Ô nhiễm tiếng ồn karaoke: Đừng biến hoạt động văn hóa thành vô văn hóa
Phóng viên - 24/07/2020 | 15:08 (GTM + 7)
Hiện nay loa kéo di động, hát karaoke tại gia không còn là giải trí đơn thuần mà đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, ức chế tinh thần và sức khỏe của người dân. Đã đến lúc, nhà nước cần chấn chỉnh và kiên quyết xử lý vấn nạn này.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, vào tháng 4 vừa qua, một nạn nhân bị đâm tử vong do nhắc nhở hàng xóm hát karaoke gây ồn ào, bức xúc cho những hộ dân kế bên.
Theo ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UNBD Huyện Bình Chánh, trước và sau khi vụ việc xảy ra, địa phương đã thường xuyên giám sát, nhắc nhở các đơn vị tuân thủ các quy định về không gây tiếng ồn trong khu dân cư.
"Bình Chánh cũng thành lập liên ngành 814 trong vấn đề kiểm tra các cơ sở. Đối với những tiếng ồn hoạt động thường xuyên thì phải có sự giám sát liên tục. Và trong quá trình triển khai, có những chỉ số vượt mức cho phép, không đảm bảo thì sẽ ban hành quyết định, nhắc nhở thường xuyên các đơn vị này".
Từ vụ việc trên, người dân cũng như các đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM lần thứ 20, khóa 9 mới đây, lo ngại khi đặt ra bài toán về vấn nạn loa kéo, hát karaoke quá mức gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư thời gian qua.
"Trong thời gian qua, karaoke, loa kéo đang là vấn nạn và các hướng khắc phục như thế nào. Vấn đề này nhận được rất nhiều sự quan tâm của đồng bào thành phố".
"Vấn đề đặt ra của karaoke, ô nhiễm tiếng ồn, vì sao chúng ta không tiếp cận xử lý tiếng ồn từ góc độ điều chỉnh hành vi – tức là đưa những hoạt động kinh doanh hoặc những hoạt động văn hóa trở thành những hoạt động kinh doanh và văn hóa có điều kiện. Thay vì tiếp cận xử lý theo góc độ là xử lý hành vi như hiện nay".
Liên quan đến vấn đề xử lý tiếng ồn, trong đó có hát karaoke âm lượng cao vượt mức quy định trong khu dân cư, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện mức phạt hành chính cho hành vi này từ 100.000 – 300.000 đồng, tuy thấp nhưng đây cũng là một giải pháp để chấn chỉnh ban đầu việc gây tiếng ồn tại khu dân cư, ảnh hưởng hoạt động của người dân.
"Đối với những nguồn gây ra tiếng ồn lớn, thì chính phủ có ban hành Nghị định 155 cho phép ngành Tài nguyên môi trường cùng các cơ quan có thẩm quyền đo đạt và xử lý. Tôi nghĩ rằng, biện pháp ban đầu đối với xử lý tiếng ồn này cũng đã được quy định tại nghị định, để cơ quan các cấp xử lý và giải quyết việc này. Quan trọng là giải pháp chúng ta tiếp thu, tham mưu và xử lý".
Theo bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM, không ngăn cấm việc người dân hát karaoke để giải trí nhưng hành vi gây tiếng ồn liên tục bất kể giờ giấc thì cần được xử lý. Thế nhưng, Nghị định 167 chỉ quy định việc kiểm soát tiếng ồn từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; trong khi liên hoan, tiệc tùng, hát karaoke với dàn âm thanh công suất lớn chủ yếu diễn ra ban ngày thì bỏ ngỏ, không rõ trách nhiệm quản lý.
Bên cạnh đó, bà Tô Thị Bích Châu cũng cho rằng, trước khi ban hành quyết định xử phạt hành chính như hiện nay, nhà nước cần đưa vào hương ước, quy ước để người dân cam kết chấp hành, nâng cao tính tự giác, tự nguyện trên nguyên tắc ứng xử văn minh, tôn trọng lẫn nhau.
"Hát karaoke, việc này sẽ gây ảnh hưởng các khu dân cư, đặc biệt là những khu dân cư san sát nhau và chi phối hoạt động đời sống của người dân rất lớn, dẫn đến sự bức xúc, âm ĩ kéo dài. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc đề nghị đưa vào hương ước, quy ước để trước hết sự đồng thuận, phải có sự sinh hoạt văn hóa cho dù là tinh thần cũng phải văn minh với nhau trong ứng xử. Sau đó, các cấp chính quyền mới vào cuộc, để nếu như hành vi đó không được tuân thủ thì chúng ta mới vào cuộc. Khi vào cuộc thì quy định của chính quyền phải được chấp hành".
Ông Huỳnh Thanh Nhân – Giám đốc Sở Văn Hóa và Thể Thao TPH.CM cũng thừa nhận, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke hiện nay liên quan đến lĩnh vực môi trường và an ninh trật tự nên thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý. Thời gian qua Sở và Thanh tra sở đã phối hợp với các đơn vị chức năng, quận huyện để xử lý theo phản ánh của người dân. Riêng, trước yêu cầu của Hội đồng nhân dân làm rõ trách nhiệm trong việc xử lý, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết:
"Chúng tôi đã có hai văn bản tham mưu cho UBND TP trong việc giao trách nhiệm cho các ngành liên quan: thứ nhất là ngành văn hóa thể thao, thứ hai là của công an TP, thứ ba là trách nhiệm của Sở tài nguyên môi trường, thứ tư là của UBND các quận/huyện, thứ 5 là mặt trận các đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động. Và trong đó nêu rất rõ trách nhiệm tại địa bàn dân cư phải là chủ tịch UBND phường/xã/thị trấn và đồng chí trưởng công an phường/xã/thị trấn trong công tác tăng cường quản lý".
Sắp tới, theo đề nghị của Hội đồng nhân dân TP, Sở Văn hóa thể thao sẽ bổ sung tiêu chí không gây tiếng ồn vào các bộ tiêu chí ứng xử văn hóa cộng đồng, nhằm hạn chế tình trạng hát karaoke quá mức quy định trong khu dân cư./.
Hiện nay loa kéo di động, hát karaoke tại gia không còn là giải trí đơn thuần mà đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, ức chế tinh thần và sức khỏe của người dân. Đã đến lúc, nhà nước cần chấn chỉnh và kiên quyết xử lý vấn nạn này. Đây sẽ là nội dung trong bài bình luận với nhan đề “Ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke: Đừng biến hoạt động văn hóa thành vô văn hóa”.
Không thể phủ nhận gần đây, vấn nạn loa thùng, karaoke di động công suất lớn đã gây náo loạn, bức xúc trong xã hội; nhất là ở khu vực phía Nam, từ thành thị đến nông thôn.
Loa thùng di động trước đây chỉ dùng trong hoạt động bán hàng rong, nhỏ lẻ, với âm thanh vừa phải. Nhưng những năm gần đây, xã hội phát triển, điều kiện sống của người dân được cải thiện cả về kinh tế lẫn hoạt động tinh thần. Minh chứng, ngành điện tử phát triển ngày càng nhanh chóng, khó tránh khỏi việc nhà nhà, người người dễ dàng mua loa thùng về sử dụng cho mục đích vui chơi, đám tiệc linh đình.
Điều đáng nói là việc lạm dụng loa thùng, karaoke vào mọi không gian, mọi thời gian, chỉ để thảo mãn sở thích hát hò của bản thân, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ.
Thậm chí, việc hát hò diễn ra ngày càng không có quy luật. Bất kể đám cưới, đám thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, tân gia, họp mặt đến đám tang, thăm viếng, những chiếc loa âm thanh công suất lớn ngang nhiên “khủng bố” xóm làng.
Hệ lụy ở đây không chỉ là sự phiền hà, bức xúc vì âm thanh quá lớn, gây mất an ninh trật tự; ảnh hưởng đến sức khỏe của người chung quanh, nhất là người già, trẻ nhỏ cần không gian nghỉ ngơi, mà nghiêm trọng hơn là gây mâu thuẫn, ẩu đả, gây thương tích, án mạng như vụ việc đau lòng tại huyện Bình Chánh, TP.HCM vào tháng 4 vừa qua, cũng vì nhắc nhở hàng xóm ngừng hát karaoke.
Tình làng nghĩa xóm theo đó mà sứt mẻ, người thì mất mát, kẻ thì lâm vào cảnh tù tội.
Dù người dân đã nhiều lần “cầu cứu” đến cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần áp dụng chế tài xử phạt. Nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại, do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên môn về môi trường, văn hóa, công an, chính quyền địa phương cơ sở.
Các bên cứ đùn đẩy, chờ đợi nhưng chưa kiên quyết xử lý kịp thời, khiến người dân chủ quan, thậm chí cho rằng họ được phép giải trí, tự do hát hò ầm ĩ suốt ngày đêm.
Đáng nói, TP.HCM đang thực hiện chủ đề “Năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị” nhưng thành phố chỉ lo xây dựng văn hóa nhưng chưa chú trọng xâu dựng nếp sống văn minh đô thị. Các biện pháp xử lý thiếu sự phối hợp và chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở.
Cụ thể, Sở Văn hóa thể thao thành phố thì không có chức năng đo tiếng ồn; xử lý vi phạm an ninh trật tự lại thuộc trách nhiệm công an; trong khi chính quyền cơ sở thì lơ là quản lý. Do đó, việc sớm đưa tiêu chí hạn chế tiếng ồn vào hương ước, quy ước là đúng đắn. Cần có quy định chi tiết tiếng ồn không được vượt quá bao nhiêu đề xi ben, trong không gian như thế nào….
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa thể thao và ngành Công an cần tham mưu giải pháp cũng như có chế tài pháp lý. Từ đó, nhà nước có cơ sở để quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, tránh đá qua lại “quả bóng trách nhiệm”.
Trong đó, vấn đề xử lý loa thùng, karaoke di động, giữ gìn an ninh trật tự thuộc trách nhiệm của công an cơ sở. Công an cơ sở phải rà soát và năm rõ địa bàn để kịp thời xử lý, nhắc nhở người dân, thay vì ngó lơ, chờ đợi sự chỉ đạo từ cấp trên.
Ngược lại, phía người dân cũng tự giác nhận thức, không nên vì sở thích cá nhân, thích thể hiện, khoe mẻ mà gây phiền, bức xúc cho người xung quanh. Tốt nhất là người lớn nên gương mẫu để giáo dục con em trở thành người ứng xử có văn hóa với gia đình, hàng xóm và cộng đồng.
Chỉ có sự chung tay của chính quyền và người dân thì vấn nạn karaoke, loa thùng di động mới được dẹp bỏ, trả lại bình yên cho xóm làng, khu dân cư. Lúc đó, người dân vừa được thỏa mãn nhu cầu ca hát, vừa xây dựng nên hoạt động văn hóa tinh thần tốt đẹp trong nhân dân./.
Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.
Chỉ còn hơn một tuần nữa, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực. Tuy nhiên, quyết tâm này không dễ thực hiện khi công tác chuẩn bị chưa sẵn sàng.
Với những ai thích cà phê thì cà phê vợt luôn có sức hấp dẫn riêng. Không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, mỗi ly cà phê vợt còn chứa đựng những câu chuyện và kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.
Với tất cả tâm huyết và lòng nhân ái, suốt 2 năm qua, vợ chồng ông Mạch Phú Cường và bà Nguyễn Thị Kim Lan ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cần mẫn chuẩn bị những phần cơm chay ấm nóng, mang đến cho những bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh tại các bệnh viện ở TP. Cần Thơ...
Không chỉ mang trong mình những ký ức lãng mạn với lá me bay, mà những cây me trăm tuổi còn tồn tại ở Hà Nội, còn mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử - xã hội đáng nhớ, đáng ngẫm.
Nhằm có thêm nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng của Đảng và Nhà Nước, TPHCM đang chuẩn bị lộ trình nhằm tạo ra được tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Dù đã có lệnh cấm, nhưng dịch vụ cho thuê ô tô điện, xe cân bằng và đặc biệt là xe drift, dòng xe biến tướng từ xe điện vẫn ngang nhiên hoạt động ở phố đi bộ Hồ Gươm.