Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Rũ bỏ tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi"

Trọng Nghĩa - Trọng Điển: Thứ tư 01/02/2023, 11:17 (GMT+7)

Tâm lý ‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’ hay ‘còn mùng là còn Tết’ đã khiến cho ở một số cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc phục vụ công vụ; các doanh nghiệp luôn nơm nớp nỗi lo thiếu hụt công nhân trong những ngày đầu năm, tạo thành “sức ỳ" đối với mỗi người.

 

Người lao động phấn khởi nhận lì xì và hỏi thăm của tổ chức công đoàn. Ảnh: Báo Nghệ An

Người lao động phấn khởi nhận lì xì và hỏi thăm của tổ chức công đoàn. Ảnh: Báo Nghệ An

Nước ta có chừng 8000 lễ hội. Đa số các lễ hội tập trung vào mùa xuân, đặc biệt là tháng Giêng (Âm lịch). Có lẽ cũng vì thế, các cụ có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Ý chỉ, tháng đầu tiên của năm mới là thời điểm có thể tạm hoãn công việc lại để hội hè đình đám. Tuy nhiên, quan điểm này trong cuộc sống hiện tại đã từng bước được thay đổi theo hướng tích cực.

Thế nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Tại 1 số nơi, 1 số chỗ và 1 số người thì quan điểm ăn chơi hết tháng giêng vẫn còn tồn tại. Điều này đã kéo theo nhiều hệ quả không tốt cho sự phát triển của một xã hội hiện đại.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa cho biết: ‘Những bộ phận phòng ban ấy thường nghĩ rằng dịp bắt đầu đi làm sau Tết này chưa căng thẳng. Cho nên là vẫn có thể tranh thủ là đi chúc Tết nhau. Rõ ràng là những hiện tượng này năm nào chúng ta cũng nhắc đến nhưng mà năm nào cũng có những đơn vị, cơ quan vi phạm. Và nếu như mình không thích ứng, không chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý và tinh thần ấy thì mình không tham gia giải quyết công việc tốt được.’

Để tháng giêng không còn là “tháng ăn chơi’, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã khởi động sản xuất kể từ ngày mùng 27/1 (mùng 6 tết). Đến ngày 30/1 (mùng 9 Tết) đã có 94% nhà máy, doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) ở TP.HCM đã hoạt động trở lại với tỷ lệ công nhân làm việc đạt khoảng 95%.

Với những công nhân như anh Nguyễn Minh Phương hiện đang làm công nhân tại công ty nhựa Duy Tân (Quận Bình Tân, TP.HCM) thì thời gian nghỉ vẫn kịp để về quê đón tết cùng với gia đình, thế nhưng bản thân anh vẫn cố gắng quay trở lại nhà máy đúng hẹn.

Phần vì công việc, phần vì nhà máy sẽ thưởng thêm để tạo động lực, anh Phương chia sẻ: ‘Trong ngày đầu đi làm trở lại thì mình thấy ai cũng vui tươi hết. Ai cũng mong chờ ngày hôm nay vào công ty để được nhận lì xì. Trong năm mới, mình cũng mong muốn mọi việc sẽ phát triển hơn nữa, để mình hướng tới một tương lai sáng hơn’

Ngoài những công nhân đã có việc làm ổn định. Nhiều người lao động cũng quay trở lại thành phố từ rất sớm với mong muốn tìm được một việc làm trong năm mới.

Anh Võ Anh Khôi, cho biết: "Năm trước mình phải chấm dứt hợp đồng với công ty cũ trước khi nghỉ tết nên năm nay mình quay trở lại Thành phố từ mùng 6 với hy vọng tìm được một việc làm mới để ổn định cuộc sống hơn".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo thống kê, hiện có khoảng 13.000 - 14.000 việc làm tại các doanh nghiệp trong khu vực thương mại - dịch vụ, chế biến công nghiệp, công nghệ cao "chờ" người lao động sau Tết. Trước thực tế này, nhiều trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm đã tổ chức nhiều hình thức nhằm hỗ trợ người lao động tìm được việc làm khi quay trở lại Thành phố.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ - việc làm TP.HCM cho biết: ‘Trung tâm dự kiến sẽ tổ chức một số phiên sàn giao dịch tại một số địa điểm có nhiều doanh nghiệp như thành phố Thủ Đức, hay là các quận như Bình Tân, Bình Chánh để làm sao các doanh nghiệp đầu năm vào đang có nhu cầu cần tuyển dụng thì sẽ tuyển dụng được lao động mới ở địa phương lên’.

Bên cạnh không khí hứng khởi những ngày đầu năm tại các doanh nghiệp thì tại các cơ sở công quyền trên địa bàn thành phố cũng đã bước vào ngày làm việc đầu năm với đầy đủ nhân sự. Đảm bảo thủ tục hồ sơ của người dân điều được giải quyết nhanh chóng trong ngày đầu năm.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND Quận 8 chia sẻ: ‘UBND Quận 8 đã có những quán triệt chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc UBND quận 8 chuẩn bị lực lượng cán bộ công chức để tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ngay từ ngày đầu tiên đi làm trở lại vị trí tiếp nhận hồ sơ luôn có đầy đủ cán bộ công chức để giải quyết cho người dân, không để tồn đọng’.

Còn tại bộ phận 1 cửa của UBND Quận 11 trong ngày 27.1 (mùng 6 tết) tất cả nhân sự đã có mặt đầy đủ với đồng phục áo dài tươi tắn, sẵn sàng tiếp đón người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính.

Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó chủ tịch UBND, Quận 11 cho biết: ‘Trước khi nghỉ tết, lãnh đạo quận cũng đã có quán triệt anh em vào đầu năm làm việc thực hiện nhiệm vụ của mình tiếp dân một cách nghiêm túc đầy đủ, trước khi khởi động ngày mùng 6 đầu tiên thì hôm trước anh em cũng đã có buổi chiều vào để chuẩn bị để dọn dẹp vệ sinh kiểm tra lại máy móc kiểm tra lại hồ sơ để chuẩn bị cho ngày đầu tiên làm việc là ngày mùng 6 tết’. 

Không khí thi đua lao động sản xuất tại Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam những ngày đầu năm 2023. Ảnh: Lao động thủ đô

Không khí thi đua lao động sản xuất tại Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam những ngày đầu năm 2023. Ảnh: Lao động thủ đô

Vui xuân đón Tết vừa là dịp nghỉ ngơi, đoàn tụ sum vầy vui vẻ bên người thân, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho một tinh thần mới, nguồn động lực mới, khí thế mới cho chặng đường phía trước. Tết không phải là nguyên nhân chính gây ra suy giảm năng suất lao động mà chính là tâm lý ăn chơi, chểnh mảng sau tết.

Rõ ràng, đây là mặt chưa được, cần thay đổi để phù hợp với lối sống công nghiệp, văn minh, hiện đại. Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: Đừng để ‘tháng giêng là tháng ăn chơi.

Những ngày đầu năm nay, người dân  ở nhiều tỉnh ùn tùn đổ về các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM để kịp ngày làm việc đầu tiên của năm mới tại nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tích cực cho một năm thực sự chuyển động ngay từ ngày đầu tháng đầu của năm.

Tuy nhiên ở khối các cơ quan hành chính nhà nước, dù ngày làm việc đã chính thức bắt đầu từ mồng 6 tết nhưng qua đến mồng 9 tết, ở một vài cơ quan, đơn vị, người ta vẫn tổ chức gặp mặt tân niên,vui vẻ chúc tụng, rồi lại liên hoan lu bù; công việc ở một số nơi bị bê trễ.

Cá biệt có nơi có năm trước đây bỏ cả việc tiếp công dân; hồ sơ, giấy tờ,thủ tục hành chính hàng ngày liên quan trực tiếp  đến đời sống của người dân và doanh nghiệp bị ngưng trệ, khiến dư luận chỉ biết lắc đầu ngao ngán; chỉ khi bị phê bình kiểm điểm, công việc mới trở lại nề nếp.

Bắt mạch căn bệnh này, ngay từ trong Tết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 03 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó ngoài yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ thực hiện  ngay các nhiệm vụ cụ thể để giải quyết; còn kêu gọi người dân, doanh nghiệp dồn sức, tích cực lao động sáng tạo ngay từ những ngày đầu năm để tạo ra nhiều của cải vật chất trong xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Thể hiện tinh thần này,ngay những ngày đầu năm mới, đích thân Thủ tướng đã có các chuyến công đến tận các công trình giao thông trọng điểm ở phía Nam để thị sát, kiểm tra, đốc thúc tiến độ.

Với thông điệp, khó đến đâu gỡ ngay đến đó, đẩy nhanh, làm mạnh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Để các công trình kịp tiến độ đưa vào sử dụng, phục vụ tốt yêu cầu phát triển.

Do vậy, ngay lúc này, các cơ quan, đơn vị quản lý không thể đủng đỉnh tân niên, du xuân mà quên đi trách nhiệm của mình trong việc dẫn dắt và giải quyết công việc hàng ngày của người dân, doanh nghiệp. Phải xắn tay cùng tháo gỡ những việc khó; việc bấy lâu nay bắt dân phải chờ; giúp người dân cảm thấy công việc của mình được giải quyết hanh thông, thuận lợi; tạo sự phấn khởi.

Để làm được việc này, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải làm gương. Thường xuyên đốc thúc, nhắc nhở, kiểm tra; phê bình, xử phạt nếu ai bê trễ; động viên, khuyến khích người nhiệt tình, năng nổ từ ngày đầu, tháng đầu.

Với các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; vì sản xuất, kinh doanh gắn với lợi nhuận nên đa số đều bắt tay khởi động ngay từ đầu năm; nhiều nơi có đơn hàng là làm xuyên Tết. Tuy vậy có doanh nghiệp do chưa bắt nhịp trở lại, hoặc còn thiếu đầu vào đầu ra có thể phải trễ hạn. Song cũng cần tìm cách nhập cuộc ngay để không vuột mất cơ hội làm ăn ngay từ đầu năm.

Về phía người lao động, công ăn việc làm gắn liền với thu nhập và đời sống của gia đình nên cũng cần sớm ổn định trở lại sau Tết để bắt tay vào làm việc. Tránh sa đà vào vui xuân, chơi Tết mà ảnh hưởng đến gia đình, chuyện học hành của con cái. Đó là chưa kể, các tệ nạn như cờ bạc, rượu chè bê tha, tai nạn giao thông luôn ẩn nấp sẵn sàng hại mình, hại gia đình bất cứ lúc nào trong tháng Giêng nếu mọi người chủ quan lơ là.

Du xuân, thể hiện các nhu cầu tâm linh sau Tết là truyền thống, nét đẹp nhưng cũng đừng để ảnh hưởng đến năng suất lao động, thu nhập của bản thân và gia đình.

Dần dà phải hình thành ý thức, tháng Giêng không thể là tháng ăn chơi mà là tháng khởi đầu để làm việc và hành động. Đây mới thực sự là lực đẩy để  công việc và đời sống được suôn sẻ, thuận lợi.

Trọng Nghĩa - Trọng Điển/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.