Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Nhà tái định cư hay nhà ở xã hội: Quan trọng là người dân có nhà để ở

Huy Hoàng: Thứ sáu 28/06/2024, 12:47 (GMT+7)

Câu chuyện về nhà ở cho người dân tại Hà Nội, TPHCM hay các thanh phố lớn vẫn luôn là mối bận tâm thường trực của rất nhiều người thu nhập thấp đô thị.

Dù đã có rất nhiều hứa hẹn về chủ trương gia tăng số lượng nhà ở xã hội cũng như chủ trương nâng cấp chất lượng nhà tái định cư, song trên thực tế số lượng người được tiếp cận nhà ở vẫn còn quá thấp so với nhu cầu. 

Nằm cách xa trung tâm TP.HCM khoảng 20km, khu tái định cư Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh đã từng là kỳ vọng của chính quyền thành phố trong việc giải quyết nhu cầu tái định cư cho hàng ngàn hộ dân. Dự án này có 45 block nhà 5 tầng, gần 2000 căn hộ cùng 529 nền đất với tổng mức đầu tư hơn 1000 tỷ đồng.

Tuy vậy, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng chỉ có khoảng 20% căn hộ có người ở. Bên ngoài cỏ mọc um tùm, tường bao nứt thấm, bên trong các căn hộ xập xệ, hư hỏng, tất cả tạo nên một hình ảnh ảm đạm, nhếch nhác.

Dù đã ở đây nhiều năm song gia đình Ông Nguyễn Văn Trí đã quyết định dọn ra ngoài thuê trọ, tuy bị tăng thêm chi phí sinh hoạt nhưng theo ông Trí như vậy lại an toàn hơn:

"Hết mười mấy triệu tiền sửa nhà tắm và trần nhà. Say này sửa thêm hai mấy triệu nữa. Sửa ba đợt liền. Tôi ở lầu 1, người ta ở lầu 4 dột xuống, dột chứ không phải thấm, còn mùi thối của hầm cầu, tắm cũng không nổi. Nước ăn uống, vệ sinh cũng hôi thối. Nước cũng không được lọc, lúc thì hôi bùn, lúc hôi mùi thuốc tẩy. Hệ thống chữa cháy giờ tắc nghẽn luôn".

Khu tái định cư Bình Khánh có diện tích 38,4 ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm, được xây dựng từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2015, đến nay vẫn đang bỏ trống (Ảnh: PLO)

Khu tái định cư Bình Khánh có diện tích 38,4 ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm, được xây dựng từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2015, đến nay vẫn đang bỏ trống (Ảnh: PLO)

Là hàng xóm nhiều năm của ông Trí, 8 năm trước gia đình bà Trần Thị Thanh Mai đồng ý chuyển về đây để bàn giao mặt bằng cho dự án Tham Lương – Bến Cát - Rạch Nước Lên. Nhìn từng đợt người chuyển đến rồi nhanh chóng rời đi, bà Mai tỏ ra ngán ngẩm:

"Tại sao khu tái định cư này lại hoang vắng như vậy? Bởi vì khu tái định cư này đã xuống cấp dữ lắm rồi. Ở dưới kia, công ăn việc làm có, về đây không có công việc, sống vất vưởng. Một tuần tôi đi phụ quét dọn nhà cho người ta có 200-300 ngàn, làm sao tôi sống? Một số người ở một thời gian không chịu nổi phải bán rẻ rồi đi. Do vị trí cũng quá xa, nên con cháu tôi phải dắt nhau về thuê nhà để còn đi làm cho gần công ty”.

Ở một hướng khác của TP.HCM, hàng ngàn căn hộ tái định cư của Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đầu tư xây dựng khang trang ở vị trí đắc địa ngay tại trung tâm thành phố Thủ Đức cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau nhiều năm không có người vào ở, dự án này được trưng dụng làm các bệnh viện dã chiến phục vụ nhu cầu cách ly và điều trị COVID-19.

Sau khi dịch COVID đi qua, thành phố đã 3 lần lên phương án đấu giá nhằm tìm được nhà đầu tư có thể làm sống lại khu đô thị hơn 12000 căn hộ, song đến nay vẫn chưa có chuyển biến nào cụ thể ngoại trừ sự sốt ruột của những người mỏi mắt tìm nhà:

"Tôi rất xót khi nhìn thấy khu tái định cư bỏ hoang suốt hàng chục năm qua như vậy. Tại sao Thành phố không chuyển khu tái định cư đó thành nhà ở xã hội để người có thu nhập thấp như tôi có thể mua được".

"Em thì mơ ước có được 1 nơi để chui ra chui vào thôi, nhưng bây giờ nhìn những căn hộ bỏ hoang như vậy thấy cũng tiếc quá".

"Nếu nhà nước mở bán cho những người có nhu cầu thật sự về nhà ở thì rất là tốt".

Từ thực tế nêu trên, bà Trần Thị Khánh Linh, Phó Giám đốc bộ phận tư vấn và môi giới đầu tư TP.HCM, Công ty TNHH Savills Việt Nam cho rằng còn quá nhiều bất cập trong chính sách hỗ trợ nhà ở tại nước ta.

Trong đó, công tác điều tra xã hội học khi triển khai các dự án nhà ở đã không được cân nhắc và thực hiện nghiêm túc dẫn đến việc nhà tái định cư xây xong nhưng không có người vào ở do không phù hợp với nhu cầu, công việc hoặc hạ tầng không đảm bảo. Bà Trần Thị Khánh Linh phân tích thêm:

"Hoàn cảnh, thu nhập, nhu cầu, sinh kế, tâm tư nguyện vọng của người dân là đối tượng tái định cư đã không được nghiên cứu kỹ. Khi xây dựng lên quỹ nhà tái định cư không phù hợp với nhu cầu của họ, việc họ không đến nhận nhà, không đến ở là điều tất nhiên.

Lấy ví dụ như một gia đình đang sinh sống tại quận nội thành TP.HCM, thuộc diện tái định cư, họ có thể đi làm gần nhà, con cái đi học gần nhà, trong gia đình kinh doanh buôn bán nhỏ, khi bị tái định cư phải chuyển ra một khu vực xa khu vực sinh sống ban đầu nên đã đảo lộn hết cuộc sống của họ". 

5 tòa chung cư với hàng trăm căn hộ thuộc dự án giãn dân nằm ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội bị bỏ hoang hơn 10 năm nay, không có người ở, gây lãng phí lớn (Ảnh: VOV)

5 tòa chung cư với hàng trăm căn hộ thuộc dự án giãn dân nằm ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội bị bỏ hoang hơn 10 năm nay, không có người ở, gây lãng phí lớn (Ảnh: VOV)

Lý giải cho những bất cập trong câu chuyện nhà tái định cư trên địa bàn, ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng thành phố đã và đang nghiên cứu các giải pháp để tối ưu hoá các dự án tái định cư cũng như tìm cách chuyển đổi để giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nhà ở trong thời gian tới:

"Đối với nguồn nhà chưa sử dụng ,sau khi các dự án trọng điểm đã triển khai mà người dân vẫn không có nhu cầu sử dụng, TP cũng đã nghiên cứu các phương án để đảm bảo không bị xuống cấp và không lãng phí như tổ chức đấu giá để thu hồi vốn; phân bổ cho các đơn vị khác sử dụng; đề xuất chuyển một phần sang làm nhà ở xã hội và nhà ở xã hội này cũng để ưu tiên tập trung trước nhất cho các dự án di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch và dự phòng, bố trí cho những trường hợp khẩn cấp trong đô thị như cháy nổ, sạt lở bờ sông, kênh, rạch".

Bên cạnh yếu tố chính sách lẫn các giải pháp trước mắt của địa phương thì Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho rằng về lâu dài cần làm rõ hơn nữa vai trò của nhà nước trong việc triển khai các dự án nhà tái định cư nói riêng, nhà cho người thu nhập thấp nói chung.

Các giải pháp cho vấn đề này phải đạt được đa mục tiêu, đó là ổn định chỗ ăn chỗ ở cho những người tái định cư và rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội:

"Vậy làm thế nào để người nghèo có tiền mua nhà? Nhà nước phải đứng ra ngang hàng hoặc trội hơn nhà đầu tư tư nhân, vì đó là trách nhiệm xã hội của nhà nước. Chúng ta cứ khuyến khích nhà đầu tư xây đi, giảm giá xuống. Không thể thành công! Cần phải giảm lãi suất đến mức thấp nhất đối với những người vay tiền mua nhà, thậm chí hỗ trợ tiền cho người nghèo. Số tiền đó cũng mang ý nghĩa kích cầu và phát triển kinh tế".

Làm thế nào để người dân có được nơi ở ổn định? (Ảnh: VOV)

Làm thế nào để người dân có được nơi ở ổn định? (Ảnh: VOV)

Chỗ ở cho người dân mới quan trọng

Vấn đề về nhà ở nói chung và nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị nói riêng đã trở nên quá quen thuộc song lại chứa dựng nhiều thất vọng. Quen thuộc là bởi khái niệm này xuất hiện quá thường xuyên trên môi miệng của những nhà quản lý. Còn thất vọng là dù nghe rất nhiều nhưng chỉ có rất rất ít người được “sờ tận tay, day tận mắt” ngôi nhà của riêng mình.

Tại TP.HCM, không ít lần đại diện chính quyền địa phương lên tiếng sẽ chuẩn hoá, cải thiện chất lượng nhà tái định cư để thu hút người dân đến ở. Không chỉ vậy, họ cũng cam kết sẽ chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội để có thể “lấp đầy” những dự án bị bỏ hoang nhiều năm. Những đề xuất ấy thoạt nghe cũng hấp dẫn song sẽ không dễ để tạo được niềm tin từ người dân nếu không có chuyển động cụ thể.

Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, và cuối tháng 6 này Luật Nhà ở sửa đổi, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi cùng hàng loạt quyết sách quan trọng cũng sẽ được các đại biểu quốc hội bấm nút đồng ý. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để người dân xác thực được quyết tâm của các nhà chức trách khi không còn những nút thắt mang tên pháp lý.

Và hơn lúc nào hết, đây cũng là thời cơ thuận lợi để TP.HCM và các địa phương có thể hiện thực hoá các cam kết của mình, qua đó giúp người dân giảm bớt nỗi lo “về nơi ăn chốn ở” – những thứ tưởng chừng không quá phức tạp.

Thực tế tại nhiều quốc gia phát triển, thịnh vượng trên thế giới đã chỉ ra rằng, bên cạnh việc tập trung thúc đẩy các chỉ số tăng trưởng thì việc đảm bảo tốt nhất nhu cầu an sinh trong đó có nhà ở của người dân phải được ưu tiên hàng đầu.

Dù có nhiều loại hình, phương thức phát triển nhà ở khác nhau song điều chính yếu là làm thế nào để người dân có được nơi ở ổn định, an toàn để đảm bảo duy trì cuộc sống, nâng cao chất lượng công việc.

Nói vậy để thấy rằng, dù là nhà ở xã hội, nhà thương mại hay nhà tái định cư thì điều quan trọng nhất là làm thế nào để người dân có được 1 chỗ ở tươm tất, an toàn, phù hợp với thu nhập. Chỉ khi nào nhu cầu căn bản ấy được giải quyết thấu đáo, tận tường thì công cuộc phát triển kinh tế xã hội mới có thể bền vững, dài lâu.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn