Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Nhiều giải pháp ứng phó nhưng tại sao Cần Thơ vẫn luôn "chạy lở"?

Kim Loan: Thứ sáu 16/09/2022, 10:20 (GMT+7)

Tình trạng sạt lở ở TP Cần Thơ đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điều đáng nói, Cần Thơ đã thực hiện nhiều công trình, giải pháp khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch hằng năm nhưng người dân thì vẫn cứ mãi "chạy lở".

Con sông Trà Nóc chảy qua địa bàn quận Bình Thủy vốn là điểm nóng với nhiều vị trí được liệt vào danh sách sạt lở và cảnh báo sạt lở nghiêm trọng trong nhiều năm trở lại đây. Hiện tượng sụt lún ven sông, nứt đất, xé tường thường xuyên xảy ra. Hầu như năm nào, trên khúc sông này cũng có trường hợp nhà đổ sụp xuống sông.

Còn nhớ vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng 20/6/2020 đã làm sụp hoàn toàn phần nhà phía sau của 13 hộ dân nằm trên đường Lê Thị Hồng Gấm, khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy với chiều dài khoảng 70m. 

Ông Phan Anh, chủ căn nhà số 118 ở khu vực trên kể: Vụ sạt lở diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 10-15 phút là cả căn nhà sau của ông và các hộ lân cận bị sụp chìm xuống sông. Tiếc của, ông Phan Anh thuê thợ lặn mò tìm đồ đạc nhưng khu vực bị xói lở rất sâu, chỉ vớt được vài tấm tôn và một số thanh kèo của ngôi nhà.

Ông Phan Anh chua xót: "Bây giờ muốn chạy di dời chỗ khác thì không có tiền bạc nên phải chịu. Ban đêm không dám ngủ trong phòng, trải chiếu ngoài phòng khách ngủ bởi vì biết nó sạt giờ giấc nào."

Sông Trà Nóc chảy qua địa bàn quận Bình Thủy là điểm nóng với nhiều vị trí được liệt vào danh sách sạt lở và cảnh báo sạt lở nghiêm trọng

Sông Trà Nóc chảy qua địa bàn quận Bình Thủy là điểm nóng với nhiều vị trí được liệt vào danh sách sạt lở và cảnh báo sạt lở nghiêm trọng

Để hạn chế tình trạng mất của – mất người, chính quyền địa phương và người dân phường Trà Nóc dùng cây tràm, cây dừa đóng cừ, tấn bao cát để bảo vệ bờ sông, nhưng cũng không tránh được thiên tai là mấy. Nên hầu như trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đồng kiến nghị ngành chức năng thành phố, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở, nhằm bảo vệ bờ sông và sinh kế của người dân dọc theo sông Trà Nóc.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Cần Thơ đã ghi nhận 9 điểm sạt lở bờ sông, làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 16 căn nhà bị sạt một phần. Tổng chiều dài ảnh hưởng của sạt lở 268m, thiệt hại ước tính hơn 2,6 tỷ đồng. Những khu vực sạt lở phức tạp nằm chủ yếu dọc theo các tuyến sông Trà Nóc, Rạch Cam - Ông Tường thuộc các phường Trà Nóc, Long Hòa và Thới An Đông, quận Bình Thủy. Và cứ một bận sạt lở xảy ra thì giao thương, đi lại gặp vô vàn cách trở.

Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, từ năm 2010 đến 2021 thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Cần Thơ khoảng 383 tỷ đồng. Hằng năm, Cần Thơ đều có các phương án đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng. Xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là mưa lớn, ngập nghẹt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở. Thế nhưng tình trạng nay sạt, mai lở vẫn chưa dừng.

Ông Nguyễn Quí Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết lý do: "Thông thường sạt lở xảy ra và thiệt hại lớn ở những thời điểm giao mùa, giữa mùa mưa và mùa khô. Đặc biệt là chân triều thấp và cuối mùa lũ. Không có quy luật rõ ràng và khi xét về sạt lỡ phải dựa trên nhiều yếu tố và đặc biệt là yếu tố mùa và vị trí địa lí. Sạt lở thường xảy ra ở những đoạn bờ sông cong, ở phần bụng của đoạn cong đó là bị sạt lở. Nhìn lên trên thì thấy người dân xây nhà lấn chiếm lòng sông và ghe tàu qua lại nơi đó nhiều. Ngoài ra còn nói đến vận tốc dòng chảy tác động vào bờ và nền địa chất gốc của vùng châu thổ chúng ta nữa."

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa triều cường, TP Cần Thơ đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Trước mắt, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, TP Cần Thơ đầu tư xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ sông với mục tiêu chống sạt lở, kết hợp di dời dân cư sống ven sông vào vùng ổn định và chỉnh trang đô thị.

Từ năm 2010 đến 2021 thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Cần Thơ vào khoảng 383 tỷ đồng

Từ năm 2010 đến 2021 thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Cần Thơ vào khoảng 383 tỷ đồng

Tuy nhiên, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đủ vốn để đầu tư các tuyến kè ở những khu vực sạt lở đang bức xúc. Do đó, thành phố đề nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng 4 dự án kè chống sạt lở có tổng chiều dài 5.150m; trong đó có 3 dự án ở quận Bình Thủy (sông Trà Nóc và sông Bình Thủy) và một dự án ở huyện Vĩnh Thạnh (sông Cái Sắn). Mỗi công trình kè này có mức đầu tư dự kiến từ 100-300 tỉ đồng.

Ông Võ Thành Thống – Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư ghi nhận đề xuất này của Cần Thơ nhưng cũng đề nghị Cần Thơ cần quản lý tốt tình trạng dân cư ven sông, xem xét bố trí phương án để di dời người dân ở những khu vực nguy cơ sạt lở để giảm thiểu thiệt hại tài sản, nhất là tính mạng của người dân.

Ông Võ Thành Thống – Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư khẳng định: "Xử lý dân cư ven sông, địa phương nào làm được dự án mà di dời được thì nó sẽ tốt, thì không có thì nó cũng là biện pháp giải quyết dần dần, tiến tới bằng không. Làm được cái này nó vừa giải quyết vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, khía cạnh phòng, chống thiên tai thì sạt lở nếu có xảy ra hạn chế vụ chết người, tài sản thiệt hại cũng ít hơn."

Mới đây nhất, UBND TP. Cần Thơ vừa có quyết định xây dựng hai công trình kè chống sạt lở khẩn cấp ở huyện Phong Điền và huyện Vĩnh Thạnh với kính phí dự kiến hơn 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Việc đầu tư xây dựng hai tuyến kè nói trên nhằm kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, chống sạt lở khẩn cấp ở Rạch Sung và kênh Cái Sắn để khẩn trương nối lại giao thông trên tuyến, đảm bảo việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân.

Đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông và kịp thời ngăn chặn sạt lở không tiếp tục lấn sâu vào phía bên trong nhà dân, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn