Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Xăng liên tục giảm, cước vận tải vẫn đang… nghe ngóng

Quách Đồng: Thứ tư 21/09/2022, 16:12 (GMT+7)

So với thời điểm giữa tháng 6/2022, giá xăng đã liên tục giảm sâu thời gian qua, mức giảm hơn 30%, song rất ít doanh nghiệp giảm giá cước vận tải. Nhiều nhà xe, hãng xe có tâm lý nghe ngóng, hoặc chưa hề có động thái giảm giá cước dù trước đó đã tăng cước ngay khi giá xăng tăng.

Ngồi chờ xe tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), anh Trương Văn Luyện (ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) vẫn nghe ngóng với hy vọng giá xăng giảm có thể khiến các nhà xe giảm giá cước. Tuy vậy, theo thông báo mới nhất của nhà xe, anh Luyện vẫn phải trả 450 nghìn đồng cho hành trình Hà Nội - Đà Nẵng, ngang bằng với thời điểm giá xăng cao nhất.

Ngồi bên cạnh, anh Nguyễn Văn Truyền, ở Hà Đông, Hà Nội – một hành khách cũng đi Đà Nẵng xác nhận: 'Từ đầu năm nay tôi đi nhiều rồi, trước đây tôi đi thì 350.000, đi Đà Nẵng, nhưng khi xăng lên thì lấy 400.000 nhưng bây giờ xăng xuống thì chưa thấy xuống. Giá 450.000 là có ăn, 400.000 thì không ăn'.

Tuy vậy, cũng có doanh nghiệp vận tải hành khách thực hiện điều chỉnh giá theo hướng giảm, khi giá xăng có chiều hướng giảm sâu. Bà Nguyễn Thanh Tâm, đại diện doanh nghiệp Hiền Phước, chạy tuyến Hà Nội – TP. HCM cho hay, trước nghỉ lễ 2/9, đơn vị này đã giảm giá cước vận tải, từ 950 nghìn xuống còn 900 nghìn/vé.

Không phải doanh nghiệp nào cũng điều chỉnh giá cước vận tải theo giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Tạ Hải/Báo Giao thông

Không phải doanh nghiệp nào cũng điều chỉnh giá cước vận tải theo giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Tạ Hải/Báo Giao thông

Theo quy định, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo cơ quan chức năng và Ban quản lý bến xe về việc tăng giảm giá cước vận tải. Tuy vậy, vẫn có trường hợp hành khách phải trả cao hơn so với giá vé thực tế. Bởi đến thời điểm này, bến xe Giáp Bát chưa nhận được văn bản đề nghị tăng hay giảm giá cước vận tải, kể cả thời điểm giá xăng lập đỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết: "Khi giá xăng tăng thì không có đơn vị nào tăng, nên giảm cũng không có đơn vị nào giảm. Việc tăng giảm này là do cơ quan quản lý nhà nước, còn bến xe chỉ tiếp nhận những thông tin tăng giảm giá vé thôi".

Lý giải về việc ít doanh nghiệp giảm giá cước vận tải, ông Lý Trường Sơn, giám đốc Bến xe Mỹ Đình cũng cho biết, thời điểm giá xăng lập đỉnh, rất ít doanh nghiệp tăng giá cước, nên hiện tại cũng không có doanh nghiệp giảm giá: "Trước đây khi giá xăng tăng thì vừa hết dịch xong, khách còn ít quá nên nhà xe không dám tăng giá vé. Bây giờ giá xăng có hạ chăng nữa, giá vẫn thế thôi. Nếu có giảm tiếp thì phải hàng tuần nữa mới có biến động".

Ông Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty quản lý bến xe Hà Nội cho hay, đến thời điểm này, cả 3 bến Giát Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm có khoảng gần 10 doanh nghiệp giảm giá cước vận tải, với mức giảm từ 5-15%.

"Sau đợt 2/9 đến nay cũng chưa có đơn vị nào đề xuất điều chỉnh gì. Có thể sau đợt 3 này, các đơn vị vận tải sẽ phải điều chỉnh cho hợp lý hơn", ông Hoàng nói.

Không chỉ doanh nghiệp vận tải tuyến cố đinh, mà doanh nghiệp taxi cũng có tâm lý nghe ngóng giá xăng mới có sự điều chỉnh giảm giá.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội phân tích, giá xăng chiếm khoảng 28-33% giá cước vận tải, nên nếu giá xăng về mức 22 nghìn đồng/lít, thì giá cước taxi cũng chỉ giảm khoảng 5-10%: "Hiện nay giá cước taxi đang dự trù cho giá xăng xuống 22.000. Bao giờ giá xăng giảm sâu xuống 22.000 thì các doanh nghiệp sẽ tính toán, không có thì chạy theo làm sao được giá xăng. Giá "cước muốn điều chỉnh phải rất nhiều thứ liên quan chứ có phải muốn là làm được ngay đâu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng đóng góp vào khoảng 30% giá cước vận tải, do vậy, việc liên tiếp giảm giá xăng là một yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tính toán giảm giá cước để có mức giảm tương ứng. Tuy nhiên, mức giảm thế nào, phụ thuộc vào từng doanh nghiệp và cần có sự khuyến cáo của cơ quan chức năng.

"Các cơ quan chức năng phải ra những khuyến cáo, khuyến cáo ông phải giảm và giảm mức bao nhiêu, đồng thời đi thanh tra một vài nơi. Chỉ có thế họ mới giảm chứ không đời nào họ chịu hạ", Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

 

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn