Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Nuôi cá sấu, cần quản lý chặt chẽ

Kim Loan: Thứ năm 26/10/2023, 10:32 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, ĐBSCL đã có ít nhất 3 vụ cá sấu sổng chuồng. Đây không phải là chuyện mới, từ năm 2020, một số địa phương trong khu vực ĐBSCL cũng đã bắt được những con cá sấu bò vào nhà dân, sống dưới ao tôm hay bò vào bến xe.

Ngày 11/10, tại công viên văn hóa An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, trong lúc người dân đang tập thể dục thì hốt hoảng phát hiện 1 con cá sấu trọng lượng khoảng 20kg đang bò. Qua ngày 12/10, lực lượng bảo vệ công viên tiếp tục bắt thêm một con cá sấu sổng chuồng nữa. Đến khi Ban Quản lý Công viên bơm tát ao nuôi để kiểm đếm thì mới “tá hỏa” đã mất thêm 6 con.

Công viên văn hóa An Hòa nuôi tổng số 44 con cá sấu để phục vụ du khách tham quan, mỗi con đạt từ 8 - 24kg. Sáu con cá sấu sổng chuồng được xác định là đã bò xuống hồ nước cạnh công viên, trong đó 2 con được phát hiện khi đã chết, còn lại 4 con vẫn “bặt vô âm tính”.

Thách thức trong công tác vây bắt hiện nay là diện tích hồ rộng đến 7 hecta, sâu 5m. Mặc dù địa phương đã thực hiện biện pháp: Nhử mồi, rà kíp điện, phát cỏ để tìm nơi ẩn náu... nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy. Bên cạnh đó, nơi cá sấu ẩn náo lại là khu vực đông dân cư nên nhiều người cũng không tránh khỏi tâm trạng lo lắng.

Công tác tìm kiếm, vây bắt 4 con cá sấu sổng chuồng ở Kiên Giang vẫn chưa có kết quả

Công tác tìm kiếm, vây bắt 4 con cá sấu sổng chuồng ở Kiên Giang vẫn chưa có kết quả

Ông Lê Quang Nghĩa – Giám đốc Ban quản lý Công viên văn hóa An Hòa cho biết: "Do chuồng trại sau đại dịch COVID-19 xuống cấp, mình lại không có nguồn kinh phí để sửa chữa nên ảnh hưởng trận mưa lớn vừa qua đã làm cá sấu sổng chuồng. Hiện giờ mình đang dồn nguồn lực để tìm kiếm. Sau đó, mình sẽ di dời và bàn giao đàn cá sấu này về cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang quản lý. Hoặc phương án thứ 2 là mình thanh lý, bán hết số cá sấu này."

Trước đó tại Bạc Liêu cũng xảy ra 2 vụ việc tương tự. Cụ thể, đêm ngày 1/4/2023, người dân huyện Vĩnh Lợi đã vây bắt thành công con cá sấu nặng 20kg khi nó đang bò vào nhà. Ngay sau đó, địa phương đã phát đi cảnh báo, nguy cơ vẫn còn cá sấu ẩn nấp trong các con kênh, rạch trên địa bàn. Đến tháng 8/2023, người dân huyện Phước Long tiếp tục bắt được “sát thủ săn mồi” nặng 14kg trên sông Phụng Hiệp.

Theo người dân, bạc Liêu có rất nhiều hộ nuôi cá sấu để bán thương phẩm. Đã từng có trường hợp cá sấu vẫy vùng trong lúc vận chuyển bằng vỏ lãi rồi rớt xuống sông, gây lo ngại cho người dân.

Mô hình nuôi cá sấu thương phẩm ở ĐBSCL diễn ra gần 20 năm nay, nhưng có khoảng thời gian tạm lắng xuống vì mất giá, nông dân lỗ nặng. Mãi đến năm 2020 mới là mốc thời gian đánh dấu sự trở lại ồ ạt của nghề nuôi cá sấu, khi hàng loạt địa phương các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau xây dựng hệ thống chuồng trại, gây nuôi, số lượng lên đến hàng nghìn con/địa phương.

Cá sấu nuôi thương phẩm là cá sấu nước ngọt (hay còn gọi là cá sấu xiêm). Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm các địa phương ĐBSCL, do được nuôi nhốt, cho ăn và thuần hóa nên khi cá sổng chuồng đã giảm một phần bản chất hung hăng săn mồi. Mặc dù từ trước đến nay, các địa phương chưa ghi nhận trường hợp cá sấu sổng chuồng tấn công con người, nhưng không có nghĩa là an toàn.

Từ năm 1994, Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), những quy định về nuôi, mua bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu cá sấu được siết chặt hơn. Theo đó, cá sấu nước ngọt được xếp vào danh mục loài động vật hoang dã quý hiếm nhóm IB, muốn gây nuôi thì phải đáp ứng các điều kiện: Con giống thuộc đối tượng F2 trở đi, trại nuôi phải có tường rào xây dựng kiên cố cao tối thiểu 1,5 mét, có nhân sự chuyên môn quản lý, chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh. Người nuôi phải đăng ký qua các cơ quan kiểm lâm và cơ quan thẩm quyền.

Những sự cố cá sấu xuất hiện ngoài tự nhiên thời gian gần đây được xác định là sổng chuồng từ các hộ gây nuôi. Điều này cực kỳ nguy hiểm nếu chúng tấn công con người. Nếu như tổ chức, cá nhân nào nuôi cá sấu mà để sổng chuồng tấn công người thì phải đối diện với án tù.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho biết: "Trường hợp cơ sở quản lý không chặt chẽ để cá sấu sổng chuồng, gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với các tội như vô ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác theo Điều 138 Bộ Luật hình sự hiện hành và sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 20.000.000 đồng hoặc là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm."

Những sự cố cá sấu xuất hiện ngoài tự nhiên thời gian gần đây được xác định là sổng chuồng từ các hộ gây nuôi. Ảnh minh hoạ

Những sự cố cá sấu xuất hiện ngoài tự nhiên thời gian gần đây được xác định là sổng chuồng từ các hộ gây nuôi. Ảnh minh hoạ

Ngoài việc rà soát các hộ nuôi, bắt buộc viết cam kết bảo đảm an toàn và kiểm tra hằng quý, hằng nằm thì phải mạnh tay kiến nghị liên ngành xử lí hành chính nếu cá nhân tổ chức nào để cá sấu sổng chuồng. Có như thế ngoài yếu tố khai thác thương mại thì cá sấu mới được quản lí chặt chẽ, không đe dọa hoặc gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng.

Ông Lê Văn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý việc nuôi nhốt cá sấu: "Trong mùa mưa bão, nước dâng thì phải kiểm tra chuồng trại của người dân, nếu thấy không đảm bảo là yêu cầu sửa chữa, gia cố ngay. Ở Cà Mau chúng tôi 3 năm trước đã xảy ra sự cố cá sấu sổng chuồng thì chúng tôi rút kinh nghiệm quản lý nên mấy năm nay không có tình trạng này. Theo Nghị định 06 của Chính phủ thì Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cấp mã số cho hộ đăng ký nuôi, có sổ theo dõi, khi cấp mã số thì Kiểm lâm sẽ xuống kiểm tra nguồn gốc cá giống đầu vào và chuồng trại đúng với quy định đã hướng dẫn."

Thực tế, nhiều hộ gây nuôi các sấu cho rằng, việc thực hiện các quy định nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn chuồng trại chủ yếu đối với trại nuôi quy mô. Còn chăn nuôi nhỏ lẻ thì tường rào lưới B40 là đủ. Mặt khác, giá thành cá sấu lên xuống thất thường, trong khi chi phí về thức ăn, nhân công... không ngừng tăng khiến nhiều người nuôi thua lỗ nên việc gia cố, sửa chữa chuồng trại xuống cấp gần như lãng quên.

Địa hình ĐBSCL có rất nhiều kênh rạch, sông ngòi chằng chịt và người dân đi lại, sinh hoạt thường xuyên. Nếu cá sấu sổng chuồng thì là mối đe dọa rất lớn đến tính mạng của người dân. Ngành chuyên môn, ngành chức năng phải tăng cường biện pháp giám sát chặt mô hình gây nuôi loại động vật hoang dã này để không còn cảnh thấp thỏm “chúa tể săn mồi” đe dọa cộng đồng.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn