Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Tôi đã từng... sống trong sợ hãi

Phóng viên - 24/12/2021 | 15:30 (GTM + 7)

Ở đâu đó trên những con đường lấp lánh ánh nắng Sài Gòn, vẫn luôn nhớ lời một bác sĩ - người nắm tay những thai phụ COVID-19 qua cửa tử, từng chia sẻ: “Có những lúc, ta phải quên đi nỗi sợ để tiếp tục sống... và mỉm cười đón chào tiếng khóc của những em bé. Đó là mầm sống của tương lai...”

- Bạn có sợ hãi không?

- Chẳng ai là không sợ cả, khi trước mặt là hình ảnh một người con quỳ trên đường vái lạy chiếc quan tài của người cha ... từ rất xa....

- Bạn có sợ chết không?

- Khi mỗi ngày hơn 300 người chết và tiếng xe cấp cứu liên hồi trong đêm... Cái chết luôn ám ảnh.

- Bạn đã từng trải qua điều gì?

- Tuyệt vọng!

Ảnh minh họa: Thi Uyên/VOV
Ảnh minh họa: Thi Uyên/VOV

Gia đình Chi có 8 người, 7/8 người là F0. Chi là người duy nhất trong gia đình, trẻ và còn khoẻ mạnh. Giữa lúc Sài Gòn như chảo lửa. Tôi có cuộc phỏng vấn Chi vào lúc nửa đêm. Cuộc phỏng vấn dường như đứt quãng liên tục, bởi tin của bà Chi từ bệnh viện gửi về: Sức khoẻ bà không được tốt lắm. Nhưng Chi vẫn lạc quan, bà sẽ sống!

Cuộc trò chuyện gần 1 tiếng đồng hồ. Chi kể cho tôi nghe về cách mà cả gia đình đã cùng gượng dậy, cách họ cách ly tầng trên tầng dưới, cách họ đối diện với hơi thở, từng ngày. Chi nói: Thật sai lầm, khi ngay tại thời điểm đó, đã cả nể để những người thân đi ra ngoài giao lưu, bất chấp chỉ thị và lây nhiễm cho cả gia đình.

Chi chưa đầy 30 tuổi. Cô kiên cường yêu cầu mọi thành viên trong gia đình mỗi ngày phải dành ít nhất 15 phút để tập theo những động tác thiền định, điều khiển hơi thở và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. “Nếu chỉ cần có suy nghĩ, mình sẽ chết, ngay lúc đó, bạn đã thua virus rồi!”.

Nhưng rồi, bà của Chi cũng đã không thể ở lại...

Chi mất liên lạc với tôi trong vài ngày và để lại dòng tin ngắn ngủi: “Chị ơi, tạm thời em không muốn nhắc đến nỗi đau này”...

Tôi tìm cách liên lạc với Chi, không phải để tiếp tục cho một cuộc phỏng vấn, mà vì nỗi sợ đó đã len lỏi vào trong cả suy nghĩ, cảm xúc của tôi.

1 tuần sau đó, ba của Chi - chú Liêm liên lạc với tôi, và chia sẻ những giây phút cuối đời của cụ thân sinh ở bệnh viện Quận 4. Ông khóc. Nước mắt của một người ở tuổi ngoài 60 tiễn mẹ ra đi trong cô quạnh. Khóc vì ông đã bất lực khi không thể làm gì hơn, trong lúc máy móc, thiết bị của bệnh viện tuyến quận lúc đó còn thiếu thốn vô cùng.

Ông khóc, khi những ngày tháng cuối đời của mẹ ông, trong căn phòng ấy, có lúc cả người sống lẫn người chết nằm cạnh nhau... Xoay sở hơn 30 triệu lo hậu sự cho mẹ đến giờ, vẫn chưa được hoàn lại... mất mát của gia đình Chi đâu thể để khoét sâu thêm...

Sài-Gòn tĩnh lặng 2

Nhà tôi ở cạnh bệnh viện dã chiến, khu Thủ Thiêm. Những toà nhà bấy lâu lặng thinh, tối đèn. Rồi ngày hôm đó, hàng chục chuyến xe nườm nượm nối đuôi nhau đi vào, kín mít. Người ta chỉ trỏ: F0 kìa! Tôi đỗ xe máy ven đường, tiến lại gần nơi sát khuẩn và rào chắn chụp mấy tấm hình.

Đó là những bệnh nhân đầu tiên vào thu dung điều trị tại bệnh viện dã chiến số 3. Họ mang theo chiếu, màn, quạt, phích nước, ... Hệ thống cáp điện vẫn đang được đấu nối xung quanh bệnh viện. Anh nhân viên bảo vệ quay ra: Chưa có gì, chẳng có gì. Chiều nay chở đệm và giường đến.

Và rồi đâu chỉ bệnh viện dã chiến số 3... Khu chung cư Đức Khải mỗi đêm sáng đèn. Và sáng đèn suốt mấy tháng liền. Sài Gòn trung bình hơn 3.000 ca mắc mới/ngày, có lúc chạm ngưỡng 4.000 ca. Các bệnh viện tuyến trên quá tải. Đội ngũ y tế kiệt sức và cần phải được chi viện.

Tôi cùng đồng nghiệp có mặt ở bệnh viện dã chiến số 7 trong đêm mưa, khi trong người chỉ có vốn liếng là một mũi vaccine cộng thêm bộ đồ bảo hộ màu xanh (level 1) cùng một chiếc áo mưa giấy. Lúc đó, Bệnh viện Quân y 175 mới tiếp quản. Bệnh viện, như một bến xe tấp nập.

Trong ánh đèn nhập nhoạng, tù mù của đoàn xe cấp cứu, các bệnh nhân F0 lần lượt bước xuống. Một người bố bế trên tay bé con mới vài tháng tuổi, vợ anh đi kế bên, tay dắt đứa lớn, đồ đạc lỉnh kỉnh. 4 tiếng đồng hồ đứng lặng trong đêm, hàng trăm người bước bì bõm trong vũng nước mưa đi xuống phía tầng hầm. Một cảm giác xót xa.

Sài Gòn bình thường mưa chợt đến chợt đi. Mà tối đó, mưa rả rích suốt từ 5h chiều đến 9h tối. Len lỏi vào các tầng điều trị theo sự hướng dẫn của các y bác sĩ, và nhìn lên tầng cao, nơi những ánh mắt vọng xuống như chứa chất bao sự âu lo, buồn bã,... chứng kiến các bác sĩ và các tình nguyện viên đội mưa khuân vác đồ, chẳng ai có thể cầm lòng.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại TP. Thủ Đức quy mô 1.000 giường được thiết lập, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu BV Chợ Rẫy, lúc đó mới là Phó trưởng khoa được điều động làm Phó Giám đốc BV Hồi sức COVID-19. Anh tiếc nuối: “Giá như bệnh viện có thể được thiết lập sớm hơn”. Từ mọi chiến trường tâm dịch, anh trở về với Sài Gòn thân yêu, cứu những sinh mệnh mong manh trước cửa tử. Tóc anh đã bạc trắng.

Đỉnh dịch vào tháng 7, y tế gần chạm ngưỡng của sức chịu đựng... Sài Gòn nắng nóng. Bộ đồ PPE hầm hập. Đồ bảo hộ cũng thiếu thốn. Nhiều bác sĩ, tình nguyện viên tâm sự “không dám đi vệ sinh để tiết kiệm”.

Ngồi trên chuyến xe cấp cứu cho một thai phụ bị Covid-19, giữa đêm khuya vắng vẻ của Sài Gòn, bác sĩ Linh bật thành tiếng: “Xót xa quá em ơi!”.

Hầu hết bệnh nhân Covid-19 bệnh cảnh nặng phải thở máy đều rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi. Họ cần điều trị tâm lý bởi các tình nguyện viên tôn giáo, các bác sĩ vật lý trị liệu. “Cố gắng lên! Đã sống rồi!” - Bàn tay bác sĩ và các tình nguyện viên nắm chặt lấy tay bệnh nhân, như một cơn gió mát lành. Bệnh nhân chắp tay lên ngực, bày tỏ lòng biết ơn....

Đầu tháng 8, khi rất nhiều bệnh nhân F0 có dấu hiệu trở nặng từ nhà và không kịp cấp cứu - một trong những nguyên nhân khiến số ca tử vong ở Sài Gòn tăng cao.

Trang 33 tuổi. Một trong 200 nhà Lãnh đạo trẻ xuất sắc châu Á - đã sáng lập Trạm oxy 0 đồng vào ngày 3/8. Nếu gặp Trang, bạn sẽ không hình dung nổi, một cô bé nhỏ thó, ốm còm nhom “quản lý” cả một đội ngũ hơn 1.000 tình nguyện viên, trong đó có hơn 200 tình nguyện viên trực chiến, huy động trên 1.500 bình oxy. 60 ngày, ứng cứu gần 3.000 lượt.

Những cuộc gọi khẩn cấp vào giữa đêm khuya, tờ mờ sáng. Giữa những cơn mưa tầm tã, khuân vác những chiếc bình oxy len lỏi vào tận những con hẻm chỉ đủ lọt 1 chiếc xe máy, giữa hàng chục ngôi nhà trọ điều kiện vô cùng ẩm thấp.... Những cuộc chạy đua giành giật sự sống cứ thế hàng đêm, khi Sài Gòn im ắng gần như không một bóng người.

Trang tâm sự “Có những lúc em sợ. Em sợ không mang bình oxy đến kịp. Em sợ mình không thể chạy đua nổi.... Vì người bệnh COVID-19 họ chuyển biến rất nhanh...”.

Cuối tháng 8. Người lao động bắt đầu rời Sài Gòn vì không còn kế sinh nhai. Họ không thể nép mình mãi trong những căn nhà trọ bí bách và dội lên đầu đủ thứ chi phí khi đã thất nghiệp vì COVID và túi an sinh cưu mang không xuể.

Nhưng trong dòng người hồi hương, vẫn có những người bám trụ ở lại.

Họ chờ một cái Tết trong sự đổi thay...

- “Em có sợ mình bị nhiễm không? - Trang cười “Hơn 1.000 bạn ở đây, có lẽ đã quên mất nỗi sợ đó...”

- “Chị không sợ ở lại, rồi không có tiền ăn, tiền học cho con sao?” - Chị Lài công nhân nói: “Ráng vượt qua ... Sợ thì có làm được gì”

Sài-gòn tĩnh lặng 5

Chi - nhân vật được nhắc đến đầu bài viết giờ đã bình tâm tư vấn, hỗ trợ cho các F0 đang điều trị và trở lại với công việc của mình.

Trang - sau khi kết thúc “sứ mệnh” đã cạo trọc đầu. Như một sự thanh thản. Và tiếp tục là một “Thủ lĩnh” với ước mơ trồng những mầm cây xanh trên những ngọn đồi trống hoác...

Gặp lại bác sĩ Trần Thanh Linh, anh vẫn giản dị với đôi dép tổ ong, chân đã có thể rảo bước, và mắt nheo nheo dấu nụ cười nhẹ nhàng sau chiếc khẩu trang... mặc dù vẫn còn nhiều bộn bề phía trước...

Còn Tôi. Ở đâu đó trên những con đường lấp lánh ánh nắng của Sài Gòn, vẫn luôn nhớ lời một bác sĩ sản khoa của BV Hùng Vương - người nắm tay những thai phụ COVID-19 qua cửa tử, đã từng chia sẻ: “Có những lúc, ta phải quên đi nỗi sợ... để tiếp tục sống ... và mỉm cười đón chào tiếng khóc của những em bé. Đó là mầm sống của tương lai...”.

Tags:
Ý kiến của bạn
Tags:
Hóa đơn xăng dầu điện tử: Người mua không biết, người bán không giới thiệu

Hóa đơn xăng dầu điện tử: Người mua không biết, người bán không giới thiệu

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đến ngày 31/3/2024 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử sẽ bị xem xét xử lý, kể cả việc tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Bắt đầu nghỉ lễ, xe cộ nối đuôi nhau ở cửa ngõ TP.HCM

Bắt đầu nghỉ lễ, xe cộ nối đuôi nhau ở cửa ngõ TP.HCM

Theo ghi nhận của PV VOV Giao thông, ở cửa ngõ phía Đông, đoạn từ bến xe miền Đông (mới) đến nút giao thông Tân Vạn, lượng phương tiện tăng cao từ 17h ngày 26/4.

Sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị phục vụ dịp Lễ và cao điểm hè 2024 thế nào?

Sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị phục vụ dịp Lễ và cao điểm hè 2024 thế nào?

Theo dự báo của ngành hàng không, kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 tới đây các cảng hàng không sẽ rất sôi động với lượng hành khách tăng cao đột biến so với ngày thường, riêng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến sẽ có khoảng 700.000 lượt hành khách đi và đến trong dịp này.

Thiên đường thể dục

Thiên đường thể dục

Khi tạm biệt một “Thành phố mưa phùn” của mùa xuân mới, Hà Nội lại đón cơn mưa rào chớm hạ khiến bước chân bộ hành thêm vội vã. Nhưng điều đó càng khiến vùng đất trở nên đáng nhớ khi mang nhiều sắc thái khác biệt vào mỗi mùa trong năm và mỗi thời điểm trong ngày.

Đèn tín hiệu đường Võ Chí Công không hiện số giây: Ý tưởng mới nhưng cần điều chỉnh nhịp nhàng

Đèn tín hiệu đường Võ Chí Công không hiện số giây: Ý tưởng mới nhưng cần điều chỉnh nhịp nhàng

Sáng 27/4, đèn tín hiệu giao thông trên trục đường Võ Chí Công (Hà Nội) đã được khôi phục đèn đếm ngược, sau một thời gian tạm ngắt theo phương án thí điểm của ngành chức năng Hà Nội để áp dụng hệ thống đèn giao thông thông minh trên một số nút giao trên tuyến đường này.

Khai trương đoàn tàu chất lượng cao Sài Gòn - Đà Nẵng

Khai trương đoàn tàu chất lượng cao Sài Gòn - Đà Nẵng

Ngày 27/4/2024, tại Ga Sài Gòn, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức Lễ ra mắt đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (Sài Gòn – Đà Nẵng).

Những công trình biểu tượng của Thủ đô

Những công trình biểu tượng của Thủ đô

Hà Nội có nhiều công trình không chỉ mang tính lịch sử mà còn là giá trị tinh thần. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, có công trình được phục dựng hoàn toàn, một phần, có công trình được giữ gần như nguyên trạng, nhưng mỗi lần thay đổi diện mạo, thường đem đến những cảm xúc trái ngược với người dân Thủ đô...

// //