Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Nông dân mất mùa vì nguồn nước ô nhiễm

Trọng Nhân: Thứ tư 12/02/2025, 15:19 (GMT+7)

Thời gian qua, nguồn nước ở kênh Bà Lý thuộc phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang gần như bị “bức tử” bởi một số cơ sở sơ chế biến hải sản gần đó xả nước thải trực tiếp xuống. Hiện người dân đứng ngồi không yên vì tình trạng ô nhiễm, không thể sử dụng nguồn nước để nuôi trồng.

12h trưa, ghi nhận của PV tại kênh Bà Lý thuộc phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, dù đã đeo khẩu trang nhưng mùi hôi tanh bốc lên từ nước màu đen dưới dòng kênh vẫn bay xộc vào mũi.

Di chuyển đến khu vực đông dân cư sinh sống, bề mặt nước của dòng kênh bị phủ kín với đủ loại rác thải nổi lềnh bềnh khiến mùi hôi thêm nồng nặc.

Kênh Bà Lý bị ô nhiễm nặng đi kèm mùi hôi thối ảnh hưởng đến đời sống của người dân

Kênh Bà Lý bị ô nhiễm nặng đi kèm mùi hôi thối ảnh hưởng đến đời sống của người dân

Theo nhiều người dân, tình trạng dòng kênh Bà Lý bị ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm qua. Ban đầu dòng kênh trong xanh bình thường, tuy nhiên do một số cơ sở chế biến cá, mực, tôm đã xả nước thải trực tiếp ra dòng kênh khiến nguồn nước của kênh Bà Lý “chết dần” theo thời gian.

“Mùi hôi kinh khủng lắm, nước đen xì chỉ cần lại gần là mùi bay lên hôi khó chịu lắm.”

“Môi trường hôi thối như vậy mà mình sống gần thì lo về sức khoẻ lắm, sợ bệnh truyền nhiễm. Buổi tối bốc mùi hôi lắm, buổi trưa trời nắng thì còn đỡ. Ô nhiễm như vậy thì ruồi, muỗi nhiều lắm.”

Kênh Bà Lý có chiều dài khoảng 5km bắt nguồn từ biển Hà Tiên chảy vào phía trong địa phận đất liền của thành phố. Đây là con kênh cực kỳ quan trọng khi có nhiệm vụ cung cấp nước cho những người nuôi tôm, cua quanh khu vực. Ông Huỳnh Văn Kỷ một người nuôi tôm cua tại đây cho biết, từ khi nguồn nước trên kênh Bà lý bị ô nhiễm khiến việc nuôi hải sản của người dân rất khó khăn, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ mất trắng bởi đây là nguồn nước duy nhất mà người dân dùng để bơm vào ao nuôi.

Nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến người nuôi tôm

Nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến người nuôi tôm

Thế nên, việc nguồn nước bị ô nhiễm mà người dân sử dụng bơm vào ao nuôi tôm, cua sẽ dẫn đến thiệt hại hoàn toàn và càng đáng lo ngại hơn khi nắng hạn đang đến gần, tình trạng thiếu nước trong ao cũng sẽ làm tôm, cua chết hàng loạt.

Theo ông Kỷ, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại kênh Bà Lý đã xảy ra vào năm 2023, bởi một cơ sở nuôi tôm công nghiệp xả thải và đã bị xử phạt hơn 150 triệu đồng thời điểm giữa năm 2024. Tưởng chừng đây là bài học cho các cơ sở khác, tuy nhiên đến cuối năm 2024 lại có một vài cơ sở chế biến mực, cá tiếp tục xả thải.

“Năm vừa rồi một vài cơ sở đã bị UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt rồi, năm nay thì các cơ sở đó không dám thải nữa mà do các vựa khác thải. Toàn bộ khu vực này bị ảnh hưởng hết, từ trước tết đến nay các ao tôm, cua không bơm nước được. Hiện mực nước tại các ao nuôi tôm, cua đã sắp cạn. Một số khu vực nước rút nhìn thấy đất luôn rồi nhưng vẫn không có nước bơm vào, nếu như vậy thì tôm, cua sẽ chết hết. Giờ tình trạng này kéo dài không có nước bơm vào ao thì sẽ mất trắng.”

Việc 'đánh liều' bơm nước kênh Bà Lý vào ao nuôi có thể khiến người nông dân mất trắng

Việc "đánh liều" bơm nước kênh Bà Lý vào ao nuôi có thể khiến người nông dân mất trắng

Nhìn cảnh nước cạn khiến tôm, cua trong ao đang chết mòn. Một số người dân không đành lòng nên đã “liều” bơm nước từ kênh Bà Lý vào ao và kết quả làm cho nhiều cua, tôm chết hàng loạt. Ông Trương Văn Lượm một người nuôi tôm, cua tại đây là một ví dụ. Hiện nay, mỗi ngày tại 4ha diện tích ao nuôi tôm, cua của ông Lượm có không ít xác cua chết trôi nổi, bốc mùi dạt vào ven bờ. Ông Lượm cho biết, tình trạng tôm, cua chết do nguồn nước ô nhiễm là không thể cứu vãn:

“Từ tết đến nay có bắt được con nào để bán đâu, thả bao nhiêu con giống là chết hết rồi. Con cua chết đang nổi kia là cua gạch hiện có giá 700.000 đồng/kg mà giờ chết hết rồi. Một ngày đi quanh ao là vớt được khoảng 8 con, mà mấy con cua chết đó là khoảng 3 con được 1kg. Thiệt hại mỗi ngày luôn.”

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Vĩnh Phương - Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên cho biết, địa phương đã nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Cụ thể, hiện có 3 cơ sở chế biến thuỷ hải sản nghi xả thải ra kênh Bà Lý và địa phương đã chỉ đạo cán bộ đến để ghi nhận cũng như làm việc với các cơ sở này.

Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại kênh Bà Lý là do xả thải từ các cơ sở chế biến thuỷ sản

Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại kênh Bà Lý là do xả thải từ các cơ sở chế biến thuỷ sản

Qua làm việc có ghi nhận 2 ống xả thải được nối từ các cơ sở ra kênh Bà Lý, sau đó địa phương đã cho các cơ sở này 3 ngày để khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Đối với vấn đề các cơ sở chế biến thuỷ hải sản nghi xả thải gây ô nhiễm môi trường, UBND phường Mỹ Đức đã làm hết chức năng nhiệm vụ là ghi nhận phản ánh, xác nhận thông tin và cho các cơ sở làm cam kết khắc phục. Tuy nhiên, trước tình trạng ô nhiễm không thuyên giảm thì địa phương sẽ có văn bản đề nghị thành phố Hà Tiên và các sở ngành liên quan lấy mẫu nước thải để kiểm tra và xử lý theo quy định:

 “Ai cũng làm kinh tế nhưng mà làm sao phải hài hoà cả 2 bên. Địa phương không muốn làm khó ai, địa phương muốn cho người dân phát triển thì kinh tế địa phương cũng phát triển nhưng mà làm ảnh hưởng đến môi trường thì phải xử lý, cho thời gian khắc phục nhưng không khắc phục thì phải xử lý theo quy định. Tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy kinh tế và sẽ có nhưng phương án hài hoà giữa doanh nghiệp và người dân.”

Dù đã được yêu cầu nhưng các cơ sở chế biến chưa thể khắc phục vấn đề xả thải

Dù đã được yêu cầu nhưng các cơ sở chế biến chưa thể khắc phục vấn đề xả thải

Nguồn nước tại kênh Bà Lý đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân. Thế nên địa phương và các đơn vị có liên quan cần ráo riết thực hiện phương án kiểm tra, xử phạt và khắc phục nhằm cải thiện nguồn nước đang dần bị “bức tử”:

“Bây giờ tôi chỉ mong sao mấy doanh nghiệp đừng thải ra nữa để nguồn nước sạch cho người dân nuôi thôi. Chứ người dân nuôi như thế này là thuê đất chứ đâu phải đất nhà nên phải trả tiền mướn hàng tháng, mà cả một năm qua là không thu được gì, lỗ hoàn toàn.”

“Mong muốn chính quyền làm nguồn nước sạch đẹp trở lại như trước đây.”

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn