Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Rác, việc của… đàn bà?

Vũ Loan: Thứ năm 19/10/2023, 07:38 (GMT+7)

Trong phần lớn các gia đình hiện nay, tỷ lệ phụ nữ quan tâm và thực hiện việc phân loại rác tại nguồn nhiều hơn nam giới. Thực tế này liệu có phải xuất phát từ định kiến giới đã ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ, thái độ, thói quen của nhiều người, vốn coi rác là chuyện của phụ nữ hay không?

Đã có không ít những định kiến tồn tại trong cả 2 giới về chuyện xử lý rác chủ yếu là do người phụ nữ thực hiện. Theo quy định tại Điều 5 của luật Bình đẳng giới, Định kiến giới là những nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.

Các định kiến giới thường theo xu hướng nhìn nhận ít tích cực, không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng cá nhân dẫn đến việc làm sai lệch và hạn chế những điều mà một cá nhân nam, nữ có thể làm, cần làm hoặc nên làm.

Như vậy, Định kiến giới  sẽ tác động vào cả 2 nhóm đối tượng là nam và nữ, tuy nhiên, phụ nữ sẽ là đối tượng bị tác động sâu sắc hơn. Trong vấn đề phân loại rác tại nguồn đang rất được quan tâm hiện nay, ta có thể thấy được vô vàn những ví dụ minh chứng cho điều này.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Bà Đoàn Vũ Thảo Ly, Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho ví dụ:

"Ví dụ trong các cuộc họp mà các địa phương có tham vấn về vấn đề môi trường cho địa phương đó thì thường phần lớn là nam giới. Thế phụ nữ ở đâu? Ở nhà chứ ở đâu. Giấy mời thì có mời nhưng tự nhiên bản thân người phụ nữ đã bị định kiến đấy rồi: tôi ở nhà thôi, ông cứ đi đi rồi tiếp cận thông tin, về chia sẻ cho tôi, nhưng tôi lại là người làm.

Hay trong phân loại rác tại nguồn là việc của tất cả mọi người, nghĩa là ai xả rác thì người đó phải phân loại hoặc là chịu trách nhiệm về rác, nhưng bây giờ nói về công tác phân loại rác tại nguồn thì cũng là chị em phụ nữ, khi nói như thế có nghĩa là phụ nữ làm hết, đó là định kiến, nhưng bản chất của việc phân loại là phụ nữ là người tiên phong cơ, nghĩa là tôi làm trước, mọi người cố gắng đi theo và phân loại đi chứ không phải giao hết cho tôi. Phụ nữ tiên phong, có thể kêu gọi mọi người chứ không phải là làm tất."

Từ góc nhìn của một nửa còn lại, GS.TS Nguyễn Chu Hồi - Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ nguyên tắc quan trọng đầu tiên để thực hiện hiệu quả được khâu phân loại rác tại nguồn gắn liền với vai trò của người phụ nữ:

"Chúng ta phải thống nhất với nhau về mặt nhận thức là ô nhiễm ở khắp mọi nơi và tác động tới tất cả các cấp độ, đừng nói gì tới phụ nữ, nên chúng ta phải hành động tập thể, về mặt nguyên tắc nó phải là hành động tập thể nên phụ nữ cũng đừng ca ngợi vai trò của mình lên tuyệt đỉnh rồi mình đứng một mình."

Là một đại diện cho phụ nữ và cũng là một chuyên gia về giới, bà Nguyễn Thị Nhật Hoài – Ban thư ký Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại VN chia sẻ thêm những mong muốn sâu xa của phụ nữ để giải tỏa phần nào những định kiến giới vẫn còn bao phủ trong xử lý các vấn đề về môi trường:

"Nếu nam giới cùng tham gia, cùng san bớt những gánh nặng cho người phụ nữ thì việc đó không chỉ là tốt trong việc tất cả mọi người đều có kiến thức trong việc phân loại rác hay quản lý rác, mà là cái ý nghĩa tinh thần của nó sẽ nhiều hơn, và mình cảm thấy sự chia sẻ, sự động viên và có thêm động lực để đóng góp tốt hơn cho gia đình và xã hội, đó là mong mỏi chung của phụ nữ chứ không chỉ là riêng lĩnh vực rác thải này.

Nếu như trong gia đình cả nam và cả nữ cùng tham gia thì sẽ tốt cho cả 2 bên, và trở thành một cái hình mẫu cho con cái noi theo,  nó chỉ có tốt thôi chứ không có xấu được".

 

Vũ Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn