Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Nên biết

Buồn ngủ trên cao tốc, chuyện không của riêng ai

Phan Yến – Hiền Công: Chủ nhật 22/12/2024, 07:59 (GMT+7)

Việc lưu thông liên tục trên cao tốc là điều thường xuyên và phổ biến. Bên cạnh thuận lợi về điều kiện đường sá, thì người tham gia giao thông phải đối mặt với không ít áp lực, trong đó yếu tố buồn ngủ khi lưu thông liên tục trong khoảng thời gian dài là điều không thể không nhắc đến.

Đơn cử một vài trường hợp tài xế buồn ngủ, thiếu tỉnh táo khi lưu thông trên cao tốc được nhắc đến như sau:

Lúc 0h30 ngày 23/1/2024, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên cao tốc La Sơn - Hòa Liên, đoạn Km36+400, theo hướng Bắc Nam. Cụ thể xe khách loại 45 chỗ ngồi mang biển kiểm soát 47B 010.67 do tài xế Phương Thanh Tùng (sinh năm 1988, trú huyện Eaka, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển đã rơi xuống vực, vụ tai nạn làm 2 người chết và nhiều người bị thương. Nguyên nhân được xác định là do trời mưa, sương mù hạn chế tầm nhìn cộng hưởng với việc tài xế lái xe trong trạng thái buồn ngủ.

Một trường hợp khác cũng liên quan đến việc buồn ngủ trên cao tốc khi đang lái xe. Cụ thể vào lúc 4h55 phút sáng ngày 05/10/2024, tại km 178+900 cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, trong quá trình tuần tra kiểm soát thì lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện ô tô khách loại 16 chỗ mang BKS 78B-00933 đang dừng cạnh hộ lan mà không có đèn tín hiệu cảnh báo.

Khi di chuyển ra phía trước thì lực lượng csgt phát hiện lái ông Nguyễn Sáu (sn 1966, ngụ thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đang nằm ngủ phía trước đầu xe khách. Sau khi được lực lượng CSGT đánh thức, ông Sáu cho biết đang điều khiển phương tiện từ Phú Yên vào TPHCM, đến khu vực trên đã dừng xe để ngủ. 

Lái xe vào ban đêm, đặc biệt trên những hành trình dài rất dễ khiến tài xế rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ... làm tăng nguy cơ xảy tai nạn. Ảnh minh hoạ

Lái xe vào ban đêm, đặc biệt trên những hành trình dài rất dễ khiến tài xế rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ... làm tăng nguy cơ xảy tai nạn. Ảnh minh hoạ

Việc tham gia giao thông trong trạng thái buồn ngủ, thiếu tỉnh táo là vấn đề không hiếm gặp, điều này xuất phát từ nhiều khía cạnh, có khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt trong thời điểm cuối năm, nhiều đơn hàng vận chuyển cần thực hiện. Thực tế hầu hết các bác tài đều có những nhận thức nhất định về độ nguy hiểm khi lưu thông trên cao tốc trong trạng thái buồn ngủ, thiếu tỉnh táo:

"Rất nguy hiểm, mình lái ở những con đường quốc lộ hay là chỗ nào vắng vắng mà buồn ngủ thì cũng đỡ hơn, mình tấp vô lề liền, kiếm chỗ không cấm dừng cấm đậu để nghỉ ngơi 10 15 phút cho an toàn. Trên cao tốc buồn ngủ rất nguy hiểm vì tốc độ trên cao tốc rất lớn"

"Thiệt hại lớn, cao, nói chung nguy hiểm dữ lắm."

Là những cá nhân thường xuyên lưu thông trên đường, đặc biệt là đường cao tốc, các bác tài cũng có những kinh nghiệm riêng để hạn chế tình trạng ngủ gật trên cao tốc:

"Đi hai người buồn ngủ thì mình nói chuyện, không thì dừng khẩn cấp, bắt đèn ưu tiên hoặc vật cản."

"Cần ngủ nghê đủ giấc, tinh thần thoải mái, buồn ngủ quá thì xuống đường dẫn tấp xe vào ngủ, không nên đậu trên cao tốc, thứ nhất là bị phạt, thứ hai là gây nguy hiểm cho xe khác,"

"Mỗi tài xế có cách khác nhau, uống tăng lực, cà phê, singum, có người rửa mặt có người rửa chân."

Buồn ngủ, không tỉnh táo là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công việc thấp, đặc biệt với những công việc đòi hỏi độ tập trung cao như lưu thông trên cao tốc. Đề cập đến mức độ nguy hiểm khi lái xe trên cao tốc lúc buồn ngủ, ông Bùi Xuân Kiên - Đội phó Đội vận hành công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E) cho biết:

"Ngủ gật trên cao tốc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mức độ nghiêm trọng của việc ngủ gật sẽ do một số yếu tố sau, thứ nhất là mất kiểm soát phương tiện, thứ hai là đang di chuyển tốc độ cao trên cao tốc, thứ ba là tăng tốc độ xảy ra tai nạn liên hoàn, thứ tư là hậu quả đối với người và tài sản."

Việc tài xế buồn ngủ, ngủ gật trên cao tốc bên cạnh nguyên nhân chủ quan đến từ lịch trình sinh hoạt của mỗi cá nhân, một nguyên nhân khác đến từ cơ sở hạ tầng của các tuyến cao tốc, ông Bùi Xuân Kiên thông tin thêm về những đoạn tuyến thường xuất hiện tình trạng tài xế buồn ngủ khi lưu thông: 

"Thường các tuyến cao tốc trải dài, có ít điểm dừng nghỉ, đoạn tuyến tài xế di chuyển liên tục trong nhiều giờ nhưng không có sự thay đổi về môi trường hay tốc độ."

Thực tế các tuyến cao tốc trải dài Bắc Nam có không ít các vấn đề cần điều chỉnh để việc tham gia giao thông được thuận tiện, an toàn hơn. Bù lại, hiện nay việc tiếp cận các kênh truyền thông không khó, bên cạnh chủ quan đảm bảo chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ cho bản thân, một cách khá hữu ích với các bác tài là tìm hiểu kỹ về tuyến cao tốc mình sắp sửa đi qua để chủ động hơn trong lịch trình di chuyển.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Mức độ nguy hiểm khi lưu thông trên cao tốc trong trạng thái buồn ngủ, không tỉnh táo là điều rất rõ, với dẫn chứng cụ thể là những vụ tai nạn thương tâm. Thực tế trên thế giới, nhiều biện pháp giúp tài xế luôn tỉnh táo đã được đưa ra, đơn cử như trường hợp Trung Quốc đã từng thí điểm dùng hệ thống đèn chiếu lazer giúp các bác tài nhanh chóng vượt qua cơn buồn ngủ.

Một số cách giúp người tham gia giao thông luôn tỉnh táo khi di chuyển trên cao tốc đến từ ông Bùi Xuân Kiên - Đội phó Đội vận hành công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam và ông Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông:

"Tài xế cần dừng xe ngay khi có thể, thực hiện các biện pháp cảnh báo phương tiện, gọi ngay hotline đơn vị quản lý cao tốc, tuyệt đối không dừng trên cao tốc để ngủ. Chợp mắt ngắn tại các trạm dừng nghỉ hoặc di chuyển ra lối ra gần nhất để phục hồi năng lượng. Dùng đồ uống tăng độ tỉnh táo, nghe nhạc sôi động, vận động nhẹ, không cố gắng chống chọi cơn buồn ngủ."

"Tốt nhất là đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi trước khi vào hành trình. Nếu là hành trình dài thì cần có hai tài xế thay phiên nhau. Trước mỗi chuyến đi cần ngủ đủ ít nhất 6 tiếng. Trong chặng đường đi thì 2 đến 3 tiếng nên dừng nghỉ, hoạt động ở trạm dừng chân để cơ thể thêm tỉnh táo."

 

Phan Yến – Hiền Công/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn