Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Siết trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Lo ngại “tắc” thị trường (Phần 2)

Anh Thư: Thứ ba 17/09/2024, 21:03 (GMT+7)

Bên cạnh bổ sung thêm điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán cũng đưa ra một số yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng. Quy đinh này tác động ra sao đến thị trường trái phiếu?

Dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán cũng đưa ra một số yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định.

Nhận định về quy định này, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Trước việc bảo vệ nhà đầu tư cộng với việc phải sửa đổi để làm sao phù hợp thì đưa ra quy định như thế. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, quy định này không đungs lắm với bản chất của trái phiếu doanh nghiệp bởi nếu một doanh nghiệp thực sự có tài sản đảm bảo thì họ đi vay vốn ngân hàng chứ họ không cần phải phát hành trái phiếu bởi lãi suất trái phiếu luôn luôn cao hơn lãi suất ngân hàng.

Tức là quy định này đang bó chân bó tay các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này khiến thị trường trái phiếu bị thắt chặt".

Ảnh minh họa: Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị.

Ảnh minh họa: Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức dẫn chứng, việc yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng là không hợp lý. Quy định này được ban hành với mục đích giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động nhưng nếu áp dụng một cách cứng nhắc có thể gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Lý do là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có tài sản lớn hoặc quan hệ tín dụng đủ mạnh với các ngân hàng để dễ dàng có được bảo lãnh phát hành. Điều này có thể dẫn đến việc họ không còn lựa chọn huy động vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ, làm giảm tính đa dạng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp".

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, quy định yêu cầu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng là một biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ nhà đầu tư trước các rủi ro phá sản hoặc không có khả năng thanh toán từ phía doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều kiện này là rất khó khăn để đáp ứng:

"Những đơn vị có nhu cầu cần huy động vốn trên thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các ngân hàng thì họ mới phát hành trái phiếu riêng lẻ để tiếp cận các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro phù hợp để huy động vốn. Thế mà bây giờ có quy định bảo lãnh phát hành như thế này thì không khác gì họ phải làm hồ sơ tín dụng đối với ngân hàng. Chính vì vậy, chắc chắn việc phát hành trái phiếu cũng trở nên thắt chặt".

Bên cạnh đó, thị trường vốn, đặc biệt là trái phiếu, sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp lớn và tổ chức tín dụng. Điều này có thể làm mất đi cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư muốn tham gia vào các dự án tiềm năng nhưng rủi ro cao hơn, như các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc đổi mới sáng tạo.

Kết quả là thị trường có thể bị co cụm, kém sôi động hơn và mất đi cơ hội phát triển các doanh nghiệp năng động.

Ảnh: VnExpress

Ảnh: VnExpress

Trong khi đó, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam phân tích, dù các quy định mới trong dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán có ý định bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao tính an toàn của thị trường, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn:

"Nếu được thực hiện trong thời gian tới thì nó sẽ nâng cao chất lượng phát hành lên rất nhiều, hạn chế rủi ro trong việc phát hành. Đấy là cái được của thắt chặt quy định. Tuy nhiên, để phát triển thị trường trong dài hạn thì các quy định này chỉ mang tính thời điểm ở hiện tại thôi. Còn tôi cho rằng, để phát triển thị trường dài hn thì chúng ta cần thông thoáng hơn, tức là quy trách nhiệm các bên nhưng cần hài hoà hơn."

Cho rằng các quy định bổ sung này sẽ khiến thị trường trái phiếu thắt chặt hơn, ông Quang Huy đề xuất:

"Tôi cho rằng cần cân nhắc thêm để vừa quản trị rủi ro nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán ngoài việc vay vốn ngân hàng. Như vậy, chúng ta cũng cân nhắc thêm tiêu chí quản trị rủi ro bổ sung nếu như chúng ta nới lỏng hoặc không  áp dụng biện pháp bảo lãnh ngân hàng, ví dụ chúng ta có thể sử dụng những cái liên quan đến xếp hạng tín nhiệm khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trên thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp."

Theo các chuyên gia, mặc dù các quy định mới trong dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán có ý định bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao tính an toàn của thị trường, nhưng chúng cần được cân nhắc và điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế của thị trường tài chính Việt Nam.

Anh Thư/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn