Nhất Hoàng - Khoa Nam - 17/06/2022 | 11:25 (GTM + 7)
Không ít vụ TNGT thương tâm do tài xế sử dụng rượu, bia gây ra. Những cuộc vui cùng bia rượu không thể thiếu đối với một số người đặc biệt là đang ở độ tuổi lao động và không phải ai cũng có thể “kìm chế” được lượng bia, rượu đưa vào cơ thể trong những bữa nhậu.
Sau những vụ tai nạn liên quan đến việc sử dụng rượu bia có rất nhiều ý kiến cho rằng nên tăng nặng hơn nữa mức xử phạt thậm chí là tịch thu phương tiện và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông, trong đó 11% số người chết do có liên quan rượu, bia. Tại TP.HCM từ đầu cuối năm 2021 đến đầu tháng 6/2022, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử phạt hơn 21.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích.
Con số này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Hiện nay, những cuộc vui cùng bia, rượu đã trở thành “văn hóa” đối với một bộ phận rất lớn những người dân, đặc biệt là đang ở độ tuổi lao động hiện nay. Hết giờ đi làm về nhậu; sinh nhật cũng nhậu; bạn bè gặp nhau cũng nhậu hay có sự kiện gì đó cũng gọi nhau ra quán.
Đã nhậu là phải hết mình, rất ít người trong tiệc nhậu “kìm chế” được lượng bia, rượu hấp thụ vào cơ thể mình… Khi trong người đã có hơi men thì khi cầm vô-lăng, không chỉ khó làm chủ tốc độ, xử lý tình huống xảy ra mà việc điều khiển xe cũng khó. Tai nạn xảy ra là đương nhiên.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, rượu bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động.
Do say xỉn không làm chủ được tay lái, khó xử lý tình huống, và những người này vô tình trở thành những “hung thần” trên đường gieo án “tử” không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính bản thân mình.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an TP.HCM) cho biết dù Nghị định 100 ra đời đã nâng cao mức phạt nằm răng đe, tuy nhiên việc người dân chấp hành là vẫn chưa cao: “Công an thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát xử lý chuyên đề về nồng độ cồn và chất kích thích trên địa bàn thành phố; tập trung vào 1 số tuyến đường chính, khu vực có những nhà hàng, những cơ sở kinh doanh có bán rượu bia và các chất kích thích”.
Trước thực trạng chấp hành luật pháp giao thông về việc sử dụng rượu bia của người dân vẫn còn hời hợt nếu như không muốn nói là ỷ y, coi thường.
Đặc biệt sau khi xảy ra liên tiếp những vụ tai nạn nghiêm trọng gây ra những hậu quả quá lớn trong những năm qua, dư luận xã hội có rất nhiều ý kiến trong đó cho rằng có nên hay không việc triển khai các chế tài mạnh hơn, có thể là xử lý hình sự, phạt tù hoặc đánh mạnh vào tài chính với con số rất lớn để từ đó thay đổi nhận thức người vi phạm, tránh phạt cho có thiếu tính răn đe.
Nhiều người cũng đề xuất tịch thu phương tiện và tước bằng lái xe vĩnh viễn.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Toàn – Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, tại một số quốc gia, hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay dù chưa cần gây hậu quả.
Bên cạnh đó, tài xế bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích. Luật sư Toàn đề xuất phải xử lý thật nghiêm khắc những người uống rượu bia khi lái xe, nhất là đến những người đang làm việc tại các cơ quan nhà nước.
“Tôi đang muốn nhấn mạnh đến những người đang làm việc tại các cơ quan nhà nước thì những người đó phải là những người đi đầu, những người đó phải là tấm gương.
Lẽ ra những người đó phải triệt để không được tham gia giao thông khi trong người có nồng độ cồn, sau đó mới là đến người dân”, Luật sư Nguyễn Thanh Toàn nói.
Có thể thấy việc tăng chế tài, mức độ xử phạt cả hành chính lẫn hình sự chỉ là yếu tố cần chứ chưa phải là yếu tố đủ để có thể giúp hạn chế việc vi phạm cũng như tai nạn giao thông do bia rượu gây ra.
Cùng quan điểm với Luật sư Toàn, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc (Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM) cho rằng chúng ta cần phải nghiên cứu để cho ra được những biện pháp xử lý triệt để và mang tính chất ngăn ngừa chứ không thể để sự việc xảy ra rồi mới xử lý. “Hiện nay chúng ta chủ yếu dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng sắp tới hướng thí dụ như sẽ có điều chỉnh đã bị xử lý hành chính tiếp tục vi phạm khi chưa hết thời hạn xử lý vi phạm hành chính thì sẽ có nghiên cứu đối với những văn bản liên quan để có cái điều chỉnh phù hợp.
Chắc chắn chúng ta vẫn phải tăng cường công tác tuyên truyền mà nhất là đối với cái tuyên truyền và cái cam kết đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ, các lực lượng lao động trong khối hành chính sự nghiệp”.
Như vậy để hạn chế những hành vi vi phạm giao thông khi trong người có nồng độ cồn không chỉ đơn giản là tăng nặng mức xử phạt mà cần phải kết hợp nhuần nhuyễn với công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân; đặc biệt là lực lượng lao động không để “hủ tục ăn nhậu” không trở thành một vấn nạn trong công sở có như vậy mới ngăn chặn được những mầm móng của việc vi phạm thậm chí là gây ra tai nạn giao thông khi đã sử dụng rượu bia.
Riêng đội ngũ người lao động trong các đơn vị nhà nước phải là tấm gương, là lá cờ đầu trong việc tuân thủ pháp luật cũng như bị xử lý nghiêm nếu vi phạm có như vậy thì việc răng đe đối đa số người dân mọi tầng lớp mới thật sự có hiệu quả và ý nghĩa sâu rộng.
Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông:Đừng để “văn hoá nhậu” ăn sâu
Ông bà ta ngày trước có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” ý muốn nói đến vai trò chất xúc tác của “miếng trầu” trong mọi cuộc trò chuyện, giao tiếp, gặp gỡ.
Nhưng mọi thứ giờ đây đã khác, chén rượu ly bia đã thay thế hoàn toàn và trở thành “thứ không thể thiếu” trong tất cả các sự kiện bất kể là vui hay sầu.
Có hàng tỷ lý do để người Việt dính dáng đến rượu bia, dù chủ động hay bị động. Thực tế là, người Việt có thể nhậu từ nhà, ra ngõ, xuống phố hay cả cơ quan, nơi làm việc.
Việc Việt Nam lọt top những quốc gia hàng đầu thế giới về tiêu thụ rượu bia khó có thể được xem là sự tự hào, mà ngược lại nó cho thấy văn hóa của người Việt lệ thuộc ngày càng nhiều vào loại thức uống có cồn này.
Ở khía cạnh nào đó, sự lệ thuộc này gián tiếp dẫn đến tình trạng khó hoặc chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để tình trạng người tham gia giao thông mà trong người “có chút cồn”.
Dù đã rất nhiều chiến dịch, chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn được các ngành chức năng triển khai rầm rộ song tất cả dường như vẫn “đang ở vạch xuất phát”.
Số vụ, số người chết, người bị thương vì tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu vẫn chiếm tỷ lệ rất cao và “con ma men” vẫn là nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình không may mất đi người thân.
Đã bắt đầu có những động thái mạnh tay hơn từ các nhà làm luật khi đề xuất tăng mạnh mức phạt hành chính, phạt lao động công ích, xử lý hình sự, tịch thu phương tiện…đối với người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia.
Song cũng bắt đầu xuất hiện những “trở lực” bước đầu như người vi phạm ít tiền bỏ xe, người có điều kiện thì số tiền xử lý không khác gì muối bỏ biển, rồi phương tiện tịch thu lâu ngày tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…
Theo chúng tôi, các biện pháp chế tài dù là hành chính, dân sự hay hình sự cũng chỉ đóng vai trò bổ trợ trong xử lý các hành vi vi phạm giao thông liên quan đến cồn. Điều quan trọng là Đảng và Nhà Nước cần có mục tiêu cụ thể trong việc điều chỉnh ý thức của người dân trong việc sử dụng rượu bia.
Cần thiết có thể xem việc uống rượu bia quá mức là “quốc nạn” để từ đó có những quyết sách phù hợp trong tuyên truyền kết hợp xử lý bằng các biện pháp chế tài đồng bộ, hơn là dừng lại ở những sự vụ cụ thể.
Có câu:
Rượu nào rượu lại say người
Bớ người say rượu chớ cười rượu say.
Rượu bia suy cho cùng chỉ là vật chất vô tri vô giác và không thể tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hậu quả. Chỉ có người sử dụng rượu bia và cố tình đổ lỗi cho bia rượu khi gây ra tai ương cho người khác.
Thay vì đổ lỗi, mỗi người nên bắt đầu từ việc thay đổi ý thức, hành vi và cách ứng xử trước sự cám dỗ của bia rượu hay thức uống có cồn.
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65/2024/TT-BCA (hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về TT, ATGT đường bộ để được phục hồi điểm GPLX.Tài xế bị trừ hết điểm GPLX sẽ phải trải qua 2 bài kiểm tra lý thuyết và mô phỏng để được phục hồi điểm, tiếp tục lái xe tham gia giao thông.
Tại bến xe Mỹ Đình, lực lượng CSGT liên tục kiểm tra các xe khách trước khi xuất bến. Bên cạnh kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích, lực lượng CSGT cũng kiểm tra hệ thống camera hành trình, camera giám sát...
Trước lễ Giáng sinh một ngày, rất nhiều bạn trẻ kéo nhau đến các nhà thờ trên địa bàn Thủ đô để hòa chung không khí đón chờ Giáng sinh với giáo dân. Các nhà thờ cũng đã treo đèn kết hoa, trang trí theo truyền thống, các ca đoàn khẩn trương tập luyện nốt các tiết mục cho ngày Giáng sinh...
Dù nguồn cung có cải thiện, song năm 2024 số lượng nhà ở được đưa ra thị trường TP.HCM thấp nhất trong nhiều năm qua; hầu hết nằm ở phân khúc trung và cao cấp. Chính sự thiếu vắng nguồn cung nên giá nhà ở vẫn neo ở mức cao khiến người có nhu cầu nhà ở vẫn khó có thể tiếp cận.
Quy định mới về một số bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển viện đang được người dân rất mong chờ. Nhưng cùng với đó là nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề cần sớm có giải pháp để đáp ứng nhu cầu người bệnh.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định giảm mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của những khoản cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.