Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Rác thủy tinh: Bài toán khó cho môi trường

Vũ Loan: Thứ sáu 30/12/2022, 07:51 (GMT+7)

Trước xu hướng tiêu dùng gia tăng các sản phẩm từ thủy tinh để thay thế cho nhựa như hiện nay tại Việt Nam thì tiếp tục đặt ra bài toán khó giải về thu gom, xử lý và tái chế rác thủy tinh.

Bằng mắt thường thì ai cũng dễ thấy bài toán thu gom thủy tinh khó ở chỗ thủy tinh nặng, cồng kềnh, dễ vỡ, gây nguy hiểm và tốn kém khi vận chuyển. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó…

"Nhà mình nhiều chai thủy tinh quá mà không điểm nào thu gom cả."

"Lúc mình gom lần đầu phải lên đến 5kg, cứ tích ở đấy gần nửa năm trời không có chỗ nào thu gom cả."

"Hiện nay chôn lấp là chủ yếu."

"Ở VN mình chưa mạnh về tái chế thủy tinh và theo bọn em tìm hiểu thì ở VN hiện nay mới chỉ có 2-3 nhà máy tái chế thủy tinh thôi."

Rất ít điểm nhận thu gom thủy tinh dân dụng, còn thủy tinh kỹ thuật thì lại càng ít nơi xử lý hơn. Chính vì thế, rác thủy tinh với số lượng ngày càng nhiều mà không kịp tái chế sẽ dễ trở thành gánh nặng cho môi trường.

Chưa kể, thời gian sắp tới, việc xử lý rác thủy tinh từ các sản phẩm công nghệ cao như pin năng lượng mặt trời cũng là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan chuyên môn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thạc sĩ Mai Văn Dương – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu sành sứ thủy tinh công nghiệp cho biết: "Đối với thủy tinh dân dụng thì việc tái chế gần như là ít ảnh hưởng tới môi trường, tuy nhiên với các loại thủy tinh kỹ thuật thì công nghệ xử lý phức tạp hơn và sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau tới môi trường. ở VN mình rộ lên pin năng lượng mặt trời thì nó cũng là nguồn thủy tinh thải rất lớn cần phải xử lý".

Là một người tâm huyết với tái chế rác thủy tinh, anh Phạm Đức cũng thừa nhận, rác thủy tinh là vấn đề mới, chưa được mọi người để tâm đến nhiều. Anh Phạm Đức chỉ mong những người quan tâm tới vấn đề này sẽ không bỏ cuộc giữa chừng bởi những rào cản rất lớn đến từ nhận thức phải cần nhiều thời gian để thay đổi.

"Người ta nghĩ là những đồ tái chế thì bao giờ cũng bẩn và người ta không muốn sử dụng nữa, chính như thế dẫn đến việc những người tái chế làm ra sản phẩm mà không bán được, không có nguồn thu để tiếp tục làm về tái chế nữa, nên công việc càng ngày càng khó khi số lượng rác thì nhiều. Chứ không phải mình làm tái chế mình như 1 bãi rác hay như 1 hố đen trong vũ trụ, người ta vứt ra bao nhiêu cũng được", anh Đức nói.

Theo đà phát triển của xã hội, các sản phẩm từ thủy tinh ngày càng cao cấp và là tổ hợp cùng nhiều hợp chất khác, đòi hỏi công tác xử lý, tái chế cần phải được đầu tư, chú trọng hơn nữa, để gia tăng vòng đời sản phẩm lên tối đa, vừa đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của con người, vừa không tạo thêm gánh nặng cho môi trường.

Vũ Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn