Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Triển khai giải pháp “cứu” bờ biển Ba Tri

Kim Loan: Chủ nhật 03/12/2023, 14:39 (GMT+7)

Do thay đổi dòng chảy, sóng vỗ mạnh vào mùa gió chướng làm chết rừng phi lao đã gây xói lở nghiêm trọng nhiều khu vực tại bờ biển huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trong khi đó, đời sống của các hộ dân ven biển tại đây còn gặp nhiều khó khăn, sinh kế liên tục bị ảnh hưởng vì xói lở.

Ông Mai Văn Tia là người dân duy nhất có nhà còn nằm ven bãi biển cồn Nhàn, thuộc ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre). Láng giềng của ông đã mất nhà, mất đất và đến nơi khác ở. Tính đến nay, ông Tia đã có 1 hecta đất bị thủy triều cuốn trôi mất xuống biển. Tài sản còn lại là hơn 1 công đất để ở tạm trong cảnh phập phòng lo sợ. Trong 10 năm qua, toàn xã Bảo Thuận đã có 31 hộ dân phải di dời nhà ở do xói lở, tập trung ở cồn Nhàn, cồn Ngoài.

Ông Mai Văn Tia cho biết: "Sạt lở 10 năm qua đã lở vô khoảng 500 mét, tôi di dời nhà 3 lần. Bây giờ đề nghị cấp trên làm thế nào để tránh sạt lở cho người nông dân có nơi có chỗ ở. Ai cũng lo hết, sợ lắm, tôi lở mất cả 1 hecta đất bây giờ còn lại chỉ có 1 công đất."

Gió chướng và dòng chảy đã làm chết hàng loạt rừng phòng hộ ven biển Ba Tri

Gió chướng và dòng chảy đã làm chết hàng loạt rừng phòng hộ ven biển Ba Tri

Khu vực sạt lở, xâm thực nghiêm trọng trên địa bàn xã Bảo Thuận có tổng chiều dài khoảng 4,7 km, 115 hộ dân bị ảnh hưởng. Xâm thực, sạt lở làm hư hỏng hoàn toàn 100 m đường bê tông; sạt lở hoàn toàn 650m bờ bao; diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 535 hecta. Riêng đất rừng phòng hộ ven biển, từ năm 2004 đến nay mất 16 hecta và thiệt hại hoàn toàn 45 hecta hoa màu của người dân.

Đa số người dân ven biển Ba Tri, tỉnh Bến Tre có cuộc sống còn khó khăn với nghề nuôi nghêu, nuôi thủy sản, trồng hoa màu trên đất giồng cát. Việc xói lở mất nhà, càng gây gánh nặng, khó khăn chồng chất cho người dân sở tại.

Bà Nguyễn Thị Lụm, người dân xã Bảo Thuận tâm tư: "Người dân mình bây giờ đề nghị phải có đê, kè làm sao cho bồi thố lại, chứ lở quá rồi sao. Như kè trên đó an toàn rồi, còn ở đây lở quá, phập phòng, lo rầu lắm.  Nhà giồng thì nhờ có đất để trồng trọt mà lở đất lấy gì trồng trọt."

Trước tình hình xói lở xảy ra trầm trọng, năm 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN - PTNT tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án đầu tư xây dựng bờ kè bê tông kiên cố tại đây dài 1,2 km với nguồn kinh phí TW hỗ trợ trên 60 tỷ đồng/km. Công trình kè đã có hiệu quả, không chế sạt lở và còn hình thành tuyến đường giao thông ven biển.

Nhưng vẫn còn gần 3km bờ biển xã Bảo Thuận đang bị xói lở chờ nguồn kinh phí hỗ trợ tiếp theo của TW vì khả năng của tỉnh Bến Tre không thể thực hiện các công trình có quy mô lớn này. Trong đó có khoảng 800 mét xung yếu cần xây kè khẩn cấp.

Đại phương thực hiện các biện pháp tạm thời để ứng phó

Đại phương thực hiện các biện pháp tạm thời để ứng phó

Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết: "Với nguồn lực địa phương có hạn nên không thể giúp cho người dân gia cố, khắc phục, chống chọi kiên cố với sóng biển. Do đó, nhiều năm qua địa phương có kiến nghị với cấp tỉnh, nhờ tỉnh tác động các cơ quan TW hỗ trợ xây dựng 2 đoạn kè còn lại. Rất mong sớm được đầu tư như đoàn kè hiện có để góp phần giữ diện tích đất ở khu vực cồn này ổn định đời sống nhân dân."

Theo các ngành chuyên môn, xói lở tại khu vực này là do sự thay đổi dòng chảy, đặc biệt vào cuối năm gió chướng thổi mạnh, sóng biển đánh vào bờ dữ dội làm trốc gốc rừng phi lao dẫn đến cây rừng chết hàng loạt. Khi rừng phòng hộ thưa dần, đất cát ven bờ sẽ bị cuốn trôi, thủy triều xâm thực. Chỉ tại cồn Nhàn, xã Bảo Thuận mỗi năm thủy triều lấn vào đất liền gần 100 mét, người dân không thể ứng phó. Giải pháp duy nhất chống sạt lở là xây bờ kè bê tông kiên cố.

Ông Võ Văn Xoài, người dân sống lâu năm tại bờ biển xã Bảo Thuận nhận định: "Cây phi lao bị sóng dập chịu không nổi chết, cồn Nhàn lở lắm không biết làm sao. Phi lao sóng đánh vô chết chịu không nổi, nước lấn vô hoài. Hồi dó cái cồn nằm ngoài kia, mấy gốc cây này là rừng sóng đánh cồn dời vô đây. Mai mốt, mùa gió chướng vô không biết lộ này còn không nữa."

Dọc bờ biển ở cồn Nhàn còn sót lại những căn nhà hứng chịu biến đổi khí hậu, xói lở, xâm thực...

Dọc bờ biển ở cồn Nhàn còn sót lại những căn nhà hứng chịu biến đổi khí hậu, xói lở, xâm thực...

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp Dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển này.

Theo đó, Dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri được đầu tư từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương với khoảng 210 tỷ đồng, với hình thức là xây bờ kè bê tông kiên cố có chiều dài khoảng 2,3km thuộc địa bàn xã Bảo Thuận. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư; quản lý, thực hiện công trình xây dựng này trong 2 năm 2023 và 2024.

Việc triển khai thực hiện Dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri nhằm phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo vệ diện tích đất ven biển, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất bền vững, ổn định lâu dài khu vực xung yếu này.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn