Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Xe chạy bằng năng lượng mặt trời và hấp thu khí thải, xu hướng mới?

Huy Văn: Thứ ba 20/12/2022, 13:45 (GMT+7)

Ngành vận tải thế giới đang tìm kiếm bài toán khả thi cho loại năng lượng sạch thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, và một trong số đó là năng lượng mặt trời. Sẽ ra sao nếu chúng ta kết hợp chúng với trào lưu xe điện? Chúng ta sẽ có xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời.

Trên thực tế, ý tưởng chế tạo những chiếc ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời không mới. Từ thập niên 60 hay 70, đã có những chiếc ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên được sáng chế. Nhưng khi đó, do công nghệ còn hạn chế, nên hầu hết các xe này chỉ chạy được vài chục km.

Phải tới thế kỷ 21, khi năng lượng mặt trời phổ biến nhiều hơn trên toàn cầu, cùng nhiều công nghệ hiện đại, ý tưởng ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời mới khả thi hơn.

Mới đây, theo trang tin công nghệ Cnet, một nhóm 35 sinh viên tại trường ĐH Công nghệ Eindhoven tại Hà Lan đã chế tạo thành công nguyên mẫu xe điện có tên Zem, chạy bằng năng lượng mặt trời bằng các nguyên liệu bền vững, với vỏ xe làm bằng nhựa in 3D có thể tái chế, nội thất xe làm từ dứa, trong khi một số thành phần khác làm từ dầu ăn tái chế.

Xe điện mặt trời ZEM. Ảnh: Đại học Công nghệ Eindhoven

Xe điện mặt trời ZEM. Ảnh: Đại học Công nghệ Eindhoven

Các tấm pin mặt trời trên nóc và mui xe cung cấp khoảng 15% năng lượng cho 8 viên pin lithium của ZEM, và chiếc xe vẫn có thể sạc theo cách thông thường. Bên cạnh đó, chiếc xe được áp dụng công nghệ sạc 2 chiều, tức là các hộ gia đình có thể sử dụng xe như một máy phát điện trong nhà.Điểm đặc biệt nhất của chiếc xe, đó là tính năng “phát thải âm”.

Theo đó, nhờ thiết bị thu giữ carbon được đặt ở trước xe, xe điện Zem có thể hấp thụ CO2, bù lại phần nào đó lượng khí này bị thải ra môi trường trong quá trình chế tạo xe hay pin. Theo nhóm sản xuất, 1 chiếc xe Zem có thể thu được khoảng 2 kg CO2 mỗi năm. Khi đầy, các thiết bị thu giữ có thể được đem đi làm sạch và lượng carbon thu được có khả năng tái sử dụng làm nhiên liệu.

Anh Lars Holster, đại diện nhóm sinh viên chia sẻ: "Bởi vì các bộ lọc được chế tạo theo dạng module nên chúng có thể dùng cho mọi loại phương tiện, mọi loại vận tải. Mỗi một chiếc xe theo dạng này sẽ góp 1 phần nhỏ để giảm hiệu ứng nhà kính”.

Hiện nhóm sinh viên không kỳ vọng sẽ sản xuất xe điện Zem theo số lượng lớn, mà kỳ vọng công nghệ thu giữ Carbon của họ sẽ được cấp bằng sáng chế và được mua, cũng như sử dụng trên nhiều loại phương tiện để giảm tình trạng ô nhiễm không khí.

Trong khi đó, với các start-up công nghệ tham vọng hơn, xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời hoàn toàn có thể sản xuất với số lượng lớn để cạnh tranh với nhiều dòng xe điện khác. Điển hình như start-up Sono Motor của Đức. Công ty này đã giới thiệu dòng xe điện Sion chạy bằng năng lượng mặt trời bắt đầu từ năm 2017, tới nay đã có hơn 40 nghìn đơn đặt hàng.

Không sở hữu một “giao diện” hào nhoáng, sang chảnh, Sion sở hữu hầu hết mọi bề mặt đều là tấm pin mặt trời, từ mui xe, nóc xe, chắn bùn, tấm kính hay cửa sập. Chỉ có phần đầu xe không đi kèm với tấm pin mặt trời để nó có thể thay thế với mức giá rẻ trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Giám đốc điều hành của hãng, ông Laurin Hahn, cho biết: “Mẫu xe của chúng tôi là độc nhất với tổng cộng 30 bằng sáng chế. Đồng thời có một sự khác biệt lớn là hiện hầu hết các hãng xe khác đều sử dụng thủy tinh để hấp thụ năng lượng mặt trời. Nhưng thủy tinh rất nặng, sản xuất chậm và giá thành cao”.

Chiếc xe được trang bị gói pin 35 kWh cho phép chiếc xe đi được gần 250 km trên một lần sạc. Cũng theo ông Laurin Hahn, ý tưởng đằng sau dòng xe Sion là một chiếc ô tô điện nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời giá rẻ, thuận tiện cho việc đi lại trong thành phố.

Hiện giá khởi điểm của chiếc Sion là khoảng 25.000 USD, khách hàng đặt trước cần đặt 2.000 USD tiền cọc. Việc sản xuất dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2023. Hãng xe Đức kỳ vọng Sion sẽ trở thành Xe điện mặt trời (SEV) đầu tiên trên thế giới dành cho đại chúng. Hãng cũng đặt mục tiêu sản xuất khoảng 257.000 xe Sion trong vòng 7 năm.

Xe điện mặt trời Sion của start-up Sono Motors. Ảnh: Sono Motors

Xe điện mặt trời Sion của start-up Sono Motors. Ảnh: Sono Motors

Ông Laurin Hahn chia sẻ những lí do khiến chiếc xe có thể rẻ hơn hầu hết các xe điện mặt trời trên thị trường: “Đầu tiên, chúng tôi không tự sản xuất chiếc xe mà ký hợp đồng với một hãng khác là Valmet Automotive ở Phần Lan. Điều thứ hai là chúng tôi chỉ có duy nhất một mẫu xe, bạn chỉ có thể chọn màu xe là màu đen. Thứ ba là chúng tôi bán hàng trực tuyến. Thứ tư là chúng tôi không dùng thép dập mà dùng khung nhôm, rất an toàn. Thứ năm là sẽ không có sơn xe vì xe đã được bao phủ bởi các tấm năng lượng mặt trời”.

Có thể thấy, nhà sản xuất Sono Motor đã cắt giảm nhiều chi tiết thuộc về ngoại hình để cắt giảm chi phí sản xuất của chiếc xe. Trong thời kỳ mà giá xe điện vẫn còn cao, để mua được một chiếc xe điện rẻ, người mua hẳn sẽ phải chấp nhận “hy sinh” ngoại hình. Nhưng về hiệu suất, liệu một chiếc xe điện chạy năng lượng mặt trời có đủ tốt, đủ bền để khách hàng bỏ tiền ra mua? Vì Sono Sion sẽ là mẫu xe điện mặt trời đại trà đầu tiên, nên phải tới khi xe tới tay người tiêu dùng, chất lượng của chúng mới có thể được đánh giá.

Như nhà sản xuất đã đề cập, xe điện Zem được tối ưu hóa để sử dụng trong môi trường đô thị. Với khả năng sử dụng điện mặt trời cùng các tính năng bảo vệ môi trường, xe điện mặt trời Zem và các loại xe tương tự sẽ rất phù hợp với môi trường đô thị Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Việt Nam vẫn còn phức tạp, đồng thời bài toán nguồn cung điện và trạm sạc cho ô tô điện trong tương lai vẫn còn gian nan.

Tuy nhiên, chắc chắn là chúng ta vẫn còn phải chờ một thời gian khá lâu để được trải nghiệm và sử dụng thoái mái ô tô điện mặt trời trong thành phố.    

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn