạm thu phí Long Phước hay nút giao An Phú đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều lái xe khi lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một trong những điểm đến nổi tiếng và thu hút khách du lịch bậc nhất tại TP.HCM. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng buôn bán hàng rong tràn lan tại đây đang gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.
“Nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong 3 ngày liên tục, có thể xem xét cho học sinh mẫu giáo, tiểu học nghỉ học”, đây là nội dung đáng chú ý được nêu trong văn bản khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe của Cục Quản lý Môi trường y tế, vào ngày 7/1.
Sau nửa tháng vận hành chính thức và miễn phí 1 tháng cho người dân, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thu hút hàng vạn lượt khách trải nghiệm/ngày.