Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Người trẻ thích nhảy việc: Đừng để mất định hướng tương lai

Thái Sơn: Thứ hai 24/10/2022, 19:45 (GMT+7)

Tự tin ở khả năng của bản thân, cảm thấy mức lương không tương xứng, môi trường làm việc không phù hợp hay tâm lý ‘đứng núi này trông núi nọ’… là những lý do khiến không ít thanh niên trẻ hiện nay chỉ làm việc một năm, thậm chí vài tháng ở một công ty rồi quyết định chuyển qua nơi khác.

Tình trạng này đẩy doanh nghiệp tuyển dụng rơi vào cảnh ‘khóc dở mếu dở’ vì vừa lỡ kế hoạch nhân sự, vừa mất chi phí đào tạo.

Trong khi đó, ‘nhảy việc’ quá nhiều cũng khiến không ít người trẻ cảm thấy mất phương hướng, một số vỡ mộng vì không tìm được nơi nào ‘việc nhẹ, lương cao’, mất thời gian mà không học hỏi, tích lũy được kinh nghiệm. 

 Ảnh minh họa: Shutterstock

 Ảnh minh họa: Shutterstock

Dù mới tốt nghiệp kỹ sư xây dựng dân dụng được gần 5 năm, nhưng tính đến nay Nguyễn Văn Tiến, 27 tuổi, đã thay đổi tới 8 nơi làm việc.

Tiến cho biết, ngày mới ra trường, nhận được thông báo tuyển dụng của một công ty xây dựng ở miền Trung có chế độ đãi ngộ tốt, mức lương, thưởng cao, cậu và một bạn cùng lớp khấp khởi vào Huế làm việc. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm cả hai phải quay ngược ra Bắc vì công việc vất vả và ‘không hợp thủy thổ’.

Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: “Đợt đấy kiếm cũng khá nhưng thời tiết trong đấy nắng gió bọn em không quen. Với cả, thanh niên xa nhà tiền kiếm được bao nhiêu cũng tiêu pha hết, chẳng tích lũy được gì, nên làm hơn 1 năm thì bọn em quyết định xin nghỉ công ty đấy”.

Ra Bắc, Tiến lần lượt xin vào 7 công ty khác nhau, từ ngồi văn phòng tới ra giám sát ngoài công trường, nhưng không nơi nào làm lâu quá 1 năm.

Tiến cho biết, có nhiều lý do khiến cậu ‘nhảy việc’ liên tục như vậy, thậm chí có chỗ chỉ sau hơn 2 tháng thử việc: “Mấy công ty trước em làm có chỗ cũng nhàn, chỉ ngồi văn phòng thôi thỉnh thoảng mới phải chạy ra ngoài nhưng lương hơi thấp với không phát triển được. Có chỗ lương thì được nhưng vất vả làm cả tuần không được nghỉ, nên mình cảm thấy công ty trả không xứng với công sức mình bỏ ra”.

Tương tự như Nguyễn Văn Tiến, Phạm Thùy Dung, tốt nghiệp cử nhân kinh tế được 4 năm nhưng bản CV đã dày kín những nơi từng làm việc. Tính thời gian trung bình, cô chỉ làm 6 tháng ở mỗi công ty.

Thùy Dung cho biết: “Tính từ ngày ra trường đến giờ em phải chuyển đến 7-8 công ty rồi, chỗ lâu nhất cũng được hơn 1 năm, chỗ ít nhất thì chưa được 1 tháng. Tính em thích bay nhảy, không quen làm lâu ở đâu. Với cả thấy chỗ nào tốt, lương thưởng cao, môi trường phù hợp, phát triển được thì mình chuyển thôi. Theo em thời buổi này không nhất thiết phải gắn bó quá lâu ở một chỗ”.

Theo các chuyên gia, tác động của đại dịch COVID-19 và sự thay đổi xu hướng làm việc đang khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ luôn sẵn sàng trong tư thế ‘nhảy việc’.

Khác với trước đây, không ít thanh niên ‘thế hệ Z’ cho biết, họ sẵn sàng thay đổi chỗ làm để tìm kiếm cơ hội tốt hơn thay vì lựa chọn một công việc đòi hỏi sự cống hiến lâu dài. Một số nghĩ ngay đến chuyện nhảy việc nếu không nhận được mức lương mong muốn, cảm thấy văn hóa công ty không phù hợp hay thậm chí chỉ vì vài lần bị sếp khiển trách. Tình trạng này khiến không ít doanh nghiệp tuyển dụng rơi vào thế khó vì vừa lỡ kế hoạch nhân sự, vừa mất chi phí đào tạo.

Ông Đào Đức Hải, Phó Giám đốc Xí nghiệp Tư vấn thiết kế cơ điện 1, Công ty Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam CDC cho biết: “Nhân viên mới vào đương nhiên phải đào tạo thì họ mới làm được việc, như các doanh nghiệp có hệ thống hồ sơ chất lượng ISO, thì mình phải đào tạo họ về ISO, đào tạo về chuyên môn thì mới làm việc được. Họ mà nghỉ thì đương nhiên là mình sẽ mất công đào tạo đấy.

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang gặp tình trạng này. Ví dụ như mình tìm được một ứng viên tốt, có năng lực thì doanh nghiệp sẽ có kế hoạch định hướng phát triển. Nhưng được một thời gian mà họ xin nghỉ thì sẽ làm cho định hướng của mình phải điều chỉnh”.

Nhảy việc quá nhiều có thể khiến nhiều người rơi vào trạng thái mất phương hướng - Ảnh minh họa

Nhảy việc quá nhiều có thể khiến nhiều người rơi vào trạng thái mất phương hướng - Ảnh minh họa

Chia sẻ quan điểm trên, bà Khương Thị Oanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Kota cho rằng, không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch nhân sự của doanh nghiệp, những người nhảy việc thường xuyên khi đến ứng cử ở doanh nghiệp khác có thể gây e ngại trong mắt nhà tuyển dụng, bởi không đơn vị nào muốn mất thời gian, công sức đào tạo cho cá nhân chỉ làm vài tháng hoặc một năm rồi xin nghỉ.

“Khi bắt đầu tuyển dụng mà nhìn thấy một CV trải qua rất nhiều nơi làm việc thì ấn tượng đầu tiên của tôi là rất ái ngại. Bởi vì nếu trong một thời gian ngắn mà các bạn đã trải qua rất nhiều nơi làm việc như thế thì liệu khi vào công ty của tôi có thể gắn bó lâu dài với chúng tôi hay không. Đó là điều chúng tôi phải suy nghĩ. Cho dù bạn có thực sự phù hợp với vị trí mà chúng tôi đang cần thì chúng tôi cũng phải cân nhắc. Bởi nếu trong trường hợp cũng làm một thời gian ngắn sau đó bạn lại muốn chuyển một công việc khác thì sẽ rất khó khăn, mất công của doanh nghiệp”.

Theo bà Oanh, mỗi công việc đều đòi hỏi quá trình tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm, nhảy việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến kiến thức chuyên sâu của người lao động, trong khi đó, đối với nhà tuyển dụng đây có thể là tín hiệu tiêu cực.

“Cái gì cũng cần có sự rèn rũa bền bỉ và nếu như bạn muốn nhận được thành quả tốt thì buộc phải đầu tư thời gian, công sức cho công việc đấy. Nếu nhảy việc thường xuyên thì sau một thời gian nhìn lại hầu như bạn không có cái gì trong tay cả. Có thể nói đến cái gì bạn cũng biết, nhưng không phải là kiến thức chuyên sâu về công việc”.

Còn nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Thị Huyền, điều phối viên quốc gia, Văn phòng Tổ chức lao động Quốc tế tại Việt Nam nhận định:

“Nhảy việc nhiều cũng có một số cơ hội ví dụ như có thể thử thách được bản thân mình ở các trải nghiệm nghề nghiệp, môi trường nghề nghiệp khác nhau. Nhưng mà mặt trái của nó là có thể chưa trải nghiệm sâu, học hỏi sâu 1 cái gì thì đã nghỉ việc nên kinh nghiệm chưa sâu, nên là thách thức để các bạn trẻ xây dựng cho mình 1 con đường phát triển nghề nghiệp.

Người ta thường ví phát triển nghề nghiệp nên là hình chữ T ngược, phần nền có thể rộng, nhưng sau khi đi theo chiều rộng phải đi về chiều sâu. Thế thì việc nhảy việc nhiều chỉ có thể là chiều rộng, ở lại 1 vị trí đủ lâu mới có thể có chiều sâu. Nêu kết hợp cả 2 mới là nhân tố tốt nhất cho phát triển nghề nghiệp, vừa có chiều rộng và có chiều sâu”.

 “Đừng để mất định hướng tương lai”

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đa dạng, hiện tượng nhảy việc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng đối với các thanh niên trẻ, đặc biệt là thế hệ Z (những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012), quá trình này diễn ra chóng vánh và mơ hồ hơn. Trào lưu đi làm ‘thích thì nghỉ’ cũng diễn ra phổ biến hơn.

Dù vậy, nhảy việc quá nhiều, thậm chí theo cảm xúc nhất thời, khiến nhiều người rơi vào trạng thái mất phương hướng, một số trở nên hoài nghi về khả năng của bản thân và bế tắc với vòng luẩn định hướng tương lai.

Sau gần 5 năm ra trường, Nguyễn Văn Tiến, một kỹ sư xây dựng cho tôi biết, dù đang làm ở một doanh nghiệp nhà nước nhưng trong ngăn bàn cậu lúc nào cũng sẵn 2 bộ hồ sơ xin việc, để ‘không bị lỡ cơ hội khi cần’.

Tiến chia sẻ, nhiều lúc cũng ‘oải’ vì có thể sẽ phải bắt đầu lại từ đầu nếu chuyển công ty, sang chỗ khác vẫn là ‘lính mới’, phải thử việc như sinh viên mới ra trường, nhưng cậu vẫn đang cố ‘săn’ một công việc phù hợp hơn.

Thực tế, trường hợp của Tiến không phải cá biệt, thậm chí có không ít thanh niên mới đi làm được 2 năm nhưng đã chuyển đến 6-7 chỗ làm khác nhau và nhiều người trẻ hiện nay quan niệm nhảy việc không phải là vấn đề gì quá to tát.

Nhảy việc chưa hẳn là không tốt, nếu bạn dành đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo, hiểu bản thân đang thiếu và cần trau dồi thêm những kinh nghiệm gì - Ảnh minh họa

Nhảy việc chưa hẳn là không tốt, nếu bạn dành đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo, hiểu bản thân đang thiếu và cần trau dồi thêm những kinh nghiệm gì - Ảnh minh họa

Có thể thấy, 2 năm qua đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến thị trường lao động, thay đổi xu hướng việc làm khiến tình trạng nhảy việc diễn ra phổ biến hơn.

Nhảy việc chưa hẳn là không tốt, nếu bạn dành đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo, hiểu bản thân đang thiếu và cần trau dồi thêm những kinh nghiệm gì.

Trong một số trường hợp nhảy việc còn thể hiện tính năng động của người trẻ, dám bứt ra khỏi ‘vùng an toàn’ để tìm kiếm cơ hội, thách thức mới, thực hiện ước muốn, đam mê. Tuy nhiên, hiện nay không ít thanh niên chọn cách nhảy việc chỉ vì ‘một phút bốc đồng’, muốn đốt cháy giai đoạn, khi công việc hiện tại gặp áp lực và không xác định được mục tiêu dài hạn của bản thân.

Tương lai là điều khó đoán định. Một người nhất thời nhảy việc, ‘đứng núi này trông núi nọ’, khó có thể biết được công việc mới có thú vị, hấp dẫn như kỳ vọng hay không, hay sau một thời gian sẽ trở thành nhàm chán với áp lực không hề thay đổi.

Có ý kiến cho rằng thế hệ Z hiện nay bước vào đời với quá nhiều cơ hội việc làm, được tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến hơn thế hệ trước, đặc biệt là ngoại ngữ, tin học. Do vậy họ cũng sáng tạo, tự tin hơn, vì thế cái tôi cá nhân cũng cao hơn.

Nhưng tôi cho rằng, nhiều người trẻ còn hiểu chưa sâu về thế giới nghề nghiệp, chưa vấp váp, cũng như chưa hiểu chính bản thân mình. Có câu ‘bông lúa chín là bông lúa cúi đầu’, đến lúc nội tâm đủ mạnh, kiến thức đủ sâu, kinh nghiệm đủ dày; tôi tin khi đó, dù nhảy việc thì đó cũng là bước đi chắc chắn hướng tới tương lai của các bạn trẻ.

Xây dựng giá trị nghề nghiệp đòi hỏi thời gian và cả tính kiên trì. Trong quá trình đó, hãy đặt ra một lộ trình để tự khám phá bản thân, biết điểm mạnh của mình ở đâu, biết bản thân muốn làm công việc gì. Và Lựa chọn nhảy việc có giúp đạt được điều bạn muốn hay không? 

Thái Sơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

"Quyền giám sát các lực lượng thực thi pháp luật là quyền của người dân. Việc giám sát theo kế hoạch chuyên ngành là câu chuyện giám sát trong các báo cáo. Còn trong hoạt động thường ngày, với mỗi sự kiện chúng ta đều có thể giám sát theo quy định".

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Trong khi lộ trình tuyến cố định được giao cho Sở GTVT hai đầu tuyến chấp thuận, trên cơ sở khảo sát, đề xuất của doanh nghiệp vận tải, thì việc thay đổi lộ trình tuyến lại phải chờ quyết định của Bộ GTVT, khiến hiệu quả khai thác bị ảnh hưởng.

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Tối 12/4, nhiều tài xế phản ánh đến đường dây nóng của VOV Giao thông về việc một số nút giao lớn trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tối om, khiến tầm nhìn bị sụt giảm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia lưu thông trên tuyến này.

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Với người Việt, việc ăn thịt chó mèo hay nuôi chó mèo để giết thịt là chuyện hết sức bình thường từ xưa tới nay, và có thể nói rằng với lịch sử ẩm thực của người Việt, thịt chó mèo như một phần nét văn hóa ẩm thực… Nhưng rồi thói quen nào cũng sẽ thay đổi cùng với thời gian và nhận thức.

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Những đôi quang gánh tô điểm cho cái hồn phố thị, thu hút sự chú ý của khách du lịch bao năm qua. Không thể đếm nỗi những vất vả, những câu chuyện đằng sau đôi quang gánh của các bà các chị trên khắp các con phố Hà Nội.

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Sau khi được lắp đặt lại, hàng trăm tấm loạt tấm đan bê tông mương thoát nước trên tuyến QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua TP. Thủ Đức (TP.HCM) lại tiếp tục bị phá hoại, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan đô thị.

Nét đặc trưng trong trang phục nông dân Nam Bộ

Nét đặc trưng trong trang phục nông dân Nam Bộ

Nhắc đến người nông dân Nam Bộ xưa, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bà con chân chất, thật thà với bộ bà ba và chiếc khăn rằn. Bộ trang phục ấy đã trở thành hình ảnh “đóng đinh” với nét đẹp duyên dáng, mộc mạc như chính con người nơi đây.