Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Trung Quốc: Đường sắt cao tốc cải thiện chất lượng sống

Huy Văn: Thứ hai 28/10/2024, 15:12 (GMT+7)

Trong những chuyên mục trước, VOV Giao thông đã đề cập tới đường sắt cao tốc và tiềm năng phát triển kinh tế mà mô hình này đem lại. Bỏ qua những tiềm năng mang tầm vĩ mô, đường sắt cao tốc cũng là phương thức đi lại hiệu quả, cải thiện lối sống, sinh hoạt của người dân.

Theo công bố từ Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, tính đến giữa tháng 9 vừa qua, mạng lưới đường sắt Trung Quốc đã vượt qua một cộc mốc quan trọng khi chính thức vượt qua con số 160.000 km đường ray, trong đó có hơn 46.000 km đường sắt cao tốc.

Cơ quan này cho biết cột mốc này đã đưa Trung Quốc thành quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những quốc gia sở hữu mạng lưới đường sắt tiên tiến nhất.

Tuyến đường sắt cao tốc mới nhất được bổ sung vào mạng lưới là tuyến đường sắt cao tốc nối thành phố Mai Châu với huyện Long Xuyên ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Tuyến đường sắt dài 94 km, bắt đầu hoạt động từ tháng 9 vừa qua, đã góp phần đạt được cột mốc mới này trong quá trình phát triển mạng lưới đường sắt.

Mạng lưới đường sắt cao tốc của quốc gia này hiện chiếm hơn 70% tổng số đường sắt cao tốc của thế giới.

Đường sắt cao tốc đã cải thiện rất nhiều việc đi lại của người dân Trung Quốc Ảnh: Xinhua

Đường sắt cao tốc đã cải thiện rất nhiều việc đi lại của người dân Trung Quốc Ảnh: Xinhua

Trong số này, các tuyến hoạt động ở tốc độ 300 - 350 km/h đã bao phủ 20.000 km (chiếm 43%), trong khi các tuyến hoạt động ở tốc độ 200 - 250 km/h đã bao phủ 26.000 km (chiếm 57%). Đáng chú ý, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đạt được hoạt động thương mại của đường sắt cao tốc ở tốc độ 350 km/h, thể hiện sức mạnh công nghệ của mình.

Là một người làm ăn kinh doanh, anh Trần Quân thường xuyên phải đi lại giữa các tỉnh, thành. Anh cho biết, đường sắt cao tốc luôn là sự lựa chọn hàng đầu vì nhiều lí do:

“Tôi thấy đi tàu cao tốc rất tiện lợi, phù hợp với công việc. Buổi sáng tôi có thể gặp khách hàng ở Tế Nam, sau đó có thể mua vé tàu về Thượng Hải ngay trong buổi chiều. Với một chút sắp xếp, tôi có thể hoàn thành nhiều công việc chỉ trong một ngày.”

Giống như Trần Quân, nhiều người dân Trung Quốc hiện đều ưu tiên đường sắt cao tốc bởi những lợi ích mà phương thức di chuyển này đem lại:

“Nhiều năm trước, chúng tôi đã phải dành rất nhiều thời gian cho việc đi lại bằng đường bộ. Giờ khoảng thời gian đó đã được tiết kiệm nhờ tàu cao tốc. Nhờ vậy mà mỗi khi đi du lịch tôi có nhiều thời gian để vui chơi hơn”.

“Đi tàu cao tốc nhanh mà tàu lại chạy rất êm, gần như không có rung lắc gì cả”.

“Tôi bắt tàu đi từ Thương Châu, Hà Bắc vào lúc 8 rưỡi. Chỉ 1 tiếng sau là tôi đã có mặt tại Bắc Kinh, thực sự rất tiện."

Ông Lý Tĩnh Vệ, phó giám đốc bộ phận phát triển và cải cách của tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho biết, mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đã phủ sóng 96% các thành phố có dân số trên 500.000 người, bao gồm cả Đặc khu hành chính Hồng Kông. Vì vậy, Đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng, không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn giúp người dân giảm thời gian di chuyển, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ảnh: NY Times

Ảnh: NY Times

Ông Chu Kiến Sinh, phó giám đốc Học viện Nghiên cứu Đường sắt Trung Quốc chia sẻ: “Ví dụ như tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải, mỗi ngày có hàng trăm nghìn lượt khách, nhưng chỉ khoảng 3% hành khách là đi hết lộ trình đó. Phần lớn hành khách là xuống tàu ở các bến khác. Điều đó cho thấy tuyến tàu này đã làm tốt nhiều vụ thúc đẩy di chuyển, kinh tế ở các vùng dọc tuyến. Đây cũng là lợi thế lớn của đường sắt cao tốc so với hàng không”.

Không chỉ với người dân, mà khách du lịch khi tới Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ mạng lưới đường sắt cao tốc. Chị Tâm, một khách du lịch Việt Nam cho biết bản thân rất hài lòng sau khi lần đầu được trải nghiệm tàu cao tốc tuyến Bắc Kinh – Tô Châu:

“Khi lần đầu đi vào ga tàu thì mình thấy thực sự choáng ngợp, bởi ga tàu ở Bắc Kinh lớn như sân bay vậy. Thủ tục lên tàu thì khá giống như sân bay khi phải qua cửa an ninh, kiểm tra hành lý… Giá vé đợt đó mình đi là đợt quốc khánh của Trung Quốc nên giá vé tăng 20%, nhưng vẫn rẻ hơn 10-15% so với giá vé máy bay. Và mình không nghĩ là đi cao tốc êm như vậy luôn, gần như không có rung lắc gì cả”.

Trở lại với dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam ở Việt Nam, không chỉ người dân, các doanh nghiệp cũng rất hào hứng với hy vọng được tham gia "thập niên lịch sử" đường sắt cao tốc. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation cho biết, Việt Nam là đất nước có chiều dọc rất dài, chiều ngang khá hẹp, khiến việc vận chuyển du khách dọc tuyến Bắc - Nam mất rất nhiều thời gian.

Trước đây, du lịch hầu hết phụ thuộc vào ngành hàng không để đảm bảo được thời gian tham quan của khách. Nếu có thể hình thành tuyến tàu cao tốc Bắc - Nam, sẽ tạo điều kiện rất tốt cho khách tiếp cận các điểm đến, giảm thời gian di chuyển, bù lại kéo dài thời gian lưu trú, giúp khách đi sâu hơn vào văn hóa địa phương.

Từ đó, thay đổi hoàn toàn bản đồ và diện mạo toàn bộ sản phẩm du lịch của VN, chuyển từ bộ sản phẩm xương cá sang bộ sản phẩm nan hoa, thúc đẩy các địa phương phát triển nhiều khu du lịch, bất động sản du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ giải trí… ngấm sâu hơn vào nền kinh tế địa phương.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn