Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Người thành phố với nỗi 'thèm' không gian công cộng

Phóng viên - 06/07/2021 | 6:13 (GTM + 7)

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân thủ đô được khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người. Vậy nhưng vào buổi tối hè oi nóng hay những ngày cuối tuần, mọi người vẫn đổ ra các khu vực gần hồ, công viên, phố đi bộ đông đúc đến quá tải.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thời gian qua, thành phố đã chú trọng xây dựng nhiều khu nhà ở mới, nới rộng hạ tầng giao thông; nhưng không gian công cộng lại chưa được đầu tư tương xứng dẫn đến cuộc sống của người dân đô thị ngày càng ngột ngạt.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Những đứa trẻ sống trong khu phố cổ chơi cầu lông vào mỗi buổi chiều dù có nhiều phương tiện qua lại nguy hiểm

Từ ngày hạn chế các hoạt động đông người vì dịch COVID-19, những đứa trẻ sống trong khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã biến lòng đường thành sân chơi cầu lông mỗi buổi chiều dù có nhiều phương tiện qua lại nguy hiểm:

"Vâng toàn thế mà chơi trên đường phố với cả qua Lý Thái Tổ nữa".

"Hay chơi ở đây hơn vì đang bị covid nên chơi tạm ở đây".

Khi được hỏi nơi nào là lý tưởng nhất để các em vui chơi, những đứa trẻ đáp:

"To rộng không có xe nhưng ở đây có xe, ít gió một chút".

"Kiểu nó xanh tươi một tí với rộng hơn".

Chị Vũ Minh Phương ở phố hàng Phèn kể rằng, từ khi chị còn nhỏ tới đời các con đều “bất đắc dĩ” mà vui chơi theo cách như vậy.

chơi cầu lông
---

Theo thống kê của tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam, khu vực quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 13 vườn hoa. Nếu chia theo đầu người, người dân khu vực này chỉ có 0,1m2 không gian công cộng. Đặc biệt, ở khu phố cổ dân số khoảng 7 vạn dân chỉ có duy nhất vườn hoa Đường Thành diện tích gần 1000m2:

"Bọn chị ở phố cổ thèm lắm nhưng chưa được. Ngày xưa bé chỉ có một số chỗ công cộng nhưng nguy hiểm. Còn hơn các con ở trong nhà. Nó chơi được tí mình vẫn nhìn được con mình. Chị nghĩ ô tô nên vào khu vực để ô tô. Đây lấn chiếm vỉa hè lòng đường như thế này các con không có chỗ".

Ở đô thị, tình trạng không gian công cộng như công viên, các khu vui chơi, quảng trường, vỉa hè của nhiều tuyến phố đang bị lấn chiếm làm nơi đỗ xe, bán hàng không còn xa lạ.

Không gian công cộng ngoài trời đã thiếu, nhiều người tìm kiếm nơi vui chơi, giải trí tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại tích hợp mua sắm, khu ăn uống, rạp chiếu phim... dù rằng đó không hẳn là không gian mơ ước của họ như lời của bạn Võ Thu Hoàng, ở quận Cầu Giấy:  

"Không gian công cộng ít chỗ để ngồi, có ghế đá nhưng cũng ít. Tôi thấy mọi người ngồi trên xe, đứng quanh vỉa hè, viền hồ, thậm chí ngồi dưới đất. Cuối tuần mọi người ra tập thể dục, đi bộ, xe đạp khá đông đúng khung giờ mọi người đi lại nhiều hay tắc đường. Tôi thích khu mà bãi cỏ rộng có nhiều cây giống bên Nhật, Pháp có bãi cỏ mọi người ngồi ở đấy, đọc sách thư giãn cuối tuần".

Nguoi dan tim noi vui choi trong cac trung tam thuong mai dong duc
Nhiều người tìm nơi vui chơi trong các khu trung tâm thương mại đông đúc

Nỗi lòng “thèm” các không gian công cộng phần nào phản ánh cuộc sống của người đô thị đang ngày càng bị bó hẹp trong những căn hộ bức bối, muốn giải tỏa nhưng lại không được đáp ứng.

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds, đơn vị cung cấp giải pháp xây dựng sân chơi cho biết: Người dân đô thị đang ngày càng ý thức được vai trò của không gian công cộng trong đời sống của họ: 

"Thói quen sử dụng KGCC của người dân thành phố đang có xu hướng tăng lên nhiều hơn khi họ ý thức được việc vận động tốt cho sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Trong khi đó diện tích KGCC tăng chậm hơn nhu cầu đó. Chính người dân họ liên hệ để tìm giải pháp, nguồn tài trợ biến không gian sân chung, sân tập thể thành sân chơi, có công năng mới".

Dù trong quy hoạch chung thành phố đã chủ trương dành quỹ đất cho không gian công cộng nhưng khi triển khai quy hoạch chi tiết không kịp thời đáp ứng được tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số đô thị. Theo KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội, việc thiếu không gian công cộng cũng sẽ làm cho chất lượng không gian tư không đảm bảo:

"Một thành phố từ thiết kế thiên nhiên cân đối mà giờ can thiệp xây dựng công trình làm môi trường sinh thái thay đổi. Không gian tư đã cát cứ lại. Chúng ta cứ mải mê xây dựng, chiếm hữu tư nhân mà quên đi mất rằng dày đặc không gian tư không phải chỉ không có KGCC mà còn làm cho chất lượng không gian tư xuống cấp".

duong ven ho dong duc dip cuoi tuan
Đường ven hồ tây lúc nào cũng nhộn nhịp vào dịp cuối tuần

Theo một khảo sát của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân năm 2020, có 98% người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư của thành phố Hà Nội. 93% người dân muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên.

Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân khi 92% cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% đồng ý Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Trong khi đó, trả lời PV VOV Giao thông, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết:

"Quỹ đất sau khi di dời ưu tiên phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đậu xe, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị. Không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng môi trường đô thị.

Không sử dụng quỹ đất đó xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Tuy nhiên, việc triển khai quyết định 130 còn chậm, khó khăn. Quy hoạch khu nội đô được thành phố phê duyệt, phần lớn ưu tiên diện tích tăng cường không gian công cộng".

Kinh nghiệm của một số đô thị trên thế giới như Barcelona hay Copenhagen..., bí quyết dẫn tới sự thành công là phải có được khung quyết định chiến lược cho không gian dành cho công chúng ngay từ đầu.

Các đô thị nước ta cần dành quỹ đất để mở rộng, xây dựng thêm các không gian công cộng mới sao cho tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, thỏa mãn các nhu cầu cơ bản và nhu cầu bậc cao của người dân đô thị. 

Khái niệm về không gian công cộng đô thị chỉ mới phổ biến trở lại vài năm trở lại đây tại Việt Nam sau khoảng thời gian bị quên lãng

Thời gian gần đây, các cấp chính quyền cũng đã đưa nhiều giải pháp mở rộng diện tích trồng cây xanh, tổ chức các tuyến phố đi bộ… Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ đáp ứng nỗi “thèm” không gian công cộng của hàng triệu cư dân đô thị.

Thực tế này đòi hỏi việc quy hoạch xây dựng thành phố phải có tầm nhìn xa, kịp thời đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân để tiếp cận tới các thành phố sống động, an toàn, bền vững. Đây cũng là góc nhìn của kênh VOV Giao thông qua bài bình luận “Bao giờ đô thị mới vị nhân sinh"

Không thể phủ nhận sự thay đổi diện mạo của thành phố Hà Nội trong 5 năm trở lại đây khi thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2015. Diện tích đất đô thị dành cho giao thông tăng gần 1,5%. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư hiện đại góp phần nâng cao chất lượng, mức độ dịch vụ.

Dù vậy, sự đổi mới, hiện đại đô thị vẫn chưa theo cách người dân mong muốn khi những nhu cầu thiết yếu như: không khí sạch để hít thở, không gian công cộng để vui chơi giải trí lại chưa được đáp ứng.

Không gian công cộng lúc này với sự tiếp cận tự do, cởi mở sẽ khuyến khích tương tác giữa các cư dân và là nơi liên kết trao đổi văn hóa, xã hội, kinh tế. Việc sử dụng không gian công cộng cả quy mô và tính chất chính là thước đo chất lượng cuộc sống, lòng tin, sự hứng khởi của người dân đối với chính quyền đô thị. 

Thế nhưng thực tế hiện nay, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người. Các đô thị lớn khác ở nước ta cũng trong tình cảnh tương tự khi còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố trên thế giới.

Bởi khái niệm về không gian công cộng đô thị chỉ mới phổ biến trở lại vài năm trở lại đây tại Việt Nam sau khoảng thời gian bị quên lãng. 

Công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa khiến không gian công cộng có xu hướng ngày càng thiếu và quá tải.

Với những khu vực đô thị hiện hữu, trong các quy hoạch của các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đều nói đến vấn đề sẽ di dời các cơ sở nhà máy, nhà xưởng, một số trường học, bệnh viện ra ngoại thành để dành đất cho không gian công cộng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. 

Dù rằng chính quyền thành phố Hà Nội trong 5 năm trở lại đây đã có nhiều cố gắng thay đổi. Điển hình như quận Hoàn Kiếm có diện tích chật hẹp nhưng đã sáng tạo và lập ra 13 không gian công cộng như: không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố nghệ thuật Phùng Hưng, không gian công cộng ven sông Hồng tại phường Phúc Tân…

Nhưng khi nhìn bức tranh tổng thể, chúng ta chưa xây dựng hệ thống không gian mở được quy hoạch thống nhất phục vụ hoạt động chung của đô thị.

Nhiều đô thị đã nỗ lực nhằm hiện thực hóa giấc mơ về thành phố "đáng sống" cho cư dân

Hà Nội đang lập kế hoạch rà soát điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung sau 10 năm triển khai còn nhiều bất cập. Cùng lúc này, các cư dân cũng đã chủ động đòi hỏi quyền lợi thụ hưởng không gian công cộng trong định hướng quy hoạch.

Hơn lúc nào hết, những nhà quy hoạch đô thị cần nhận ra mối liên hệ giữa không gian thành phố - cấu trúc vật lý có ảnh hưởng đến hành vi của người dân và đời sống đô thị để xây dựng quy hoạch có tầm nhìn xa, bắt kịp tốc độ phát triển.

Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới khi những đô thị phồn thịnh như New York, Brussels có đến 35% diện tích đất sử dụng cho đường phố, 15% đất được sử dụng cho không gian mở và con số mà Tổ chức Y tế thế giới đề xuất thì không gian công cộng/bình quân đầu người là 9m2.

Nhiều đô thị đã nỗ lực nhằm hiện thực hóa giấc mơ về thành phố "đáng sống" cho cư dân của họ. 

Đây nên trở thành kim chỉ nam cho việc điều chỉnh bản quy hoạch chung cho đến quy hoạch chi tiết xây dựng thủ đô Hà Nội chứ không phải sự tư hữu, cát cứ đất vàng để chất tải kiến trúc cao tầng gia tăng sức ép về dân số và hạ tầng giao thông.

Bởi để thành phố trở nên đáng sống, không chỉ là phương tiện, hạ tầng mà quy hoạch còn phải tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu cơ bản mà người dân đáng được hưởng.

Chừng nào yếu tố con người trong đô thị trở thành cảm hứng, là chìa khóa để quy hoạch lại thành phố mới hy vọng người dân được hưởng lợi và đô thị phát triển bền vững.

---

Nghe thêm Sự việc & Góc nhìn trên Appler Podcast:

Tags:
Ý kiến của bạn
Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Giao thông 'nóng' từ trước giờ cao điểm

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Giao thông "nóng" từ trước giờ cao điểm

Trưa và chiều 26/4, nhiều tuyến đường ở Hà Nội và TP.HCM đã "nóng" dần lên khi nhiều người dân bắt đầu rời khỏi thành phố để về quê, đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Muôn kiểu nghỉ lễ

Muôn kiểu nghỉ lễ

Không nghỉ lễ cũng không về quê với gia đình, những năm trở lại đây, nhiều người đã chọn cách đi làm xuyên các kỳ nghỉ lễ để tăng thêm thu nhập, tích lỹ kinh nghiệm hay đơn giản là được làm các công việc mình yêu thích.

Xử lý shipper “tung hoành” trên đường phố

Xử lý shipper “tung hoành” trên đường phố

Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý shipper vi phạm giao thông. Người dân thủ đô cũng mong muốn tương tự trước tình trạng shipper thường xuyên chở, móc hàng hóa cồng kềnh; dừng đỗ, giao nhận hàng chiếm dụng lòng, lề đường...

TP.HCM: Nhiều nguy hiểm trên đường Nguyễn Văn Quỳ khiến người dân bất an

TP.HCM: Nhiều nguy hiểm trên đường Nguyễn Văn Quỳ khiến người dân bất an

Gần đây, người dân sống tại chung cư LuxGarden trên đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7 (TP.HCM) phản ánh ban đêm đoạn đường thiếu đèn chiếu sáng và có nhiều container đậu ngổn ngang. Thêm vào đó, khu vực này có rất nhiều chó thả rông tấn công người dân mỗi khi đi qua khiến không ít người té ngã.

Vi phạm nồng độ cồn giảm sâu, không vì thế mà chủ quan

Vi phạm nồng độ cồn giảm sâu, không vì thế mà chủ quan

Thời gian gần đây, nhiều chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn ghi nhận số trường hợp vi phạm đã giảm hẳn, thậm chí có chốt không phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự giảm này mới chỉ là tạm thời do lực lượng chức năng kiểm tra xử lý thường xuyên.

Người lao động vất vả trong cái nắng đầu hè

Người lao động vất vả trong cái nắng đầu hè

Những ngày cuối tháng Tư, chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết trở nên oi bức hơn, dù mới chỉ chớm đầu hè. Nền nhiệt ngoài trời dao động trong khoảng xấp xỉ 40 độ C, có thời điểm cao hơn, khiến sinh hoạt người dân vất vả hơn, dù trước đó vài ngày tiết trời cuối xuân vẫn còn mát dịu

Nhà ở lưng chừng dốc

Nhà ở lưng chừng dốc

Ở Hà Nội có nhiều con ngõ dốc khá đặc biệt, nối lên các đường đê quai. Những con ngõ dốc vốn nhỏ bé và yên bình, khuất lấp dưới mặt đường đê được tôn cao nên lại càng khiêm tốn trong sự chú ý của mọi người.

// //