Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác: Cẩn trọng những rủi ro

Xuân Tú: Thứ sáu 15/09/2023, 06:15 (GMT+7)

Từ ngày 01/9, Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, cho phép khách hàng vay tiền ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Đây có thể coi là “làn gió mới” giúp giảm áp lực cho nhiều người đi vay; nhưng cũng cần thận trọng, tránh tạo ra rủi ro cho nền kinh tế.

PV VOV Giao thông có trong cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu về nội dung này.

 

PV: Trước hết với việc cho phép người dân vay tiền từ ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác, ông có cho rằng đây là quyết định đúng thời điểm?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Đó là một quyết định đúng, nhưng nó có giới hạn của nó. Việc một người dân vay tiền của một ngân hàng và họ phải đi tìm một ngân hàng khác cho vay để trả cho nợ cũ và có thể có những điều kiện dễ dãi hơn thì điều đó tốt, hợp lý, hợp tình và chấp nhận được.

Nhưng nếu chúng ta đảo nợ mà lại đảo nợ cũ, nợ xấu thành nợ mới, nợ tốt thì điều đó không chấp nhận được. Nó làm tăng rủi ro cho hệ thống, thật sự không giúp gì cho nền kinh tế. Vì đến cuối cùng thì số tổng chỉ bằng zero, là số không!

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: TTXVN

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: TTXVN

PV: Như ông phân tích, vậy cụ thể chúng ta cần thận trọng trước những yếu tố rủi ro nào có thể làm tổn hại đến nền kinh tế?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chắc chắn một khách hàng đã có nợ xấu thì nợ xấu đó được ghi nhận trên báo cáo của Trung tâm thông tin của Ngân hàng Nhà nước (CIC), nếu ngân hàng mới họ nhìn được nợ xấu của khách hàng thì có thể họ từ chối.

Nhưng nếu họ không từ chối mà cho vay để tăng tín dụng thì điều đó là không tốt. Tôi nghĩ rằng có khả năng những ngân hàng cần tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đang ế vốn thì khả năng một ngân hàng đảo nợ xấu là có.

PV: Vậy với kinh nghiệm của ông, các ngân hàng cần chú ý những gì để giảm thiểu rủi ro?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chẳng hạn ở Mỹ thì họ không cấm đảo nợ và họ cũng không cấm đảo nợ xấu thành nợ tốt. Ở Mỹ họ được quyền tự do quyết định. Nhưng với ngân hàng mới thường họ tìm những tài sản thế chấp khác để có thể giảm thiểu rủi ro cho họ.

Ở Việt Nam của mình thì dĩ nhiên có những công cụ để giảm rủi ro. Thứ nhất là phải tra cứu thông tin trên CIC để bảo đảm rằng món nợ cho vay mới để trả nợ cũ, tức là đảo nó, là một điều hợp lý.

Thứ hai, họ có thể đòi hỏi khách hàng phải có tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp để giảm rủi ro. Tuy nhiên, tôi lưu ý quý vị và các doanh nghiệp đang tìm cách đảo nợ là về chi phí. Có thể chúng ta tìm được ngân hàng mới với lãi suất thấp hơn ngân hàng cũ, chẳng hạn như hàng cũ cho vay 12%, ngân hàng mới chỉ cho vay 8% thôi, tức là có 4% chênh lệch.

Tuy nhiên, chênh lệch đó có thể bị bù trừ bởi phí của ngân hàng mới và ngân hàng cũ, đến cuối cùng cộng tất cả các phí lại thì có thể còn cao hơn chênh lệch lãi suất mà mình hưởng được.

17

 

Ở chiều ngược lại, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn vào tính tích cực của quy định mới, và hi vọng thời gian tới cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh để thuận lợi hơn nữa cho người dân:

“Để vay ngân hàng này trả ngân hàng khác dễ dàng thì cần quy định rõ ràng, cụ thể trong các văn bản, trong đó đầu tiên phải sửa đổi thời hạn trả nợ vay, trả nợ trước hạn, bồi thường chi phí cũng phải ở mức thấp.

Chúng ta cũng nên có những quy định thống nhất giữa các ngân hàng, cho phép chuyển tài sản bảo đảm của người vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác dễ dàng và nhanh chóng.

Chúng ta đã có trung tâm dữ liệu ngân hàng về khoản vay cũng như khoản đảm bảo, việc này không quá khó và từ đó tạo ra cạnh tranh công bằng, bình đẳng, sòng phẳng, rất thị trường cho các ngân hàng và cũng đề cao vai trò của người vay. Từ trước đến nay hầu hết doanh nghiệp hay hộ gia đình đi vay thì ở thế “ngồi chiếu dưới”.

Còn thực hiện việc này thì người dân, doanh nghiệp bình đẳng hơn với ngân hàng, nếu không thì họ có thể chuyển đến ngân hàng khác để đảm bảo lợi ích, quyền lợi”.

Xuân Tú/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn