Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Từ 6 tuổi không được ngồi phía trước xe máy, nhỏ hơn thì sao?

Hải Hà - Kiều Tuyết: Thứ năm 27/02/2025, 14:27 (GMT+7)

Theo quy định, trẻ đủ 6 tuổi phải ngồi sau và đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Vậy với những trẻ nhỏ hơn, phụ huynh phải làm gì, hiện đang thiếu quy định cụ thể cả về vị trí chở cũng như thiết bị an toàn cho trẻ. Trong khi, không thể lúc nào cũng có người lớn ngồi sau kèm trẻ em.

  

Ảnh minh họa: Đ.L.

Ảnh minh họa: Đ.L.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn nhớ như in trường hợp một bạn nhỏ khoảng 4 tuổi gặp tai nạn thương tâm. Trong một lần được mẹ cho đứng phía trước xe máy tay ga, trong lúc mẹ mải mua đồ ăn, bạn nhỏ đã vít tay ga khiến xe lao đi một đoạn với tốc độ rất nhanh và em bé đã bị chấn thương nghiêm trọng:

"Cơ chế chấn thương nguy hiểm, ngã văng ra. Đi một tốc độ của xe máy là 40-50 km/h, xe ga lên tốc độ rất nhanh và sau đó xe máy đi được khoảng gần trăm mét, đưa bé văng ra khoảng 10 m. Đầu tiên, khi bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, toàn trạng khá ổn, bệnh nhân tự thở, không phải thở ô xy, nhưng sau đó bệnh nhân đột ngột dần dần đi vào trạng thái suy hô hấp. Ngoài chấn thương sọ não, bạn ý còn bị chấn thương phổi".

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng trăm trường hợp trẻ nhỏ gặp tai nạn giao thông, trong số đó có tới 20-30% do sự bất cẩn của người lớn.

Tình trạng trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thường xuyên được bố mẹ chở bằng xe máy cho đứng phía trước hoặc ngồi sau xe không có dây đai an toàn, hay đội mũ bảo hiểm khá phổ biến trên nhiều tuyến đường. Một số người dân phản ánh:

"Thường là những bạn nhỏ bố mẹ hay cho ngồi đằng trước hoặc đứng đằng trước mà không dùng dây an toàn khá là nguy hiểm. Trước tiên là tuyên truyền trước, nếu mà tình trạng vẫn tiếp diễn thì cũng nên đưa vào luật".

"Bác đưa cháu đi chơi không có đai, đi một đoạn ngắn, cứ đi thôi. Mấy lần chở đi chơi, nó đứng quay mặt và ôm bụng chị. Đứng ở đoạn giữa xe. Lúc nào đang đi mà phanh gấp, thế đứng của nó không được vững, có thể nó sẽ dễ đập đầu vào xe".

"Khi không có đai an toàn, thì khi bé buồn ngủ hoặc nghịch ngợm, bé có thể ngã xuống, làm ảnh hưởng tới ba mẹ đang lái xe. Trẻ dưới 6 tuổi có lẽ chưa có mũ bảo hiểm phù hợp để đội, nhưng có thể đeo dây đeo an toàn".

Nhiều bậc phụ huynh khá thoải mái với việc cho con ngồi trên xe máy mà không có thiết bị đảm bảo an toàn cho con. Ảnh: Quang Hùng

Nhiều bậc phụ huynh khá thoải mái với việc cho con ngồi trên xe máy mà không có thiết bị đảm bảo an toàn cho con. Ảnh: Quang Hùng

Ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Chủ tịch Hội an toàn giao thông Việt Nam phân tích, trẻ em là nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương khi xảy ra tai nạn, nhất là vùng đầu. Tuy nhiên, tình trạng trẻ dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông rất phổ biến, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của trẻ và sức khỏe của lớp trẻ trong tương lai:

"Nghiên cứu cho thấy, đối với trẻ em thì khối lượng đầu nặng hơn so với cả khối lượng cơ thể, khác so với người trưởng thành. Cho nên khi xảy ra tai nạn, đầu các cháu  là rất dễ bị ngã văng xuống đất tức là cắm xuống trước. Nếu không có mũ bảo hiểm khi xảy ra tai nạn, các cháu rất dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, theo tôi các cơ quan liên quan phải nghiên cứu mũ bảo hiểm dành riêng cho trẻ em dưới 6 tuổi".

Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Điều 5 Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định khi chở trẻ em dưới 6 tuổi trên xe mô tô, xe máy, thành viên trong gia đình có trách nhiệm sử dụng dây đai an toàn, ghế dành cho trẻ em hoặc phải cho trẻ ngồi ở giữa người lái xe và người điều khiển phía sau. 

Tuy nhiên, theo ông Minh, hiện nay vẫn chưa có quy định xử phạt đối với những trường hợp trẻ dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm:

"Hiện nay chúng ta chưa có một quy chuẩn cụ thể về mũ bảo hiểm cho nhóm trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu như trẻ dưới 6 tuổi ngồi trên xe máy không đội mũ thì hiện nay chúng ta cũng chưa xử phạt. Đây cũng là một trong những điểm mà chúng ta có thể hoàn thiện và cần hoàn thiện.

Tôi cho rằng các cơ quan chức năng, cụ thể là về mặt khoa học công nghệ nên sớm nghiên cứu để chúng ta có thể ban hành quy chuẩn mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi. Về cơ bản, đây là một loại mũ bảo hiểm mà có khối lượng nhẹ có tính năng bảo vệ cao và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ".

Những đứa trẻ sẽ dễ dàng bị tổn thương khi chẳng may gặp tai nạn giao thông trên đường, nếu cha mẹ 'bỏ quên' việc trang bị an toàn cho con. Ảnh: Quang Hùng

Những đứa trẻ sẽ dễ dàng bị tổn thương khi chẳng may gặp tai nạn giao thông trên đường, nếu cha mẹ "bỏ quên" việc trang bị an toàn cho con. Ảnh: Quang Hùng

Ông Minh cũng đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện các quy tắc chở trẻ em khi tham gia giao thông, bao gồm các quy định hạn chế tốc độ phương tiện, yêu cầu trình độ của người điều khiển phương tiện khi chở trẻ em ...

Theo TS Phan Lê Bình, trong các quy định pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về xử phạt đối với những trường hợp cho trẻ em trên 6 tuổi ngồi/ đứng phía trước xe máy hoặc ngồi sau nhưng không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về vị trí, trang thiết bị đối với nhóm trẻ dưới 6 tuổi, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn:

"Tôi nghĩ trước khi nói về việc pháp lý quy định như thế nào thì bản thân mỗi phụ huynh nên nhận định thật rõ về các rủi ro khi cho trẻ em ngồi phía trước xe máy một cách không an toàn. Đối với những gia đình có trẻ nhỏ, rất nên bố trí thêm ghế phụ được lắp một cách chắc chắn ở phía trước chiếc xe chẳng hạn hoặc có những biện pháp thật chắc chắn để bảo vệ an toàn cho bản thân và cho con cái".

Hiện nay,  một số quốc gia châu Âu hiện đang có quy định cấm trẻ em dưới 12 tuổi ngồi trên xe mô tô, xe máy, trong khi tại Nhật Bản cấm phương tiện xe đạp được chở 2 người, nhằm hạn chế cha mẹ chở con lưu thông bằng xe đạp.

Các chuyên gia đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện các quy tắc chở trẻ em khi tham gia giao thông, bao gồm các quy định hạn chế tốc độ phương tiện, yêu cầu trình độ của người điều khiển phương tiện khi chở trẻ em... Ảnh: Quang Hùng

Các chuyên gia đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện các quy tắc chở trẻ em khi tham gia giao thông, bao gồm các quy định hạn chế tốc độ phương tiện, yêu cầu trình độ của người điều khiển phương tiện khi chở trẻ em... Ảnh: Quang Hùng

Nhóm trẻ dưới 6 tuổi dễ gặp những chấn thương nặng nếu không may xảy ra va chạm giao thông, đặc biệt là khi di chuyển bằng xe máy. Bởi vậy, Việt Nam cần sớm ban hành cẩm nang hướng dẫn về các vị trí ngồi trên xe và luật hóa các quy định về chất lượng mũ bảo hiểm, thiết bị an toàn cho trẻ em làm căn cứ bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông.

Đây là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: "Yếu thế của yếu thế".

Một cặp vợ chồng nọ mâu thuẫn với nhau chỉ vì tranh cãi: chở con nhỏ trên xe máy thì để con ngồi trước hay ngồi sau. Người vợ ít nhiều được nghe khuyến cáo trên truyền thông, cho rằng trẻ ngồi trước rất rủi ro vì có thể hứng toàn bộ lực va chạm. Trong khi, người chồng bằng kinh nghiệm, cho rằng ngồi sau dễ bị bắn khỏi xe, hậu quả khó lường. Không có một căn cứ nào để tham chiếu, nên khi chở con, mỗi người áp dụng một cách.

Câu chuyện trên có lẽ phổ biến ở nhiều gia đình có con nhỏ hiện nay. Những biện pháp đảm bảo an toàn xuất phát từ cảm quan của phụ huynh đôi khi sai khác rất xa so với đánh giá, nghiên cứu, thực nghiệm khoa học về an toàn giao thông.

19 năm áp dụng quy định đội mũ bảo hiểm bắt buộc đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, nhóm trẻ dưới 6 tuổi vẫn ở ngoài quy định. Thỉnh thoảng xuất hiện khuyến cáo trực tiếp của Ủy ban ATGTQG, rằng phụ huynh nên trang bị loại mũ phù hợp để giảm chấn thương cho trẻ em ở tuổi này, hoặc đội mũ bảo hiểm như cho trẻ từ 6 tuổi trở lên nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, thông tin mang tính khuyến cáo, không thường xuyên, không ban hành thành cẩm nang an toàn, nên phụ huynh chỉ nghe tham khảo.

Hơn nữa, khi luật không bắt buộc, các nhà sản xuất, kinh doanh không thấy tiềm năng thị trường để phát triển sản phẩm. Ngoài một vài loại mũ mềm, mũ xốp có tính đàn hồi được phân phối với số lượng hạn chế trong các siêu thị lớn chuyên biệt cho trẻ em, phụ huynh không có nhiều lựa chọn. Còn mũ bảo hiểm cứng cho trẻ đi xe máy đa phần không thể dùng, vì không phù hợp kích thước vòng đầu, dây quai thường lỏng lẻo.

19 năm, thị trường mũ bảo hiểm còn chưa thực sự dành cho trẻ em, nói gì đến các sản phẩm bảo hiểm khác như ghế, dây đai an toàn, đồ bảo hộ. Thị trường có gì, hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá của người bán về nhu cầu và thị hiếu người mua, chưa hề có sự can thiệp bằng công cụ quản lý.

Với quy định mới của Luật TTATGT đường bộ, người lớn chở trẻ em trên ô tô đã biết mình cần phải cho trẻ ngồi đâu, với ghế riêng thế nào. Nhưng với trẻ ngồi trên xe máy, quy định vẫn còn bỏ ngỏ. Thậm chí, con số thống kê tai nạn giao thông đang dừng lại ở nhóm từ 6 đến 18 tuổi, không có dữ liệu với nhóm nhỏ hơn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, cả nước có hơn 5,1 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non. Với 6 triệu ô tô, nhưng có đến 70 triệu mô tô, xe gắn máy, chỉ một tỷ lệ nhỏ trẻ em được di chuyển bằng ô tô là có điều kiện an toàn tốt hơn.

Trong một diễn đàn mới đây trên VOVGT, đại diện cơ quan nghiên cứu về phòng chống chấn thương cho rằng, trên thế giới hiện nay cũng chưa có các nghiên cứu khoa học để khẳng định, trẻ ngồi trước hay ngồi sau an toàn hơn khi đi xe máy.

Điều kiện giao thông, đường sá, phương tiện của mỗi nước khác nhau. Không thể đợi thế giới nghiên cứu rồi mới ứng dụng trong nước. Hơn 5 triệu trẻ em đang chờ những hướng dẫn cụ thể để người lớn có thể biết cách đảm bảo an toàn cho các em khi ngồi trên xe gắn máy. Cha mẹ cần cẩm nang hướng dẫn, phân tích rủi ro tương ứng với từng vị trí ngồi trên xe, cần các tài liệu mô phỏng tình huống giao thông để có thể nhận diện và phòng ngừa.

Các dòng sản phẩm bảo hộ cho trẻ em tham gia giao thông cần được khuyến khích nghiên cứu, phát triển đưa vào thị trường một cách có chủ đích, và được kiểm định chất lượng.

Và điều quan trọng là cần có định hướng hoàn thiện chính sách về bảo vệ an toàn giao thông cho nhóm trẻ này. Vì chỉ khi được luật hóa, thì dù chưa thể thực hiện được ngay, ít nhất các bậc phụ huynh cũng nhận ra rằng, đó là điều thực sự cần thiết. Những thống kê về TNGT cần đề cập đủ mọi nhóm tuổi, để cảnh báo mạnh mẽ tới phụ huynh, nguy cơ là có thật và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trẻ dưới 6 tuổi là nhóm yếu thế của yếu thế. Mặc dù thiết kế các quy định đặc thù là không dễ, nhưng để bảo vệ con trẻ, khó mấy cũng phải làm!

Hải Hà - Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Hành vi nguy hiểm này không chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho chính cháu bé và những người xung quanh. Ngay sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã mời người đàn ông lên làm việc và ra quyết định xử phạt lên đến 30 triệu đồng.

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Người dân cũng rất băn khoăn về lộ trình di chuyển công ty Công ty Cổ phần Dệt Hà Nội và một số cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nằm giữa khu dân cư đông đúc của Hà Nội sẽ được thực hiện như thế nào?

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Thính giả Tống Minh (Hà Nội) hỏi: "Tôi có người bạn thay đổi màu sơn ô tô nhưng không qua thủ tục đăng ký, kiểm tra. Vậy bạn tôi có thể bị xử phạt như thế nào?"

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

Qua rà soát, TP.HCM có hơn 60.400 cơ sở nhà trọ, chung cư mini, nhà ở kết hợp kinh doanh, trong đó hơn 15.700 cơ sở còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, hơn 13.900 cơ sở là loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê và 930 cơ sở là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Việc triển khai chưa đầy đủ, chưa đồng bộ công nghệ trông giữ xe không dùng tiền mặt, vẫn áp dụng song song thu tiền mặt, cùng với sự giám sát thiếu chặt chẽ, khiến tình trạng thu sai vẫn diễn ra.

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Mới đây, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM cho biết, Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX) dự kiến sẽ chính thức chuyển đổi hệ thống bắt đầu từ ngày 30/4-4/5 và đi vào hoạt động chính thức vào ngày 5/5 tới.

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

Mô hình này dựa trên tinh thần tự nguyện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, cơ sở lưu trú... tạo điều kiện cho người đi đường và khách du lịch có thể sử dụng nhà vệ sinh tiện lợi và hoàn toàn miễn phí.