Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Nhập cát Campuchia, có phải ĐBSCL hết cát?

Kim Loan - Hiền Công: Thứ sáu 28/10/2022, 20:59 (GMT+7)

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại cửa khẩu quốc tế đường thủy Vĩnh Xương, đóng trên địa phận xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang luôn nhộn nhịp vì nhiều sà lan từ Bắc chí Nam sắp hàng chờ mua cát từ quốc gia Campuchia.

Lâu nay, vấn đề thiếu cát cung ứng cho các công trình xây dựng đã được đưa vào nghị trường để tìm giải pháp khắc phục vì ĐBSCL đã cạn kiệt nguồn tài nguyên này. Nay, hiện tượng nhập khẩu cát ồ ạt đã cho thấy nguồn cát thật sự khan hiếm mà nếu thị trường chậm cung ứng thì sẽ tạo ra cơn “sốt” cát cục bộ. 

Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương nằm ở phía bờ phải sông Tiền thông thương với cửa khẩu quốc tế Khaam Samnor, tỉnh Kandal, Campuchia. Chỉ trong phạm vi 300m trên địa phận sông Tiền, có cả trăm sà lan, xáng cạp mang biển kiểm soát nhiều tỉnh, thành Nam Bộ và Bắc Bộ neo đậu để chờ mua cát Campuchia. Hiện tượng này đã kéo dài hơn 6 tháng.

Thậm chí có nhiều doanh nghiệp ở xa đến đây thuê nhà ở để “bằng mọi cách” đón mua cát nhanh nhất và sớm nhất. Nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Xương từ đó cũng ăn nên làm ra nhờ vào việc cho thuê nhà với giá từ 7 - 12 triệu đồng/tháng hoặc bán thực phẩm và nước giải khát, thậm chí làm "cò" cát ngoại cho những đại gia về đây mua cát.

Ông Bùi Thái Hoàng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu cho biết: "Nguồn cát đầu nguồn An Giang đang rất là hiếm, trong khi đó chủ trương của Campuchia họ cho khai thác thì các doanh nghiệp lên đây để đón mua. Khi mua bán thì họ sang hàng tại phao số 0. Người ta làm thủ tục nhập khẩu, phía hải quan họ cho phép thì ở phía địa phương Vĩnh Xương chỉ có chức năng kiểm soát tình tình an ninh mà thôi, phòng khi họ tranh giành mua bán mà xảy ra cự cãi gây mất trật tự thôi".

Các sà lan neo đậu trên sông Tiền ( đoạn gần cửa khẩu Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, An Giang) để chờ mua cát từ Campuchia.

Các sà lan neo đậu trên sông Tiền ( đoạn gần cửa khẩu Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, An Giang) để chờ mua cát từ Campuchia.

 

Theo nhiều doanh nghiệp khai thác và mua bán cát cho biết, cát nhập khẩu từ Campuchia về chủ yếu là cát vàng, đây là loại cát tốt nhất chuyên dùng cho xây dựng và đang bị thiếu trầm trọng tại thị trường ĐBSCL.

Cát vàng có nhiều loại nên có nhiều mức giá khác nhau. Giá dao động khoảng 170.000 đồng/m3 đối với cát loại 1,4mm, còn cát loại 2,2 - 2,5mm có giá 270.000 - 280.000 đồng/m3. Năm 2010, Campuchia đã cấm xuất khẩu cát sau khi xảy ra sạt lở.

Đến năm 2022, quốc gia này mở cửa trở lại nên nhiều doanh nghiệp sang Campuchia tham gia khai thác cát. Cộng với sự khan hiếm của dòng cát vàng tại ĐBSCL đã khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên, đến An Giang “nằm vùng” chờ “gom hàng”.

Ông Bùi Thái Hoàng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương cho biết thêm: "Ở cửa khẩu Vĩnh Xương thì tổng kim ngạch xuất khẩu là chính. Nhưng trong năm 2022 thì lượng nhập nhiều hơn xuất, chủ yếu là nhập cát. Thế nên, năm nay giá trị nhập khẩu đã gần cao hơn giá trị xuất khẩu."

Các dự án cao tốc tại ĐBSCL sẽ được khởi công giữa năm 2023. Chính quyền các địa phương đang phải chạy đua để chuẩn bị nguồn cát san lấp.

Các dự án cao tốc tại ĐBSCL sẽ được khởi công giữa năm 2023. Chính quyền các địa phương đang phải chạy đua để chuẩn bị nguồn cát san lấp.

Thông tin với báo chí, ông Phan Văn Tâm - phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Cục Hải quan An Giang cho biết, từ tháng 6 đến nay có 11 doanh nghiệp nhập khẩu cát qua đường cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, với trên 2,5 triệu m3 cát. Giá cát bán tại Campuchia được kê khai trong tờ khai hải quan là 6 USD/m3 (tương đương 140.000 đồng/m3). Sau khi nhập khẩu cát về, phải đóng thuế giá trị gia tăng 10%.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, trước đây cát Campuchia chỉ tạm nhập ở An Giang rồi xuất sang nước thứ ba. Sau đó, Campuchia đã ký kết với Việt Nam không xuất khẩu cát sang nước thứ ba. Riêng việc nhập cát từ Campuchia vào Việt Nam thì chưa từng bị cấm bao giờ. Hiện nay, trong nước đang khan hiếm cát nên cũng khuyến khích doanh nghiệp nhập cát.

Nằm ở vùng hạ nguồn, đón dòng chảy đổ về từ sông mẹ Mekong, ĐBSCL vốn là thủ phủ của các mỏ quặng với trữ lượng cát khổng lồ được khai thác gần 100 năm qua. Tuy nhiên, bị “hút” với trữ lượng quá mức mà hiện hay hầu hết các mỏ cát có tiếng trong vùng đều đã “rỗng đáy”. Hiện tại, phần lớn cát còn khai thác được ở ĐBSCL đều là cát san lấp. Một vài mỏ cát vàng quý hiếm ở đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp chuyên dùng cho xây dựng nhưng cũng đã được “chỉ mặt điểm tên”.

Ông Mai Văn Nhựt Thành – Phó chủ tịch xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới – địa phương có mỏ cát vàng duy nhất tại tỉnh An Giang đang được cấp phép khai thác cho biết:

"Trữ lượng mỏ cát này được cấp phép hằng năm chớ không cấp phép vĩnh viễn. Hiện nay là cho phép khai thác trong 01 năm để cung cấp cho 2 công trình: Tuyến tránh Long Xuyên và đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Cát đem lên là chỉ cung ứng cho 2 công trình trọng điển quốc gia này, chớ không cho phép thương mại."

Để kịp tiến độ các công trình trọng điểm, mới đây UBND tỉnh An Giang vừa ban hành quyết định điều chỉnh trữ lượng khai thác trên sông Tiền đi qua địa phận xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Theo đó, trữ lượng khai thác từ 740.000m3 được tăng lên 1.110.000m3. Mỏ cát này sẽ có tám xáng cạp thay vì sáu xáng cạp. Thời gian khai thác là sáu tháng với đơn giá là 79.200 đồng/m3. Hiện mỏ cát sông Tiền, đoạn xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân có tổng trữ lượng khoảng 4,4 triệu m3. Trong số này, cung cấp cho tuyến đường tránh TP Long Xuyên và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là 1,1 triệu m3. Số còn lại sẽ tiếp tục cung cấp cho các công trình cao tốc khác hay dự án trọng điểm của tỉnh.

Theo kế hoạch, từ nay tới năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ thực hiện hàng  loạt các dự án đường bộ cao tốc, gồm: Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… ước tính, nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án khoảng hơn 35,6 triệu m3.

Mỏ cát đi qua xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới vừa được UBND tỉnh An Giang điều chỉnh trữ lượng khai thác từ 740.000m3 tăng lên 1.110.000m3 trong 6 tháng để cung ứng cho công trình trọng điểm quốc gia.

Mỏ cát đi qua xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới vừa được UBND tỉnh An Giang điều chỉnh trữ lượng khai thác từ 740.000m3 tăng lên 1.110.000m3 trong 6 tháng để cung ứng cho công trình trọng điểm quốc gia.

Hiện tại, nguồn cát phục vụ san lấp chủ yếu do các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang cung cấp. Các dự án cao tốc tại ĐBSCL sẽ được khởi công xây dựng vào thời điểm giữa năm 2023. Chính quyền các địa phương đang phải chạy đua với thời gian để chuẩn bị nguồn cát san lấp nhưng xem ra giải bài toàn này không hề đơn giản.

Ông Huỳnh Văn Nguyên - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, xu hướng sản lượng khai thác trong các năm tới sẽ giảm do nhiều mỏ cát ở Đồng Tháp đã gần hết trữ lượng. Phù sa, trầm tích cát sông bồi đắp hàng năm giảm đi rất nhiều nên khả năng cân đối để có thể cung ứng cát cho các công trình bên ngoài địa bàn Đồng Tháp trong thời gian tới là khó khăn.

Ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cũng khẳng định: An Giang có khoảng 7 mỏ, 4 địa điểm chỉnh trị đang khai thác và 2 mỏ chuẩn bị đi vào khai thác nhưng chỉ có quy mô từ vài trăm ngàn tới hơn 1 triệu m3.

Riêng trong năm 2022, An Giang phải cung cấp khối lượng hơn 6,2 triệu m3 cát cho các dự án xây dựng. Dự tính An Giang chỉ có khả năng cung cấp hơn 6,3 triệu m3 cát san lắp cho cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng đi qua địa phận của tỉnh. Còn khả năng cung ứng cho các dự án cao tốc ngoài tỉnh là rất hạn chế.

Do nhu cầu cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình, tạo lập các đô thị đang cần một lượng cát khổng lồ, nhưng ĐBSCL đã bị khai thác quá mức dẫn đến trữ lượng cát không còn nhiều. Thế nên, cát sỏi dần trở thành một nguồn tài nguyên khan hiếm và việc các doanh nghiệp nhập cát từ Campuchia về cũng là một cách giải quyết tình thế cấp bách của thị trường. Tuy nhiên việc mua bán này cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng để tránh  những hệ lụy có thể xảy ra.

 

Kim Loan - Hiền Công/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn