Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

“Tiếp sức” cho người lao động trước làn sóng cắt giảm nhân sự cuối năm

Trọng Điển - Mai Ngọc - Phan Nhơn - 18/11/2022 | 15:30 (GTM + 7)

Một cái Tết đang đến với bao lo toan sau 2 năm đại dịch. Những ngày tháng bám trụ sau giai đoạn thắt ngặt tưởng chừng đã qua. Vậy mà khó khăn lại bủa vây chồng chất khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng, hàng chục ngàn người đối mặt với nỗi lo giảm thu nhập, mất việc làm.

Tiếp tục ở lại gắn bó với TP để kiếm tìm một cơ hội mới hay trở về quê nhà - câu trả lời còn bỏ ngỏ, bởi họ cũng chưa thể xoay sở kịp khi còn bao nỗi lo phía trước. 

 

“Đơn hàng giảm rồi nhân sự cũng phải giảm đi tới 50%, rất là khó khăn. Hầu như các doanh nghiệp bây giờ cầm cự là chính”.

“Về quê giờ mần gì cho ra tiền, khó khăn lắm. Mọi năm Tết nghĩ đến chuyện mua sắm, năm nay chẳng dám nghĩ nữa”.

“Giờ lớn tuổi rồi, cũng không ai người ta thuê mình. Ngồi chờ tiếp chứ biết sao giờ”.

Khu nhà trọ vừa thông báo sẽ cho gần 1.200 công nhân nghỉ việc vì công ty gặp khó khăn

Khu nhà trọ vừa thông báo sẽ cho gần 1.200 công nhân nghỉ việc vì công ty gặp khó khăn

Một buổi chiều giữa tháng 11/2022, Phóng viên VOV Giao thông có mặt tại một khu nhà trọ cạnh Công ty Tỷ Hùng – nơi vừa thông báo sẽ cho gần 1.200 công nhân nghỉ việc vì công ty gặp khó khăn.

Chị Dương Thị Lệ Quyên (47 tuổi, quê Trà Vinh) đang lụi cụi nấu bữa cơm chiều tại phòng trọ. Căn phòng bé như “hộp diêm”, chưa đầy 10m2, bên trong xếp đầy đồ đạc. Chị Quyên nhớ lại thời điểm vào công ty vào năm 2005 cũng là lúc bắt đầu khu nhà trọ này.

Thời đó, lương của chị mới tầm hơn 700 ngàn, thấm thoắt gần 20 năm, người phụ nữ đã chạm tuổi trung niên. Nước da như sạm đi, vết chân chim hằn lên đôi mắt và đượm buồn hơn khi cuối tháng này đã phải nghỉ việc.

Nữ công nhân cũng xoay sở xin việc gối đầu nhưng không công ty nào nhận. Phương án trước mắt của chị là nhận ít tiền trợ cấp về quê, sau Tết lên lại TP HCM rồi đến đâu tính đến đó.

“Mới đầu công ty trợ cấp 2 tháng lương nghỉ, với tháng lương thứ 13 rồi tiền thâm niên. Giờ hổm rày đổi lại, ai làm từ trước năm 2006-2008 trợ cấp thâm niên thì có nhưng 2 tháng lương không có. Nên ở trong đó cũng cự (cãi) lộn dữ lắm”, chị Quyên chia sẻ.

Phòng trọ đỡ hiu quạnh khi vợ chồng chị Loan sớm tối có nhau. Nhưng ngày hay tin mình bị cắt việc làm, muôn nỗi lo đổ lên đầu

Phòng trọ đỡ hiu quạnh khi vợ chồng chị Loan sớm tối có nhau. Nhưng ngày hay tin mình bị cắt việc làm, muôn nỗi lo đổ lên đầu

Cùng hoàn cảnh, cùng quê, vợ chồng chị Đỗ Thị Loan (46 tuổi) đã có thâm niên 17 năm trong nghề may. Phòng trọ đỡ hiu quạnh khi vợ chồng sớm tối có nhau. Nhưng ngày hay tin mình bị cắt việc làm, muôn nỗi lo đổ lên đầu.

Bao năm bám trụ với xưởng may, thu nhập cứ đắp đổi qua ngày, vợ chồng chị Loan tiết kiệm gửi về quê cho cha mẹ, nuôi con ăn học và thêm một người em bại liệt, lương tháng nào tiêu hết tháng đó.

Nếu trở về quê nhà, trồng lúa chỉ đủ ăn, nuôi tôm cần vốn lớn, lỡ thất bại lại trắng tay rồi luẩn quẩn trong vòng nợ nần. Trước tình thế đi không được, ở cũng chẳng xong, vợ chồng chị Loan lòng nặng trĩu:

“Chị tính giờ đi kiếm công ty may nào tư nhân, có thì ở lại làm, nếu không thì phải về quê. Chứ giờ Tết đến xin việc làm thì cũng khó, nhưng phải gần gần chứ không biết chạy xe. Nếu không được về quê, về trước cái đã rồi tính chứ biết sao giờ. Không có viêc làm cứ ở đu đu đeo deo thì không làm việc gì, thì thôi để anh ở lại đi làm rồi tính nữa”.

Xóm trọ ở Quận Bình Tân

Xóm trọ ở Quận Bình Tân

Chị Võ Thị Trắng, chủ nhà trọ con hẻm 191 đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân (TP HCM) xót xa khi những người thuê trọ thông báo trả phòng về quê. Tuy là quan hệ chủ nhà – khách thuê trọ, nhưng mười mấy năm, tình cảm ít nhiều gắn bó:

“Người ta gắn bó với mình 10 mấy năm lúc lên lập nghiệp. Nhiều khi nghe trả phòng về quê, tuy mình không thân thích nhưng mình cũng xót. Xót cho mình không có thu nhập, xót cho người ta về quê khi đã cứng tuổi rồi”.

Theo Liên đoàn Lao động TP HCM, dệt may và gỗ là hai ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịp cuối năm khi đơn hàng giảm, xuất khẩu vào các thị trường chủ đạo gặp khó. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm đơn hàng cuối năm để giữ được việc làm cho người lao động.

Ngành gỗ và dệt may ảnh hưởng lớn nhất - một số ngành khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng

Ngành gỗ và dệt may ảnh hưởng lớn nhất - một số ngành khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng

Tại nhiều nhà máy, hoạt động sản xuất cầm chừng thay vì tăng tốc để kịp trả các đơn hàng trước Tết như mọi năm. Anh Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty May mặc Dony chia sẻ:

“Chưa từng khó như vậy kể cả những năm dịch cao điểm  như năm 2020, 2021 lúc đó đơn hàng thời trang nó sụt nhưng có đơn hàng khẩu trang bù vào nhưng năm nay đơn hàng khẩu trang không có. Đơn hàng thời trang thì sụt giảm mà sụt giảm rất là nhanh chứ không phải sụt giảm từ từ. Đơn hàng thời trang xuất khẩu đi Mỹ và Châu Âu sụt giảm khủng khiếp đến hơn 50%”.

5 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ, chiếm đến 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất chiếm 65%, nhưng xuất khẩu vào thị trường này liên tục sụt giảm là yếu tố chính khiến ngành hàng ghi nhận tăng trưởng thấp.

Bởi vậy, thu hẹp sản xuất, cắt giảm tối đa lao động… là cách mà các doanh nghiệp đang ứng phó để cầm cự. Dù biết rằng, việc tuyển dụng và đào tạo lao động trong ngành gỗ và mỹ nghệ không hề đơn giản.

Dệt may cũng là một trong những ngành bị ảnh hưởng

Dệt may cũng là một trong những ngành bị ảnh hưởng

Công ty TNHH Khánh Xương phải giảm tới 70% lao động so với lúc sản xuất bình thường để tự cứu mình. Ông Trần Văn Quang, Giám đốc công ty Khánh Xương nói về khó khăn:

“Lúc này không giảm doanh nghiệp cũng chết, làm sao mà sống được, hàng thì không có, mà số lao động thì vẫn bằng đó thì dòng tiền ở đâu mà chi trả, nền có chết cũng phải giảm. Công ty tôi phải giảm 70% lao động, văn phòng thì giảm 20%”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Kênh VOV GT mới đây, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Liên đoàn Lao động TP HCM cho biết, hiện đã có 154 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, kéo theo hơn 30.000 lao động bị ảnh hưởng.

Đại diện Liên đoàn Lao động TP khẳng định đã có phương án hỗ trợ kịp thời cho người lao động:

“Chúng tôi đã có giải pháp chỉ đạo Công đoàn các đơn vị đang nợ bảo hiểm, nợ lương để phối hợp báo cáo Cấp uỷ, đồng hành làm sao có hướng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nắm tình hình công nhân lao động kịp thời.

Đặc biệt Công đoàn cơ sở phải bám sát với doanh nghiệp trong xây dựng phương án thưởng Tết, trả lương, trả thưởng cho người lao động, tổ chức đối thoại để người sử dụng lao động và người lao động thấu hiểu nhau về tình hình hiện nay, qua đó có sự chia sẻ.

Đối với những đơn vị quá khó khăn, không có điều kiện chăm lo Tết cho người lao động thì báo cáo lên Liên đoàn Lao động TP để có hỗ trợ cho người lao động”.

Thu hẹp sản xuất, cắt giảm tối đa lao động là cách mà các DN đang ứng phó để cầm cự

Thu hẹp sản xuất, cắt giảm tối đa lao động là cách mà các DN đang ứng phó để cầm cự

Tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất, chính là "tiếp sức" cho người lao động 

Việc công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp bị cho nghỉ việc vì công ty gặp khó khăn, không có đơn hàng để sản xuất đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.

Các doanh nghiệp sau một thời gian dài cầm cự, vượt qua đại dịch Covid-19 giờ lại thấm đòn suy thoái kinh tế và lạm phát ở nhiều nước thế giới nên đành chấp nhận buông tay. Cho công nhân nghỉ việc với họ cũng là việc chẳng đặng đừng. Vì thực chất phải nhờ người lao động mà doanh nghiệp mới tồn tại đến hôm nay.

Người lao động, công nhân bấy lâu nay quen với công xưởng, nhà máy, dây chuyền sản xuất giờ thất nghiệp về quê rất hoang mang. Vì đất đai, ruộng vườn cũng không còn hoặc có cũng chưa biết phải làm gì vì thời vụ ngắn hạn này.

Trong khi nhiều người đã chấp nhận rời quê lên thành phố lập nghiệp. Vợ chồng, con cái trông cả vào đồng lương công nhân hàng tháng. Sinh hoạt đời sống,học hành của con cái, tiền nhà trọ giờ không biết lấy đâu khi việc làm bị cắt.

Cuối năm, tết nhất lại đến gần, hàng trăm thứ phải chi tiêu, khiến nhiều công nhân như ngồi trên đống lửa. Nhiều doanh nghiệp cũng đã hiểu được hoàn cảnh này nên thực hiện việc chi trả trợ cấp mất việc và các khoản phúc lợi khác khá đầy đủ. Nhưng có nơi cũng chỉ là những lời hứa suông vì doanh nghiệp cũng đang chật vật đứng bên bờ vực phá sản.

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất vì khát đơn hàng

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất vì khát đơn hàng

Mới đây, gói vay 10.000 tỷ đồng trong tổng số 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đã được gấp rút triển khai để hỗ trợ nhanh nhất đến người lao động các khu công nghiệp trên toàn quốc.

Đây là một động thái tích cực của Liên Đoàn Lao động Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước cùng 2 tổ chức tài chính. Nhiều công nhân hy vọng sẽ tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi này để vượt qua cơn thắt ngặt; có chút vốn để xoay xở việc nhà dịp cuối năm.

Vấn đề lúc này là phải tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh bằng cách mở rộng thị trường; thực hiện hàng loạt các chính sách khoanh nợ, giãn nợ giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư tái sản xuất.

Hiện nay, khi tất cả các ngân hàng đều đóng van tín dụng với các doanh nghiệp, nên nhu cầu khát vốn lên rất cao. Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có đơn kiến nghị, nếu bất động sản không có vốn để đóng băng sẽ kéo theo hệ lụy hàng loạt các ngành khác bị đình đốn, tác động đến hàng triệu lao động.

Các ngành như dệt may, da giầy, thủ công mỹ nghệ; kể cả linh kiện điện tử đình trệ vì khó tiếp cận thị trường, thiếu vốn cũng đẩy phần lớn người lao động vào thế thất nghiệp. Do việc điều hành chính sách linh hoạt về tài khóa; mở van tín dụng cho các doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất lúc này là cần thiết để duy trì công ăn việc làm cho công nhân.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua việc xúc tiến thương mại, kết cấu nối cung cầu trong và ngoài nước.

Đối với các doanh nghiệp buộc lòng phải cắt giảm cũng cần thực hiện đầy đủ chế độ lương thưởng, trợ cấp mất việc, thôi việc để hoàn trả xứng đáng những gì mà công nhân đã đóng góp.

Người lao động trong lúc khó khăn do sản xuất bị đình đốn vì chiến tranh, dịch bệnh cũng cần bình tĩnh, đồng hành cùng doanh nghiệp để đồng lòng vượt qua.

Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp theo sát diễn biến tình hình của công nhân khu vực mình để có các chính sách an sinhh kịp thời hỗ trợ người lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Đây chính là sự “tiếp sức” thiết thực nhất cho người lao động trước làn sóng cắt giảm nhân sự cuối năm hiện nay.

Ý kiến của bạn
Metro số 1: Công nghệ tiên tiến và kỹ thuật quản lý thi công chuyên nghiệp đã được chuyển giao

Metro số 1: Công nghệ tiên tiến và kỹ thuật quản lý thi công chuyên nghiệp đã được chuyển giao

Sáng 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành sau 17 năm với không ít khó khăn, thách thức.  Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhanh VOV Giao thông bên lề sự kiện quan trọng này.

Những kinh nghiệm của Dự án metro số 1 là bài học quý giá cho tương lai

Những kinh nghiệm của Dự án metro số 1 là bài học quý giá cho tương lai

Trong quá trình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, đã có nhiều vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng, di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng,...

TP.HCM chính thức vận hành thương mại Metro số 1

TP.HCM chính thức vận hành thương mại Metro số 1

Sáng 22/12, UBND TPHCM tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Sau đó, từ 10h, 14 nhà ga của tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách.

Giáo dục tài chính cá nhân: Chìa khóa giúp người trẻ làm chủ tương lai

Giáo dục tài chính cá nhân: Chìa khóa giúp người trẻ làm chủ tương lai

Với thế hệ trẻ, khi đứng trước nhiều “cám dỗ” chi tiêu và những quyết định tài chính lớn, thì việc trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là điều cần thiết để đảm bảo một tương lai ổn định và vững vàng.

Buồn ngủ trên cao tốc, chuyện không của riêng ai

Buồn ngủ trên cao tốc, chuyện không của riêng ai

Việc lưu thông liên tục trên cao tốc là điều thường xuyên và phổ biến. Bên cạnh thuận lợi về điều kiện đường sá, thì người tham gia giao thông phải đối mặt với không ít áp lực, trong đó yếu tố buồn ngủ khi lưu thông liên tục trong khoảng thời gian dài là điều không thể không nhắc đến.

Chợ tự phát gây mất mỹ quan đô thị trên đường Cô Giang

Chợ tự phát gây mất mỹ quan đô thị trên đường Cô Giang

Sáng sớm và giờ tan tầm, dọc 2 bên đường Cô Giang (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), nhiều điểm kinh doanh chiếm dụng toàn bộ vỉa hè che dù bạt, bày biện bàn ghế… để kinh doanh, buôn bán hàng hóa, khiến cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Đừng để 'chảy máu lao động' dịp cuối năm

Đừng để "chảy máu lao động" dịp cuối năm

Để giữ chân lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần đưa ra mức tiền lương, chế độ làm việc hấp dẫn. Đồng thời có chuỗi chăm lo cho người làm, đảm bảo công việc ổn định, lâu dài chứ không phải ở chỗ thu nhập, tiền thưởng là có thể thu hút nhân sự, đặc biệt là thế hệ trẻ.

// //