Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Nhiều đô thị du lịch biển phát triển nóng, gia tăng áp lực hạ tầng

Hải Hà: Thứ hai 19/08/2024, 20:31 (GMT+7)

Việt Nam có khoảng 40 đô thị biển lớn, nhỏ đang phát triển tại hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, khu vực miền Trung – Nam có một số đô thị biển ngày càng trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với các đô thị này? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Xuân, Giảng viên trường Đại học Quy Nhơn về nội dung này:

PV: Thời gian qua, một số đô thị ven biển có bùng nổ về thị trường du lịch, điều này mang lại những điểm tích cực như thế nào, thưa ông? 

PGS.TS Nguyễn Hữu Xuân, Giảng viên trường Đại học Quy Nhơn

PGS.TS Nguyễn Hữu Xuân, Giảng viên trường Đại học Quy Nhơn

PGS.TS Nguyễn Hữu Xuân: Tôi quan tâm nghiên cứu các đô thị từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.

Những năm gần đây đã hình thành những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và thế giới, như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Cam Ranh.

Về mặt tích cực, bộ mặt đô thị từ Đà Nẵng đến Nha Trang đã có sự thay đổi rất lớn. Các cơ sở hạ tầng của các đô thị biển đã thay đổi theo hướng hiện đại, sáng, xanh, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch Việt Nam.

Về cơ sở vật chất hạ tầng du lịch đó là các resort, khách sản, khu nghỉ dưỡng được xây dựng nhiều theo hướng hiện đại, đặc biệt là chuỗi đô thị ven biển từ Đà Nẵng – Hội An hay chuỗi đô thị biển từ Nha Trang đến khu đô thị phía Bắc Cam Ranh và gần đây là  đô thị Quy Nhơn, mở rộng rất nhiều.

Đối với hệ thống đường sá giao thông đều đáp ứng nhu cầu đi lại và sự phát triển kinh tế địa phương và du lịch, hệ thống các tuyến đường ven biển được xây dựng mới, hiện đại, các cảng hàng không như Cảng Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh đã được nâng cấp và hiện đại hóa nên đã đáp ứng được phần lớn  nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Đà Nẵng và Nha Trang đã đón lượng lớn khách quốc tế đến từ  Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… với số lượng rất lớn.

Ảnh minh hoạ: Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống

Ảnh minh hoạ: Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống

PV: Bên cạnh những tác động tích cực, sự phát triển du lịch quá nóng đã gây ra những tác động gì thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Xuân: Sự phát triển du lịch biển đối với các tỉnh miền Trung những năm gần đây quá nóng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Về mặt cảnh quan đô thị, nhất là biển, để đáp ứng nhu cầu chỗ ở, xây dựng những resort lớn, các đảo đã bị bê tông hóa.

Cảnh quan tự nhiên đã bị thay đổi rất nhiều. Một số đô thị như Đà Nẵng, Nha Trang nếu mà từ biển nhìn vào cứ như một rừng các nhà cao tốc 30-40 tầng, thậm chí 50 tầng, nó như những bức chắn tự nhiên che khuất tầm nhìn của các khu vực bên trong về phía biển. Về lâu dài đây là vấn đề rất khó giải quyết cho 30-40 năm sau nếu như chúng ta phát triển du lịch theo hướng thuận thiên và gắn với thiên nhiên hài hòa hơn.

Do phát triển quá nóng nên một số điểm, một số khu vực xảy ra tình trạng ngập lụt đô thị. Ví dụ như thành phố Quy Nhơn ngay sát biển nhưng đã bị ngập hoàn toàn một số tuyến đường vào năm 2021, hay Đà Nẵng năm 2022-2023 đã bị thiệt hại rất lớn về nhà ở, phương tiện, cũng như dịch vụ du lịch, kinh tế. Vấn đề này đã khắc phục một phần nhưng về lâu dài với sự tác động của biến đổi khí hậu, có sự thay đổi về thời tiết như gió bão, mưa lớn, nó là vấn đề lâu dài và khó giải quyết.

Về mặt môi trường, nhiều rặng san hô ở Hòn Mun, Nha Trang; Hòn Yến, Phú Yên; Hòn Khô, Quy Nhơn do khai thác quá mức và quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều rặng san hô đã và đang thay đổi, thậm chí chết trắng, tàn phá đến mức phải dừng khai thác như ở Nha Trang, Phú Yên. Đấy là những tác động chính, ngoài ra còn nhiều tác động khác nữa đến cảnh quan, đô thị, giao thông.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

Đô thị ven biển Đà Nẵng cũng đối mặt với ngập lụt đô thị vào năm 2021- 2022. Nguồn: Chính phủ

Đô thị ven biển Đà Nẵng cũng đối mặt với ngập lụt đô thị vào năm 2021- 2022. Nguồn: Chính phủ

Năm 2024, Đà Nẵng dự kiến đón khoảng 8,6 triệu lượt khách du lịch, Hội An đón khoảng trên 4 triệu lượt khách du lịch và Bình Định đón khoảng 4,8 triệu lượt khách. Sản lượng khách du lịch tăng nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng đô thị không theo kịp khiến nhiều thành phố đối mặt với sự quá tải về giao thông, điện nước…. Ghi nhận của phóng viên Hải Hà;

Hội An là một địa điểm du lịch có sức hút lớn đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Năm 2024, Hội An giữ vị trí thứ 4 trong top 15 thành phố đáng đến nhất thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, quý I/ năm 2024, thành phố Hội An đã thu hút hơn 1,14 triệu lượt khách. Lượng khách du lịch tăng mạnh qua các năm, trong đó chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc. Dự kiến năm 2024, thành phố này đón hơn 4 triệu lượt khách.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch thành phố Hội An, theo bản quy hoạch của thành phố năm 2025, dự kiến lượng khách du lịch chỉ từ 2-3 triệu khách / năm và chưa lường trước được lượng khách du lịch “bùng nổ” lên đến gần 5 triệu lượt/ năm, nên mọi tích toán, kế hoạch trước đó không còn phù hợp trong thực tiễn. Lượng khách du lịch tăng quá nhanh khiến cho thành phố gặp nhiều áp lực trong giữ gìn gì sản và đối mặt với những áp lực về hạ tầng giao thông:

"Hạ tầng của Hội An rất bé và rất nhỏ, nhà đất ở Hội An rất đắt nên không có tiền để đền bù. Hiện nay giao thông của Hội An đang gặp áp lực rất lớn. Cứ buổi chiều, dòng khách từ Đà Nẵng đổ vào Hội An để tham quan, gây ách tắc về giao thông rất lớn, chưa kể khu vực phía Nam Quảng Nam, Thanh Bình, Duy Xuyên có nhiều cơ sở lưu trú và buổi chiều qua thăm Hội An, gây ra áp lực rất lớn."

Ông Đinh Đăng Hải, chuyên gia cao cấp của Dự án thành phố sống tốt, Tổ chức Health Bridge Canada phân tích, không chỉ quá tải hạ tầng giao thông, nhiều đô thị biển còn đang đối mặt với những áp lực về hạ tầng xã hội do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong những khoảng thời gian ngắn:

"Các đô thị ven biển nước ta, mùa hè có rất nhiều khách du lịch đến, dân số sử dụng đô thị tăng lên rất lớn, thậm chí có những đô thị có thể tăng lên gấp 1,5 lần, chưa có con số thống kê chính xác. Nhưng lượng du khách đến lớn như vậy trong tại một thời điểm, giao thông tăng lên, sử dụng nước tăng lên. Nếu ta không lường trước được điều đó thì hạ tầng đô thị sẽ bị quá tải."

Ảnh: Bộ Xây dựng

Ảnh: Bộ Xây dựng

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng đã từng đề cập đến sự hình thành một dải khu nghỉ dưỡng biển dọc theo ven biển Phú Quốc, vô hình chung như một “con đê” và những bất cập của hệ thống thoát nước ở các resort hạn chế quá trình thoát nước tự nhiên ra biển. Ngoài ra, sự phát triển nóng của lượng khách du lịch, không đi kèm với sự phát triển của hạ tầng đô thị cũng ảnh hưởng phần nào đến đời sống cư dân tại các đô thị có biển như Đà Nẵng, Nha Trang:

"Hệ thống đô thị du lịch biển hiện nay muốn hay không muốn vẫn đang phát triển. Bên cạnh những đóng góp tích cực thì nếu chúng ta quản lý không tốt,  sẽ gây áp lực rất lớn đối với đời sống cư dân đô thị và hạ tầng xã hội của đô thị. Vào mùa du lịch khi lượng khách du lịch đến các đô thị này tăng, khả năng cấp điện nước của đô thị bị hạn chế và điều đó ảnh hưởng đến dân cư đô thị."

Ông Đinh Đăng Hải cho biết, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, thành phố Hội An đã quy hoạch một số bãi đỗ xe bus chở khách ra bên ngoài thành phố và bố trí phương tiện trung chuyển hành khách  bằng xe điện, xe bus nhỏ để giảm lượng ùn tắc giao thông và lượng xe cơ giới. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng khách du lịch như hiện nay, thành phố cần có sự thống kê, tính toán và xác định được lượng du khách đến vào từng thời điểm khác nhau để có những phương án chuẩn bị, hạn chế sự quá tải về hạ tầng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như cuộc sống của người dân đô thị.

 Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, những bất cập của quá trình tăng trưởng nóng của các đô thị biển có thể làm mất dần đi những lợi thế rất lớn của biển Việt Nam. Bởi vậy, chính quyền các đô thị biển cần nhìn nhận những bất cập, sớm có sự điều chỉnh phù hợp với sự phát triển thực tế, đồng thời cần cân đối giữa mục tiêu phát triển kinh tế và sự phát triển bền vững và lâu dài của đô thị.

 

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn