Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đô Thị

Tình làng ở xóm chung cư

Nguyễn Yên: Chủ nhật 11/02/2024, 11:25 (GMT+7)

Có những khu chung cư mà mỗi tòa giống như một làng, còn mỗi tầng như một xóm thì tình làng nghĩa xóm không những không bị phai nhạt mà còn hiện diện sâu đậm trong đời sống đô thị theo cách hiện đại hơn.

 Những tòa chung cư mọc lên ngày càng nhiều ở các thành phố lớn cộng với nhịp sống hiện đại, hối hả khiến nhiều người lo lắng sự kết nối cộng đồng,“bán anh em xa mua láng giềng gần” vốn có trong văn hóa truyền thống sẽ dần mất đi. Thực tế không hẳn như vậy bởi có những cư dân chung cư dù đến từ nhiều vùng miền, chênh lệch độ tuổi và làm những công việc khác nhau nhưng vẫn luôn tìm cách gắn kết, tương trợ cho nhau.

Có những khu chung cư mà mỗi tòa giống như một làng, còn mỗi tầng như một xóm thì tình làng nghĩa xóm không những không bị phai nhạt mà còn hiện diện sâu đậm trong đời sống đô thị theo cách hiện đại hơn.

 

Buổi tối cuối tuần của các bạn nhỏ ở tầng 2, tòa C2A khu chung cư Ecohome 2

Buổi tối cuối tuần của các bạn nhỏ ở tầng 2, tòa C2A khu chung cư Ecohome 2

Buổi tối cuối tuần ở tầng 2, tòa C2A khu chung cư Ecohome 2, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) luôn sôi động như vậy. Những đứa trẻ sau cả tuần học hành được bố mẹ cho thoải mái vui chơi; các cửa phòng dường như thông nhau để trẻ con chạy qua chạy lại, cùng ăn uống, chơi trò chơi, chạy nhảy nô đùa. Vui nhất với những đứa trẻ nơi đây là vào những dịp “đặc biệt” luôn có bạn bè cùng tầng đến góp vui:

“Tổ chức sinh nhật, con nhiều bạn lắm, con mời hết cả tầng 2 và tầng 3, ăn xong được ra ngoài chơi, đông vui và náo nhiệt, con cảm thấy rất là vui”

“Dịp Noel rồi sinh nhật các bạn là chúng con được chơi, ăn cùng nhau, rồi hát múa, con thấy vui và hạnh phúc”.

Sống cùng tầng, cùng khu chung cư, hơn chục hộ gia đình tại đây đều quen biết nhau, nhà ai khi có việc bận có thể qua gửi con nhờ hàng xóm; rồi nhà ai có việc quan trọng, có người ốm đau thì mọi người thăm nom, giúp đỡ. Vài dịp trong năm, các gia đình cùng nhau tổ chức bữa tiệc lớn để thêm gắn kết.

Công tác trong ngành y, hay phải đi trực nên chị Lâm Thị Việt Hà, cư dân tòa C2A khu chung cư Ecohome 2 thường nhờ hàng xóm đón con hộ, có khi còn tắm giặt, cho con ăn khi bố mẹ về muộn quá. Và chị cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ khi có người trong khu gặp vấn đề về sức khỏe:

“Trong khu này, bất kể công việc gì, ví dụ có bạn bị tai nạn, các con bị sốt hay các cụ già đau lưng thì mình nhiệt tình giúp đỡ, hay có bạn bị tắc tia sữa thì mình cũng hỗ trợ, khả năng mình giúp được đến đâu thì mình sẽ giúp, không ngại ngần gì hết mà tất cả các anh chị em trong khu này cũng thế, nhà mình có việc thì mọi người cũng xúm tay vào giúp đỡ”.

Tháng 10/2023 vừa qua, trong đợt dịch, một gia đình ở tầng 2 có chồng bị sốt xuất huyết phải nhập viện, có lúc nguy kịch, người vợ vào chăm chồng mà ở nhà còn 3 con nhỏ không có người thân nào hỗ trợ. Thêm nữa là hàng hoa quả chị vợ nhập về bán không có người đi ship.

Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn như thế, những người hàng xóm thông qua Zalo đã cùng bàn bạc để phân công nhau: người nhận đưa đón, trông nom con trẻ; người thì tổng hợp đơn hàng rồi chia nhau đi giao hộ; có người thì mua nốt hàng để ủng hộ.

Ngày anh chồng được về nhà, người vợ cảm động biết ơn những người hàng xóm của mình. Chị tâm sự, nếu như những người hàng xóm dửng dưng, không trợ giúp thì không biết gia đình chị sẽ thế nào.

Sống ở chung cư này đã được 8 năm, chứng kiến nhiều câu chuyện, hoàn cảnh như thế, chị Hà Vân, quê Thái Bình chia sẻ, tình hàng xóm ở chung cư chốn thị thành mà chị cảm nhận được không kém gì tình làng nghĩa xóm ở thôn quê:

“Khi mình bị áp lực với nhiều công việc ngoài kia và trở về với chung cư này, trở về ngôi nhà lớn là chung cư này, mình cảm nhận được tình cảm, sự ấm áp, tình làng nghĩa xóm thực sự giữa chốn phồn hoa, đô thị. Mỗi người đến từ một nơi nhưng mọi người đều nghĩ rằng đến sống ở đây là nhà rồi thì tôn trọng, cùng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau để nơi đây giàu tình cảm, có niềm vui tuổi già, có tiếng cười trẻ nhỏ”.

Theo chị Hà Vân, tình cảm hàng xóm giúp những cư dân chung cư xóa đi mặc cảm xa cách, xóa đi những phiền muội, làm gần thêm tình cảm người với người. Nhưng ấy là ở những khu chung cư bình dân, còn ở các khu chung cư hiện đại thì chị không dám chắc. Nhưng thực tế ở những khu chung cư mới, hiện đại vẫn có thể tìm thấy sự ấm áp của “tình làng nghĩa xóm” trong xu hướng xây dựng cộng đồng văn minh kiểu mới.

Các hoạt động trong không gian sinh hoạt cộng đồng chung cư Ecohome 2

Các hoạt động trong không gian sinh hoạt cộng đồng chung cư Ecohome 2

3

Khởi đầu sau những ngày tháng “ai ở đâu ở yên đấy”, những người hàng xóm ở khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội rủ nhau chạy bộ ngắm bình minh. Nhưng rất nhanh, “team chạy” đã thu hút thêm nhiều thành viên mới và cho ra đời Câu lạc bộ Vinhomes Ocean Park Runners.

Ngày nào cũng vậy, đúng 5h30 sáng và 17h30 chiều, các thành viên Câu lạc bộ tập trung ở "bùng binh huyền thoại" để bắt đầu chạy bộ.

Anh Lê Hiếu, sống tại tòa S2.16 chia sẻ rằng, không chỉ cùng nhau rèn luyện sức khỏe mà mọi người còn giao lưu, chia sẻ với nhau trong cuộc sống bởi họ vừa là hàng xóm láng giềng thân thiết, vừa là chiến hữu trên đường chạy:

“Ngoài rèn sức khỏe, mọi người đến với nhau còn tình cảm, truyền động lực, chỉ cần có sự khích lệ lẫn nhau thôi thì cả ngày hôm đó dường như cảm thấy thoải mái, có động lực. Đấy là điều mình cảm thấy nếu mình chạy một mình hoặc không tham gia câu lạc bộ nào đó thì mình sẽ không cảm nhận được cái truyền lửa từ các anh em trong câu lạc bộ”.

Thành viên Câu lạc bộ Vinhomes Ocean Park Runners vừa hàng xóm láng giềng thân thiết vừa là chiến hữu trên đường chạy

Thành viên Câu lạc bộ Vinhomes Ocean Park Runners vừa hàng xóm láng giềng thân thiết vừa là chiến hữu trên đường chạy

Vợ chồng chị Võ Thùy Linh chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội sinh sống khi không có bạn bè, người thân nào, nhưng bây giờ sau gần 2 năm, chị đã có thêm nhiều người người thân quen là hàng xóm, là những đồng đội trong câu lạc bộ. Chị Linh chia sẻ rằng, tình làng nghĩa xóm với ai và ở đâu cũng có chứ không như nhiều người nghĩ chung cư chỉ là nơi để ở hay người trẻ tuổi thì ngại kết thân hàng xóm.

Chị luôn cảm thấy hạnh phúc hơn bởi được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, được gặp gỡ và chia sẻ nhiều hơn với các chị em, với những thành viên trong câu lạc bộ: “Khi mình đưa con đi học thôi mà mình gặp người thân quen thì mình cũng thấy rất vui vẻ, rồi những dịp như Halloween rồi Trung thu là các ba mẹ tổ chức nên em cảm thấy nó không chỉ dừng lại ở việc cùng nhau đi chạy mà còn nhiều hoạt động trong đời sống, sinh hoạt”.

5
6

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch CLB Vinhomes Ocean Park Runners hào hứng chia sẻ, điều thú vị ở câu lạc bộ này là mọi người dù ở nhiều lứa tuổi, công việc khác nhau nhưng có chung tình yêu với chạy bộ và cùng sống trong một khu đô thị nên dễ dàng gắn kết với nhau.

Khi tham gia câu lạc bộ, các anh chị em ngoài có sức khỏe, có niềm vui thì còn có kết nối cộng đồng. Câu lạc bộ như là nơi để những người hàng xóm có khi ngại ngần thì dễ làm quen với nhau hơn; và khi đã thân quen thì họ không nề hà giúp đỡ nhau khi cần.

“Có bạn trong câu lạc bộ nhắn: Mọi người ơi, em không có ở nhà mà bé nhà em bị lạc trong thang máy, bây giờ em rất cuống, em không biết làm gì, thế là ngay lúc đó có 5,6 thành viên câu lạc bộ xung phong là chúng tớ đang ở nhà, bọn tớ đến giúp đỡ và chỉ mấy phút sau với sự trợ giúp là em bé được tìm thấy. Đấy là anh em câu lạc bộ giúp đỡ nhau không chỉ khi chạy, trong làm ăn công việc mà còn trong đời sống. Rất thân thiện, nhiều khi mọi người ở quê ra có mớ rau, có ngô khoai là cũng luộc lên rồi rủ nhau đến chia sẻ”, chị Tuyết cho biết.

7

Niềm vui thể thao lành mạnh bên những người hàng xóm đã trở nên thân thiết khiến các cư dân ở khu đô thị này thấy cuộc sống của mình giàu tình nghĩa, nhân văn hơn. Họ bảo rằng, một khu đô thị "đáng sống" không chỉ cần cơ sở hạ tầng hiện đại, mà còn cần phải có một cộng đồng văn minh và gắn kết.

Có lẽ, tình làng nghĩa xóm không phụ thuộc vào việc khu đô thị đó là bình dân hay cao cấp, mà đến từ quá trình thay đổi để hòa nhập với văn hóa cộng đồng của cư dân chung cư. Khi mọi người có đủ chân tình thì sự bận rộn hay cuộc sống hiện đại khép kín ở chung cư cũng không làm mất đi nét ứng xử văn hóa, láng giềng để tạo nên không khí thân tình, ấm cúng tại các khu dân cư.

Thêm nữa, ở những hoàn cảnh đặc biệt khi khó khăn, hoạn nạn, khi dịch bệnh, thiên tai xảy đến mới thấy hết được ý nghĩa của tình làng nghĩa xóm. Khi đó, sự bao bọc, giúp đỡ, hỗ trợ nhau quên mình giữa các cư dân khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng và lạc quan hơn để vượt qua được khó khăn.

Câu lạc bộ có nhiều hoạt động phong phú để các thành viên thêm gắn kết

Câu lạc bộ có nhiều hoạt động phong phú để các thành viên thêm gắn kết

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu đô thị mới, các tòa chung cư mọc lên thì câu chuyện về văn hóa chung cư, về tình cảm làng xóm giữa những người sống chỉ cách nhau một bức tường ngày càng có nhiều ý nghĩa trong đời sống đô thị.

Chương trình đầu xuân này mời các bạn cùng trò chuyện với nhà văn Trần Thanh Cảnh và PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội về tình làng nghĩa xóm - một biểu hiện tốt đẹp của văn hóa truyền thống được thể hiện ra sao trong thời hiện đại.

PV: Thưa nhà văn Trần Thanh Cảnh, cũng là một cư dân chung cư, ông thấy sao về sự hiện diện của văn hóa tình làng nghĩa xóm tại những tòa chung cư cao tầng?

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Xuất phát từ nhu cầu của dân cư với xuất phát điểm từ nông thôn, sợi dây liên kết của con người với văn hóa làng còn chặt chẽ, ai cũng có quê nên người ta có nhu cầu tình cảm hàng xóm láng giềng, cảm thấy gắn kết với nhau.

Văn hóa làng xã là văn hóa rất mạnh, có thể gọi là văn hóa gốc mà sau một thời gian chia cắt vì dịch bệnh, có những người cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình, con người của xã hội còn mạnh hơn con người của gia đình thì họ có nhu cầu kết nối và tự nhiên họ tìm đến với nhau thôi và tự tổ chức các hội nhóm để kết nối.

PV: Vâng, còn PGS.TS Nguyễn Đức Lộc thấy sao về “tình căn hộ, nghĩa chung cư” hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Đây là không gian cộng cư giữa những người ở những vùng miền khác nhau. Từng có những nhận định là không gian đô thị khiến tính ẩn danh, riêng tư cao và tính cộng đồng suy giảm nhưng theo quan sát của chúng tôi gần đây, đặc biệt sau thời kỳ COVID-19 thì người ta có nhu cầu liên đới với nhau và cùng nhau xây dựng những nguyên tắc chung.

Điều này khiến chúng ta nhớ lại khái niệm "community" theo nghĩa gốc trong tiếng Latinh vừa là công cộng vừa là món quà trao cho nhau. Có thể trong cuộc sống đô thị có những giai đoạn mà không gian riêng tư nổi trội hơn nhưng đợt dịch vừa rồi khiến nhiều người cảm thấy cần có nhau, cần phải trao nhau những món quà là sự liên đới, là sự hỗ trợ, tương trợ - và như thế ý nghĩa của văn hóa làng xã vốn có sẵn trong người Việt có cơ hội bùng lên.

Trong không gian đô thị, ở các chung cư họ bắt đầu xây dựng nên văn hóa chung cư có những sinh hoạt chung, có nhà cộng đồng.

Niềm vui thể thao lành mạnh bên những người hàng xóm đã trở nên thân thiết khiến các cư dân ở khu đô thị này thấy cuộc sống của mình giàu tình nghĩa, nhân văn hơn.

Niềm vui thể thao lành mạnh bên những người hàng xóm đã trở nên thân thiết khiến các cư dân ở khu đô thị này thấy cuộc sống của mình giàu tình nghĩa, nhân văn hơn.

PV: Vậy, theo nhà văn Trần Thanh Cảnh, làm sao để xây dựng văn hóa tình làng nghĩa xóm chung cư ở mức độ phù hợp; nghĩa là không quá câu nệ, soi xét chuyện hàng xóm nhưng vẫn đủ nồng ấm, thân tình?

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Chuyển dịch từ văn hóa làng xã lên văn hóa chung cư là bước chuyển tất yếu của xã hội. Chung cư không thể bê nguyên văn hóa làng xã vào được, trong quá trình hội nhập vào chung cư có người trước bảo người sau để hình thành văn hóa chung cư phù hợp với thời đại.

Văn hóa làng xã có cả mặt tốt và mặt xấu nhưng lên văn hóa chung cư bắt buộc phải hạn chế những mặt không phù hợp và phát huy những mặt tốt.

Mối quan hệ tình cảm giữa con người với con người và có sự quan tâm lẫn nhau đúng tính chất là hàng xóm, láng giềng nhưng nó cũng không quá tọc mạch, xô bồ; mức độ quan tâm và mối liên hệ vừa phải, thích hợp với đời sống hiện đại.

PV: Vâng, vậy để trở thành một cư dân văn minh của chung cư nhưng không đánh mất những giá trị truyền thống như tình làng nghĩa xóm, chúng ta cần xây dựng văn hóa thế nào? Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội?

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Trước tiên, chung cư hoặc các cụm cư dân ở đô thị cần một nguyên tắc chung, mọi người cần xây dựng ý thức thuộc về, xem tôi là thành viên của không gian này và có trách nhiệm xây dựng không gian sống này tốt hơn, nó tạo ra sự hiệp lực mọi người cùng xây dựng không gian sống thay vì thờ ơ với công việc chung.

Và khi có bất cứ khủng hoảng xã hội nào như dịch bệnh vừa rồi thì tinh thần không gian chung ấy giúp cho những cư dân trong đó có năng lực ứng phó với rủi ro như dịch bệnh, hỏa hoạn...Trong sự phát triển, tư duy ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho các cư dân cùng chung sống trong không gian chung cư hoặc cụm dân cư đô thị.

PV: Xin cảm ơn nhà văn Trần Thanh Cảnh và PGS.TS Nguyễn Đức Lộc về cuộc trò chuyện thú vị này.

10
Khi ngày càng có nhiều người lựa chọn chung cư để sinh sống thì câu chuyên về xây dựng văn hóa, cách ứng xử văn minh ở chung cư càng mang lại nhiều ý nghĩa.

Khi ngày càng có nhiều người lựa chọn chung cư để sinh sống thì câu chuyên về xây dựng văn hóa, cách ứng xử văn minh ở chung cư càng mang lại nhiều ý nghĩa.

Tới nay chưa có một chuẩn chung về văn hóa ứng xử trong chung cư nhưng đã có những cộng đồng cư dân cùng nhau xây dựng nếp sống mới, coi chung cư là mái nhà chung, để làm bạn, để gắn kết và chia sẻ. Chung cư giờ đây không chỉ là không gian sống hiện đại, tiện ích mà còn ấm áp tình làng nghĩa xóm.

Và tình cảm ấy ở chung cư đang được hình thành từ văn hóa, cách ứng xử của mỗi cư dân, khi những thói quen văn hóa làng xóm cũ, không còn phù hợp đã được thay đổi và giữ lại những điều tốt đẹp. Mỗi cư dân dần nhận ra mình là một thành viên của cộng đồng và mong muốn đóng góp cho sự phát triển chung. Đây đang là những bước khởi đầu để có được văn hóa tình làng nghĩa xóm ở chung cư mới, góp phần tạo nên những cộng đồng chung cư an toàn, văn minh...

Khi ngày càng có nhiều người lựa chọn chung cư để sinh sống thì câu chuyên về xây dựng văn hóa, cách ứng xử văn minh ở chung cư càng mang lại nhiều ý nghĩa. Bởi thêm mỗi cộng đồng dân cư văn minh thì đô thị càng thêm văn minh, hiện đại, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Trừ hết 12 điểm với hành vi đi lùi, ngược chiều cao tốc: Không răn đe, vẫn còn vi phạm

Trừ hết 12 điểm với hành vi đi lùi, ngược chiều cao tốc: Không răn đe, vẫn còn vi phạm

Sẽ tăng nặng hơn chế tài xử phạt đối với hành vi đi lùi, đi ngược chiều trên cao tốc, Đây là đề xuất mới nhất của Bộ Công an trong Dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông ở lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Đất vành đai 4 Hà Nội tăng giá chóng mặt

Đất vành đai 4 Hà Nội tăng giá chóng mặt

Bất động sản dọc hai bên vành đai 4 đang liên tục tăng giá khi Hà Nội tăng tốc tiến độ triển khai tuyến vành đai này.

Cần xem đường sắt tốc độ cao là hạ tầng chiến lược quốc gia

Cần xem đường sắt tốc độ cao là hạ tầng chiến lược quốc gia

Đường sắt tốc độ cao là hạ tầng chiến lược để giúp phát triển, nâng cao liên kết vùng miền đặc biệt với những thành phố nhỏ, vùng miền xa xôi.

Lời - lãi khi đầu tư đường sắt cao tốc từ góc nhìn Trung Quốc

Lời - lãi khi đầu tư đường sắt cao tốc từ góc nhìn Trung Quốc

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h trên trục Bắc – Nam với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67 tỷ USD.

Giá dầu tiếp tục ‘nóng’, giá cà phê bất ngờ giảm sâu

Giá dầu tiếp tục ‘nóng’, giá cà phê bất ngờ giảm sâu

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục đón nhận lực mua mạnh mẽ, đặc biệt là nhóm năng lượng.

Thu ngân sách 9 tháng đạt 85% dự toán năm 2024

Thu ngân sách 9 tháng đạt 85% dự toán năm 2024

Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng của năm ước đạt xấp xỉ 1,45 triệu tỷ đồng, đạt 85% dự toán năm và tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023, qua đây cho thấy sự phục hồi và khả quan của nền kinh tế.

Đường sắt cao tốc, không nên tính lời lãi mà nên là đòn bẩy phát triển

Đường sắt cao tốc, không nên tính lời lãi mà nên là đòn bẩy phát triển

Cho dù hiện nợ công của ngành đường sắt đang rất lớn, nhưng tại sao Trung Quốc vẫn duy trì đầu tư? Đó là bởi đầu tư vào đường sắt, không nên chỉ nhìn nhận vào lời lãi, mà cần nhìn cả vào cơ hội phát triển kinh tế vùng, miền.