Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Thương mại điện tử phát triển, hàng giả hàng nhái nở rộ theo

Minh Hiếu: Thứ tư 30/11/2022, 05:00 (GMT+7)

Xu hướng mua sắm trực tuyến đang phát triển nhanh tại Việt Nam. Năm 2022, người tiêu dùng mua hàng trực tuyến ở Việt Nam chiếm tỷ lệ 49%, cao hơn Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng “ăn theo” sự phát triển của thương mại điện tử.

Chị Lê Trần Thanh Thanh là Việt kiều Nhật Bản, trở về TP.HCM sống và làm việc được 4 năm nay. Dù đã quen với việc mua sắm trực tuyến, nhưng ở Việt Nam, chị lại mất niềm tin với nhiều sàn thương mại điện tử khi từng mua hàng kém chất lượng, nhái theo các thương hiệu lớn:

"Nó tràn lan, ví dụ ghi chữ “giày” thì nó hiện ra rất nhiều. Mua về cho con chị thì chất lượng không có, mang vào nó không có êm và chị chỉ mua giày một lần, lần sau không mua nữa. Ở Nhật người ta đâu có bán đồ giả, mình không bao giờ nhìn thấy. Việt Nam vẫn tràn lan, chắc là chưa có xử lý triệt để. Nếu nhà nước vào cuộc, phạt thì chẳng ai dám bán nữa."

Hậu Covid, thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Ảnh minh họa

Hậu Covid, thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Ảnh minh họa

Năm 2021, doanh thu từ thương mại điện tử đạt xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Dự báo đến năm 2026, giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển đó là tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có xu hướng ngày càng tăng.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã kiểm tra, xử lý hơn 3.000 trường hợp, phạt tiền hơn 20 tỷ đồng. Mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến.

Không chỉ trên các sàn thương mại điện tử uy tín hay các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo,… các đối tượng còn đặt tên miền, giao diện webiste, đăng tải hình ảnh sản phẩm nhái theo các trang bán sản phẩm thật. Ví dụ như gõ từ khóa “Viettel” trên công cụ tìm kiếm Google, vô số kết quả hiện ra như: viettel.vn, viettel.com.vn, vietteltelecom.vn, vienthongviettel.com.vn,… khiến người dùng “hoa mắt, chóng mặt”, không biết đâu là thật, là giả.

Hàng giả, hàng nhái khiến không ít người mất niềm tin với mua sắm online, nhưng thực tế lại có một bộ phận người tiêu dùng tìm mua những sản phẩm này:

"Một tuần mình mua 2-3 lần, ngày sale thì có thể mua nhiều hơn, quần áo, đồ dùng học tập,… Bọn mình là sinh viên, không có nhiều tiền ý. Nếu mặc được mà cảm thấy không bị lố quá thì mình nghĩ không làm sao hết."

"Trên các sàn thương mại điện tử như Shopee có rất nhiều sản phẩm, hàng nhái thương hiệu Adidas với giá rất rẻ. Không có cầu thì sẽ không có cung. Họ muốn sở hữu một món đồ thuộc nhãn hàng nào đấy, nhưng lại không muốn bỏ ra một số tiền quá lớn. Như những cái Airpods, họ muốn có tai nghe không dây nhưng không đủ trả 2-3 triệu."

"Hàng tiêu dùng, quần áo, mỹ phẩm,… Nó tràn lan quá nhiều nên không thể xử lý triệt để."

Hàng giả, hàng nhái đang trôi nổi nhiều trên các shop online. Ảnh minh họa: CAND

Hàng giả, hàng nhái đang trôi nổi nhiều trên các shop online. Ảnh minh họa: CAND

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nêu thực tế, đa phần người dân biết là hàng giả nhưng vẫn dùng, nhiều doanh nghiệp không dám đấu tranh vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của mình. Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhiều, quản lý thị trường xử lý hàng chục nghìn vụ mỗi năm, nhưng hàng giả vẫn tràn lan, khó khăn từ nhận diện, phát hiện đến xử lý.

Ông Linh cho biết thêm: "Ba đề án tập trung vào công tác chống hàng giả mà tôi nghĩ là rất quan trọng. Thứ nhất là đề án về xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm. Chúng tôi nghĩ rằng muốn chống hàng giả, về căn cơ, về tận gốc thì quốc gia phải có một hệ thống để truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Thứ hai là đề án chống gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử. Đề án thứ ba là đề án nâng cao năng lực thực thi cho lực lượng quản lý thị trường về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.Theo các chuyên gia, để chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên không gian mạng cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội,…

Trong đó, giải pháp căn cơ là xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng nhu cầu về quản lý nhà nước đối với nền kinh tế số. Bên cạnh đó là sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp, thay vì phó mặc trách nhiệm cho cơ quan chức năng, và nâng cao nhận thức người dân, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm".

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn