Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Trò chuyện với "Nobel xanh" Nguyễn Văn Thái về nỗ lực bảo tồn tê tê ở Việt Nam

Hồng Lĩnh - Dũng Lê: Thứ sáu 09/12/2022, 10:24 (GMT+7)

Nhà bảo tồn tê tê hàng đầu châu Á – anh Nguyễn Văn Thái vừa nhận được giải thưởng môi trường Goldman năm 2021 - giải thưởng danh giá nhất hành tinh về môi trường, được mệnh danh là "Nobel xanh".

PV VOV Giao thông có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Văn Thái tại Hội thảo tập huấn “Buôn bán và tiêu dùng động vật hoang dã: Nguy cơ sức khoẻ con người và hệ sinh thái” do PanNature phối hợp cùng Save Vietnam’s Wildlife tổ chức. 

PV: Điều gì thôi thúc anh dấn thân vào công tác bảo tồn động vật hoang dã trong suốt gần 20 năm qua?

Anh Nguyễn Văn Thái: Thực ra có hai lý do, đầu tiên, tôi là người sinh ra và lớn lên cạnh rừng, cụ thể là Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương (Ninh Bình) – VQG đầu tiên tại Việt Nam đã thành lập được 60 năm. Tôi đã có trải nghiệm với vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã ngay từ nhỏ, nên tình yêu với thiên nhiên đã được vun đắp.

Khi lớn lên, học Đại học và ra trường, tôi thực tập tại một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Khi đó, tôi nhìn thấy các bạn chăm sóc động vật hoang dã, nâng niu động vật ngay từ khi còn rất nhỏ, nghe những câu chuyện về các câu chuyện về các cá thể động vật như con vọoc ngay từ khi mới sinh ra, bố mẹ nó đã bị bắn chết, và nó cứ thế nằm dưới đất ôm lấy bố mẹ.

Hình ảnh đó làm cho tôi rất xúc động và thôi thúc tôi làm một điều gì đó giữ lại thiên nhiên và các loài động vận hoang dã.

Anh Nguyễn Văn Thái đã có tình yêu với vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã ngay từ nhỏ. Ảnh: Suzi Eszterhas

Anh Nguyễn Văn Thái đã có tình yêu với vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã ngay từ nhỏ. Ảnh: Suzi Eszterhas

PV: Và đó cũng là lý do khiến anh thành lập Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife)?

Anh Nguyễn Văn Thái: Việt Nam là một trong những nước buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép vẫn còn nhiều, tình trạng sử dụng động vật hoang dã còn phổ biến.

Vì thế, rất cần có những tổ chức tuyên truyền, ngăn chặn những hành vi buôn bán trái phép và thay đổi nhận thức của mọi người.

Nguồn lực đầu tư cho Nhà nước cho lĩnh vực này khá hạn chế, và năng lực cho công tác bảo tồn thời đó còn nhiều hạn chế. Điều đó thôi thúc tôi tự thành lập một tổ chức và hướng nó theo con đường mang lại giá trị lợi ích, bảo tồn một cách lâu dài; để người Việt có thể thể hiện tốt hơn vai trò của mình và kết nối với nhau, đồng hành cùng nhau.

Với vai trò là người làm bảo tồn, chứng kiến cảnh buôn bán hoang thú, thấy nguy cơ tuyệt chủng của tê tê, anh Thái cam kết sẽ tận hiến cuộc đời mình cho sự sống của loài thú đặc biệt này. Ảnh nhân vật cung cấp

Với vai trò là người làm bảo tồn, chứng kiến cảnh buôn bán hoang thú, thấy nguy cơ tuyệt chủng của tê tê, anh Thái cam kết sẽ tận hiến cuộc đời mình cho sự sống của loài thú đặc biệt này. Ảnh nhân vật cung cấp

PV: Những nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã của Save Vietnam’s Wildlife là gì, thưa anh?

Anh Nguyễn Văn Thái: Chúng tôi trực tiếp phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là VQG Cúc Phương ở Ninh Bình và Pù Mát ở Nghệ An cứu hộ gần 2.500 cá thể động vật hoang dã buôn bán trái phép và sau đó thả chúng về tự nhiên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cộng tác và hỗ trợ các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã khác ở Việt Nam như ở VQG Cát Tiên, Sóc Sơn (Hà Nội). Chúng tôi hỗ trợ về thức ăn, trang thiết bị đi lại, hoạt động tái thả động vật hoang dã về tự nhiên.

Bên cạnh đó, thành lập các lực lượng bảo vệ rừng, phối hợp với các cơ quan chức năng để tuần tra, bảo vệ rừng. Hiện nay, lực lượng này đang làm việc tại 4 VQG đó là VGQ Cúc Phương, Cát Tiên, Pù Mát, U Minh Thượng, U Minh Hạ.

Chúng tôi cũng tiến hành các hoạt động nghiên cứu trong rừng, gắn các thiết bị trên người các cá thể động vật, theo dõi chúng để hiểu các tập tính, sinh thái, sự thay đổi của động vật hoang dã ngoài tự nhiên; tìm các loài động vật hoang dã mới.

Và cuối cùng là thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho các trường học xung quanh VQG, mang cơ hội đến với hàng chục ngàn các em học sinh có cơ hội trải nghiệm, trau dồi tình yêu với rừng và động vật hoang dã; cùng với đó là các chiến dịch thay đổi hành vi, với mong muốn nhiều người không sử dụng động vật hoang dã.

Anh Thái cho biết, có đến hơn 60% vị trí đặt máy ảnh chụp được rái cá lông mũi hay tê tê vàng – là những loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Điều đó cho thấy công tác bảo vệ ở những VQG này đã tốt hơn.

Anh Thái cho biết, có đến hơn 60% vị trí đặt máy ảnh chụp được rái cá lông mũi hay tê tê vàng – là những loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Điều đó cho thấy công tác bảo vệ ở những VQG này đã tốt hơn.

PV: Tại VQG U Minh Thượng (Kiên Giang) - một trong 4 VQG có hoạt động của Save Vietnam’s Wildlife, có điều gì đặc biệt?

Anh Nguyễn Văn Thái: Hiện nay, các hoạt động nghiên cứu đặt máy ảnh tại VQG, chúng tôi rất ngạc nhiên về sự phát triển của quần thể các loài động vật hoang dã trong đó, đặc biệt các loài nguy cấp như tê tê, rái cá…

Tại U Minh Thượng, có đến hơn 60% vị trí chúng tôi đặt máy ảnh chụp được rái cá lông mũi hay tê tê vàng – là những loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Điều đó cho thấy công tác bảo vệ ở những VQG này đã tốt hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện trạng săn bắt ở trong VQG và buôn bán phía ngoài VQG. Vì thế, vẫn cần tiếp tục có những hành động để trả lại sự bình yên cho những cánh rừng.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta bảo vệ một cách triệt để tại U Minh Thượng, U Minh Hạ áp dụng từ cách mà đã làm từ VQG Pù Mát trong vài năm qua với nhiều sự thay đổi; thì chỉ trong vòng 5-10 năm nữa, chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm VQG và ngắm các “bạn” động vật hoang dã ngoài tự nhiên.

Điều đó cũng góp phần phát triển kinh tế cho những đơn vị giữ rừng và cộng đồng xung quanh.

PV: Xin cảm ơn anh.

Anh Thái (đầu tiên bên trái) chia sẻ tại Hội thảo tập huấn “Buôn bán và tiêu dùng động vật hoang dã: Nguy cơ sức khoẻ con người và hệ sinh thái” do PanNature phối hợp cùng Save Vietnam’s Wildlife tổ chức.

Anh Thái (đầu tiên bên trái) chia sẻ tại Hội thảo tập huấn “Buôn bán và tiêu dùng động vật hoang dã: Nguy cơ sức khoẻ con người và hệ sinh thái” do PanNature phối hợp cùng Save Vietnam’s Wildlife tổ chức.

Anh Nguyễn Văn Thái từng được giới thiệu trong danh sách 40 nhà nghiên cứu, bảo tồn động vật hàng đầu thế giới, bởi sách Wildlife Heroes của hai tác giả người Mỹ Julie Scardina, Jeff Flocken, xuất bản 2012.

Năm 2016, anh Thái là người Việt Nam đầu tiên nhận giải “Future For Nature” dành cho những người trẻ có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã thế giới, cùng khoản tiền thưởng 50.000 Euro cho các hoạt động bảo tồn tê tê ở Việt Nam.

Tháng 6/2021, anh Nguyễn Văn Thái là người Việt Nam thứ hai và là nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam được trao tặng giải Goldman Environmental Prize.

Được biết, anh Thái đã dành toàn bộ 200.000 USD tiền thưởng từ giải Goldman 2021 cho Save Vietnam’s Wildlife, để thực hiện các hoạt động bảo tồn ở Việt Nam.

Hồng Lĩnh - Dũng Lê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn