Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Năm, 3/4/2025
Thế Giới

Malaysia tính thu phí ùn tắc nhưng bị hoài nghi vì GTCC không hiệu quả

Hoàng Anh: Thứ hai 31/03/2025, 10:51 (GMT+7)

Chính phủ Malaysia đang nghiên cứu đề xuất thu phí ùn tắc giao thông tại Johor Bahru, Kuala Lumpur và George Town nhằm giảm tình trạng kẹt xe. Nhưng một quan chức của chính quyền bang Johor đã lên tiếng bày tỏ lo ngại, cho rằng việc thu phí chỉ hiệu quả nếu có hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh.

 

Chính phủ Malaysia đang nghiên cứu đề xuất thu phí ùn tắc giao thông tại Johor Bahru, Kuala Lumpur và George Town nhằm giảm tình trạng kẹt xe. Ảnh: CNA

Chính phủ Malaysia đang nghiên cứu đề xuất thu phí ùn tắc giao thông tại Johor Bahru, Kuala Lumpur và George Town nhằm giảm tình trạng kẹt xe. Ảnh: CNA

Vào ngày 27/2 vừa qua, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng, bà Zaliha Mustafa, cho biết Johor Bahru, Kuala Lumpur và George Town (thuộc bang Penang) là ba thành phố được chính phủ liên bang lựa chọn để triển khai thử nghiệm thu phí ùn tắc.

“Hiện tại, phí ùn tắc giao thông vẫn đang được Viện An toàn Đường bộ Malaysia (Malaysian Road Safety Institute) và Tập đoàn Công nghệ Xanh và Biến đổi Khí hậu Malaysia (Malaysia Green Technology and Climate Change Corporation) nghiên cứu. Nghiên cứu này bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có cơ chế thực hiện, cũng như tác động đến việc giảm ùn tắc giao thông và gia tăng sử dụng phương tiện công cộng nếu phí này được áp dụng”.

Phản hồi trước tuyên bố của bà Zaliha, Chủ tịch Ủy ban Công trình, Giao thông và Cơ sở hạ tầng bang Johor, ông Mohamad Fazli Mohamad Salleh, cho biết bang này chưa sẵn sàng thu phí ùn tắc bởi chưa có một quy hoạch tổng thể về giao thông công cộng.

Ông cũng nhấn mạnh rằng khi chính sách thu phí ùn tắc được triển khai, các tài xế cần được cung cấp các lựa chọn "đậu xe và đi phương tiện công cộng" (park-and-ride) bên ngoài khu vực trung tâm thương mại.

Hệ thống park-and-ride là mô hình giao thông kết hợp giữa phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng. Cụ thể, tài xế sẽ lái xe đến các bãi đỗ xe được bố trí bên ngoài hoặc vùng ven trung tâm thành phố, sau đó chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng (như xe buýt, tàu điện ngầm hoặc tàu điện) để di chuyển vào khu vực trung tâm.

FDZ_9448
FDZ_9617

Bà Zaliha cho biết nghiên cứu đang diễn ra - dự kiến hoàn thành trong năm nay - sẽ xem xét cơ chế thực hiện, tiềm năng giảm lưu lượng giao thông và mức tăng dự kiến trong việc sử dụng phương tiện công cộng nếu phí ùn tắc được áp dụng.

“Nếu chúng ta triển khai phí ùn tắc giao thông tại Kuala Lumpur, dự kiến có thể giảm 20% tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, để chính sách này thành công, mức phí không được đặt quá thấp, nhưng cũng không nên quá cao đến mức gây ảnh hưởng nặng nề cho người dân. Chính phủ không muốn phí ùn tắc giao thông trở thành gánh nặng tài chính nếu áp mức phí quá cao”.

Bà Zaliha cho biết chính phủ đang xem xét các cơ chế áp dụng ở các quốc gia khác, bao gồm hệ thống nhận diện biển số điện tử của New York, trong đó phí được tính dựa trên hệ thống tự động nhận diện biển số xe; cơ chế thu phí đường bộ điện tử của Singapore, trong đó phí ùn tắc giao thông được tính theo khu vực và thời gian để kiểm soát lưu lượng phương tiện. Và khu vực thu phí ùn tắc của London, nơi hệ thống vẫn tính phí dựa trên phương tiện đi vào thành phố trong khung giờ cao điểm.

“Kinh nghiệm từ các thành phố như London và Stockholm cho thấy việc áp dụng phí ùn tắc giao thông có thể giúp giảm từ 20-30% tình trạng tắc đường. Trong khi đó, tại New York và Singapore, hệ thống này giúp giảm lưu lượng giao thông từ 10-15%, phù hợp với các kết quả nghiên cứu quốc tế”.

FDZ_9481
Ảnh: CNA

Ảnh: CNA

Dẫn số liệu, bà Zaliha cho biết Kuala Lumpur là một thành phố có tỷ lệ lưu lượng phương tiện rất lớn, với 1,5 triệu lượt xe ra vào mỗi ngày, và 6 triệu phương tiện lưu thông trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng vẫn còn thấp, chỉ khoảng 25%.

Người tham gia giao thông tại Kuala Lumpur vẫn ưu tiên sử dụng phương tiện cá nhân hơn là phương tiện công cộng, có thể do hệ thống kết nối giao thông công cộng chưa hiệu quả, đặc biệt là ở đoạn đầu và cuối hành trình:

“Tôi đồng tình với Bộ trưởng Giao thông Vận tải rằng việc áp dụng phí ùn tắc giao thông hiện tại vẫn chưa phù hợp, trừ khi chúng ta có một hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh và tích hợp”.

FDZ_9519

Tuần trước, Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Anthony Loke, khẳng định việc thu phí ùn tắc tại các thành phố của Malaysia là không khả thi, nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu là cung cấp một hệ thống giao thông công cộng đáng tin cậy.

Theo ông Loke, áp dụng phí ùn tắc mà không có lựa chọn thay thế phù hợp sẽ chỉ làm tăng áp lực lên người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của họ.

Trước đó, vào năm 2022, cựu Bộ trưởng Giao thông Wee Ka Siong từng tuyên bố rằng phí ùn tắc hoặc phí môi trường đối với các phương tiện vào Kuala Lumpur chỉ được xem xét khi mạng lưới giao thông công cộng đã hoàn thiện.

Vào ngày 25/2, bà Zaliha nói trước quốc hội rằng phí ùn tắc là một trong những biện pháp được đề xuất trong Quy hoạch tổng thể giao thông Kuala Lumpur 2040 nhằm giảm ùn tắc tại thủ đô. Bà nhấn mạnh rằng cần phát triển một hệ sinh thái toàn diện để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Một nghiên cứu do Prasarana Malaysia Bhd thực hiện vào năm 2020 cho thấy tình trạng ùn tắc giao thông đã gây thiệt hại lên tới 20 tỷ RM (4,5 tỷ USD) vào thời điểm đó.

Còn tại Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Tình trạng kẹt xe đã khiến người dân mất trung bình 2-3 giờ mỗi ngày để di chuyển.

Theo Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, thiệt hại kinh tế do tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM và Hà Nội được ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, Hà Nội, TP.HCM đã xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt.

Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông cho rằng, thu phí vào nội đô chỉ là một trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Để giải bài toán ùn tắc giao thông, cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó có ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị, trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô.

Hoàng Anh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
vovgiaothong.vn
Hà Nội: Danh sách 14 điểm giải quyết phạt nguội

Hà Nội: Danh sách 14 điểm giải quyết phạt nguội

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các vi phạm giao thông bị ghi nhận qua hệ thống camera giám sát, Công an TP Hà Nội vừa công bố danh sách các địa điểm tiếp nhận và xử lý phạt nguội mới trên địa bàn thành phố.

Cháy nhà cấp 4 lúc rạng sáng, 3 người tử vong

Cháy nhà cấp 4 lúc rạng sáng, 3 người tử vong

Đám cháy bùng phát tại căn nhà cấp 4 rạng sáng 2/4 ở đường Mạc Vân, phường Xóm Củi (quận 8, TP Hồ Chí Minh) nơi có 8 người trong gia đình sinh sống. 5 người thoát ra ngoài, 3 người không may mắn bị kẹt lại tử vong, trong đó có bé trai khoảng 5 tuổi…

Giá xăng dầu tiếp tục tăng

Giá xăng dầu tiếp tục tăng

Giá xăng dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay ngày 3/4, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Các trường hợp bị tước GPLX ô tô

Các trường hợp bị tước GPLX ô tô

Thính giả Minh Quân hỏi (Cần Thơ): “Xin hỏi, theo Nghị định 168 thì tài xế vi phạm những lỗi nào sẽ bị tước giấy phép lái xe ô tô?”.

Kiên Giang: Ngổn ngang những bãi rác trong lòng thành phố

Kiên Giang: Ngổn ngang những bãi rác trong lòng thành phố

Thời gian qua, tại nhiều khu vực ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang xuất hiện những bãi rác tự phát ngổn ngang, bốc mùi hôi, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Vụ cháy ở quận 8 (TP.HCM): Người mẹ quay lại cứu con trai thì căn nhà đổ sập

Vụ cháy ở quận 8 (TP.HCM): Người mẹ quay lại cứu con trai thì căn nhà đổ sập

Người mẹ quay lại ngôi nhà cứu con trai lớn nhưng lúc đó căn nhà bất ngờ đổ sập xuống nên không thể thoát ra được.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến khai thác điểm dừng nghỉ dịp 30/4

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến khai thác điểm dừng nghỉ dịp 30/4

Mới đây Quốc hội đã thông qua phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cho VEC với số tiền hơn 38.200 tỉ đồng. Vậy kế hoạch đầu tư, hoàn thiện các hạng mục còn lại trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sắp tới như thế nào?