Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Từ việc phân làn cứng đường Nguyễn Trãi: Tổ chức giao thông đừng nay thay, mai sửa

Quách Đồng - Kiều Tuyết: Thứ ba 09/08/2022, 11:46 (GMT+7)

Hà Nội thí điểm phân làn cứng tách ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi, đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân. Đáng chú ý, việc tổ chức lại giao thông trên đường Nguyễn Trãi được đưa ra chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện tổ chức lại giao thông tại Ngã Tư Sở.

Trong khi cũng chỉ còn vài tháng nữa dự kiến cũng sẽ khánh thành đường Vành đai 2 trên cao, chưa kể cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Việc tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Trãi liệu sẽ ổn định được bao lâu, khi sắp tới còn có nhiều sự thay đổi về hạ tầng?

Giải thích lý do tách làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây là trục hướng tâm, có lưu lượng phương tiện lớn.

Trước đây, sau khi hoàn thành cải tạo hạ tầng, các cơ quan chức năng đã tiến hành sơn kẻ, tổ chức giao thông phục vụ phương tiện đi lại, song, vẫn còn nhiều phương tiện chưa tuân thủ phương án phân luồng nên xảy ra ùn tắc, va chạm giao thông, nên cần tổ chức lại cho phù hợp.

Theo ông Trần Hữu Bảo, nếu việc thí điểm tại tuyến đường Nguyễn Trãi làm giảm tình trạng ùn tắc, Sở GTVT Hà Nội sẽ triển khai ở những tuyến tiếp theo.

Điều đáng nói, trước đó, việc tổ chức giao thông xung quanh tuyến đường này cũng đã nhiều lần được điều chỉnh. Gần nhất, vào cuối tháng 6/2022, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức lại giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở. Theo đó, toàn bộ phương tiện đi thẳng, rẽ trái không được đi dưới gầm cầu, mà sẽ phải rẽ phải vào Trường Chinh sau đó quay đầu ở điểm mở cách Ngã Tư Sở 700m và rẽ phải đi Tây Sơn hoặc đi thẳng để sang đường Láng.

Nhìn từ việc tổ chức giao thông tại nút Ngã Tư Sở, một số thính giả cũng băn khoăn về kết quả thực hiện thí điểm tách làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi:

"Cũng thấy là người dân một số chấp hành nghiêm túc, bởi vì 2 làn trong này dành cho xe buýt, xe thô sơ và xe máy, nhưng một số chưa chấp hành tốt lắm".

"Cái phân làn này hầu như mật độ xe máy rất lớn, cho nên khả năng phải dành thêm phần đường cho xe máy nhiều hơn nữa".

"Phải làm được đèn xanh đèn đỏ để cho những người đi sang bên đường, chứ đường này rất nhiều ngõ ngang, ngõ dọc thì phải có biển báo thì mới hiệu quả được. Chắc chắn vẫn phải điều chỉnh cho nó phù hợp".

Empty

Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau 3 ngày thực hiện phân làn ô tô, xe máy, phần lớn người điều khiển ô tô, xe gắn máy đã chấp hành nghiêm túc việc tách làn phương tiện. Theo ông Hiệp, lực lượng Thanh tra giao thông Hà Nội sẽ tiếp tục phân công theo dõi, phân làn và nắm bắt những bất cập để điều chỉnh cho hợp lý:

"Lực lượng TTGT đã bố trí 8 đơn vị thay phiên nhau phân luồng, hướng dẫn các dòng phương tiện xe máy, xe buýt cũng như ô tô đi đúng phần đường, làn đường. Trong thời gian tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để hướng dẫn, điều tiết giao thông, đồng thời sẽ bổ sung những bất cập để đảm bảo người dân chấp hành và thực hiện nghiêm phương án của Sở GTVT", ông Hiệp cho biết.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc phân làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi là hợp lý, tuy vậy, việc dành phần đường cho mô tô, xe gắn máy và xe buýt phải được khảo sát kỹ, trên cơ sở đo đếm lưu lượng phương tiện cụ thể. Đặc biệt, tại các nút giao phải được xử lý một cách khoa học trên toàn tuyến mới đem lại hiệu quả.

Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT cho rằng, cần tổ chức các làn đường gom để khắc phục tình trạng có quá nhiều điểm giao cắt, xung đột: "Trong trường hợp này phải xem xét đến việc tổ chức các làn đường gom để các phương tiện muốn tiếp cận các công trình sử dụng đất dọc tuyến thì họ sẽ đi trên các tuyến đường gom đó. Đường gom này có thể một hoặc 2 làn tùy thuộc vào nhu cầu, chúng ta phải khảo sát kỹ lưỡng để tính toán. Sau đó phần không gian còn lại chúng ta tổ chức cho các dòng chính".

Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cũng cho rằng, để việc tách làn phương tiện ô tô, xe máy được hiệu quả trên một tuyến, thậm chí nhân rộng ra nhiều tuyến khác, Hà Nội cần sớm đưa ra bản đồ quy hoạch tổ chức giao thông cho toàn thành phố, cho cấp quận và cấp khu vực, từ đó sẽ tiến hành trên từng tuyến đường:

"Phải xuất phát từ quy hoạch chung đã, anh phải có quy hoạch chung cho Thành phố, hoặc cho từng quận, từng khu vực một. nó kết nối giữa tuyến chính này với các tuyến khác như thế nào.

Phải có quy hoạch trước đã, từ đó áp dụng một cách chi tiết mới đỡ lúng túng. Nếu không, thiếu sự chuẩn bị để đảm bảo cho dòng xe ra vào những nút, những tuyến đó không bị xáo trộn", ông Doãn Minh Tâm nói.

a7_04268-0932 (1)

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đưa vào sử dụng hàng loạt công trình hạ tầng giao thông như Vành đai 2 trên cao, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…

Do vậy, nếu không có kế hoạch tổ chức giao thông cụ thể, khi các công trình này đưa vào khai thác, hình thái dòng phương tiện vào nút giao Ngã Tư Sở, vào tuyến đường Nguyễn Trãi sẽ thay đổi, khi đó rất có thể thói quen phân làn bước đầu được hình thành sẽ buộc phải thay đổi.

Đó cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: "Thí điểm đến khi nào?".

Việc Hà Nội bắt tay phân làn cứng để tách dòng phương tiện trên trục đường rộng nhất Thủ đô, là một bước đi cần thiết trong tổ chức giao thông, hợp với khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Bởi giao thông hỗn hợp được cho là nguyên nhân của ùn tắc và tai nạn.

Sau nhiều lần thất bại trong phân làn, tách dòng trên các tuyến giao thông hơn chục năm qua, lần này Hà Nội triển khai đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn. Các nút giao trên đoạn đường thí điểm đã được đếm xe, như Ngã tư Sở, Ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến.

Công cụ tách làn cũng bố trí linh hoạt, kết hợp cả dải cứng và dải mềm, sẵn sàng giải tỏa giao thông trong trường hợp có sự cố, và tăng dư địa điều chỉnh.

Việc tách làn này cũng có thể là bước chuẩn bị cho các kế hoạch tổ chức giao thông tiếp theo, khi Hà Nội đang đẩy mạnh nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm, nhất là khu vực xung quanh

Song, nhìn vào bước đi của Thành phố trong công tác phân luồng, tổ chức giao thông gần đây, người ta rất khó hình dung một kế hoạch tổng thể của hoạt động này.

Sau khi hoàn thành thi công đường sắt Cát Linh Hà Đông, QL6 đoạn Hà Đông đi Ngã Tư Sở đã trải qua một lần nâng cấp cải tạo, mở rộng làn và thảm lại mặt đường.

Đường sắt đô thị vận hành hồi cuối năm ngoái, Hà Nội tiếp tục điều độ lại xe buýt trên tuyến này để phù hợp với nhu cầu mới. Thành phố cũng dự kiến bố trí xe đạp công cộng dọc tuyến, và có thể cả buýt nhỏ để phục vụ khách đi tàu, trong tương lai không xa.

Sáng 6/8, Sở GTVT Hà Nội bắt đầu tổ chức thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Lê Tùng

Sáng 6/8, Sở GTVT Hà Nội bắt đầu tổ chức thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Lê Tùng

Cách đây hơn một tháng, điểm cuối tuyến là Ngã Tư Sở mới được phân luồng lại để giảm ách tắc, và vừa kết thúc thí điểm giai đoạn 1 được vài tuần, đang kéo dài thí điểm thêm 3 tháng.

Nhìn vào phương án tách dòng hiện tại, người đi xe đạp chưa thấy chỗ dành cho mình. Bởi khi xe buýt, xe máy dồn vào 2 làn trong cùng, áp lực và rủi ro với người đi xe đạp cũng sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Đặt giả sử sau vài tuần thí điểm, người dân tương đối quen với các đoạn dải phân làn, thì điều gì xảy ra khi kết thúc 3 tháng thí điểm, phương án phân luồng ngã tư Sở sẽ khác đi? Mà điều này rất có khả năng, bởi phương thuốc thí điểm hiệu quả trong 1 tháng đầu, đến tháng thứ 2 đã kém đi hiệu nghiệm.

Lưu lượng phương tiện qua nút Ngã Tư Sở cũng sẽ thay đổi hoàn toàn vào cuối năm nay, nếu đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ về đích đúng hẹn. Lại càng khác nhiều hơn nữa khi đưa vào khai thác cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…

Với các diễn biến đó của kế hoạch hạ tầng và cả tổ chức giao thông, thì phương án cho đường Nguyễn Trãi hiện tại có thể phải trải qua ít nhất các lần thay đổi sau 2 tháng nữa, 4 tháng nữa và hơn nửa năm sau.

Và đó mới chỉ là biến động của một nút giao phía cuối đoạn phân làn. Ở đầu bên này, ngã tư Thanh Xuân (Nút Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi), tình hình lưu thông cũng sẽ khác đi khi hầm chui Tố Hữu – Lê Văn Lương hoàn thành, và đương nhiên đòi hỏi sự điều chỉnh trên các hướng tuyến đi qua nút.

Thiếu một kế hoạch tổng thể, rõ ràng với các bước đi được tính toán kỹ, được đánh giá tác động, các phương án phân luồng nói chung, tách dòng nói riêng, sẽ luôn đứng trước rủi ro bị sai lệch so với dự kiến ban đầu, và khó đạt hiệu quả như kỳ vọng. Điều này chẳng những gây tốn kém rất lớn, mà còn khiến cho các biện pháp phân luồng, tổ chức giao thông dễ bị “hàm oan”, còn người dân thiếu tin tưởng khi triển khai ở khu vực khác, vào thời điểm khác. Nhất là, khi việc tách dòng đã từng thất bại không ít lần.

Bởi vậy, để thuyết phục người dân và các chuyên gia về tính khả thi của phương án tách dòng lần này trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội nên công bố quy hoạch/ hoặc chí ít là kế hoạch tổng thể tổ chức giao thông trên địa bàn toàn thành phố, với các bước đi, lộ trình và đánh giá tác động.

Đó là dữ liệu cần có để người dân biết các lộn xộn trong vài ngày đầu chỉ là tạm thời, hay nó sẽ lặp đi lặp lại khi vắng bóng lực lượng chức năng;

để họ không phải căng mắt căng tai theo dõi các kế hoạch phân luồng sẽ thay đổi liên tục;

để họ được trả lời sòng phẳng về thành/bại của mỗi phương án phân luồng, thay vì đặt cho nó một cái tên an toàn là “thí điểm”;

và để nguồn lực cho hạ tầng giao thông được sử dụng thật sự thỏa đáng, không lãng phí theo sự thay đổi xoành xoạch của các phương án phân luồng./.

 

Quách Đồng - Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
'Quên' đóng phạt nguội, có bị “treo” đăng kiểm?

"Quên" đóng phạt nguội, có bị “treo” đăng kiểm?

Thông tư 30/2024 của Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đã có hiệu lực từ ngày 1/10/2024.

Vì sao dự án đường Tam Trinh chậm GPMB?

Vì sao dự án đường Tam Trinh chậm GPMB?

Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2012, được khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm; nhưng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên việc thi công bị đình trệ.

Điểm mù từ xe chở hàng cồng kềnh

Điểm mù từ xe chở hàng cồng kềnh

Cái quệt nhẹ... và mọi thứ chợt đảo lộn trong tích tắc. Chiếc xe này không chỉ chở hàng, mà còn chở theo cả mạng của người bên cạnh. Đừng chở theo thần chết ngay trên chính đồng hàng quá khổ sau lưng của mình!

Mười mấy năm sống trong những mảng tường bong tróc khu tái định cư Nam Trung Yên

Mười mấy năm sống trong những mảng tường bong tróc khu tái định cư Nam Trung Yên

Mười mấy năm ròng sống trong 4 bức tường bong tróc, lở loét, thấm dột. Đây là tình trạng chung của rất nhiều hộ dân sống tại khu tái định cư Nam Trung Yên

Giá điện tăng, hàng chục triệu hộ phải trả thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng?

Giá điện tăng, hàng chục triệu hộ phải trả thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng?

Giá điện vừa được điều chỉnh tăng lên hơn 2.100 đồng/kWh. Theo đó, sẽ có hàng chục triệu khách hàng bị tác động và nhóm đơn vị sản xuất sẽ phải trả thêm khoản tiền nhiều nhất khi giá điện tăng.

Phố thơm mùi cốm

Phố thơm mùi cốm

Ai là người đầu tiên nghĩ ra việc dùng cốm để làm quà cưới? Không nhớ rõ. Chỉ biết là từ lâu, phố Hàng Than đã được gọi là “phố cưới hỏi”. Chẳng những vậy, không chỉ vào mùa thu, phố thơm mùi cốm quanh năm.

Bãi xe lậu tại phố Quán Sứ, khó xử lý dứt điểm?

Bãi xe lậu tại phố Quán Sứ, khó xử lý dứt điểm?

Vừa qua, Kênh VOV Giao thông đã phát sóng bài viết “Liệu có dẹp được bãi xe lậu trên phố Quán Sứ ?”. Sau khi bài viết phát sóng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, đặc biệt là các tài xế và người đi bộ đã từng là “nạn nhân” của tình trạng này.