Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Xa vời khu xử lý rác cho cả vùng ĐBSCL

Kim Loan: Thứ sáu 29/11/2024, 14:32 (GMT+7)

Rác thải ngày càng quá tải, nhưng nhiều dự án xử lý rác “chết lâm sàng” là thực trạng nhức nhối đang diễn ra ở vùng ĐBSCL. Một trong những khó khăn của hầu hết khu xử lý rác ở các tỉnh/thành phố hiện nay là công nghệ lạc hậu nên chôn hoài không hết rác.

Còn kêu gọi đầu tư những khu xử lý rác với công nghệ hiện đại thì lại xuất hiện “nghịch lý” thiếu rác cho những mẻ lò để xử lý hoặc nhà đầu tư nhận thấy không có lời nên rút lui. Vì thế, rác cứ chất chồng cao mà địa phương thì vẫn loay hoay đi tìm giải pháp giải phóng rác.

Cách đây hơn 10 năm, trong quy hoạch phát triển của một số vùng kinh tế trọng điểm có đặt ra việc hình thành các khu liên hiệp xử lý rác chung cho cả vùng với công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.

Việc hình thành các khu công nghiệp như vậy sẽ là cơ sở thu hút nhà đầu tư có năng lực. Thế nhưng, ước mơ này vẫn còn xa vời khi mà đến nay, nhiều tỉnh/thành còn đang “đau đầu” với bãi rác ngày càng phình to.

Bãi rác An Hiệp (Bến Tre) đang quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng

Bãi rác An Hiệp (Bến Tre) đang quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng

Tại Tiền Giang, ngoài việc chôn lắp lộ thiên theo cách truyền thống thì địa phương vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả hơn để giải quyết bài toán xử lý rác thải. Trãi qua nhiều năm tồn tại, đến nay, các bãi rác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng phình to và gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh này, tổng khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn vào khoảng từ 500 đến 600 tấn/ngày. Lượng rác thải từ các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo… hàng ngày được tập kết về đây chất thành từng đống, bốc mùi nồng nặc.

Chị Nguyễn Thị Cẩm có nhà cách bãi rác hơn 1km tính theo đường chim bay nhưng vẫn khổ sở vì mùi hôi của bãi rác: “Trời gió lên như vầy là hôi lắm, vừa hôi vừa khói. Nó đốt là con nít ở không được đâu nha. Hôi lắm. Trong bãi rác nó đốt là ra tới Tân Phước luôn. Còn ở đây là không chịu nổi luôn, đóng cửa lại bớt. Khói và hôi dữ lắm. Có miếng đất mít của ông kia mà nó hôi riết rồi, cái hơi của nó làm chết cả chục công đất của người ta luôn, rồi người ta phải bỏ đi.”

Còn bãi rác An Hiệp của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre thì đứng đầu về điểm nóng ô nhiễm môi trường. Ngoài việc tiếp nhận và xử lý lượng rác thải hàng ngày của huyện Ba Tri và các vùng lân cận, kể từ khi nhà máy xử lý rác thải Bến Tre đóng cửa vì ô nhiễm môi trường, bãi rác An Hiệp phải gồng mình tiếp nhận thêm khoảng 200 tấn rác từ Thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành chuyển về gây quá tải. Người dân nơi đây bức xúc chặn xe rác không cho vào bãi, kéo theo tình trạng rác thải ùn ứ dây chuyền.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Bến Tre đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm môi trường của bãi rác lớn duy nhất của tỉnh này. Là người đã từng sinh sống ở đây đã hơn 50 năm qua, bà Trần Thị Lượm, ngụ tại ấp Giồng Xoài, xã An Đức bức xúc nói: "Ai cũng có ý kiến về bãi rác là cũng chỉ có bao nhiêu đó thôi. Thì có bao nhiêu đó thì bà con ý kiến nhiêu đó chứ còn gì nữa giờ. Nhiễm quá trớn nhiễm, bây giờ là vô phương rồi. Ruồi thì chú thấy rồi phải không? Còn nước nó thảy ra nó đen thui đen kịnh. Mỗi lần xả cống thì nó ra, nó ra đen thui y như nước màu vậy đó.”

Hiện nay các bãi rác ở các tỉnh/thành đều sử dụng giải pháp chôn lấp, nhưng chôn mãi không hết rác, khiến các bãi rác ngày càng phình to.

Hiện nay các bãi rác ở các tỉnh/thành đều sử dụng giải pháp chôn lấp, nhưng chôn mãi không hết rác, khiến các bãi rác ngày càng phình to.

May mắn hơn các địa phương khác, Cần Thơ đã có hẳn nhà máy đốt rác nhưng hoạt động cũng trầy trật. Lượng rác thải của thành phố hiện nay đều đưa về Nhà máy xử lý rác phát điện (thuộc Công ty TNHH năng lượng môi trường EB) tại huyện Thới Lai. Tuy nhiên, nhà máy thường xuyên quá tải khiến rác ùn ứ hàng nghìn tấn.

Ông Nguyễn Thạch Em - Giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ cho biết: “Nhà máy xử lý rác ở Cần Thơ tiếp nhận rác không ổn định trong khi Thới Lai lại không có điểm tập kết và trung chuyển nên rác được lấy trực tiếp từ nhà dân tới thẳng nhà máy. Do vậy, mỗi khi nhà máy gặp sự cố là rác ùn ứ ngay”.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt vùng ĐBSCL thải ra khoảng 14.000 tấn/ngày, tương đương 5 triệu tấn/năm. Dù lượng rác thải ra nhiều nhưng toàn vùng ĐBSCL hiện chỉ có 2 khu xử lý rác liên tỉnh là Khu xử lý rác tại xã Tân Thành (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) và Nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ).

Một số địa phương như Cà Mau, Bến Tre có nhà máy xử lý rác nhưng công suất rất nhỏ. Các địa phương còn lại chỉ áp dụng biện pháp chôn lấp (trong đó, chỉ có 19/124 bãi chôn lấp hợp vệ sinh). Trước nhu cầu bức thiết bảo vệ môi trường, hưởng ứng chủ trương thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác, một số nhà đầu tư đã vào cuộc nhưng đành… dang dở.

Việc tìm vị trí xây dựng khu xử lý rác phù hợp không đơn giản. Theo nhiều chuyên gia môi trường, dù được đầu tư hiện đại nhưng vị trí xây dựng các khu xử lý rác phải đảm bảo không nằm đầu hướng gió và phải có hàng cây xanh cách ly nhằm đảm bảo mỗi khi có gió, mùi hôi không bị đẩy tới các khu dân cư. Khu xử lý rác cũng không nên đặt ở đầu nguồn nước vì nếu có sự cố xảy ra, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ có nguy cơ lan nhanh.

Chưa rõ đến bao giờ các địa phương tìm được nơi phù hợp. Do đó, việc các địa phương cùng hợp tác tìm nơi xử lý rác phù hợp với điều kiện tự nhiên cho cả vùng là nên làm và cần làm.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn