Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thời Sự

Nguy cơ TNGT từ việc phơi lúa trên đường

Kim Loan: Thứ tư 25/09/2024, 20:18 (GMT+7)

Hiện nay, các địa phương ĐBSCL đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu. Sau thu hoạch, nhiều hộ dân đã tận dụng lòng, lề đường để phơi lúa. Tình trạng này được cảnh báo là cực kỳ nguy hiểm.

Ðáng nói, tình trạng này không chỉ diễn ra trên đường làng, ngõ xóm mà xuất hiện ở các tuyến giao thông huyết mạch như: Tắc Thủ - Sông Ðốc, Cà Mau - Ðá Bạc trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Tắc Thủ - Sông Đốc là tuyến đường huyết mạch dẫn từ TP. Cà mau về đến các xã, thị trấn trong huyện Trần Văn Thời. Mỗi ngày, con đường này “gồng gánh” hàng chục nghìn lượt phương tiện lưu thông. Vào những ngày mưa dầm, đúng lúc trùng thời điểm mùa lũ về và thu hoạch lúa, con đường này này gánh thêm nhiệm vụ phơi lúa.

Người dân lấy nửa mặt đường phơi lúa trên tuyến Tắc Thủ- Sông Đốc

Người dân lấy nửa mặt đường phơi lúa trên tuyến Tắc Thủ- Sông Đốc

Anh Nguyễn Hữu Trãi, người dân lưu thông trên tuyến Tắc Thủ - Sông Đốc, đoạn qua địa phận xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời cho biết, bản thân cũng đôi lần “lạc” tay lái do chạy trên lúa. Nguy hiểm của việc phơi lúa trên đường nằm ở chỗ người dân đã tự dùng gạch – đá làm vật cản, hình thành những chướng ngại vật nguy hiểm. Thậm chí có trường hợp người phơi lúa đứng ngay giữa đường để cào trở lúa, người điều khiển phương tiện vừa né lúa lại vừa tránh người. Trong khi đó, diện tích phơi lúa đã chiếm phân nửa mặt đường, cho nên dẫu có kỹ lưỡng cách mấy cũng trở thành người chạy lấn làn.

“Bất kỳ vật gì cản trên đường giao thông đã là mất ATGT. Thứ nhất, phơi lúa là bụi mù trời bay vào mắt người điều khiển phương tiện. Thứ hai là lúa nó không có độ ma sát, như chạy trên cát, dễ bị trượt bánh xe. Nếu lách né lúa ra thì lại chạy qua phần đường ngược chiều, rất là nguy cơ”.

Bà Đỗ Thị Hạnh, một hộ dân phơi lúa trên tuyến lộ Tắc Thủ - Sông Ðốc giải thích, dẫu biết rằng phơi lúa trên đường sẽ làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhưng do số lúa mang ra phơi chỉ là lúa để dành chà gạo nấu cơm, nếu không phơi khô sẽ bị mốc. Chính vì thế mà bà và nhiều người dân chung xóm vẫn tận dụng mặt đường nhiều năm nay: “Tôi phơi một bên đường, chừa một bên đường cho xe chạy. Tôi không có sân phơi nên phải ra đường phơi”.

Tình trạng chiếm dụng lòng đường phơi lúa đã xuất hiện nhiều năm, gây cản trở, dẫn đến mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua đây. Dù địa phương này chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông nào xảy ra do phơi lúa cản trở, nhưng tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.

Tại các tuyến đường nông thôn ở Cà Mau, người dân phơi lúa gần hết mặt đường

Tại các tuyến đường nông thôn ở Cà Mau, người dân phơi lúa gần hết mặt đường

Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết, trong thời gian qua, Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở trực tiếp đến với người dân không lấn chiếm lòng, lề đường để phơi lúa. Tuy nhiên, thời điểm này lại trùng với mùa nước lên, nên nông dân cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hoạch và bảo quản lúa sau thu hoạch:

“Mùa nước dâng này thì sân nhà của bà con bị ngập hết nên bà con không phơi lúa được, nên bà con phải tận dụng mặt đường phơi. Thời gian qua chúng tôi đã vận động bà con đắp nền sân cao lên để tránh ngập nước mà phơi lúa. Tuy nhiên một số cũng còn khó khăn nên chưa có điều kiện nâng nền. Chúng tôi sẽ vận động bà con phơi lúa tạm nhưng phải đảm bảo an toàn, không lấn chiếm hành lang lộ giới nhiều để xe chạy”.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, mỗi người dân cần nêu cao ý thức giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, không lấn chiếm hành lang lộ giới, lấn chiếm lòng lề đường. Bởi, chỉ một sơ suất nhỏ, hậu quả để lại vô cùng lớn.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn